SỰ THẬT VỀ TUỔI GIÀ VÀ CÁI CHẾT ĐƯỢC TIẾT LỘ BỞI MỘT BÁC SĨ PHẪU THUẬT - TRÍCH “AI RỒI CŨNG CHẾT!” - ATUL GAWANDE

AI RỒI CŨNG CHẾT! - ATUL GAWANDE

SỰ THẬT VỀ TUỔI GIÀ VÀ CÁI CHẾT ĐƯỢC TIẾT LỘ BỞI MỘT BÁC SĨ PHẪU THUẬT

–––––o0o–––––

Sự phát triển của khoa học hiện đại đã và đang biến đổi đáng kể số phận con người. Con người ngày nay sống khỏe hơn và thọ hơn so với ông bà mình vào những thế kỷ trước. Nhưng đồng thời, khoa học tân tiến cũng đã và đang biến quá trình già và chết đi của con người thành những trải nghiệm y học mà ở đó, giới bác sĩ và chuyên gia y tế được trao toàn quyền quản lý và quyết định. Thật đáng tiếc là phần lớn các y bác sĩ cũng như giới y khoa nói chung chúng ta chưa thực sự được chuẩn bị đầy đủ cho sứ mệnh cao cả ấy.

Đó là một thực tế đang bị che giấu ẩn tàng một cách tàn nhẫn trong thời đại ngày nay, bởi lẽ những kỹ thuật chữa bệnh tân tiến đã và đang giúp giảm thiểu tỉ lệ tử vong đến mức khái niệm “những ngày cuối đời trên giường bệnh” ngày càng trở nên xa lạ hơn với hầu hết dân chúng. Cho đến năm 1945, phần lớn người dân qua đời ngay trong nhà mình. Đến những năm 1980, chỉ có 17 phần trăm dân chúng trút hơi thở cuối cùng của mình trong gia đình, chủ yếu là do chết đột ngột hoặc không kịp chuyển đến bệnh viện - với những nguyên nhân chẳng hạn như bất ngờ lên cơn đau tim, trụy tim, hoặc những chấn thương quá nghiêm trọng đến mức không thể di chuyển; hoặc do những người đó sống tách biệt với cộng đồng nên đến khi chết, không có ai biết để mà chạy đến đưa đi cấp cứu. Không chỉ ở Hoa Kỳ, mà ngay đến cả những quốc gia công nghiệp khác, hầu hết người dân trải qua tuổi già sức yếu và những ngày cuối đời của mình trong bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão.

Hồi tôi trở thành bác sĩ, tôi được chính thức bước qua phía bên kia cánh cổng bệnh viện chỉ để nhận ra rằng, mọi thứ trong đó đều quá mới mẻ với mình - kể cả khi tôi đã lớn lên với hai bác sĩ trong gia đình mình. Tôi chưa bao giờ phải nhìn thấy người ta chết ngay trước mặt mình, nên khi xảy ra, tôi đã rất sốc, không phải vì hình ảnh đó khiến tôi liên tưởng đến cái chết của chính mình hay đại loại như thế. Kỳ thực, tôi chưa bao giờ có ý niệm đó, kể cả khi tôi chứng kiến cái chết của những người trạc tuổi mình. Tôi thì mặc blouse trắng, còn họ phải mặc áo dành riêng cho bệnh nhân. Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ rằng mọi việc sẽ thế nào nếu tôi là người mặc bộ đồ đồng phục bệnh nhân kia. Tuy nhiên, tôi từng lo lắng, rằng sẽ thế nào nếu những bệnh nhân đó là gia đình tôi. Tôi đã từng phải chứng kiến người thân của mình - vợ tôi, bố mẹ tôi, và cả các con của tôi - trải qua những căn bệnh hiểm nghèo. Kể cả trong những hoàn cảnh thập tử nhất sinh nhất, y học vẫn đủ sức kéo họ vượt qua cơn nguy kịch và trở lại cuộc sống bình thường. Vì vậy, tôi bị sốc nặng khi phải nhìn thấy bệnh nhân của mình tử vong, khi y học đã không thể cứu sống họ như mình đã hy vọng. Hiển nhiên, về mặt lý thuyết, tôi thừa biết rằng những bệnh nhân đó đều có nguy cơ tử vong, nhưng cứ mỗi khi phải lặng nhìn một người trút hơi thở cuối cùng, tôi vẫn cảm thấy tim mình đau nhói, như thể cái luật chơi mà tôi vẫn hằng tin tưởng lại bị phá vỡ không thương tiếc. Mặc dù tôi không rõ trò chơi này là gì và kẻ được lợi là ai, nhưng tôi chỉ biết rằng, gã ta đã luôn chiến thắng.

Quá trình hấp hối và cái chết của con người là những điều mà các y tá và bác sĩ lính mới như chúng tôi phải thường xuyên đối mặt. Trong lần đầu tiên chứng kiến bệnh nhân qua đời, không ngạc nhiên khi nhiều người trong chúng tôi bật khóc, một số thì sững người không nói được nên lời, một số người khác thậm chí không dám nhìn. Trong vài lần chứng kiến người ta chết đầu tiên của mình, tôi cố gắng kìm nén thật mạnh cảm xúc bản thân để không bật khóc. Nhưng tối đến, tôi luôn nằm mơ thấy họ. Suốt khoảng thời gian đó, tôi thường xuyên có những cơn ác mộng mà trong đó, tôi nhìn thấy xác chết của những bệnh nhân đó ngay trong nhà mình - thậm chí là trên giường ngủ của mình.

“Làm thế nào mà người này lại xuất hiện ở đây?” tôi phát hoảng trong giấc mơ.

Tôi biết mình sẽ gặp rắc rối to, thậm chí là dính dáng đến pháp luật hình sự, nếu tôi không thể mang xác chết trở lại bệnh viện một cách bình an vô sự và không ai biết. Tôi cố gắng mang vác cái xác để bỏ vào cốp sau ô-tô, nhưng ông ta quá nặng. Cũng có những bữa tôi mơ thấy mình đã đặt được cái xác vào cốp, chỉ để nhìn thấy xác chết rỉ máu xối xả như suối - không chỉ là máu, mà còn là một thứ chất lỏng màu đen sền sệt như dầu hắc ín - cho đến khi toàn bộ cốp xe ngập máu. Cũng có khi tôi mơ thấy mình vận chuyển cái xác đến bệnh viện một cách thành công, đặt nó lên băng-ca rồi đẩy nó đi qua hết thảy mọi khu sảnh và lối đi của bệnh viện chỉ để tìm kiếm trong vô vọng căn phòng nơi cái xác thuộc về. “Này anh kia!” ai đó la lớn phía sau lưng tôi và đuổi theo tôi. Tôi sợ hãi tỉnh giấc chỉ để thấy vợ mình nằm bên cạnh, còn tôi thì thở hổn hển trong bộ dạng ướt đẫm mồ hôi và tối mắt tối mũi. Những khi đó, tôi có cảm giác như thể mình vừa hại chết những người đó. Tôi thấy mình như một kẻ bại trận đáng bị nguyền rủa.

Hiển nhiên, cái chết không phải là một sự thất bại. Cái chết là một hiện tượng bình thường và tất yếu. Nhiều người trong chúng ta có thể xem cái chết là kẻ thù, nhưng nó là một quy luật tự nhiên của vạn vật. Tôi thừa biết những sự thật đó, nhưng tôi đã không muốn hiểu nó một cách cụ thể trên từng con người - rằng nó là một thế lực chi phối không chỉ toàn bộ nhân loại, mà nó còn trực tiếp chạm tay vào người bệnh đang hiện hữu trước mắt tôi - người mà tôi có trách nhiệm phải cứu sống khỏi nó.

Trong quyển sách Chúng ta chết như thế nào của mình, tác giả kiêm bác sĩ giải phẫu Sherwin Nuland đã đau xót viết nên rằng: “Chiến thắng cuối cùng của Thần Chết đã được thừa nhận và chấp thuận bởi cha ông ta từ ngàn xưa. Thời đó, giới thầy thuốc luôn làm việc trong tâm thế sẵn sàng đón nhận kết quả thất bại chứ không dám cao ngạo chối bỏ nó.” Nhưng khi tôi được chứng kiến sự phát triển của con người trong thế kỷ hai mươi mốt với vô vàn thành tựu và phát minh khoa học kỹ thuật mới bao gồm cả lĩnh vực y học, tôi không còn dám khẳng định thế nào thì mới gọi là “không cao ngạo.”

Bạn quyết định trở thành bác sĩ bởi trong tâm trí của bạn, nó là công việc cao quý nhất thế giới, thậm chí nó mang lại cho bạn lợi thế cạnh tranh tốt nhất trong cuộc đời mình. Đó là một cảm giác mãn nguyện khôn tả, như thể cảm giác của một người thợ mộc vừa phục hồi xong một chiếc rương cổ bị hỏng hóc nặng, hoặc cảm giác của một cô giáo vừa thành công trong việc giúp cho các học sinh lớp năm của mình hiểu thế nào là nguyên tử - một kiến thức mang tính đột phá đối với đời học trò. Cảm giác đó dâng trào khi chúng ta làm điều có ích cho người khác. Nhưng nó cũng xuất hiện với những người giỏi chuyên môn, có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn và phức tạp. Năng lực chuyên môn của bạn càng cao, bạn càng cảm nhận được giá trị và bản sắc cá nhân mình một cách vững chãi và tự tin hơn. Vì vậy, điều đáng sợ nhất đối với một bác sĩ chính là những khi phải nhìn lại chính mình trước một bệnh nhân mang căn bệnh mà anh ta biết chắc là không thể cứu chữa được.

Ngay từ khi mới ra đời, tất cả chúng ta đều phải lớn lên và già đi - một bi kịch cuộc đời mà không ai có thể thoát được. Sớm muộn gì chúng ta cũng phải hiểu và chấp nhận thực tế phũ phàng đó. Những bệnh nhân từng tử vong của tôi cũng không còn ám ảnh giấc ngủ của tôi nữa. Nhưng điều này không có nghĩa là tôi đã hoàn toàn thích nghi với sự thật không thể chối cãi về cái chết. Tôi đang làm một cái nghề mà tinh hoa của nó được quyết định bởi khả năng cứu người. Nếu bệnh của bạn có thể chữa khỏi được, chúng tôi sẽ làm được điều đó cho bạn. Nhưng nếu nó không thể chữa được thì sao? Chính việc giới bác sĩ chúng tôi không thể đưa ra một câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề nan giải đó đã và đang dẫn đến hàng loạt những hệ lụy đối với người bệnh và thân nhân của họ, như thái độ nhẫn tâm, sự vô nhân đạo, và những nỗi đau đớn tột cùng không đáng có.

Atul Gawande là tác giả của ba tựa sách nổi tiếng bán chạy gồm: Phức thể - tác phẩm từng được đề cử Giải thưởng cao nhất của Liên hoan Sách Toàn Quốc, Sống tốt hơn - quyển sách được Amazon.com bình chọn trong Top 10 Tựa Sách Hay Nhất năm 2007, và tác phẩm Bản danh sách quyên năng. Gawande hiện là bác sĩ phẫu thuật đang công tác tại bệnh viện Brigham and Womens ở Boston kiêm giáo sư giảng dạy tại Khoa Y Dược và Khoa Y Tế Công Cộng thuộc Đại học Harvard. Ông cũng đồng thời là nhà báo, một cây bút thường xuyên của tạp chí The New Yorker. Ông từng đạt giải thưởng Lewis Thomas danh giá dành cho những tác giả viết về các đề tài khoa học, một giải MacArthur Fellowship và hai giải thưởng Tạp Chí Quốc Gia. Trong lĩnh vực y tế công cộng, ông là giám đốc của Ariadne Labs, một trung tâm liên hiệp được thiết lập nhằm mục đích cải tiến các hệ thống y tế xã hội. Ông cũng chính là chủ tịch của Lifebox, một tổ chức phi lợi nhuận được sáng lập nhằm mục đích cải tiến các kỹ thuật mổ xẻ và giúp cho công tác phẫu thuật trở nên an toàn hơn với người bệnh. Ông hiện đang sống cùng vợ và ba người con ở Newton, bang Massachusetts.

–––––o0o–––––

Trích “Ai Rồi Cũng Chết!”

Tác giả: Atul Gawande

Người dịch: Phan Nguyễn Khánh Đan

Nhà Xuất Bản Thông Tin Và Truyền Thông

 

Tôi biết mình sẽ gặp rắc rối to, thậm chí là dính dáng đến pháp luật hình sự, nếu tôi không thể mang xác chết trở lại bệnh viện một cách bình an vô sự và không ai biết. Tôi cố gắng mang vác cái xác để bỏ vào cốp sau ô-tô, nhưng ông ta quá nặng. Cũng có những bữa tôi mơ thấy mình đã đặt được cái xác vào cốp, chỉ để nhìn thấy xác chết rỉ máu xối xả như suối - không chỉ...
SỰ THẬT VỀ TUỔI GIÀ VÀ CÁI CHẾT ĐƯỢC TIẾT LỘ BỞI MỘT BÁC SĨ PHẪU THUẬT - TRÍCH “AI RỒI CŨNG CHẾT!” - ATUL GAWANDE

Bài viết liên quan