SỨC MẠNH CỦA SỰ SÁNG CHẾ - BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN NGHĨ – THOMAS ARMSTRONG

SỨC MẠNH CỦA SỰ SÁNG CHẾ

BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN NGHĨ – THOMAS ARMSTRONG

-----o0o----

Vì khả năng tư duy và sáng tạo trong không gian ba chiều là cách giải quyết vấn đề hữu hiệu nên các nhà sáng chế cũng là người sở hữu trí thông minh không gian. Các nhà sáng chế, họa sỹ và nhà thiết kế đều có khả năng phát hiện ý tưởng từ thế giới xung quanh. Nơi họa sỹ tìm ra ý tưởng nghệ thuật cũng là nơi nhà sáng chế tìm ra vấn đề cần giải quyết như: cách thức để lau chùi hiệu quả, đi lại nhanh hơn, an toàn hơn, hoặc lưu giữ được một khối lượng thông tin khổng lồ (hay nói cách khác, đó là các phát minh về máy hút bụi, xe ôtô, máy bay, dây an toàn và máy tính).

Bạn có gặp vấn đề khó khăn gì không? Bạn đã sáng chế được thứ gì chưa? Nếu đang tìm kiếm ý tưởng, hãy nghĩ đến những việc làm hàng ngày: việc vặt trong nhà, thể thao, bài tập, sở thích, trường học, mua sắm hay công việc tình nguyện. Tất cả những hoạt động đó cần phải được giải quyết bằng ý tưởng sáng tạo. Có nhiều người đã sáng chế mọi thứ từ chổi có thể điều chỉnh đến máy quét giấy phép lái xe từ khi còn rất nhỏ. Thậm chí những cô bé, cậu bé còn được cấp bằng sáng chế nữa đấy!

Giống như các nhà văn, họa sỹ, nhà phát minh thường nảy ra ý tưởng chính từ sự mơ mộng. Đó thường là những hình ảnh xuất hiện ngay khi họ đang thức, không suy nghĩ điều gì quan trọng và cũng không cần phải cố gắng tư duy. Đôi khi sự mơ mộng đến chỉ vì bạn đang phiền muộn, đặc biệt là khi cố gắng tập trung vào một điều gì đó (ví dụ: làm bài tập hoặc nghe giảng). Nhưng nếu bạn học được cách sử dụng khả năng này, nó có thể giúp bạn đưa ra những ý tưởng tuyệt vời. Các nhà khoa học đã khám phá những điều đáng kinh ngạc cũng nhờ những giấc-mộng-ban-ngày của họ.

Albert Einstein là một người mơ mộng và cũng là một ví dụ điển hình của “người tư duy bằng hình ảnh”. Khi ở Đức, ông từng bị đuổi khỏi trường phổ thông, một phần bởi ông luôn mơ mộng về những thứ mình thích. Einstein thường xuyên mơ tưởng về một thứ gì đó có thể bay vào không gian bằng vận tốc ánh sáng. Chính nhờ những mơ mộng đó và những thứ tương tự ông đã xây dựng nên Thuyết Tương đối một trong những học thuyết khoa học quan trọng nhất của thế kỷ XX.

Bạn có thể dùng trí tưởng tượng (và sự mơ mộng) để kích thích tư duy của chính mình. Đây là một số vấn đề bạn có thể thực hiện bằng trí tưởng tượng – hãy nghĩ về chúng như những phát minh của tương lai:

Những phương pháp tái sinh mới.

Tạo ra năng lượng từ rác thải.

Loại ôtô mới không gây ô nhiễm không khí hay làm tắc nghẽn đường cao tốc

Những không gian sống có thể xây dựng trên các hành tinh khác

Một phương pháp ít tốn kém để lấy muối từ biển

Cách tốt hơn để tạo ra lương thực và cung cấp cho những người thiếu lương thực trên thế giới

Thực hiện một “cuộc đối thoại bằng tranh”. Thực hiện cuộc đối thoại với một người bạn hay thành viên trong gia đình bằng cách vẽ tranh. Người kia vẽ một điều gì đó, bạn cũng dùng hình vẽ để “trả lời” và tiếp tục như vậy cho đến khi dừng “cuộc đối thoại”. Sau đó, cả hai cùng nhau thảo luận về chúng và để ý xem liệu các bạn đã “nói” đúng những gì mình nghĩ và...
SỨC MẠNH CỦA SỰ SÁNG CHẾ - BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN NGHĨ – THOMAS ARMSTRONG

Tàu vũ trụ có thể du hành đến các thiên hà khác trong một vài năm

Cách thức để ngăn chặn vũ khí và rác thải hạt nhân

Còn vấn đề gì bạn muốn giải quyết bằng trí thông minh không gian nữa không? Khi hình thành những tưởng đó, có lẽ bạn muốn phác họa hoặc tự làm một bộ phim về chúng. Trí thông minh không gian có thể đưa bạn đến với những phát minh độc đáo nhất.

Một Số Cách Thức Thú Vị Giúp Phát Triển Trí Thông Minh Không Gian

Sau đây là một số cách thức giúp bạn phát triển trí thông minh không gian. Hãy cố gắng thử một số hoạt động bạn thích, cho dù bản thân bạn có trí thông minh không gian ở mức nào.

Khám phá thế giới nghệ thuật. Nếu nơi bạn sống có bảo tàng, hãy tới tham quan và quan sát các loại hình nghệ thuật được trưng bày ở đó. Nếu bạn không có cơ hội đến bảo tàng nghệ thuật, hãy xem trên mạng. Rất nhiều bảo tàng có trưng bày ảo tất cả (hay một phần) bộ sưu tập của họ trên các trang web. (Hãy bắt đầu tìm kiếm bảo tàng trực tuyến với một công cụ tra cứu như Google). Đọc những cuốn sách và tạp chí được minh họa bằng các bức ảnh hay tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Đây cũng là cách thú vị để bạn bắt đầu khám phá. Người thủ thư có thể gợi ý cho bạn những cuốn sách hay tạp chí nghệ thuật.

Giữ một cuốn sổ ghi chép hình ảnh. Sổ ghi chép hình ảnh rất tiện lợi để phác họa những gì bạn quan sát được và cảm thấy thích thú, hoặc ghi lại những ý tưởng hay vấn đề bạn đang cố gắng giải quyết. Bạn có thể kết hợp nhật ký viết tay với sổ ghi chép hình ảnh hoặc dùng một cuốn khác.

Tạo một “thư viện tranh”. Sưu tập những hình ảnh, bức tranh và mẫu thiết kế bạn thích từ báo chí, bưu ảnh hay từ bất kỳ nguồn nào bạn có. Bạn có thể cất chúng trong một cái hộp, tập hợp thành một cuốn sách ảnh hay dán lên tường.

Chụp bức ảnh về một ngày của bạn. Sẽ rất thú vị khi chụp ảnh về những điều bạn gặp trong ngày. Bạn có thể thực hành kỹ năng chụp ảnh phóng sự và ghi lại những sự kiện quan trọng trong vài ngày hay vài tuần. Sau đó, chọn ra những bức đẹp nhất và cho vào một quyển album hay dán chúng lên tường. (Thậm chí, bạn có thể duy trì công việc chụp ảnh trong khoảng thời gian vài tháng hay vài năm và sẽ thấy những bức ảnh cũng như cuộc sống của chính bạn thay đổi như thế nào theo thời gian).

Tự quay phim cho mình. Nếu có một chiếc máy quay kỹ thuật số, bạn có thể làm bất cứ việc gì từ các đoạn video ca nhạc đến các thước phim tài liệu do bạn tự viết kịch bản, với dàn diễn viên là bạn bè. Có rất nhiều phần mềm đơn giản giúp bạn chỉnh sửa cũng như thêm âm thanh và các hiệu ứng vào tác phẩm của mình.

Chơi các trò chơi hay tập giải câu đố. Pictionary (trò đoán chữ từ những hình vẽ của đồng đội) là một trò chơi quan sát quen thuộc. Rất nhiều trò khác như tic-tac-toe, cờ đam và cờ vua đều cần có chiến lược và khả năng hình dung những tình huống khác nhau trước khi chọn nước đi tiếp theo. Câu đố chuỗi, khối lập phương rubic (hay bất kỳ trò chơi 3-D nào) và ma trận là những cách thú vị để sử dụng khả năng tư duy về không gian đa chiều của bạn.

Xem ảo ảnh. Ảo ảnh là những bức tranh đánh lừa bộ não, cho phép bạn thưởng thức hình ảnh theo nhiều cách. Bạn cũng có thể tự tạo ra ảo ảnh.

Sáng tạo bằng máy tính. Có rất nhiều phần mềm giúp bạn sáng tạo trên máy tính. Ví dụ: chương trình Adobe Photoshop để chỉnh sửa hình ảnh hay Adobe Illustrator cho phép bạn vẽ trên giao diện máy tính, chọn các màu sắc và bố cục khác nhau chỉ với một lần kích chuột. Các chương trình này có thể giúp bạn làm bất cứ điều gì từ thiết kế một chiếc ôtô (chương trình hỗ trợ thiết kế trên máy tính – CAD) đến làm phim hoạt hình.

Tham gia một lớp học. Bạn thích học về điều gì? Vẽ và tô màu như thế nào? Kiến trúc cơ bản là gì? Bạn làm cách nào để phát triển khả năng nhiếp ảnh của mình? Những nghệ sỹ nổi tiếng trong lịch sử? Những loại hình thủ công khác nhau như thế nào? Bạn có thể tìm thấy những lớp học có tất cả các chủ đề đó và còn nhiều hơn thế nữa. Hãy tìm những lớp học ngoại khóa trong các chương trình đào tạo thường xuyên, tại trung tâm cộng đồng, các bảo tàng (bảo tàng nghệ thuật và bảo tàng thiếu nhi), các trường cao đẳng cộng đồng, trên mạng và với gia sư.

Tạo ra một “phòng thiết kế” ngay trong nhà. Thu thập các vật liệu để vẽ và xây dựng mô hình cho các phát minh, ý tưởng hay dự án của bạn, như miếng ghép bằng nhựa, hình khối ghép bằng que, hình lục giác xếp bằng giấy, viên gạch, xốp, keo, dụng cụ thông ống, ghim giấy, vỏ hộp soda, tăm và đất sét, v.v...

Tạo ra một khu vực “dành cho nghệ thuật” ngay trong nhà. Bạn có thể sử dụng những thứ

xung quanh như bút chì, bút đánh dấu, bút chì màu, đất sét nặn, giấy xi măng, kéo, keo dán, kim tuyến, giấy lụa, bảng vẽ, giấy vẽ, bảng treo, tấm xốp hay bất kỳ thứ gì bạn thích. Một giá vẽ hay bảng gỗ để đặt dụng cụ vẽ và bức tranh trong khi làm việc cùng khăn trải bàn nilon để bảo vệ bàn và sàn nhà cũng rất hữu ích.

Quan sát những thứ xung quanh bạn vài phút mỗi ngày. Quan sát từ những chi tiết nhỏ như ánh nắng xuyên qua cửa sổ phòng học mỗi buổi chiều, sự thay đổi màu sắc trên bảng, hình dáng của những trang thiết bị trong sân chơi, đường đi của chiếc xe bạn thích hay bất cứ thứ gì thu hút tầm mắt của bạn.

Vận động nhà trường tiến hành những hoạt động phát triển trí thông minh không gian. Đề nghị giáo viên hay hiệu trưởng tăng thêm nhiều môn nghệ thuật trong chương trình học, mở lớp học dành cho những người thích kiến trúc hay tổ chức hội chợ sáng chế trong trường bạn.

Thay đổi cách nhìn của bạn về thế giới. Những thứ như kính vạn hoa, kính viễn vọng, kính lúp và kính hiển vi có thể thay đổi cách quan sát thế giới của bạn, giúp bạn khám phá những gì đã nhìn thấy. Kính vạn hoa tạo thêm nhiều màu sắc, ánh sáng và chi tiết hơn. (Bạn có thể tự làm được kính vạn hoa). Kính lúp và kính hiển vi phóng to những vật nhỏ xíu và tạo ra một thế giới mới đầy chi tiết và hình dạng. Kính viễn vọng mang những thứ ở rất xa đến gần hơn - bạn không chỉ thấy mặt trăng ở sát bên mà còn quan sát được cả những lỗ thủng trên bề mặt của nó nữa.

Tìm kiếm những chi tiết thú vị trong cuộc sống hàng ngày. Chi tiết là tất cả những gì xung quanh bạn từ những “con mắt” trên vỏ quả dứa trong một tiệm trái cây đến hàng cửa sổ của một tòa văn phòng lớn. Càng quan sát nhiều, bạn càng cảm thấy hứng thú hơn (ví dụ: những hình vuông lặp đi lặp lại trên một dãy nhà hay những dấu chữ thập trên hàng rào).

Thực hiện một “cuộc đối thoại bằng tranh”. Thực hiện cuộc đối thoại với một người bạn hay thành viên trong gia đình bằng cách vẽ tranh. Người kia vẽ một điều gì đó, bạn cũng dùng hình vẽ để “trả lời” và tiếp tục như vậy cho đến khi dừng “cuộc đối thoại”. Sau đó, cả hai cùng nhau thảo luận về chúng và để ý xem liệu các bạn đã “nói” đúng những gì mình nghĩ và cần truyền đạt trong bức tranh hay chưa.

-----o0o-----

Trích “Bạn Thông Minh Hơn Bạn Nghĩ”

Tác giả: Thomas Armstrong

Người dịch: Thu Trang – Ngọc Bích

Nhà Xuất Bản Lao Động Xã Hội - Alphabooks

Bài viết liên quan