ĐÁNH LỬA CHO VƯỜN ƯƠM TÀI NĂNG - DANIEL COYLE

ĐÁNH LỬA CHO VƯỜN ƯƠM TÀI NĂNGDaniel Coyle-----o0o-----Giáo dục không phải là đổ nước đầy một cái thùng, mà là khơi dậy một ngọn lửa.- W. B. YeatsÝ tưởng kỳ quặc của Mike và DaveNhững cái nôi nuôi dưỡng tài năng như Curacao, Nga và Hàn Quốc được kích hoạt bởi một cú đánh lửa: một ngôi sao đột ngột tỏa sáng, một chiến thắng thần kỳ. Không ai có thể dự đoán trước hay lên kế...
ĐÁNH LỬA CHO VƯỜN ƯƠM TÀI NĂNG - DANIEL COYLE

ĐÁNH LỬA CHO VƯỜN ƯƠM TÀI NĂNG

Daniel Coyle

-----o0o-----

Giáo dục không phải là đổ nước đầy một cái thùng, mà là khơi dậy một ngọn lửa.

- W. B. Yeats

Ý tưởng kỳ quặc của Mike và Dave

Những cái nôi nuôi dưỡng tài năng như Curacao, Nga và Hàn Quốc được kích hoạt bởi một cú đánh lửa: một ngôi sao đột ngột tỏa sáng, một chiến thắng thần kỳ. Không ai có thể dự đoán trước hay lên kế hoạch trước về điều đó. Nhưng có một dạng đánh lửa khác diễn ra khi không có tia lửa hay động lực, kể cả sự bùng nổ tài năng. Hình thức này liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta hơn, và tôi đã thấy nó xuất hiện sinh động nhất tại một địa điểm không ai có thể ngờ tới: một nhóm các trường học trong thành phố.

Mùa đông năm 1993, công việc của Mike Feinberg và Dave Levin không tốt lắm. Họ mới ngoài 20 tuổi, là bạn cùng phòng và bước vào năm thứ hai làm giáo viên trong hệ thống trường công tại Houston. Cả hai đều là thành viên của Chương trình Giảng dạy vì nước Mỹ, một tổ chức phi lợi nhuận còn thiếu kinh nghiệm, điều phối các sinh viên vừa tốt nghiệp đến dạy học hai năm tại các trường có thu nhập thấp. Năm đầu tiên của Feinberg và Levin rất chật vật (những lời chỉ trích dồn dập, lớp học náo loạn), năm thứ hai còn tệ hơn chút nữa. Họ đã cố gắng đổi mới nhưng rồi phát hiện ra rằng những nỗ lực của mình bị chặn đứng bởi bộ máy quan liêu thiếu trình độ, các bậc phụ huynh không muốn hợp tác, học sinh cư xử không chuẩn mực, những quy định hẹp hòi và cỗ máy thất bại thảm hại nhất từng được tạo ra chính là hệ thống trường học công lập trong các thành phố của nước Mỹ. Levin bị yêu cầu không quay trở lại ngôi trường học anh đã dạy; còn Feinberg, với suy nghĩ sâu sắc hơn, dự tính đi học trường luật. Vậy là họ dành những buổi tối mùa đông để ngồi trò chuyện trong căn hộ nhếch nhác của mình tại Houston và thực hiện những hoạt động thuộc dạng truyền thống của nước Mỹ: chê bai công việc, uống bia và xem phim Star Trek. Tâm trí họ được Feinberg tổng kết lại: “Đời quá dở, và rồi bạn cũng chết mà thôi”.

Một đêm mùa đông dài của năm đó, với những lý do vẫn còn bí ẩn (một bài phát biểu truyền cảm họ đã lắng nghe, suy nghĩ của họ, hoặc có thể chỉ là mấy ly bia), hai kẻ thất bại đột nhiên nảy ra một ý tưởng ngang tàng: họ nên dừng cuộc đấu tranh với hệ thống hiện tồn và bắt đầu một trường học của riêng mình. Họ pha thêm một bình cà phê, bật dàn âm thanh chơi bài hát Achtung Baby của nhóm U2 ở chế độ lặp lại, và đến khoảng 5 giờ sáng, họ đã in ra một bản tuyên ngôn gồm 4 nội dung trụ cột:  nhiều thời gian học trên lớp hơn, giáo viên chất lượng, hỗ trợ của phụ huynh và trợ giúp về thủ tục hành chính. Chất caffein hẳn đã có tác dụng mạnh vì hai người đã đặt cho dự án của mình cái tên long trọng như bất kỳ điều gì Thuyền trưởng Kirk có thể nghĩ ra. Họ gọi nó là Chương trình Tri thức là Sức mạnh, viết tắt là KIPP.

Tại bất kỳ thời điểm nào của lịch sử, một ý tưởng mơ hồ như KIPP, với rất ít kinh nghiệm làm cơ sở, hẳn sẽ tan biến nhanh chóng. Nhưng như mọi việc đã diễn ra, bang Texas vừa thông qua đạo luật hỗ trợ tài chính cho các trường được hưởng đặc quyền, miễn là trường đó đạt được các tiêu chuẩn giáo dục cơ bản. Kết quả là vài tháng sau, trong một tình thế mà trước đó không ai có thể nghĩ đến: hai tay mới toe này và bản tuyên ngôn đậm mùi cà phê của họ đã bắt đầu gây được sự chú ý. Không phải cả một ngôi trường (Cơ quan quản lý giáo dục không điên đến mức đó) mà là một phòng học nhỏ nằm trong góc Trường tiểu học Gracia, nơi Feinberg và Levin có thể tự do tiếp tục những bước đi không thể tránh khỏi trên cuộc hành trình duy tâm của mình: ngã dập mặt.

Phần lớn các trường được hưởng đặc quyền được xây dựng dựa trên nền tảng của một học thuyết giáo dục, như Waldorf, Montessori hay Piaget. Còn Feinberg và Levin, trong một thời gian ngắn, đã đi theo các nguyên tắc của Butch Cassidy: đánh cắp. Họ xác định những giáo viên giỏi nhất của quận và làm theo những kế hoạch giảng dạy, kỹ năng giáo dục, ý tưởng quản lý, lịch trình, quy định – tất cả mọi thứ - của họ. Có thể sau đó, Feinberg và Levin sẽ được gọi là “đổi mới”, nhưng ở thời điểm ấy, họ chỉ như những tay trộm khua khoắng khi điện bị cắt tạm thời. “Chúng tôi chộp lấy mọi ý tưởng hay mà chưa ai để ý và nắm giữ chúng”, Feinberg nói. “Chúng tôi lấy mọi thứ trừ chậu rửa bát trong nhà bếp, nhưng rồi lại quay trở lại và mang nốt cái chậu đó đi”.

Từ một đống hỗn tạp những thứ ăn cắp được này, họ lắp ghép thành một cỗ máy giáo dục ọp ẹp. Đặc trưng của cỗ máy này là một động cơ kiểu cũ nhưng vận hành chăm chỉ (ngày học ở trường dài hơn, kỳ nghỉ hè ngắn hơn, đồng phục và một hệ thống thưởng – phạt rõ ràng), được bọc trong một lớp vỏ của những kỹ thuật giảng dạy mang tính đổi mới (thời khóa biểu được ghi nhớ qua các đoạn nhạc rap; số điện thoại nhà của giáo viên được đưa cho bọn trẻ để chúng có thể gọi điện hỏi về các bài tập về nhà). Trên tường, Feinberg và Levin dán câu khẩu hiệu đánh cắp được từ một giáo viên nổi tiếng tại Los Angles tên là Rafe Esquith – “Học tập chăm chỉ, kết quả tốt đẹp” – và điều khiển cỗ máy của mình hướng đến một mục tiêu tầm xa: làm bất cứ điều gì có thể để đưa học sinh của mình vào đại học.

“Điều hết sức rõ ràng với chúng tôi ngay từ đầu là: trường đại học thật sự là chìa khóa cho mọi việc,” Feinberg nói. “Khi bước vào hệ thống trường công lập tại các thành phố lớn, bạn nhận ra rằng nó mới lộn xộn làm sao – mã bưu điện của nơi bạn sinh ra, về cơ bản, xác định cơ hội thành công hoặc thất bại của bạn như thế nào. Chỉ có trường đại học là lối thoát”.

Mùa xuân và mùa hè năm đó, Feinberg và Levin bắt đầu tuyển các đối tượng cho thử  nghiệm của mình. Sau một chiến dịch căng thẳng tại khu vực lân cận, họ đã có được 50 học sinh, hầu hết cha mẹ chúng đều đang rất thất vọng với hiện trạng của Feinberg và Levin. Khi lớp học đầu tiên của KIPP bước vào căn phòng bé xíu trong ngày học đầu tiên, trường đại học dường như là quá xa vời. Học sinh được xếp hạng dưới mức trung bình: chỉ 53% qua được bài kiểm tra tiếng Anh và toán năm học trước của toàn bang. Phòng học chật ních; trường Gracia đã đặt ra một hàng rào ngăn cản vững chắc đối với sự có mặt của họ; ngày học dài hơn (từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, học thêm vào các ngày thứ bảy, theo bản tuyên ngôn đẫm mùi cà phê) đã làm cho mọi người phải căng thẳng.

Nhưng rồi một điều gì đó kỳ lạ đã xảy ra. Thật khó có thể chỉ đích danh điều này, nhưng bằng cách nào đó, vào mùa thu năm 1994, cỗ máy của  họ đã gầm lên, phun phì và bắt đầu chuyển động. Trước sự ngạc nhiên của mọi người – ít nhất là của Feinberg và Levin – những học sinh của KIPP đã sống theo đúng khẩu hiệu mà hai người dán trên tường: bọn trẻ rất ngoan và học tập chăm chỉ. Cực kỳ chăm chỉ. Cuối năm thứ nhất, 90% học sinh đã vượt qua kỳ thi sát hạch toàn bang.

Được khích lệ, Feinberg và Levin tiếp tục tiến lên. Những năm đầu, họ giảng dạy như dân du mục – Feinberg sống ở Houston trong khi Levin chuyển tới Bronx. Họ đấu tranh để có không gian dạy học, giảng dạy thử nghiệm và chầu chực để có các phòng học trống. Mỗi năm, họ lại ăn cắp thêm nhiều ý tưởng hay và quẳng đi những ý tưởng thất bại. Và mỗi năm, kết quả kiểm tra của KIPP không ngừng tiến bộ. Đến năm 1999, các trường phổ thông tư thục của KIPP tại Houston và Bronx đã đạt kết quả kiểm tra tiêu chuẩn hóa cao hơn bất kỳ trường công lập nào tại hai hạt nói trên. Chiếc xe cũ kỹ không chỉ tăng tốc mà nó đang dẫn đầu vòng đua.

Tiếng lành đồn xa. Sau một bài tường thuật trong chương trình 60 phút, KIPP đã nhận được khoản tiền ủng hộ 15 triệu đô la từ Donald và Doris Fisher, hai nhà sáng lập chuỗi cửa hàng quần áo Gap. Hàng chục, rồi hàng trăm giáo viên trẻ (nhiều người trong số này là thành viên của Chương trình Giảng dạy vì nước Mỹ, sau đó đã thành công rực rỡ, tạo việc làm cho 2.900 giáo viên mới mỗi năm, thu hút thêm 10% lượng đơn xin việc tại các khóa tốt nghiệp năm 2008 từ các đại học Georgetown, Yale và Havard) đã đăng ký thành lập các trường KIPP của riêng mình. Đến năm 2008, có 66 trường KIPP từ Los Angles đến New York với 16.000 học sinh. Nhiều trường trong số này đã đào tạo ra những học sinh có thành tích cao nhất tại các thành phố tương ứng, và quan trọng nhất là 80% học sinh của KIPP đã vào được đại học. Feinberg và Levin vẫn dạy lớp 5 tại Houston và Bronx, ngoài ra họ còn trông nom các trường KIPP trong khu vực của mình. Họ cũng xây dựng Ban điều hành quốc gia của KIPP. Jason Snipes, một thành phố lớn, thuộc Đại học Havard, đã tổng kết thành công của họ theo lối nói của Andruw Jones: “KIPP thật sự hạ gục tất cả trường học khác.”

Có một cách nhìn nhận về KIPP, coi đó như một câu chuyện độc đáo về những nạn nhân của sự bất công, với trái tim nhiệt thành, đã nhặt được vũ khí là tia chớp trong một cái chai. Nếu đó thật sự là những gì đã xảy ra, sự quan tâm chúng ta dành cho câu chuyện đến đây là kết thúc. Tuy nhiên, một cách nhìn khác về KIPP chính là xem nó như một quá trình đánh lửa thuần túy: nghệ thuật và khoa học tạo ra một chiếc nôi nuôi dưỡng tài năng từ hai bàn tay trắng, không hề có hỗ trợ nào từ một cầu thủ bóng chày nổi tiếng trong giải thế giới hay bất kỳ đột phá kỳ diệu nào. Đó cũng là lý do tại sao việc xem xét kỹ lưỡng chiếc xe già nua đáng chú ý này lại rất hữu ích với việc tìm hiểu xem điều gì đã khiến nó hoạt động tốt.

-----o0o-----

Trích Mật Mã Tài Năng

Tác giả: Daniel Coyle

Người dịch: Quỳnh Chi

Nhà xuất bản Thế Giới, 2018

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan