MỘT DẪN NHẬP NHỮNG THÍ DỤ VÀ Ý NGHĨA CỦA CHÚNG - KARMA CHAGMÉ

MỘT DẪN NHẬP NHỮNG THÍ DỤ VÀ Ý NGHĨA CỦA CHÚNG

KARMA CHAGMÉ

---o0o---

Kính lễ đức Quán Thế Âm ! Đây là những giáo huấn thực hành sâu xa của Quán Thế Âm. Đây là một dẫn nhập những thí dụ phối kết với những ý nghĩa của chúng với mục đích nhận diện tự tâm của bạn chính là Pháp thân.
MỘT DẪN NHẬP NHỮNG THÍ DỤ VÀ Ý NGHĨA CỦA CHÚNG - KARMA CHAGMÉ

Kính lễ đức Quán Thế Âm !

Đây là những giáo huấn thực hành sâu xa của Quán Thế Âm. Đây là một dẫn nhập những thí dụ phối kết với những ý nghĩa của chúng với mục đích nhận diện tự tâm của bạn chính là Pháp thân.

Khi ban cho những quán đảnh truyền pháp và những giáo lý trọn bộ và phối hợp về tất cả những bổn tôn an bình và hung nộ, Orgyan Rinpoche dạy như sau : Có nói rằng ngày xưa ở Go Phodrang Pharley trong xứ sở Ấn Độ, trung tâm vùng Orgyan có một kiến trúc xây bằng chất liệu quý, với năm cửa và sự giàu có vô cùng, một lâu đài Vua Akasagarbha ở đó. Với 84.000 ngàn quận, ông cai trị nhiều thần dân. Hoàng hậu của ông tên là Vimalaprabhinimanojna và con trai là Hoàng tử Kirana, chưa lớn mạnh và còn nhỏ dại. Thừa tướng thông thái của vua tên là Suryanasim. Tóm lại, ông có một tùy tùng, cõi giới, thần dân và thịnh vượng rực rỡ.

Một lần gần cung điện của Vua có một lễ hội lớn ở giữa chợ, và Hoàng tử Kirana cùng với đoàn tùy tùng đến xem. Hoàng tử đến xem những quang cảnh khác nhau do một nhà ảo thuật biểu diễn, và anh bị chúng lôi cuốn. Sau khi tách rời khỏi đoàn, anh lầm mất đường về cung điện và lạc đường. Hoàng tử đi bộ lang thang trong những vùng đất có nhiều dòng họ và trở thành một kẻ nay đây mai đó. Anh quên mất quê nhà và lang thang hết đô thị này sang đô thị khác, làm người ăn xin rách rưới. Sống với những người bị bỏ rơi, anh không tìm ra chỗ nào để ngủ trừ nơi ngưỡng cửa, và anh khốn khổ hết sức.

Nhiều năm tháng trôi qua, và vương quốc, đã mất hoàng tử nối ngôi, đang trên đà suy sụp. Người ta e rằng dòng Vua Akasagarbha phải chấm dứt. Lúc đó, hoàng tử trẻ ăn xin lang thang khắp nơi trong những thành phố, một hôm đến trước cửa nhà của thừa tướng thông thái Suryanasim. Thừa tướng nhận ra anh ta là hoàng tử, kêu lên, “Ôi, hoàng tử của chúng ta bấy lâu đã mất tích nay đã trở về ! Ngài không cần đi xin. Hãy đến cung điện !” và ông bắt đầu dẫn anh ta đến đó.

Hoàng tử ăn xin vội đáp, “Tôi không phải là hoàng tử. Khi lục soát hết trí nhớ, tôi biết tôi chỉ là một kẻ cầu bơ cầu bất. Ngài đem tôi đến cung điện, nhưng tôi không xứng làm vua. Thế nên tôi sẽ không đi.” Thừa tướng trả lời, “Khi còn là một hoàng tử trẻ, nhỏ dại, ngài đã đến xem diễn ảo thuật nơi chợ. Bị thu hút bởi quang cảnh, ngài đã bỏ khuôn viên cung điện và đi lang thang. Bây giờ, dù ngài có sống như một người lêu lổng, ngài cũng thật là hoàng tử. Thế nên ngài sẽ được trao ngai vàng. Nếu ngài cứ cố chấp với những nghi ngờ của ngài về việc ngài là hoàng tử, vậy tôi hỏi ngài : Nguyên quán ngài là gì ? Cung điện là gì ? Thành phố là gì ? Gia đình ngài là gì ? Giai cấp ngài là gì ? Cha ngài là ai ? Mẹ ngài là ai ? Những người đồng hành của ngài là ai ? Công việc bận rộn của ngài là gì ?”

Người ăn xin không nói được gì, và anh choáng váng. Anh nài nỉ, “Tốt lắm, thế thì hãy nói cho tôi chi tiết về mọi chuyện ấy và chứng thực chúng cho tôi.”

Thừa tướng nói cho tên của những sự việc ấy và chỉ ra quê quán của anh ; và ông cũng nói cho anh mọi sự về quận, lâu đài, thành phố, nhà, chỗ ngủ, gia đình và cha mẹ của anh. Bấy giờ người Bà la môn thông thái tắm cho hoàng tử, mặc áo quần cho, và đưa hoàng tử lên ngai, an lập hoàng tử trong cung điện. Ở đó hoàng tử được đội vương miện, mặc áo vua. Ngay lúc đó anh được giao tài sản của vua, một lễ đăng quang được thiết lập, và anh được giao cho vương quốc và cung điện. Anh trở thành giống như vua cha. Trong một khoảnh khắc, dù anh không chối bỏ mình là một kẻ ăn xin, anh không sống theo cách một người ăn xin nữa. Sự cùng khổ của một người lang thang lưu lạc tự biến mất, và vương quốc và mọi thần dân không trừ một ai đều ở dưới sự cai trị của anh. Và họ sống trong đại hoan hỷ và hạnh phúc.

Đây là một giải thích ngắn ý nghĩa của thí dụ này : 

“Ngày xưa ở Go Phodrang Phardey trong xứ sở Ấn Độ” : Có giác ngộ nhưng không chứng ngộ, bèn có vòng sanh tử. Cái đó (giác ngộ) có từ trước mà không ai biết nó.

“trong trung tâm vùng Orgyan” nghĩa là không có kích cỡ và chiều hướng. 

“có một kiến trúc xây bằng chất liệu quý” ám chỉ tinh túy trống không của mọi sự.

“với năm cửa” : sự rỗng rang vô ngại.

“và sự giàu có vô cùng” : không giảm bởi những lỗi lầm và không tăng bởi những phẩm tính tuyệt hảo.

“một lâu đài” : tinh túy có ở khắp của nền tảng.

“Vua Akasagarbha”: không rơi vào những cực đoan sanh tử hay niết bàn. (Akasagarhbha nghĩa là Hư Không Tạng.)

“Với 84.000 quận” : làm chủ tất cả mọi chứng ngộ, và làm chủ 84.000 pháp môn.

“ông cai trị nhiều thần dân” : không bị thương tổn bởi mọi phiền não.

“Hoàng hậu của ông tên là Vimalaprabhinimanoja” : ở cùng với những xuất hiện của những trò phô diễn của quang minh của chính bạn.

“và con trai là Hoàng tử Kirana”: không chứng ngộ cũng không mê mờ bởi những diễn xuất sanh khởi trong khoảnh khắc của năng lực sáng tạo (của tánh giác) của chính bạn.

“chưa lớn mạnh” : chứng ngộ chưa biểu lộ.

“và còn nhỏ dại” : tự phát và không thể diễn tả.

“Thừa tướng thông thái của vua”: Đây là người hướng dẫn tâm linh mà sự chứng ngộ đã biểu lộ bên trong.

“tên là Suryanasim” : biết làm thế nào để biểu lộ từ lòng bi. 

“Tóm lại, ông có một tùy tùng, cõi giới, thần dân và thịnh vượng rực rỡ” : Sự phát lộ của sự toàn thiện đầy dẫy của tất cả những hiện tượng của vòng sanh tử cũng như của giải thoát từ pháp giới của nền tảng toàn thể.

“Một lần” : khi có một sự thu hút đến mê lầm.

“gần cung điện của Vua”: sự gần gũi của nền tảng toàn thể đối với vòng sanh tử.

“ở giữa chợ” : địa điểm của phóng dật, tức là năm môi trường giác quan, chúng là những hình tướng xuất hiện của chính bạn.

“có một lễ hội lớn” : sự sanh khởi của những xuất hiện sáu môi trường của kinh nghiệm.

“Hoàng tử”: mê lầm thuộc ý niệm, nghĩa là, sự sanh khởi trong khoảnh khắc những phân tán thuộc ý niệm.

“Kirana” : những tư tưởng và phân tích vô số.

“cùng với đoàn tùy tùng đến xem”: cùng với sự khởi tưởng liên hệ đến năm giác quan.

“ảo” : sự sanh khởi của những xuất hiện khác nhau.

“những quang cảnh khác nhau do một nhà ảo thuật biểu diễn” : mọi loại xuất hiện của tự bạn và sự mê lầm.

“hoàng tử đến xem, và anh bị chúng lôi cuốn” : năng lực sáng tạo (của tánh giác) tự phát lộ nhờ năm giác quan sanh khởi trong khoảnh khắc.

“tách rời khỏi đoàn” : lang thang vào sáu môi trường kinh nghiệm.

“anh lầm mất đường về cung điện”: không xác định được nền tảng.

“lạc đường”: không tìm thấy con đường đến giác ngộ, vốn là địa điểm xuất hiện của trí huệ bổn nguyên, bạn đi vào khổ đau của hoạt động nghiệp do bám chấp những đối tượng nắm bắt cho là sự vật có thật.

“trong những vùng đất có nhiều dòng họ”: phân chia giữa vòng sanh tử và giải thoát.

“hoàng tử đi bộ lang thang” : bạn đi lòng vòng trong ba cõi và sáu loại chúng sanh, và những quả của mê lầm chín.

“trở thành một kẻ nay đây mai đó”: như một người lưu lạc, bạn không ở trong nền tảng, mà lòng vòng nơi những cổng thành của những tử cung của những xuất hiện dối gạt.

“Anh quên mất quê nhà” : quên nền tảng bản tánh của hiện hữu.

“lang thang hết đô thị này sang đô thị khác” : Trong ý niệm người ta trở nên mê lầm về những hoạt động và những tư tưởng xảy ra do năng lực khí năng động của nghiệp ; và bạn trở nên linh hoạt bởi sự bám chấp vào những đối tượng nắm bắt. Người ta kinh nghiệm những khổ đau cá nhân của sáu loại chúng sanh, và trở nên mê lầm giữa những tư tưởng phân tán và những khao khát.

“làm người ăn xin” : kinh nghiệm đủ loại khổ. 

“rách rưới” : đi vào, hay ở trong những bám luyến nhị nguyên và năm độc. 

“Sống với những người bị bỏ rơi”: sống với mê lầm do những xuất hiện lừa gạt của sáu loại đối tượng. 

“anh không tìm ra chỗ nào để ngủ trừ nơi ngưỡng của”: ngủ giữa năm độc và những xuất hiện bên ngoài do khuynh hướng thói quen.

“và khốn khổ hết sức” : lang thang trong vòng sanh tử để kinh nghiệm những hành động và những kết quả của chúng.

“Nhiều năm tháng trôi qua” : với sự tách lìa khỏi nền tảng toàn thể của đại an lạc, bạn phiền não bởi vô số khổ đau trong vô số kiếp.

“vương quốc, đã mất hoàng tử nối ngôi, đang trên đà suy sụp” : bạn lạc khỏi Phật tánh.

“Người ta e rằng dòng Vua Akasagarbha phải chấm dứt” : sợ rằng dòng cao cả của ‘ngữ của Phật hay dòng họ của Phật’ phải chấm dứt.

“Lúc đó, hoàng tử trẻ ăn xin” : kinh nghiệm những tư tưởng sanh khởi trong khoảnh khắc, nó chính là địa điểm của mê lầm.

“lang thang khắp nơi” : tiếp tục khổ đau của sáu loại hiện hữu chúng sanh.

“trong những thành phố” : đi đến mọi loại tái sanh thuận lợi và khổ đau.

“đến trước cửa nhà của thừa tướng thông thái Suryanasim” : cuối cùng bắt đầu tỉnh ra với những cuộc lang thang do nghiệp, và gặp gỡ một người hướng dẫn tâm linh có những giáo lý thực hành. 

“Thừa tướng”: người hướng dẫn tâm linh, chữa lành tâm mê lầm của học trò.

“nhận ra anh ta là” : nhận ra tự tâm chúng ta là Phật.

“hoàng tử” : tỉnh giác khoảnh khắc.

“kêu lên, ‘Ôi, hoàng tử của chúng ta bấy lâu đã mất tích nay đã trở về !’” : dù nền tảng toàn thể cho sự lang thang là Phật tánh, nó lang thang trong vòng sanh tử luân hồi.

“Ngài không cần đi xin”: chỉ ra rằng bạn không cần phải lang thang trong sanh tử.

‘‘ ‘Hãy đến cung điện !’ và ông bắt đầu dẫn anh ta đến đó”: dẫn dắt bạn bằng cách xác nhận môi trường của riêng bạn chính là một cõi Phật.

“Hoàng tử ăn xin vội đáp” : không tin vào chính bạn, bạn nghĩ, “Tôi không phải là một vị Phật.”

“Tôi không phải là hoàng tử” : bạn không có những quả của niềm vui.

“Khi lục soát hết trí nhớ, tôi biết tôi chỉ là một kẻ cầu bơ cầu bất”: đã quên cách thức căn bản của hiện hữu, bạn nhớ lại những khuynh hướng thói quen gắn liền với sanh tử, chúng chỉ làm cho bạn lang thang tiếp.

“Ngài đem tôi đến cung điện, nhưng tôi không xứng làm vua”: bạn nghĩ rằng tâm bạn không xứng là Phật. 

“thế nên tôi sẽ không đi” : tâm bạn không đi vào bản thân thực tại, mà vẫn ám ảnh với những cư xử thấp kém.

“Thừa tướng trả lời” : vị hướng dẫn tâm linh.

“Khi còn là một hoàng tử trẻ” : chỉ sự lang thang của nền tảng toàn thể, và sự sanh khởi trong khoảnh khắc của năng lực sáng tạo của đệ tử.

“nhỏ dại” : sự chứng ngộ chưa biểu lộ.

“ngài đã đến xem diễn ảo thuật nơi chợ” : không biết chính bạn, bạn cư xử theo những năng lực khí lừa gạt.

“Bị thu hút bởi quang cảnh” : bị thu hút vào những đối tượng của sáu trường kinh nghiệm.

“ngài đã bỏ khuôn viên cung điện và đi lang thang”: nền tảng mà lang thang trong vòng sanh tử là do bám níu vào những tư tưởng phân tán và vào tham luyến và sân hận.

“Bây giờ, dù ngài có sống như một người lêu lổng, ngài cũng thật là hoàng tử” : tinh túy của nền tảng toàn thể là Phật tánh.

“Thế nên ngài sẽ được trao ngai vàng” : bạn được đưa đến nền tảng.

“Nếu ngài cứ cố chấp với những nghi ngờ của ngài về việc ngài là hoàng tử” ; cứ nghĩ rằng tâm bạn không phải là Phật.

“Nguyên quán ngài là gì ?” : chỉ rằng bạn sanh ra mà không biết gì về nền tảng toàn thể, và rằng những tư tưởng phân tán là những sanh khởi trong khoảnh khắc. “Cung điện là gì ?” : trên nền tảng nào bạn đang hiện hữu ?

“Thành phố là gì ?” : địa điểm của những tư tưởng phân tán của bạn là gì ?

“Gia đình của ngài là gì ?” : đâu là chỗ ở của những tư tưởng sanh khởi trong khoảnh khắc được tạo ra của bạn?

“Giai cấp ngài là gì ?” : loại biến cố nào sanh khởi trong khoảnh khắc là những phân tán của tâm ? 

“Cha ngài là ai ?” : nguyên nhân.

“Mẹ ngài là ai ?” : điều kiện phụ thêm.

“Những người đồng hành của ngài là ai ?” : những biến cố đi kèm.

“Công việc bận rộn của ngài là gì ?” : xác quyết.

“Tôi hỏi” : tìm kiếm và thấy ra vị thầy, chủ nhân của các uẩn tâm sinh lý bằng cách tra hỏi về tác nhân của tánh khí, của những hy vọng và sợ hãi, và của chấp ngã.

“Người ăn xin không nói được gì” : ngay trên sự sụp đổ của những tư tưởng phân tán và những ám ảnh, có sự chứng ngộ tự thân thực tại căn bản, không do bất cứ bản chất gì thiết lập.

“anh choáng váng” : điều này nghĩa là bạn không biết làm sao nói ra lưu loát về nó.

“Tốt lắm, thế thì hãy nói cho tôi chi tiết về mọi chuyện ấy” : khi bạn tưởng tượng người hướng dẫn tâm  linh trên đỉnh đầu bạn, bạn cảm thấy có thể rằng bạn là một vị Phật. 

“chứng thực chúng cho tôi”: nghĩa là với sự tin cậy bạn xin người hướng dẫn tâm linh phát lộ những điều này.

“Thừa tướng” : một người hướng dẫn tâm linh có chứng ngộ đích thực.

“nói cho tên của những sự việc ấy” : đây là những giáo lý thực hành trình bày một thí dụ cùng với nghĩa của nó.

Cũng vậy, như hoàng tử không biết anh là một hoàng tử và trở thành một người ăn xin, bạn không nhận biết tự tâm bạn là pháp thân, và bạn lang thang trong vòng sanh tử. Như thừa tướng nhận biết hoàng tử và đem anh đến ngai vàng, người hướng dẫn tâm linh chứng nhận tự tâm bạn là pháp thân ; và ngay khi tự do khỏi khổ đau của vòng sanh tử, bạn thành tựu những phẩm tính tuyệt hảo của một vị Phật.

---o0o---
 

Trích: Tánh Giác Lộ Toàn Thân; 

Tác giả: Karma Chagmé, với bình giảng của Gyatrul Rinpoche;

NXB Thiện Tri Thức;

Ảnh: Nguồn Internet.

Bài viết liên quan