BẠN SẼ CHẲNG BIẾT MÌNH KÉM CỎI CỠ NÀO - MÈO MAVERICK – HẬU VẬN RẤT ĐẮT XIN ĐỪNG LÃNG PHÍ

BẠN SẼ CHẲNG BIẾT MÌNH KÉM CỎI CỠ NÀO

MÈO MAVERICK – HẬU VẬN RẤT ĐẮT XIN ĐỪNG LÃNG PHÍ

---o0o---

Giờ mới thấy, không ra khỏi cửa, bạn sẽ không biết mình của hôm nay kém cỏi chừng nào, còn ảo tưởng bản thân rất giỏi giang xuất sắc. Chuyến công tác lần này, sau khi đi qua rất nhiều làng quê và di tích cổ, tôi đã thay đổi. Nếu ngày trước tôi luôn cảm thấy lịch sử thật vô vị, các di tích chẳng có gì đáng xem thì hiện tại trước mắt tôi hiện ra rất nhiều hình ảnh.
BẠN SẼ CHẲNG BIẾT MÌNH KÉM CỎI CỠ NÀO - MÈO MAVERICK – HẬU VẬN RẤT ĐẮT XIN ĐỪNG LÃNG PHÍ

Lần công tác trước, tôi đến thăm bậc thầy gốm sứ khắc hoa Bình Định Trương Văn Lượng, thầy Trương sinh ra ở vùng nông thôn Bình Định, sau khi tốt nghiệp cấp hai đã theo bố học làm gốm sứ khắc hoa, bắt đầu từ phụ việc ở công xưởng. Năm nay thầy Trương năm mươi tuổi, các tác phẩm của thầy đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tôi đến xưởng chế tác của thầy, cũng học làm một chiếc bình nhỏ, mỗi bước thực hiện đều là kỹ xảo đã được mài giũa theo thời gian. Hôm sau trong lúc cùng tôi uống trà, thầy Trương kể: “Từ hồi tốt nghiệp cấp hai cùng bố học làm gốm sứ khắc hoa cho đến giờ cũng có thể coi là một đời, tôi chỉ làm mỗi công việc này. Nghề gốm sứ khắc hoa của bố tôi, đến thời tôi vẫn không hề bị mai một, có thể đưa nó trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cuộc đời tôi đã viên mãn rồi.”

Tôi dùng bộ ấm chén do thầy Trương đích thân chế tác, vừa uống trà vừa mặt dày hỏi thầy: “Bộ ấm chén này nếu bán thì giá khoảng bao nhiêu ạ?”

Thầy Trương trả lời: “Tùy thôi, tôi định giá bao nhiêu thì là bấy nhiêu, bảo 3000 thì là 3000, bảo 10000 thì là 10000, nhưng căn bản là tôi không muốn bán.”

Thầy Trương tâm sự: “Nếu làm gốm sứ chỉ vì tiền, tôi không thể làm tốt được, ngày nào tôi cũng sẽ nghĩ, hôm nay làm cái bình được 500 tệ, đã có cơm ăn, ngày mai làm được một cái 1000 tệ, đủ mua một đôi giày. Tâm tính như vậy thì làm bất cứ việc gì cũng không thành. Nghề này của tôi đã trở thành di sản phi vật thể cấp quốc gia, tôi không quan trọng có thể kiếm được bao nhiêu, chỉ nghĩ đất nước đã trao tặng món quà giá trị cho mình, mình nên làm gì để báo đáp đất nước và truyền lại kỹ thuật này cho nhiều thế hệ sau.”

Nói chuyện xong, tôi vô cùng xúc động. Môi trường sống của tôi mỗi ngày đều rất xốc nổi, mọi người xung quanh ai cũng nghiên cứu xem nên làm thế nào để kiếm tiền nhanh hơn, làm thế nào để nổi danh chỉ sau một đêm, chạy không đủ nhanh, kiếm không đủ tiền, khiến bản thân hào mòn. Nhưng thầy Trương đã cho tôi thấy một kiểu nhận thức, quan điểm hoàn toàn khác, chân thành mà kiên định.

Thầy luôn nhấn mạnh mình là nông dân, không có văn hóa, nhưng sau lần làm gốm cùng thầy, tôi lại cảm thấy mình mới là người không có văn hóa, sự nghiệp và nhân cách của thầy mãi mãi tôi chẳng thể với tới, điển hình là vừa nhìn thấy tác phẩm của thầy, tôi đã lập tức nghĩ xem nó đáng giá bao nhiêu tiền…

Trong chuyến đi công tác, tôi có dịp được quen biết nhiều tiền bối ở những lĩnh vực khác nhau, đa số đều đã năm mươi, sáu mươi tuổi, vô cùng kiên nhẫn trao đổi với tôi. Giao lưu cùng các tiền bối, trong lòng tôi rất yên bình, tôi có thể cảm nhận được hơi thở văn thơ trong từng lời nói, cử chỉ của họ, thật khó miêu tả cho rõ ràng, chỉ biết rằng luôn cảm thấy bản thân vô cùng nông cạn. Mọi người đều nghiêm túc nghiên cứu mỗi ngày, thúc đẩy xã hội tiến bộ từng phút từng giây.

Còn mình thì sao? Chẳng màng chính sự, nhận thức quá hạn hẹp, trình độ quá kém cỏi, hổ thẹn không biết giấu mặt vào đâu.

Trước đây có một câu nói thế này: “Không ra khỏi cửa, bạn sẽ tưởng rằng mọi thứ trước mắt là cả thế giới.”

Giờ mới thấy, không ra khỏi cửa, bạn sẽ không biết mình của hôm nay kém cỏi chừng nào, còn ảo tưởng bản thân rất giỏi giang xuất sắc. Chuyến công tác lần này, sau khi đi qua rất nhiều làng quê và di tích cổ, tôi đã thay đổi. Nếu ngày trước tôi luôn cảm thấy lịch sử thật vô vị, các di tích chẳng có gì đáng xem thì hiện tại trước mắt tôi hiện ra rất nhiều hình ảnh. Có thể do tôi đã có tuổi, bắt đầu yêu thích đọc về lịch sử, văn hóa, thích uống trà, thích nghệ thuật và nhân văn. Tiểu Linh kể cô ấy cũng đang đọc sách về lịch sử, nghĩ tới nghĩ lui, chắc chúng tôi đã già rồi, bắt đầu yêu thích những thứ được thời gian lắng đọng, không còn là cô gái mới đun nước rót đầy ấm trà đã vội chạy đi chơi nữa.

Ở trong vòng tròn nhỏ hẹp của bản thân càng lâu càng dễ bị giam cầm. Những người xung quanh đều giống mình, trên vòng bạn bè toàn nội dung, ngành nghề quen thuộc nên cảm thấy bản thân cũng ưu tú, thành công. Nhưng chân chính bước ra ngoài, nhìn nhiều, nghe nhiều mới nhận ra người và việc có thể học hỏi còn vô số, tới nỗi mỗi lần có gì không hiểu, tôi sẽ nhanh chóng ghi nhớ, trở về khách sạn lập tức tra cứu tìm tòi. Cảm giác này thực sự tuyệt vời.

Khi tự mãn, bạn dễ chống đối lại những lời lẽ bất lợi cho bản thân, cảm thấy người ta không hiểu nên mới nói vậy, chỉ lắng nghe những lời có lợi cho mình. Ra ngoài rồi, dù là thế giới rộng lớn hay làng quê yên bình, sẽ chẳng có ai nói về bạn nữa, lúc nào cũng cảm thấy mình chỉ là kẻ ngốc không hơn.

Con người khi bận bịu, dù thấy mình ngu ngốc cũng không lo lắng, không hoang mang. Không lướt vòng bạn bè, cũng chẳng để tâm lên Daigou mua sắm, chỉ muốn học tập chăm chỉ, vì biết bản thân còn quá kém cỏi.

Khoảng thời gian trước, tôi bắt đầu thay đổi bản thân. Trước kia tôi thích ở lì trong nhà, không thích ra ngoài, cũng chẳng thích nói chuyện với người khác, sống rất hướng nội. Giờ tôi đang dần phá bỏ thói quen này, bắt đầu mỗi tuần gặp hai người, mở rộng thế giới bằng cách kết giao với nhiều người hơn.

Khi đặt bước chân đầu tiên ra bên ngoài, bạn sẽ phát hiện, cả thế giới cũng đang chờ đợi bạn.

---o0o---

Trích “Hậu vận rất đắt xin đừng lãng phí”

Tác giả: Mèo Maverick

Người dịch: Dương Thu Phương

NXB Thế Giới, 2020

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan