TẠO RA ÂM NHẠC - BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN NGHĨ – THOMAS ARMSTRONG

Ngay khi bạn đang đọc gì đó, liệu bạn có thể nghe thấy tiếng tàu chạy hoặc âm thanh của thành phố không? Bạn có biết rằng mình có thể tạo ra âm nhạc và âm thanh ngay trong đầu? Bạn có thể từng hình dung hay mường tượng ra nhiều điều từ trước đó. Thật tốt, bạn có thể làm điều tương tự với âm thanh và âm nhạc. Đó được gọi là hình dung âm nhạc và thay vì nghe nhạc bằng tai,...
TẠO RA ÂM NHẠC - BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN NGHĨ – THOMAS ARMSTRONG

TẠO RA ÂM NHẠC

BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN NGHĨ – THOMAS ARMSTRONG

-----o0o-----

Ca hát hay chơi các loại nhạc cụ có lẽ là điều đầu tiên bạn cần quan tâm khi nghĩ đến trí thông minh âm nhạc. Khi hát theo đài hoặc dàn đồng ca, thì bạn đã biểu hiện trí thông minh âm nhạc. Khi chơi kèn Trombon trong một ban nhạc của trường hoặc gõ bất cứ thứ gì trên bàn như những nhạc cụ ngẫu hứng, bạn cũng đã bộc lộ trí thông minh âm nhạc. Bạn có thể tạo ra âm nhạc ở khắp mọi nơi bạn đến. Bạn cũng có thể hát trong khi đi đổ rác và gõ nhịp chân khi đang giải toán. Tạo ra âm nhạc – bất kể là bằng cách nào – đều là biểu hiện của trí thông minh âm nhạc.

Nếu bạn chưa từng thử chơi một loại nhạc cụ hoặc ca hát, đừng vội kết luận mình không thể làm điều đó. Có lẽ bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu hát hoặc chơi một loại nhạc cụ như đàn ghita hay piano. Hoặc bạn có thể nghĩ đến việc tham gia một nhóm nhạc ở trường hay một đội hợp ca nơi mọi người có thể học được những điều mới mẻ. Nếu có cơ hội, hãy tìm đến lớp học tư của một thầy giáo dạy nhạc.

Trong khi học cách tạo ra âm nhạc, bạn cũng phải vận dụng cả những loại hình trí thông minh khác. Khi đang đếm nhịp phách và nhận diện kết cấu, thể loại nhạc trong một đoạn nhạc, bạn có thể thấy trí thông minh logic của mình cũng đang hoạt động. Hoặc bạn có thể phát triển trí thông minh vận động cơ thể bằng cách chú ý hơn về hơi thở và dáng điệu khi đang hát, hay bằng cách cải thiện kỹ năng vận động và sự phối hợp khi bạn chơi một loại nhạc cụ giống như cello hay clarinet.

Chơi một loại nhạc cụ hay ca hát phổ biến hơn là đọc bản nhạc hay xướng âm. Sáng tác nhạc cũng là cảm nhận và biểu hiện. Nghe nhạc đem lại cảm nhận cho bạn thì chơi nhạc cũng có khả năng như vậy. Bạn có thể kích thích tinh thần phấn chấn hơn bằng cách chơi một đoạn nhạc ragtim với đàn piano, hay trầm tư hơn bằng cách chơi một điệu nhạc chậm rãi với violon. Hoặc chơi những đoạn nhạc đặc biệt khó để có được cảm giác thành công và tự hào.

Chơi hoặc hát một bản nhạc do người khác viết cũng có thể giúp bạn cảm nhận được cảm xúc của tác giả. Việc hiểu được những gì tác giả hoặc nhà soạn nhạc cố gắng truyền tải giúp bạn khám phá cảm xúc của bản thân. (Đây cũng là cách để bạn tự khám phá xem mình thông minh như thế nào!). Điều này luôn đúng, bất kể bạn đang chơi bản concerto của Bach hay một bài hát của nghệ sỹ nhạc jazz vĩ đại, Billie Holiday. Bạn sẽ nhận thấy rằng một bản nhạc có thể tạo cho bạn cảm giác khác với ý định của tác giả. Vì vậy, bạn có thể chơi bản nhạc theo cách khác để phản ánh cảm xúc của chính mình.

Chơi nhạc cùng, hoặc cho người khác nghe, cũng có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái. Đây là cách chia sẻ những cảm nhận trong âm nhạc và làm cho chúng trở nên dào dạt và mãnh liệt hơn. Nó cũng tạo ra mối liên hệ với người khác và cho bạn một ý thức cộng đồng – bất kể bạn hát với cha mẹ khi đang nấu bữa tối, tham gia một đội hợp ca trong nhà thờ hoặc khởi đầu với một nhóm nhạc cùng bạn bè.

Vì thế, khi tạo ra âm nhạc, bạn đang làm nhiều hơn là bạn nhận ra đấy! Bạn có thể tư duy, bộc lộ cảm xúc, giải quyết vấn đề, kết bạn, phát triển và chia sẻ một phần quan trọng của chính bản thân.

SÁNG TÁC NHẠC

Nhiều người chia sẻ ý tưởng và cảm nhận của mình thông qua việc sáng tác nhạc, rồi có thể tự mình hoặc để người khác trình bày. Soạn nhạc hay sáng tác ca khúc là một phương diện khác của trí thông minh âm nhạc. Bất kể bạn chơi ngẫu hứng trên phím piano, viết một đoạn nhạc đúng quy chuẩn cho cây vĩ cầm hay hợp nhiều bài hát thành một liên khúc thì tất cả đều là sáng tác nhạc.

Sáng tác một đoạn nhạc hay viết lời bài hát không phải là việc to tát. Bài hát đó đơn giản hay phức tạp tùy thuộc vào việc bạn muốn nó như thế nào. Viết nhạc là sáng tạo ra các khuôn mẫu cho giọng, nốt nhạc hay nhịp điệu mà bạn thích và chơi chúng. Hãy tìm những âm thanh hoặc tiếng động bạn muốn thưởng thức và để chúng truyền cảm hứng cho bạn. Có thể bạn sẽ tìm thấy một nhịp điệu dễ nhớ và lôi cuốn trong cấu trúc của tiếng động hay âm thanh của một chiếc máy giặt và tạo ra được một đoạn nhạc rap với âm thanh đó. Hoặc những âm thanh của một cơn bão sẽ truyền cho bạn cảm hứng sáng tác một đoạn nhạc trên phím piano mà âm thanh giống như tiếng mưa rơi.

Có lẽ bạn nghe âm nhạc trong đầu nhiều hơn là trong đời sống thực tại. Bạn có thể làm cho âm nhạc trong đầu trở nên sống động không? Nếu không có lời, bạn hãy ngân nga theo điệu nhạc. Gảy đàn ghita cho tới khi bạn tìm ra đúng phím. Bất chấp việc bạn bắt đầu viết bài hát như thế nào, hãy cứ để mình vẩn vơ và chơi bài hát đó. Hãy nhớ là bạn chỉ viết lời bài hát cho riêng bản thân mà thôi. Vì thế, hãy dùng những nốt nhạc và tạo ra tiếng động phù hợp với bạn.

Có thể bạn muốn sẻ chia âm nhạc với bạn bè, gia đình và những người xung quanh. Bạn cũng có thể biểu diễn ở trường và nếu muốn biểu diễn ở những nơi công cộng, hãy bắt đầu tìm kiếm những buổi biểu diễn năng khiếu và điểm hát nhạc sống ở các quán càphê hoặc nhà hàng. Bạn sẽ tìm thấy một cộng đồng người thích viết và biểu diễn nhạc của chính mình. Đây là một cách khá thú vị để khai phá thêm kỹ năng âm nhạc của bạn.

BẮT NHỊP VỚI TƯ DUY ÂM NHẠC

Có thể bạn sẽ cảm thấy hứng thú khi biết tư duy âm nhạc luôn hoạt động, cho dù bạn không nghĩ hay đang nghe nhạc. Tư duy âm nhạc là một phần của cuộc sống hàng ngày. Hãy kiếm tìm tư duy âm nhạc của bạn trong công việc ở trường học. Bạn có thể để ý thấy mình đang khẽ gõ một nhịp điệu lên bàn học hay thầm thì ngân nga khi đang đọc sách hoặc giải toán. Điều đó cho thấy chính tư duy âm nhạc đang giúp bạn xử lý các ý tưởng và thông tin.

Chơi nhạc cũng như nghe nhạc có thể giúp bạn tập trung suy nghĩ. Âm nhạc giúp bạn sáng tạo nghệ thuật và phát minh, động não để xử lý các ý tưởng, giải quyết các vấn đề. Nhiều nhà khoa học, nhà văn và nghệ sỹ dùng âm nhạc để nghiên cứu, tư duy thông suốt cũng như khơi nguồn cảm hứng. Albert Einstein đã chơi vĩ cầm khi nghiền ngẫm các vấn đề vật lý. Tiểu thuyết gia Stephen King nghe nhạc rock khi đang viết sách. Vào những năm 1950, các nhà văn thuộc trào lưu Beat như Jack Kerouac và Allen Ginburg cũng được truyền cảm hứng bởi âm thanh và nhịp điệu của nhạc jazz. Họ đã cố gắng đưa sự sáng tạo về những âm thanh và nhịp điệu, hay tiếng động tương tự vào trong ngôn ngữ của những bài thơ và câu chuyện. Nghệ sỹ Henri Matisse và Jackson Pollock cũng sử dụng nhạc jazz để khơi nguồn cảm hứng cho những ý tưởng và phong cách mới.

Đôi khi tư duy âm nhạc được tạo nên bởi những âm thanh của cuộc sống như tiếng suối chảy róc rách, tiếng lá cuốn bay trong gió, tiếng chim gõ kiến đang gõ vào thân cây, tiếng nổ vang trời của cơn sấm, tiếng còi xe, tiếng tàu điện ngầm, tiếng còi tầm và cả tiếng ồn ào của những người đi lại và trò chuyện trên đường phố, v.v... Thế giới có biết bao âm thanh và các nhà soạn nhạc, nhạc sỹ đã sử dụng chúng vào nhạc phẩm của họ.

Các nhà văn cũng phải cần đến sự trợ giúp của âm thanh và âm nhạc trong cuộc sống. Bạn từng đọc sách của Tiến sỹ Seuss chưa? Nếu có, hãy nhớ lại ngôn từ đã du dương như thế nào trong mẩu chuyện The Cat in the Hat (Chú mèo trong chiếc mũ) và Green Eggs and Ham (Những quả trứng xanh và giăm bông). Tiến sỹ Seuss nói rằng những nhịp điệu đến với ông khi ông đang ngồi trên tàu và lắng nghe âm thanh của bánh xe chuyển động trên đường ray.

Ngay khi bạn đang đọc gì đó, liệu bạn có thể nghe thấy tiếng tàu chạy hoặc âm thanh của thành phố không? Bạn có biết rằng mình có thể tạo ra âm nhạc và âm thanh ngay trong đầu? Bạn có thể từng hình dung hay mường tượng ra nhiều điều từ trước đó. Thật tốt, bạn có thể làm điều tương tự với âm thanh và âm nhạc. Đó được gọi là hình dung âm nhạc và thay vì nghe nhạc bằng tai, bạn có thể nghe nhạc bằng tâm trí.

-----o0o-----

Trích “Bạn Thông Minh Hơn Bạn Nghĩ”

Tác giả: Thomas Armstrong

Người dịch: Thu Trang – Ngọc Bích

Nhà Xuất Bản Lao Động Xã Hội - Alphabooks

Bài viết liên quan