CHÚNG TA HAY NHÌN THẾ GIỚI BẰNG CẶP KÍNH CỦA RIÊNG MÌNH - 7 THÓI QUEN TẠO GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - STEPHEN R. COVEY

CHÚNG TA HAY NHÌN THẾ GIỚI BẰNG CẶP KÍNH CỦA RIÊNG MÌNH

7 THÓI QUEN TẠO GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC- THE 7 HABITS OF HIGHLY EFFECTIVE FAMILIES;

TÁC GIẢ: STEPHEN R. COVEY

Biên Dịch: Vương Khánh Ly - Phan Khánh Giang - Nguyễn Thu Giang - Nguyễn Chương; NXB Trẻ

---o0o---

Nếu chúng ta nói chuyện trực tiếp với nhau, chúng ta có thể bàn về hình vẽ này. Bạn có thể miêu tả những gì bạn thấy cho tôi, và ngược lại. Chúng ta có thể tiếp tục trò chuyện đến khi bạn chỉ cho tôi những gì bạn thấy trong hình vẽ này, và tôi cũng thế. Vì chúng ta không thể làm được điều đó, nên hãy lật tới trang và nghiên cứu hình vẽ ở đó. Sau đó hãy nhìn lại hình vẽ này....
CHÚNG TA HAY NHÌN THẾ GIỚI BẰNG CẶP KÍNH CỦA RIÊNG MÌNH - 7 THÓI QUEN TẠO GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - STEPHEN R. COVEY

Học cách hiểu người và để người hiểu mình, nói cách khác “hiểu người trước, hiểu mình sau” sẽ giúp mở cánh cửa từ trái tim đến trái tim của mỗi người trong cuộc sống gia đình.

Giống như lời con cáo trong tác phẩm nổi tiếng Hoàng tử bé: “Và đây là bí mật của ta, một bí mật rất đơn giản: Có những điều rất quan trọng không thể nhìn được bằng mắt thường, mà chỉ có thể nhìn bằng trái tim”.

Khi bắt đầu chương này, tôi muốn đề nghị bạn hãy làm một thí nghiệm. Hãy bỏ ra vài giây chỉ để ngắm nhìn hình vẽ dưới đây, và miêu tả cẩn thận những gì bạn nhìn thấy.

Bạn có thấy một người da đỏ không? Trông anh ta thế nào?

Anh ta ăn mặc ra sao? Anh ta đang nhìn về hướng nào?

Có thể bạn sẽ nói rằng người da đỏ này có một cái mũi to, đội mũ lông chim và anh ta đang nhìn về phía bên trái của trang sách.

Nhưng nếu tôi nói bạn đã sai thì sao? Nếu tôi nói, bạn đang ngắm một người Eskimo chứ không phải người da đỏ, và anh ta đang mặc một chiếc áo khoác có mũ trùm lên tận đầu, tay cầm một chiếc giáo, mặt anh ta không nhìn về phía bạn mà quay về phía bên phải trang sách?

Ai sẽ đúng đây? Hãy nhìn lại bức tranh. Bạn có thấy một người Eskimo không? Nếu bạn không thấy, hãy cố gắng nhìn lại. Bạn có thấy chiếc giáo và cái áo khoác có mũ không?

Nếu chúng ta nói chuyện trực tiếp với nhau, chúng ta có thể bàn về hình vẽ này. Bạn có thể miêu tả những gì bạn thấy cho tôi, và ngược lại. Chúng ta có thể tiếp tục trò chuyện đến khi bạn chỉ cho tôi những gì bạn thấy trong hình vẽ này, và tôi cũng thế.

Vì chúng ta không thể làm được điều đó, nên hãy lật tới trang và nghiên cứu hình vẽ ở đó. Sau đó hãy nhìn lại hình vẽ này. Bây giờ thì bạn đã thấy một người Eskimo chưa? Hãy chắc chắn bạn đã nhìn rõ anh ta trong hình vẽ, trước khi bạn đọc tiếp.

Trong suốt nhiều năm, tôi đã sử dụng những loại tranh thế này để đưa mọi người tới một nhận thức, rằng cách họ nhìn thế giới không nhất thiết là cách mà những người khác nhìn. Thực tế, mọi người không hề nhìn thế giới như nó tồn tại; họ nhìn nó theo cách họ nghĩ, hay theo cách họ mặc định là như vậy.

Hầu như lúc nào cũng vậy, sự trải nghiệm trực quan kiểu này khiến người ta khiêm nhường và biết tôn trọng người khác hơn, cũng như trang nghiêm và cởi mở hơn để hiểu mọi người.

Thông thường khi tôi thuyết trình về Thói quen thứ 5, tôi sẽ đi xuống khán phòng, mượn một cặp kính của ai đó và cố gắng thuyết phục một người khác đeo nó. Khi tôi đưa kính cho một người – giả sử là phụ nữ – thường thì cô ấy sẽ từ chối, nhất là khi cặp kính đó thuộc về một người mắt kém. Khi đó, tôi sẽ khuyến khích cô ấy: “Hãy cố lên”. Nhưng cô ấy còn từ chối quyết liệt hơn. Hoặc nếu cô ấy cảm thấy đang bị ép buộc, bề ngoài cô ấy tỏ ra sẽ làm theo nhưng bên trong không phải vậy. Lúc ấy, tôi sẽ nói: “Thôi được, tôi cảm thấy bạn có vẻ là người chống đối. Bạn có ‘quan điểm riêng’. Nhưng bạn là người lạc quan, hãy nghĩ tích cực hơn đi nào! Bạn có thể làm được việc này mà”. Cô ấy sẽ mỉm cười, nhưng thế vẫn chưa đủ và cô ấy biết điều đó. Vì vậy, thường thì cô ấy sẽ nói: “Điều đó không có tác dụng gì đâu”.

Những lúc như vậy, tôi lại cố tạo ra một chút áp lực hay ép cô ấy theo cách nào đó. Tôi đóng vai một người cha và nói: “Xem này, con có biết những hy sinh của cha mẹ dành cho con không – những điều cha mẹ đã làm cho con, những lợi ích bản thân mà cha mẹ đã hy sinh để giúp đỡ con? Con hãy coi việc này giống như vậy! Bây giờ hãy đeo kính vào!”. Đôi khi, sự tác động đó còn khiến cho sự chống đối mạnh thêm. Tôi lại đóng vai một ông chủ, cố tạo áp lực về kinh tế: “Bản tổng kết của cô thế nào rồi?”, và áp lực về xã hội: “Cô không muốn làm một thành viên trong đội này à?”. Tôi sẽ tác động vào lòng kiêu hãnh của cô ấy: “Ồ, nhưng cặp kính này trông rất hợp với cô! Nhìn này mọi người. Cặp kính này làm tôn lên những nét đẹp của cô ấy đúng không?”.

Tôi tác động vào động cơ, thái độ, tính kiêu hãnh và cả những áp lực kinh tế – xã hội. Tôi đe dọa. Tôi khiến cô ấy cảm thấy có lỗi. Tôi khuyên cô ấy hãy suy nghĩ tích cực, hãy cố gắng lên. Nhưng không có biện pháp nào hiệu quả. Tại sao vậy? Bởi vì tất cả các biện pháp đều xuất phát từ phía tôi, không phải từ cô ấy (theo cách nhìn nhận riêng của cô ấy).

Điều này cho ta thấy tầm quan trọng của việc tìm hiểu người khác trước khi tác động đến họ, giống như chẩn đoán trước khi kê đơn thuốc. Nếu không hiểu người khác, bạn sẽ giống như đang nói với “đầu gối”. Không ai nghe theo bạn. Nỗ lực mà bạn bỏ ra có thể làm thỏa mãn cái tôi của bạn trong một lúc, nhưng không hề có tác dụng.

Chúng ta lại nhìn thế giới bằng cặp kính của riêng mình – cặp kính xuất phát từ hoàn cảnh và những kinh nghiệm sống riêng của mỗi người. Cặp kính chính là hệ giá trị của chúng ta, những kỳ vọng, những giả định bên trong chúng ta về thế giới như thế nào và nên thế nào. Chỉ cần nghĩ về thử nghiệm với hình vẽ người da đỏ (hay người Eskimo) ở phần đầu chương này.

Một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại trong giao tiếp là cùng một sự việc, nhưng mọi người lại hiểu theo nhiều cách khác nhau. Những kinh nghiệm và hoàn cảnh khác nhau khiến họ làm như vậy. Nếu sau đó họ cư xử mà không suy xét tại sao mình lại nhìn nhận sự việc khác nhau như thế, họ sẽ bắt đầu phán xét lẫn nhau. Lấy một ví dụ nhỏ là sự khác biệt về nhiệt độ trong phòng. Máy điều hòa trong phòng chỉ 24 độ C. Một người kêu ca: “Nóng quá!” và mở cửa sổ ra, người khác lại nói: “Lạnh quá!” và đóng cửa sổ lại. Ai đúng đây? Liệu rằng nhiệt độ đang quá cao hay quá thấp? Thực tế, cả hai đều đúng. Theo lô-gíc, khi có hai người bất đồng quan điểm, nếu người này đúng, người kia sẽ sai. Nhưng đây không phải vấn đề lô-gíc mà là tâm lý học. Cả hai đều đúng – mỗi người có quan điểm riêng của mình.

Khi áp dụng những kinh nghiệm bản thân vào thế giới bên ngoài, chúng ta lầm tưởng rằng mình đang nhìn thế giới theo cách nó tồn tại. Nhưng ta đã sai. Chúng ta nhìn thế giới theo cách mình nghĩ, hay theo những gì mình mặc định. Và ta sẽ không bao giờ xây dựng được những mối quan hệ tin cậy, sâu sắc và có thể tác động đến người khác theo hướng tích cực – trừ khi chúng ta bước ra khỏi cái tôi bản thân, đặt cặp kính của mình sang một bên và thực sự nhìn thế giới qua con mắt của người khác.

 

 

Bài viết liên quan