SỰ HIỆN DIỆN TRỌN VẸN CỦA TÁNH GIÁC - KARMA CHAGMÉ - MỘT CON ĐƯỜNG THÊNH THANG TỚI TỰ DO

SỰ HIỆN DIỆN TRỌN VẸN CỦA TÁNH GIÁC

KARMA CHAGMÉ - MỘT CON ĐƯỜNG THÊNH THANG TỚI TỰ DO

Hoàng Lan chuyển ngữ sang tiếng Việt từ bản tiếng Anh.

-------o0o-------

Mỗi tư tưởng có bản tánh tự chiếu sáng hay tự tỏa sáng. Sự tự chiếu sáng này là sẵn có trong bản tánh của chính tư tưởng. Nó không phải là cái gì đó được thêm vào tư tưởng ấy. Tại điểm này, trí huệ bổn nguyên thật sự hiển bày. Bạn phải tinh tấn từ từ trong sự thực hành, không mong cầu những kết quả nhanh chóng.
SỰ HIỆN DIỆN TRỌN VẸN CỦA TÁNH GIÁC - KARMA CHAGMÉ - MỘT CON ĐƯỜNG THÊNH THANG TỚI TỰ DO

Siddha Orgyen nói: (1) Hãy nghỉ ngơi trong tánh tươi mới không tạo dựng. (2) Hãy buông bỏ những tư tưởng và ký ức. (3) Hãy chuyển hoá sự đa dạng thành một sự hỗ trợ. (4) Hãy thực hành bỏ mặc những hiện tướng. 

(1) Hãy nghỉ ngơi trong tánh tươi mới không tạo dựng: hãy thư giãn, như là một vị Bà la môn quay sợi. Hãy thả lỏng, như là một bó rơm mà dây cột đã được cắt bỏ. Hãy nhẹ nhàng, giống như là bước đi trên một tấm thảm mềm mại. Nếu không, con sẽ sập bẫy chính mình như thể con bị vướng vào lưới nhện. Thậm chí nếu con giữ chặt toàn thân và tâm như là một người tiều phu đang bám trên một tảng đá, tâm con sẽ không muốn ở yên. Trong một trạng thái không có đối tượng thiền định và người hành thiền, hãy đặt một trạm gác một cách đơn giản bằng việc thu nhiếp tâm không xao lãng, sau đó, một cách đều đặn, hãy để nó là. Do đó, tánh giác quay trở về với nơi nghỉ ngơi của chính nó, giống như là một con lạc đà mẹ xa con nhỏ của mình.

Do đó, điểm quan trọng của duy trì sự tập trung là biết cách thư giãn trong trạng thái không xao lãng, không thiền định. Điều này rất sâu sắc. Một lần nữa, có ý kiến cho rằng: thức được thư giãn không phải là chuyện dễ dàng.       

- Những người Bà La Môn quay sợi một cách khéo léo, mà không gấp gáp cố gắng để hoàn thành công việc của họ. Thực tế là, họ làm như thể họ không quan tâm đến chuyện hoàn thành. Họ chỉ làm công việc một cách có phương pháp, và nhẹ nhàng, nhưng đều đặn mà không quá căng thẳng cũng không quá thoải mái. Vì vậy, hãy thư giãn giống như một người Bà La Môn quay sợi.

Có thể bạn đã đi du lịch đến châu Á và nhìn thấy những người nông dân mang những bó rơm cực lớn trên lưng của họ. Khi họ đến nơi, có người cắt dây cột bó rơm và rơm rơi thành một đống mềm xốp trên mặt đất. Chỉ như vậy, hãy để cho tính giác của bạn giống như một bó rơm đã nằm trên mặt đất.

Những người tiều phu ở châu Á không thể tìm thấy cây gỗ trong những thung lũng, họ tìm gỗ trên các vách đá. Một tay bám vào vách đá để giữ mạng sống, tay kia cưa gỗ. Nếu bạn giữ tâm chặt như vậy, nó sẽ không được yên.

Một con lạc đà mẹ, đã bị tách khỏi con mình, quay trở lại cho tới khi nó tìm thấy con. Tương tự như vậy, thậm chí nếu tánh giác trở nên bị cuốn vào trong những tư tưởng, nó sẽ quay trở về với nơi nó nghỉ ngơi. - 

(2) Hãy buông bỏ những tư tưởng và ký ức: tâm này, một cách bổn nguyên, từ tận gốc rễ, hiện hữu như là Pháp thân. Những hình tướng của sáu thức sanh khởi như là những ký ức và tư tưởng khác nhau, và tâm chạy theo từng đối tượng ấy. Một khi trong dòng tâm của con sanh khởi kinh nghiệm của tất cả chúng nhận biết bản tánh của chúng trong trạng thái của chính chúng, tinh tuý của Đại Ấn được nhận biết. Trong chứng ngộ như vậy, không có sự xua đuổi những thứ xấu xa không phải là thiền định, và không có gì để xác nhận. Bất kỳ tư tưởng nào sanh khởi, đừng bị xao lãng khỏi chúng, mà hãy thực hành như là một dòng chảy.

- Những trí nhớ, tư tưởng, ảo mộng chỉ đơn giản là giống như những sự hình thành của những đám mây sanh khởi trên bầu trời và sau đó, tan biến. Để nhận biết bản tánh thật sự của chúng, đừng liên hệ với những cảm xúc của bạn, mà hãy nhận biết bản tánh trống không của những tư tưởng này trong trạng thái của chúng. Bằng cách làm như vậy, bạn thấy tinh tuý của Đại Ấn. Do đó, bất cứ điều gì khởi lên không nên được xem là không phù hợp với thiền định của bạn, và do đó, bạn không cần phải chối bỏ nó. - 

(3) Hãy chuyển hoá sự đa dạng thành một sự hỗ trợ: khi bất cứ hiện tướng gì thuộc về tám mối bận tâm của thế gian sanh khởi, đừng xem chúng như là vấn đề, mà hãy xem chúng như là những sự hỗ trợ. Nếu con biết điểm này, không cần phải tìm kiếm vô niệm, và không cần phải xem những tư tưởng như là một vấn đề. tánh giác của con được duy trì một cách bao la, không khởi đầu bằng sự đói khát những thực hành tâm linh. Do đó, đừng tìm kiếm tâm tĩnh lặng, tánh sáng tỏ, hoặc niềm vui, hãy thực hành mà không chối bỏ, không thừa nhận bất cứ điều gì xuất hiện. Thức bình thường như thế là không có sự tạo tác hoặc tạo dựng. Chính tánh tự sáng tỏ này là sự gặp gỡ với tất cả các hiện tượng.

(4) Hãy thực hành bỏ mặc những hiện tướng: tất cả những ký ức và tư tưởng, tất cả những hiện tướng và tất cả những kinh nghiệm của những hành động đều sanh khởi trong bản tánh của Đại Ấn. Cũng y như là không có hòn đá bình thường nào được tìm thấy ở trên đảo châu báu, những hiện tượng khác nhau của sanh tử và niết bàn một cách tự nhiên, không mất sự tươi mới của chúng; diện mạo của chúng không thay đổi; và chúng sanh khởi như là trí huệ bổn nguyên, không sanh, tự hình thành, trong bản tánh của Đại Ấn bổn nguyên, không tạo thành, không tạo tác.

- Nếu bạn xem những hiện tướng của những tám mối bận tâm thế gian như là những sự hỗ trợ, không cần phải cố gắng an định tâm hay loại trừ những tư tưởng.

Nếu bạn đến một hòn đảo được làm hoàn toàn bằng vàng, không có thậm chí một viên đá bình thường nào có thể được tìm thấy ở đấy. Tương tự như vậy, khi bạn đến cấp độ này của thực hành Đại Ấn chân thật, tất cả tư tưởng sanh khởi như là những sự hỗ trợ. Không có gì là tầm thường. Theo cách này, những hiện tướng khác nhau của sanh tử và niết bàn, một cách tự nhiên, không đánh mất sự tươi mới của chúng. 

Khi bạn đạt tới trạng thái chân thật của Đại Ấn, không có những hiện tướng để bám chấp. Thậm chí nếu bạn tìm kiếm chúng, chúng không thể được tìm thấy. Điều này được gọi là trí huệ bổn nguyên. Kết quả của sự thực hành này là sự hiện diện trọn vẹn của tánh giác. Thiền định, thiền quán, nhận diện bản tánh của tâm và những thực hành thay thế khác, tất cả đều dẫn tới và thành tựu trong sự hiện diện trọn vẹn của tánh giác. Tại điểm này, không có bám chấp vào một hiện tướng như là “cái này" hoặc “cái kia" hoặc như là “tốt" hay “xấu". Chúng hiện diện, nhưng không có bất kỳ bám chấp nào và tánh giác là hoàn toàn hiện diện. 

Đây là một sự giải thích chi tiết hơn về những giai đoạn của sự thực hành: đầu tiên là nhận diện tư tưởng khi chúng sanh khởi. Một tư tưởng khởi lên, và bạn nhận biết nó. Một tư tưởng khác khởi lên và bạn nhận biết nó. Sau đó, dựa vào việc nhận biết sự khởi tưởng, hãy thâm nhập sâu hơn để chứng ngộ bản tánh trống không của nó. Sau đó, bằng chính sự nhận biết về bản tánh trống không của những tư tưởng, chúng tự nhiên tan biến theo cách của chúng. Trong cấp độ tiếp theo, sự khởi tưởng lại tiếp tục sanh khởi, bất kể những tư tưởng là xấu hay tốt, chúng được xem như là một sự hỗ trợ cho sự thực hành của bạn. Mỗi tư tưởng có bản tánh tự chiếu sáng hay tự tỏa sáng. Sự tự chiếu sáng này là sẵn có trong bản tánh của chính tư tưởng. Nó không phải là cái gì đó được thêm vào tư tưởng ấy. Tại điểm này, trí huệ bổn nguyên thật sự hiển bày. Bạn phải tinh tấn từ từ trong sự thực hành, không mong cầu những kết quả nhanh chóng. Mặt khác, có những người bước ngay lập tức vào giai đoạn quả, nhưng họ là rất hiếm. 

Bạn có thể thấy trong thiền định trường hợp: khi những tư tưởng không sanh khởi, bạn có thể duy trì chánh niệm liên tục, nhưng khi chúng sanh khởi, bạn bị xao lãng và mất chánh niệm. Trong trường hợp này, rất khó để chỉ đơn giản quán sát những tư tưởng mà không có ngăn trở chánh niệm. Vấn đề là bạn vẫn còn bám chấp vào những tư tưởng. Khi bạn mới hành thiền, bạn có thể có định kiến là những tư tưởng sẽ hữu ích hoặc chúng sẽ là những trở ngại. Cả hai định kiến này đều có bám chấp trong đó. Bạn có thể xử lý điều này như thế nào? Hãy chỉ tập trung tỉnh giác của bạn vào bản tánh của những tư tưởng ngay khi chúng sanh khởi. Đây là một công việc khó khăn và tinh tế nhưng có thể làm được. Ngay khi một suy nghĩ sanh khởi, hãy nhìn vào bản tánh của nó. Bằng việc làm như vậy, bạn sẽ không bị chúng lôi đi. Cách tiếp cận này đối trị lại bám chấp. Sau đó, bạn sẽ không xem những tư tưởng như là những khuyết điểm trong thiền định của bạn, bạn cũng sẽ không mong đợi một trạng thái thiền định trong tương lai mà ở đó, những tư tưởng không còn sanh khởi. Khi bạn đạt tới trạng thái mà trong đó, những tư tưởng không còn sanh khởi, bạn sẽ giống như chết. Bên cạnh đó, bạn thật sự cần những tư tưởng bởi vì nhờ có những quán sát xuyên suốt và cái thấy thấu suốt vào bản tánh của những tư tưởng mà bạn từ từ nhận biết chúng như là những hiện tướng của trí huệ bổn nguyên. –

-------o0o-------

Trích:Một Con Đường Thênh Thang Tới Tự Do - Những Hướng Dẫn Thực Hành Về Sự Hợp Nhất Của Đại Ấn Và Đại Toàn Thiện.

Tác giả: Karma Chagmé Với bình giảng của Gyatrul Rinpoche B. Alan Wallace chuyển ngữ sang tiếng Anh. 

Hoàng Lan chuyển ngữ sang tiếng Việt từ bản tiếng Anh.

Nhà Xuất Bản: Thiện Tri Thức - Ảnh: nguồn internet

 

Bài viết liên quan