ĐÁNH THỨC NHỮNG TIỀM NĂNG NỞ MUỘN - THOMAS ARMSTRONG - 7 LOẠI HÌNH THÔNG MINH 

ĐÁNH THỨC NHỮNG TIỀM NĂNG NỞ MUỘN

THOMAS ARMSTRONG - 7 LOẠI HÌNH THÔNG MINH 

-------o0o-------

Tuổi thơ là mảnh đất đầu tiên xuất hiện bảy loại hình thông minh. Ngôn ngữ ban đầu của trẻ nhỏ luôn có tính nhạc. Những tưởng tượng không gian đầu tiên của trẻ thường kèm với một năng lực vận động về chúng.
ĐÁNH THỨC NHỮNG TIỀM NĂNG NỞ MUỘN - THOMAS ARMSTRONG - 7 LOẠI HÌNH THÔNG MINH 

THOMAS ARMSTRONG là tác giả của bảy cuốn sách về giáo dục nổi tiếng như: The Myth of the A.D.D Child, In Their Own Way, và Awakening Your Child’s Natural Genius. Ông cũng từng tham gia giảng dạy các khóa đào tạo về giáo dục và tư duy đặc biệt, thường xuyên viết về các vấn đề giáo dục và hướng dẫn cha mẹ giáo dục con cái cho các tạp chí nổi tiếng như: Ladies’ Home Journal và Family Circle. Ông sống ở Sonoma County, California.

---o0o---

Người ta sẽ không nhớ đến Cord Ferdinand Meyer nếu ông qua đời vào tuổi 40. Khi còn là một đứa trẻ, ông bất ổn về tâm lý và thích cô độc. Khi lớn lên, ông chuyển hết việc này sang việc khác mà không có bất kỳ sự tập trung hay định hướng nào. Năm 27 tuổi ông bị đưa vào viện tâm thần, vì bị xem là mắc bệnh hoang tưởng luôn cho rằng “tất cả mọi người đều chán ghét mình”.

Sau đó, vào tuổi 40, mọi thứ đã thay đổi. Như Ernst Kretschmer, tác giả cuốn The Psychology of Men of Genius (Tâm lý thiên tài) viết: “cho đến tuổi 40 ông vẫn gầy còm và ốm yếu như một bộ xương, và mãi đến sau 40 tuổi râu ông mới bắt đầu mọc, hình thể của ông mới phát triển đầy đủ và hoàn thiện. Và cũng ở tuổi này, ông mới cho ra đời một tập thơ đầu tay”. Ông tiếp tục viết trong 27 năm tiếp theo và trở thành một trong những nhà thơ Thụy Sỹ được yêu thích nhất.

Tài năng thơ ca của Meyer quả là đáng chú ý bởi sự xuất hiện đột ngột. Nhưng nhìn rộng ra thì câu chuyện của ông đã cho chúng ta thấy làm thế nào một khả năng còn tiềm ẩn trong nhiều năm như một mạch ngầm lại vỡ tung đầy bất ngờ thành nguồn sức sống mạnh mẽ. Tất cả chúng ta đều có tiềm năng như Meyer, hãy chờ cơ hội để thể hiện nó. Mỗi người nằm ngủ im lìm tựa như hạt mầm mùa đông, chờ mùa xuân để này lộc.

  • Tuổi Ấu Thơ, Nơi Khởi Nguồn Của Những Tài Năng

Thời thơ ấu có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu nghiên cứu những trí thông minh đến muộn này. Như Carl Jung chỉ ra rằng: “mỗi đứa bé là một tiềm năng tương lai… chính ‘đứa bé’ [bên trong] mở đường cho một sự thay đổi về tính cách trong tương lai”. Đối với Jung, điều này là hoàn toàn đúng. Khi gần 40 tuổi, ông đã trải qua một thời kỳ chán nản, một phần do mối bất hòa với thầy giáo Sigmund Freud. Sau này ông viết, chính kỷ niệm thời thơ ấu, đã giúp ông vượt qua cơn khủng hoảng này. Ông đã nhớ lại khả năng tạo nên những thành phố với mười hoặc mười một tòa nhà hay những lâu đài đều được xây từ đá và bùn lúc còn nhỏ của mình. Ký ức này mang trong nó một niềm cảm xúc mạnh mẽ. “‘A ha’, tôi nói với chính mình”, Jung viết, “Vẫn có sự sống trong những thứ này. Cậu bé ấy vẫn ở xung quanh đâu đây, và sở hữu một cuộc sống sáng tạo mà tôi thiếu”.

Cho nên, ở tuổi 38, một lần nữa Jung bắt đầu chơi đùa giống hệt một đứa trẻ, ông xem đây như một trong các bài rèn luyện tinh thần của mình. Ông tạo ra những nền văn minh nhỏ bằng bùn và đá gần ngôi nhà bên hồ của mình. Về sau ông nói, sự rèn luyện hàng ngày này đã khơi nguồn tưởng tượng và khả năng nhìn nhận, giúp cung cấp nền tảng cho hấu hết những tác phẩm sau này của ông. Thật thú vị khi dường như chính sự thông minh về không gian và vận động thân thể mà Jung đã đánh thức từ thời thơ ấu lại giúp ông cân bằng khả năng ngôn ngữ mạnh mẽ của tuổi trưởng thành. Sau này, ông viết “khi tôi gặp vấn đề khó giải quyết, tôi thường ngồi vẽ tranh hoặc đục đẽo những viên đá. Mỗi sự trải nghiệm như vậy chứng tỏ một sự tiếp cần nghi thức (rite d’entree) cho những ý tưởng và tác phẩm liền sau nó”.

Tuổi thơ là mảnh đất đầu tiên xuất hiện bảy loại hình thông minh. Ngôn ngữ ban đầu của trẻ nhỏ luôn có tính nhạc. Những tưởng tượng không gian đầu tiên của trẻ thường kèm với một năng lực vận động về chúng. Ví dụ, một đứa bé hai tuổi có thể vẽ bức tranh con thỏ bằng cách đặt bút chì dọc tờ giấy theo những chuyển động ngắn. Còn về khả năng logic toán học, Jean Piaget chỉ ra rằng: trẻ dưới bảy tuổi dường như mới lý luận ở mức độ tự nhiên hoặc ở mức giác quan vận động. Trẻ nhỏ có xu hướng kết hợp trong các hành vi của chúng. Nghĩa là, chúng có thể thường xuyên nghe thấy màu sắc, nhìn thấy âm thanh, và hòa hợp những cảm giác (và trí thông minh) với nhau theo những cách độc đáo thú vị. chúng ta có thể thấy trẻ đi trên đường, vừa nhảy múa, vừa ca hát, trò chuyện, kể chuyện, mơ mộng, tất cả đều cùng một lúc.

Ngoài sự phối hợp những hành vi và kinh nghiệm thì năng lực hay các mặt mạnh cũng bắt đầu rõ nét lên. Một đứa bé sẽ có năng khiếu âm nhạc và khả năng tương tác cá nhân. Đứa trẻ khác sẽ chứng tỏ khả năng vận động và không gian. Gardner gọi những dấu hiệu ban đầu về năng lực trí óc này là những khuynh hướng, và chỉ ra rằng tới một lúc nào đó, thông qua các yếu tố di truyền học và sinh vật học, chúng sẽ rõ nét dần; tuy nhiên, chính văn hóa mới đóng vai trò to lớn trong việc hình thành và định hướng chúng. Sử dụng danh mục kiểm tra dưới đây, tôi mong các bạn sẽ nhìn lại tuổi thơ mình và nghĩ về trí thông minh mà bạn hứa hẹn bộc lộ ra nhất.

Phỏng vấn: nói chuyện với cha mẹ và những người họ hàng về ký ức của họ về các điểm mạnh nổi bật của bạn khi còn nhỏ…

Tài liệu: đến những nơi bạn thường tới khi bạn còn nhỏ, xem những bức ảnh ấu thơ, khơi lại những sự việc đáng ghi nhớ…

Giấc mơ: ghi lại và nghĩ về những giấc mơ của bạn…

Chơi: quan sát trẻ con chơi đùa và chính bạn cũng hãy thử chơi đùa. Những kinh nghiệm này có thể gợi nhắc lại rằng bạn đã từng là một người có khả năng…

Các loại hình thông minh thời thơ ấu:

• Ngôn ngữ,

• Logic – toán học,

• Không gian,

• Vận động cơ thể,

• Âm nhạc,

• Tương tác cá nhân,

• Nội tâm.

  • Trí Tuệ Bị Lãng Quên

Nếu, sau khi hoàn thành danh mục kiểm tra ở trên, bạn nhận ra bạn vẫn duy trì được những khả năng tương tự từ khi còn nhỏ tới lúc trưởng thành thì nghĩa là gần như bạn đã biết phát huy hợp lý những tiềm năng của mình. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, vẫn còn những khả năng khác nằm ẩn sâu bên trong mà bạn không thể nhận ra ở bất kỳ mục nào trong danh sách kiểm tra trên. Nếu có hoài nghi về trường hợp này, bạn hãy tiếp tục đào sâu vào những kí ức và những giấc mơ. Cuối cùng rồi bạn cũng có thể tìm ra chúng.

Mặt khác, nếu bạn thấy rằng những khả năng và điểm mạnh lúc còn nhỏ không còn xuất hiện ở tuổi trưởng thành của bạn, bạn nên tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với chúng. Vậy tại sao chúng lại không trở thành phần quan trọng trong cuộc sống hiện tại của bạn?

Một loại hình thông minh có thể ngừng hoạt động vì nhiều lý do. Một trong những lý do phổ biến nhất là không có thời gian để phát triển nó. Thỉnh thoảng, khi những áp lực về gia đình và tài chính này được giải phóng thì trí thông minh bị lãng quên mới có cơ hội để phát triển.

Tuy nhiên, đôi khi, vì những lý do tâm lý, trí thông minh vẫn còn bị ẩn giấu. Cha mẹ có thể làm cho con mình thấy xấu hổ vì có năng khiếu âm nhạc, mỹ thuật, hoặc giỏi giang trong lĩnh vực nào đó mà người lớn không mong muốn thì đứa trẻ đó sẽ phản ứng lại bằng cách che giấu khả năng của mình.

Chúng ta hãy nghĩ đến người có tài năng nở muộn như Vincent Van Gogh, ông không hề vẽ tranh cho đến năm hai mươi bảy tuổi, và tác giả được trao giải Pulizer, Anne Sexton, bắt đầu làm thơ lúc hai mươi tám tuổi theo sự gợi ý của chuyên gia tâm lý. Cả hai cá nhân có sức sáng tạo lớn lao này đều sinh ra trong những gia đình không hạnh phúc, nơi mà môi trường cảm xúc độc hại có thể đã kìm hãm khả năng của họ cho tới tận khi lớn lên.

Thật trở trêu là chính cha mẹ và thầy cô giáo cũng có thể làm cho một tiềm năng mất dần bằng cách khuyến khích nó theo những lý do hết sức sai lầm.

Có bao nhiêu tiềm năng khác bị chôn chặt trong chúng ta do nỗi sợ hãi về những điều người lớn đã gây ra hoặc có thể đã gây ra được bộc lộ đầy đủ ra ngoài?

Cuối cùng ở góc nhìn rộng hơn, chính văn hóa đã khiến một số loại thông minh nhất định ngừng hoạt động khi cố gắng phát triển những loại thông minh khác. Những đứa trẻ tài năng nhanh chóng chấp nhận theo cách mà nhà tâm lý học Ernest Schactel đề cập tới: “Những khuôn khổ cứng nhắc của văn hóa chỉ cho phép một số kỹ năng nhất định, ngăn cấm và loại bỏ những khả năng khác mà có, hoặc không có khung tham chiếu hoặc chỉ có một cái khung không phù hợp”.

Cuối cùng, trí thông minh sẽ phát triển hoặc phai nhạt trong cuộc sống của một cá nhân như là kết quả của sự tương tác mạnh mẽ giữa mặt sinh học, hệ tâm lý, và phạm vi văn hóa.

Tiếp đến là thời gian và hoàn cảnh, có ảnh hưởng lớn tới năng khiếu và khả năng thiên bẩm của chúng ta. Những nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ về những điều xảy ra với động vật khi chúng bị tước đi hoặc được kịp thời phát triển các khả năng nhất định tại “các giai đoạn quan trọng” trong quá trình phát triển của chúng. Những giây phút quan trọng của con người sau khi sinh diễn ra theo chiều hướng mơ hồ hơn và được những nhà tâm lý học phát triển gọi tên là “thời kỳ nhạy cảm”. Giai đoạn từ sáu đến mười hai tháng tuổi có thể đặc biệt quan trọng cho sự phát triển khả năng tương tác cá nhân khi đứa trẻ tạo ra mối liên hệ cảm xúc với người chăm sóc đầu tiên. Và có những giai đoạn nhạy cảm khác dành cho sự phát triển ngôn ngữ, tư duy logic toán học, và cũng có lẽ, cho mỗi một khả năng còn lại.

Tuy nhiên, việc tồn tại của những thời kỳ nhạy cảm ở tuổi ấu thơ không hề ngăn cản sự phát triển các khả năng quan trọng sau này trong cuộc sống. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, chúng ta tiếp tục phát triển, ngay cả khi hệ thần kinh đã ở giai đoạn lão hóa. Nhà nghiên cứu trí não thuộc Đại học California, Marian Diamond, trong cuốn sách Enriching Heredity của mình, đã viết: “Chúng ta biết rằng mỗi phần của tế bào thần kinh từ phần đốt đến các khớp thần kinh thay đổi kích thước để phù hợp với môi trường… môi trường là nhân tố chính duy trì bộ não nhiều tuổi vẫn khỏe mạnh”. Bà lưu ý: “Người ta chỉ ra rằng ngay cả phần trí óc bị mất, nhờ điều kiện sống được củng cố, cũng có thể thích nghi bằng sự thay đổi trong cấu trúc”.

Những nghiên cứu này cũng mang lại hy vọng cho những người có thể đã bỏ lỡ cơ hội phát triển tiềm năng lúc còn nhỏ do không nhận được sự giúp đỡ đúng đắn để phát triển theo mội ‘hướng mong muốn’. Chắc chắn có những hạn chế về mặt sinh học với sự phát triển khả năng của mỗi chúng ta. Thông điệp chính ở đây là không bao giờ quá muộn để phát triển những tiềm năng muộn màng trong bạn.

  • Phát Triển Những Trí Thông Minh Bị Lãng Quên Của Bạn

Thật may mắn là vẫn có một số nguyên lý chỉ đạo không quá phức tạp giúp nuôi dưỡng loại hình trí thông minh bị lãng quên. Triết gia Isael Scheffler thuộc Đại học Harvard, trong cuốn sách Of Human Potential (Về tiềm năng con người) của mình đã gợi ý một phương pháp gồm ba bước nhằm phát lộ những khả năng chưa được khai thác. Trước tiên, bạn phải loại trừ những nhân tố ngăn cản việc phát triển tiềm năng của mình. Thứ hai, bạn phải được làm quen với những phương pháp nhằm thúc đẩy khả năng của mình. Cuối cùng, bạn phải có sự cam kết cá nhân để phát triển tiềm năng.

Quá trình loại bỏ những trở ngại để phát triển tiềm năng có thể đơn giản như là bạn bỏ một thói quen cố định hàng ngày. Ví dụ, những hoạt động thông thường khác như thường xuyên đọc tạp chí, báo, nói chuyện với bạn bè, hoặc “sinh hoạt ngoại khóa”, hầu như không giúp gì nhiều cho việc khám phá những năng lực trí tuệ mới của bạn. Giảm bớt việc tham gia vào những hoạt động này, bạn sẽ có nhiều thời gian để tiếp tục phát triển trí thông minh còn tiềm ẩn của bạn.

Đôi khi, những cản trở trên con đường nhận thức rõ tiềm năng không hề đơn giản. Ma túy, rượu và những chất gây nghiện khác hoàn toàn có hại cho việc đánh thức những năng khiếu và tài năng. Trong những trường hợp như vậy, trước khi có thể tìm được không gian để phát triển thì người đó cần phải nhanh chóng thoát khỏi môi trường thiếu lành mạnh này. Đối với người khác thì các nhóm hồi sức, tâm lý trị liệu hoặc các hình thức phục hồi có thể là những giải pháp giúp họ thoát khỏi những cảm xúc, suy nghĩ và hành vi tiêu cực đang cản trở việc phát triển tiềm năng thực sự của họ.

  • Niềm Say Mê Học Tập

Tuy nhiên, tháo bỏ trở ngại chưa đủ để đánh thức những trí tuệ còn tiềm ẩn. Cần phải có một tia lửa trong những giai đoạn đầu của việc phát triển trí tuệ để làm cho ngọn lửa bùng cháy. Khởi nguồn này có thể là một quyển sách, hoặc nó có thể là một kinh nghiệm, một con người hoặc sự kiện nào đó tạo ra niềm say mê cho học tập. David Henry Feldmen, giáo sư tâm lý thuộc Đại học Tufts, gọi các dạng động cơ thúc đẩy này là những kinh nghiệm tích lũy và chỉ ra rằng chúng là công cụ hữu hiện thúc đẩy những cá nhân sáng tạo đạt được các thành tựu lớn nhất trong cuộc đời. Trong mỗi trường hợp đều có một bước ngoặc nhất định, một giây phút đưa họ tiến tới sự hoàn thành một sứ mệnh đặc biệt.

Khi niềm say mê khám phá một loại thông minh nhất định đã được đánh thức thì nó có cần phải được nuôi dưỡng. Triết gia Alfred North Whitehead viết về một chuỗi rèn luyện bao gồm ba giai đoạn cơ bản để tiếp thu điều mới: giai đoạn tưởng tượng, thời kì bạn cảm nhận sức sống và niềm say mê đi cùng với một kinh nghiệm tích lũy, giai đoạn rõ ràng, thời kỳ bạn cần phải đưa ra những cam kết cho bản thân để đạt được cũng như làm chủ một khả năng cụ thể và giai đoạn thực hiện, thời kì bạn áp dụng trực tiếp năng lực mới của bản thân nhưng sau đó lại chẳng làm gì cả để phát triển khả năng đó.

Đó là lý do tại sao, sau khi đã được “đánh thức”, việc tìm cho mình nguồn hỗ trợ, như một nhóm học tập, chương trình mở rộng, khóa học hàm thụ hoặc một khóa học nghề nhằm giúp bạn từng bước phát triển tiềm năng của mình lại rất quan trọng.

Nhiều người lại chọn cách phát triển sự thông minh của họ thông qua các kế hoạch học tập cá nhân.

Một khi đã lập được kế hoạch cụ thể nhằm biến một tiềm năng thành hiện thực, bạn phải chắc chắn khẳng định nó theo cách cụ thể nào đấy. Sử dụng phương pháp tiếp cận đa chiều bạn có thể có ít nhất bảy cách khác nhau:

• Ngôn ngữ: Đặt cụm từ “Tiến hành!” trên một tờ áp phích như một sự nhắc nhở.

• Không gian: tưởng tượng bản thân đang làm một công việc cụ thể có liên quan tới loại thông minh này.

• Âm nhạc: chơi một bản nhạc tạo sự thúc đẩy như: “Bạn cần phải có trái tim”, hoặc “đi trên đôi chân của bạn” bằng máy thu âm.

• Vận động thân thể: sử dụng dấu ra hiệu tán thành để thể hiện sự quyết tâm của bạn bất cứ khi nào bạn bắt đầu cảm thấy nghi ngờ về kế hoạch của mình.

• Logic – toán học: tạo một áp phích và viết lên đó thời gian bạn dự định sẽ đạt được mục tiêu của mình.

• Tương tác cá nhân: kể cho người khác nghe về kế hoạch thực hiện của bạn và thời điểm bạn hoàn thành nó.

• Nhận thức bản thân: chiêm nghiệm sâu sắc về lòng quyết tâm sẽ tiến đến mục tiêu của mình.

Mỗi người đều có thể đưa ra những mục tiêu thành công cho mình và thực hiện chúng. Người Hopis có niềm tin rằng mỗi người khi sinh ra đều có tài năng và mục đích của cuộc sống là phải nhận biết được tài năng và mục đích của cuộc sống là phải nhận biết được tài năng đó. Như Joseph Campell đã nói tất cả mọi người cần phải “đi theo hạnh phúc của mình” và giữ nguyên vẹn những ước mơ sâu xa nhất của bản thân. Tiểu thuyết gia Tom Clancy, một người cũng có tài năng nở muộn đã nói rằng: “Không có gì thực như ước mơ. Thế giới có thể xóa bỏ nó. Nghĩa vụ không thể che mờ nó. Bởi vì ước mơ nằm bên trong bạn, không ai có thể mang nó đi”.

-------o0o-------

Trích: 7 Loại Hình Thông Minh

Tác Giả: Thomas Armstrong

Dịch giả: mạnh Hải, Thu Hiền

Nxb Lao Động, 2007.

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan