LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN BIẾT CHÍNH MÌNH - 7 LOẠI HÌNH THÔNG MINH - THOMAS ARMSTRONG

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN BIẾT CHÍNH MÌNH

7 LOẠI HÌNH THÔNG MINH - THOMAS ARMSTRONG

---o0o---

Một số độc giả có thể vẫn do dự khi thử đặt ra mục tiêu như trên vì họ không chắc chắn về điều họ thật sự muốn làm trong cuộc đời.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN BIẾT CHÍNH MÌNH - 7 LOẠI HÌNH THÔNG MINH - THOMAS ARMSTRONG

 

Một số độc giả có thể vẫn do dự khi thử đặt ra mục tiêu như trên vì họ không chắc chắn về điều họ thật sự muốn làm trong cuộc đời. Những cá nhân này có thể cần tập trung vào một yếu tố quan trọng khác của sự hiểu biết bản thân: năng lực nhận thức nội tâm. Howard Gardner mô tả khả năng này như là thành phần cốt lõi của sự hiểu biết bản thân. Theo Gardner, một người với khả năng nhận biết nội tâm sâu sắc có thể phân biệt các dạng cảm xúc và cuối cùng phân loại, biểu tượng hóa chúng và “dùng chúng như một phương thức để hiểu và chỉ dẫn hành vi con người”. Những người như vậy bao gồm các nhà trị liệu tâm lý, nhà thông thái và các nhà văn. Ví dụ như Marcel Proust đã dành rất nhiều năm trưởng thành để suy ngẫm về cuộc đời mình. Thành quả của quá trình xem xét nội tâm ấy chính là một trong những tác phẩm văn học vĩ đại của nền văn minh phương Tây, cuốn tiểu thuyết nhiều tập A la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất). Cuốn tiểu thuyết bắt đầu với hơn năm mươi trang nói về cảm xúc của nhân vật chính khi còn là một đứa trẻ tối tối nằm đợi mẹ để được hôn và chúc ngủ ngon, trong đó mỗi cảm xúc và suy nghĩ đều được khám phá rất tinh tế.

Sigmund Freud − người sáng lập Lý thuyết Phân tâm học − lại thực hiện một loại xem xét nội tâm hoàn toàn khác. Bắt đầu từ năm ba mươi chín tuổi, mỗi ngày ông dành ra nửa tiếng để tự phân tích bản thân. Sử dụng phương pháp tâm lý tương tự như ông đã áp dụng cho người bệnh của mình, bao gồm sự liên tưởng tự do, tìm hiểu giấc mơ và (giống như Proust) hồi tưởng về những ký ức thời thơ ấu, Freud đã tiến hành cuộc phiêu lưu tâm hồn trong hơn bốn mươi năm – một quá trình đã đóng góp to lớn cho sự phát triển của Lý thuyết Phân tâm học.

Ngoài ra, còn có một phương thức xem xét nội tâm khác xuất phát từ Đông Nam Á, nơi mà những vị đại sư Phật giáo nguyên thủy ngồi thiền vài tiếng mỗi ngày nhằm hướng sự tập trung vào các hiện tượng của tinh thần. Dựa trên sự chiêm nghiệm sâu xa của ý thức, trong A tỳ đạt ma(1) đã phát triển một hệ thống tâm lý phức tạp của ý nghĩ giúp phân loại những dạng tinh thần khác nhau. Ví dụ như, nó đã xác định được mười một hiện tượng tinh thần tích cực, hai mươi nguồn gốc của sự bất ổn, chín giai đoạn kiểm soát tinh thần và rất nhiều loại hoạt động tinh thần khác.

Tuy nhiên, bạn không cần phải là một nhà văn, chuyên gia về tâm thần học hay là một nhà sư để có thể thực hiện công việc xem xét nội tâm. Hãy xem xét một vài phương pháp đơn giản có thể áp dụng để giúp bạn tập trung vào quá trình định hướng nội tâm:

Viết nhật ký: Những người khám phá bản thân luôn nhận thấy nhật ký là một thứ vô giá giúp họ thăm dò sự sâu kín của tâm hồn. Mặc dù nhật ký là một phương tiện ngôn ngữ được những người vốn có khả năng nhận biết nội tâm sử dụng nhưng nó vẫn có khuynh hướng là một công cụ để khám phá bản thân hơn là một phương thức biểu hiện của văn học. Thomas Mallon, tác giả cuốn Book of One’s Own: People and Their Diaries (Quyển sách cá nhân: Con người và nhật ký của họ), mô tả những ký giả uyên bác này: “nhìn chung là những người rất nghiêm túc, đặc biệt là khi họ hồi tưởng…” Ví dụ về các tác phẩm của những cá nhân này gồm có những suy ngẫm triết học 11 A tỳ đạt ma: Tạng thứ ba trong Tam tạng, chứa đựng các bài giảng của Đức Phật và đệ tử, phân tích về tâm và hiện tượng của tâm.

Của Thoreau, những biểu hiện cá nhân mạnh mẽ của Anais Nin và những khao khát tâm hồn của Thomas Merton. Các hình thức mà những người viết nhật ký sử dụng để nhận biết bản thân không hoàn toàn giống nhau.

Tác giả Joana Field ghi lại những giây phút hạnh phúc nhất của mỗi ngày như một sự mở đầu cho những trang nhật ký. Chuyên gia về tâm thần học Carl Jung lại mô tả hình ảnh về những giấc mơ và những hình ảnh tưởng tượng kỳ lạ trong quyển nhật ký bìa da đen của mình.

Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Dag Hammarskjold sưu tập các bài thơ, những lời trích dẫn, câu hỏi và những đoạn châm ngôn trong hơn ba mươi năm.

Nhà tâm lý học Ira Progoff thuộc Đại học New York đã tổng hợp những nét đặc trưng nhất của việc viết nhật ký thành một phương pháp mà bất cứ người nào cũng có thể học và sử dụng để khám phá bản thân. Cuốn nhật ký được chia ra thành nhiều mục, tương ứng với những khía cạnh khác nhau trong sự chiêm nghiệm của mỗi người. Những đặc trưng này bao gồm:

Giấc mơ.

Hình ảnh tưởng tượng (sự mơ mộng).

Tiểu sử về bản thân.

Đối thoại nội tâm với những người đặc biệt.

Độc thoại nội tâm về bản thân và công việc.

Ghi chép hàng ngày.

Tiêu biểu là mỗi cá nhân có thể bắt đầu bằng cách ghi chép một đoạn đầu trong một mục nào đó của nhật ký nhưng sau đó, khi đã có sự liên tưởng thì tiếp tục chuyển sang mục khác. Ví dụ như, một trang nhật ký hàng ngày có thể bắt đầu từ ký ức về một giấc mơ trong mục giấc mơ; điều này lại có thể dẫn đến ký ức về tuổi thơ và hãy ghi lại nó trong mục tiểu sử. Progoff cảm thấy cách tiếp cận linh hoạt với nhật ký này sẽ khắc phục được những hạn chế của hình thức nhật ký thông thường vốn cứng nhắc và không cho phép con người mở rộng cuộc sống nội tâm của họ.

Thiền định: Đối với những người không muốn bị bó buộc vào chữ viết, suy ngẫm có thể là phương pháp tốt nhất và thích hợp nhất để nhận biết nội tâm. Cho dù đó là tập trung vào ánh nến, đọc kinh, hoặc đơn giản chỉ là tuân theo những ý nghĩ xuất hiện và biến mất trong trí óc con người thì thiền định vẫn mang lại một cách nhìn nhận có ý thức vào những trải nghiệm nội tâm thường bị sao nhãng trong cuộc sống bận rộn hàng ngày. Chuyên gia về tâm thần học Lawrence Leshan, tác giả cuốn How to Meditate (Phương pháp thiền định) đã chỉ ra rằng:

“Chúng ta thiền định để tìm, để lấy, để nhớ lại một điều gì đó trong chính bản thân mà chúng ta đã từng lờ mờ cũng như vô tình nhận thức và đánh mất nó mà không biết rằng nó là gì, ở đâu hoặc thời điểm nào chúng ta mất nó”.

Bài tập dưới đây sẽ giúp bạn thực hành một hình thức thiền định rất đơn giản được phỏng theo cách thiền định trong Phật giáo.

---o0o---

Trích: “7 Loại Hình Thông Minh”

Tác Giả: Thomas Armstrong

Việt Dịch: Mạnh Hải, Thu Hiền

NXB Lao Động Xã Hội, 2017

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan