TRÍ THÔNG MINH NGÔN NGỮ - 7 LOẠI HÌNH THÔNG MINH - THOMAS ARMSTRONG

TRÍ THÔNG MINH NGÔN NGỮ

7 LOẠI HÌNH THÔNG MINH - THOMAS ARMSTRONG

-----o0o-----

Khi nào bạn nhận ra rằng trí nhớ về ngôn từ đã tiến bộ, bạn sẽ thấy là bạn có thể kết hợp những kỹ năng mới này vào các bài phát biểu và các cuộc nói chuyện trong công việc chuyên môn, đưa chúng vào các nội dung trao đổi và thảo luận trong cuộc sống, cũng như sử dụng chúng trong các bức thư, bản báo cáo và những bài viết khác mà bạn cần thực hiện.
TRÍ THÔNG MINH NGÔN NGỮ - 7 LOẠI HÌNH THÔNG MINH - THOMAS ARMSTRONG

TRÍ THÔNG MINH NGÔN NGỮ

7 LOẠI HÌNH THÔNG MINH - THOMAS ARMSTRONG

-----o0o-----

Thể hiện năng khiếu ngôn ngữ của bạn

Tôi vốn là người nghiện nghe đài phát thanh, như một đứa trẻ. Tôi đã từng dành hàng giờ đồng hồ để dò các kênh sóng từ đầu này đến đầu kia của băng tần AM, nghe qua tất cả mỗi thứ một chút, cả âm nhạc, tin tức và giải trí. Nhưng có một kênh trên bảng tần số của đài làm tôi luôn phải nấn ná và kéo dài thời gian ở đây, nghe chăm chú hơn so với tất cả các kênh. Chương trình này có tên là The World Tomorrow (Thế giới ngày mai), do nhà truyền giáo Kerbert W. Amstrong thực hiện. Tôi biết chắc chắn một sự thật là Amstrong có cùng họ với mình, và điều này đã làm tôi thêm phần hứng thú. Nhưng những gì quyến rũ tôi lại chính là âm thanh giọng nói của ông, là những từ ngữ mà ông sử dụng và cái cách mà ông diễn đạt. Tôi bị mê hoặc bởi tài diễn thuyết của ông và thường phải rất khó khăn để tự dứt mình rời khỏi niềm say mê ấy.

Kinh nghiệm ban đầu này đã truyền cho tôi một vốn hiểu biết về khả năng dùng sức mạnh của từ ngữ để đánh lừa con người (tôi đã nhanh chóng biết cách phân biệt giữa nội dung thông điệp của nhà truyền giáo với tài hùng biện của ông). Nhưng nó cũng chỉ ra cho tôi thấy được ngôn ngữ có thể gây cảm hứng, dùng để giải trí và được sử dụng để chỉ dẫn cho con người như thế nào. Điều đó khiến tôi khám phá ra rằng ngôn ngữ tạo ra nhận thức cho con người, là một đại diện cơ bản nhất cho một trong các dạng hành vi của trí thông minh con người. Chương này sẽ khảo sát và tìm hiểu sức mạnh của ngôn ngữ trong cuộc sống của bạn. Nó cũng cho bạn thấy làm cách nào để tập hợp và sắp xếp lại những gì mà bạn đã có về trí thông minh ngôn ngữ, để từ đó bạn nhận được những niềm vui và sự hài lòng nhiều hơn nữa trong cuộc sống, đồng thời tăng cường năng lực nhận thức to lớn đối với những ngôn từ mà bạn nói, đọc và viết hàng ngày.

Sử dụng ngôn ngữ

Trí thông minh ngôn ngữ có lẽ mang tính phổ quát nhất trong số bảy loại hình thông minh được nói đến của thuyết trí thông minh đa dạng. Trong khi xung quanh ta có không nhiều nhà hùng biện thành công và ít khi chúng ta được gặp họ, thì mọi người đều phải học và rèn luyện cách nói, và trong nhiều nền văn hóa, phần lớn các công dân đều có thể đọc và viết thông thạo. Trong nền văn hóa của chúng ta, năng lực về ngôn ngữ được xếp vào một trong số những trí thông minh được chú ý và coi trọng nhất, cùng với kiểu tư duy logic toán học. Chúng ta thực sự ấn tượng và khâm phục những cá nhân nào có vốn từ vựng phong phú. Bằng chứng là sự phổ biến rộng khắp của các quyển sách như: Word Power made easy (Tăng cường sức mạnh của ngôn ngữ thật dễ dàng) hoặc 30 days to a more powerful vocabulary (30 ngày để vốn từ vựng phát triển hơn). Chúng ta kính trọng và ngưỡng mộ những người mà họ có thể diễn đạt lưu loát, thể hiện trôi chảy trước đám đông khán thính giả, như người chủ trì các nghi lễ kỷ niệm, diễn viên tấu hài, chính trị gia lão luyện hay các giám đốc. Chúng ta luôn đề cao những nhà văn, nhà báo, đặt họ ở những vị thế có tiếng tăm, mặc dù không hẳn họ đã là người hay hơn, tốt hơn. Tương tự như vậy, chúng ta coi trọng và nể sợ trước những người học rộng và hiểu biết nhiều.

Điểm mốc làm căn cứ cao nhất để đánh giá về trí thông minh trong nền văn hóa của chúng ta là những bài kiểm tra về chỉ số IQ. Những bài kiểm tra này đều được xây dựng chủ yếu dựa trên những thành phần có tính chất thiên về ngôn ngữ, từ vựng. Nhưng dù sao đi nữa, trí thông minh thực sự về ngôn ngữ vẫn phức tạp và rắc rối hơn rất nhiều so với những khả năng đơn giản như là sự lặp đi lặp lại một cách máy móc những câu trả lời trong các bài kiểm tra trí tuệ tiêu chuẩn. Trí thông minh về ngôn ngữ gồm có nhiều thành phần, bao gồm các mặt: âm tiết, cú pháp, ngữ nghĩa và tính ứng dụng của nó.

Những người có khả năng ngôn ngữ cao có sự nhạy cảm sắc bén với âm thanh hoặc âm tiết của từ ngữ, thường vận dụng cách chơi chữ, sử dụng giai điệu, cách uốn lưỡi, dùng điệp âm, cấu tạo từ tượng thanh và những âm thanh đan xen khác nhau để trêu đùa, nghịch ngợm. Một thí dụ là James Joyce, ông đã sáng tạo ra hàng nghìn trò chơi chữ với những thứ tiếng khác nhau và những mẫu ngữ âm tiếng Ailen đầy biểu cảm thú vị trong các cuốn tiểu thuyết tài hoa của ông như Ulysses và Finnegans Wake.

Những người giỏi tư duy về ngôn ngữ cũng thường tinh thông và thành thạo các kỹ năng vận dụng cấu trúc hoặc cú pháp của câu và cụm từ. Giống như Marcel Proust, nhà văn vĩ đại của nước Pháp, ông có tài kết hợp các mệnh đề liên tiếp với nhau trong một câu dài bằng cả một đoạn, đạt đến mức gây ấn tượng thực sự cho người đọc. Khi ông còn đi học, thầy giáo của Proust hầu như không thể theo kịp ông về khả năng này. Người thầy này thường xuyên phê bình cậu bé Proust về việc viết câu dài liên tục, không ngắt đoạn. Hoặc một người tư duy ngôn ngữ ở mức độ cao như nhà ngữ pháp học căn bản, là người luôn luôn chú ý và tìm ra những lỗi sai sót vụng về thỉnh thoảng vẫn mắc phải trong văn nói và văn viết, xảy ra trong suốt cả cuộc đời của mình hoặc của những người khác.

 

Những thiên tài ngôn ngữ còn có thể cho chúng ta thấy được sự nhạy cảm của họ đối với từ ngữ thông qua độ chính xác rất cao về nội dung và ngữ nghĩa của từ. Nhà thơ Robert Lowele vốn nổi tiếng và được mọi người đồn là ông có khả năng hiểu được bất kỳ từ nào đưa ra thảo luận trong lớp sáng tác thi ca của ông ở trường Harvard, đồng thời khảo sát xem từ ấy được sử dụng theo những cách khác nhau nào trong lịch sử văn học nước Anh. Tương tự như vậy là trường hợp của Wiliam Satire người chuyên phụ trách chuyên mục của New York Times (Thời báo New York), đã làm nên sự nghiệp bằng việc nghiên cứu khảo sát các từ mới ra đời và những sắc thái ý nghĩa tinh tế của chúng trong quá trình phát triển tự nhiên liên tục của tiếng Anh.

Nhưng có lẽ thành phần quan trọng nhất của trí thông minh về ngôn ngữ là năng lực sử dụng từ ngữ để phục vụ và đạt được những mục tiêu, thành quả thực tế trong cuộc sống (tiêu chuẩn về tính thực dụng của trí thông minh ngôn ngữ). Đó là trí thông minh của Herbert W. Amstrong (trong việc truyền giáo), Joan Rivers (trong ngành giải trí), Isacc Asimov (trong huấn luyện), Winston Churchill (trong việc động viên khích lệ, truyền cảm hứng), hoặc Clarence Darrow (trong việc thuyết phục người khác). Ngôn ngữ vốn không tự bản thân nó tỏa sáng hoặc tự đứng được ở vị trí hàng đầu so với các yếu tố trí tuệ khác, song chính những mục đích mà ngôn ngữ hướng tới và phục vụ đã tôn nó lên, đặt nó vào một vị trí cao trong đời sống. Mục đích của ngôn ngữ trong thực tế đã làm cho cuộc sống thay đổi theo một số cách thức nhất định, dù cho đó chỉ là sự thay đổi rất nhỏ.

Bản chất và cội nguồn của lời nói

Những loại hình văn bản chỉ mới xuất hiện và được phổ biến rộng rãi trong khoảng 6 nghìn năm nay. Trong khi đó, sự xuất hiện của phương pháp thông tin và giao tiếp thông qua lời nói thì khác. Để tìm thời điểm xuất hiện của lời nói, ta phải đi ngược lại thời kỳ của người cổ đại Neanderthal, tức đã có từ 30 nghìn đến 100 nghìn năm về trước. Thậm chí nếu bạn coi âm thanh như những tiếng càu nhàu, lầm bầm từ miệng những chú khỉ là sự bắt đầu của trí thông minh về ngôn ngữ, thì thời điểm xuất hiện của ngôn ngữ còn xa hơn rất nhiều. Trải qua nhiều nghìn năm phát triển như vậy, nền văn hóa của con người đã tạo ra được những truyền thống giàu có trong văn nói vốn rất phức tạp, từ các lịch sử thị tộc cho đến các truyền thuyết thần thoại, các câu chuyện hư cấu, những lời sấm truyền bí ẩn, những câu chuyện ngụ ngôn và các câu chuyện kể khác đã được tạo ra để truyền lại những hiểu biết, chân lý căn bản về quan niệm của người xưa đối với trời đất, thượng đế loài người và tự nhiên. Những truyền thống bằng lời nói truyền miệng này tiếp tục được mở rộng và hoạt động mạnh mẽ ở nhiều nơi trên trái đất. Trong nền văn hóa bền vững của người châu Phi, vị tộc trưởng nhận được một sức mạnh lớn lao từ năng lực tinh thần để đánh bại được các đối thủ một cách hiệu quả. Ở Mêhicô, một ngôn ngữ bản địa đã góp phần tham gia vào cấu tạo nên hơn 400 thuật ngữ, khái niệm có liên quan đến quá trình sử dụng ngôn ngữ. Còn ở vùng Trung Đông, những người nào có khả năng ngâm thơ ở nơi công cộng và có tài nhớ được bộ Kinh Coran thiêng liêng thì đều được ca tụng, tôn vinh, đồng thời có quyền mang một danh hiệu cao quý, được kính trọng gọi là "Hafiz" - những người thuộc lòng Kinh Coran.

Trải qua vài thập kỷ gần đây, văn hóa truyền miệng của chúng ta có vẻ suy giảm đáng kể. Nghệ thuật hùng biện, một thời đã từng là kỹ năng được đánh giá cao, giờ đây đã bị hạ thấp đến mức như một sự xúc phạm (khi cho rằng "đó chỉ đơn thuần là sự hùng biện, hoa mỹ mà thôi"). Chúng ta chỉ còn nhớ lờ mờ về những tài năng diễn thuyết lừng danh trước đây của đất nước mà chúng ta đã từng được nghe nói đến thành công của họ như: bài diễn văn Gettysburg của Lincoln, những bài phát biểu thực sự khuấy động lòng người của Wiliam Jennings Bryan (người đã từng gọi hùng biện là "sự tư duy trên ngọn lửa") và những cuộc nói chuyện bên cạnh lò sưởi của Franklin Delano Roosevelt. Một nhà bình luận đã đưa ra đề xuất rằng những người dân Mỹ nên quay ngược trở lại những năm 1960, thời có bài phát biểu của Martin Luther King hay diễn văn nhậm chức của John Kenedy, đó là ví dụ về những tài năng hùng biện thực sự trong xã hội của chúng ta.

Cho mãi đến tận những năm 1920 hoặc 1930, theo nhà thơ kiêm nhà phê bình nghệ thuật Donald Hall, chúng ta vẫn sống trong một nền văn hóa "diễn thuyết". Các gia đình thường xuyên đọc Kinh Thánh, cùng nhau kể chuyện, tham gia vào những cuộc tranh luận, đọc sách ở nơi công cộng và ngâm nga những bài phát biểu ở trong lớp học. Mặc dù vậy, ngày nay việc đọc sách một cách thụ động và xem ti vi dường như đã thế chỗ của người kể chuyện và nhà hùng biện, do mọi người đều muốn nghe các nguồn tin tức hơn. Tôi nhớ lại chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước, khi tôi tham gia vào một nhóm những người Ấn Độ đang ngồi quanh một vòng tròn và cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, những bài thơ và nhiều thứ khác. Khi đến lượt mình, tôi đã ngạc nhiên thấy mình bắt đầu ngâm một bài thơ mà tôi chợt nhớ đến, một bài thơ tôi được học từ hồi lớp 6, đó là bài Abou ben Adhem của Leigh Hunt. Điều đó mang lại rất nhiều ý nghĩa đối với tôi, cho tôi biết rằng bài thơ này đã bị giấu kỹ ở một nơi nào đó trong cái kho ký ức của bản thân tôi (và nhờ có không khí của cuộc kể chuyện mà tôi đã nhớ lại).

Bài tập sau đây sẽ giúp bạn nhớ và tìm lại mối liên kết trong tư duy với văn hóa truyền miệng của bạn, đồng thời hỗ trợ bạn trong việc phát triển phương hướng và biện pháp tìm lại nền văn hóa "hùng biện" cho tập thể gia đình và bạn bè.

Học cách khai thác từ nguồn lời nói

Hãy thực hiện hoạt động này với một nhóm ba người hoặc nhiều hơn. Bắt đầu bằng việc đề nghị các thành viên nhóm suy nghĩ xem họ có thể tham gia, đóng góp được điều gì bằng lời nói cho cả nhóm, với một tình huống giả dụ là họ đang cùng nhau bị mắc kẹt trong hầm trú bom sau một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tất cả đều không có giấy, bút chì hoặc sách vở gì và phải bắt đầu văn hóa truyền miệng trong những điều kiện ở trạng thái thuở ban đầu của xã hội loài người, giống như thời xa xưa. Họ có thể đóng góp những câu chuyện dân gian, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn về loài vật, truyện ma, các câu đố, những tác phẩm hài hước, truyện cười hay trò chơi uốn lưỡi nào đó. Cũng có thể chỉ là những bài thơ được chọn lọc, những câu nói nổi tiếng, các câu tục ngữ hay những đoạn văn nào mà họ ghi nhớ được và có thể đưa ra chia sẻ cùng với mọi người. Tiến hành thực hiện trò chơi khắp một vòng và luân phiên nhau ngâm, đọc lại những lời nói đặc biệt đã được ghi nhớ và nó sẽ trở thành một phần mới trong cách nói chuyện hàng ngày của bạn. Nếu bạn muốn, hãy ghi âm lại để lưu giữ tất cả những gì đã được bạn bè đóng góp và chia sẻ với nhau trong trò chơi. Bạn cũng có thể làm việc này một mình bằng cách ghi và viết lại những lời nói được hiện ra trong trí nhớ của bạn.

Kinh nghiệm thực tiễn này nhằm khai thác kho báu văn hóa bên trong bạn; nó cũng có thể kích thích bạn, khiến bạn muốn phát triển năng lực ngôn ngữ nói của bạn lên mức độ cao hơn nữa. Sau đây là một số đề nghị đối với bạn: Hãy phân bổ và dành thời gian khoảng vài phút mỗi tuần để ghi nhớ lại một số thành ngữ, đoạn văn trong những tác phẩm văn học yêu thích của bạn. Hoặc sử dụng sách tham khảo, ví dụ như quyển Bartlett's Familiar Quotations (Những trích dẫn quen thuộc của Bartlett) hay một tuyển tập các bài thơ làm nguồn tài liệu giúp bạn phát triển trí nhớ. Hãy đọc nhiều lần những truyện cổ tích hoặc truyện thần thoại nổi tiếng, như thế bạn sẽ trở nên quen thuộc với chúng, sau đó bạn tập kể lại các câu chuyện đã đọc cho gia đình và bè bạn nghe. Nhà văn hài trên đài phát thanh Garrison Keilor nói rằng, thông thường ông mất từ 10 đến 12 lần lặp lại để có thể kể được chính xác câu chuyện. Hãy đến các ngày hội kể chuyện, những dịp đọc thơ ca ở những nơi mà văn hóa truyền miệng vẫn còn tồn tại và hưng thịnh. Hãy thu thập lấy các băng ghi âm về những nhà kể chuyện thành công trong xã hội (thông thường các dữ liệu này luôn sẵn có ở một thư viện công cộng nào đó) và học lấy cả nội dung cũng như phương pháp kể chuyện từ những băng ghi âm này. Khi nào bạn nhận ra rằng trí nhớ về ngôn từ đã tiến bộ, bạn sẽ thấy là bạn có thể kết hợp những kỹ năng mới này vào các bài phát biểu và các cuộc nói chuyện trong công việc chuyên môn, đưa chúng vào các nội dung trao đổi và thảo luận trong cuộc sống, cũng như sử dụng chúng trong các bức thư, bản báo cáo và những bài viết khác mà bạn cần thực hiện.

Trích “7 Loại Hình Thông Minh”

Tác giả: Thomas Armstrong

Người dịch: Mạnh Hai, Thu Hiền

Nhà Xuất Bản Alpha Books

 

Bài viết liên quan