ĐỐI LẬP VÀ ĐIỀU HÒA –MẠN ĐÀM NHÂN SINH - MATSUSHITA KONOSUKE

ĐỐI LẬP VÀ ĐIỀU HÒA –MẠN ĐÀM NHÂN SINH

Matsushita Konosuke

-----o0o-----

Nếu muốn xã hội phát triển, tiến bộ thật sự thì có nhiều cách khác nhau, nhưng một điều tối cần thiết là phải giữ “Điều hòa trong đối lập”.Chính là khi có đối thủ…Khi có sự đối nghịch, mâu thuẫn, hai bên sẽ thận trọng suy nghĩ về sự việc, nỗ lực hơn bình thường và dồn sức làm tới mức mình có thể. Chẳng hạn như ngay cả các cầu thủ bóng chày, lực sĩ Sumo hay những...
ĐỐI LẬP VÀ ĐIỀU HÒA –MẠN ĐÀM NHÂN SINH - MATSUSHITA KONOSUKE

Nếu muốn xã hội phát triển, tiến bộ thật sự thì có nhiều cách khác nhau, nhưng một điều tối cần thiết là phải giữ “Điều hòa trong đối lập”.

Chính là khi có đối thủ…

Khi có sự đối nghịch, mâu thuẫn, hai bên sẽ thận trọng suy nghĩ về sự việc, nỗ lực hơn bình thường và dồn sức làm tới mức mình có thể. Chẳng hạn như ngay cả các cầu thủ bóng chày, lực sĩ Sumo hay những vận động viên Ma-ra-tông, khi có đối thủ cạnh tranh sẽ hăng hái luyện tập hơn vì không muốn để thua. Nhờ thế, càng ngày họ sẽ càng giỏi hơn. Điều này không phải chỉ trong thể thao, mà cả trong học tập hay kinh doanh cũng vậy. Nghĩa là, đôi bên đối lập, cạnh tranh với nhau là điều vô cùng quan trọng, bởi vì từ đó sẽ sinh ra những ý tưởng mới, những cách làm mới.

Tuy nhiên, chỉ đối lập thôi thì không hẳn sẽ tạo ra được sự sinh trưởng và phát triển của xã hội. Đối lập có thể trở thành sự tranh đấu và dễ gây tổn thương đến cả hai bên. Nếu chỉ đứng trên lập trường của mình, chỉ nghĩ đến điều có lợi cho mình và để dẫn đến đối lập thì sẽ xảy ra cãi vã, đôi bên giằng co, mâu thuẫn sẽ kết thúc bằng mâu thuẫn mới. Mà như vậy sẽ không thể sản sinh ra một sự phát triển nào, chỉ phá vỡ cuộc sống của đôi bên mà thôi. Bởi vậy, theo tôi cần có đối lập nhưng phải không được thiếu sự điều hòa.

Người lao động và người quản lý – hai bánh của một cỗ xe

Tôi nghĩ, quan hệ giữa người lao động và người quản lý cần cả sự đối lập lẫn điều hòa. Trong quá trình vận hành hoạt động công ty, họ như hai bánh của một cỗ xe vậy. Một bên bánh xe mà to hơn thì cỗ xe sẽ không đi thẳng được, mà sẽ quay tròn, không tiến lên được. Sức lực của công đoàn lao động mà lớn mạnh lên, thì đội ngũ những người quản lý cũng phải lớn mạnh lên để đủ sức chống đỡ. Chính sự cân bằng giữa hai bên sẽ làm cho cỗ xe tiến thẳng. Đấy là cách nghĩ của tôi.

Khi công đoàn mạnh lên thì thường bên phía quản lý lại yếu đi. Như vậy công việc kinh doanh của công ty sẽ không trôi chảy. Mà khi bên phía quản lý mạnh lên, công đoàn yếu đi cũng không được. Những người quản lý chỉ đơn giản phát đi mệnh lệnh là không được. Con người ta một khi trong lòng đã bất mãn, thì dù ngoài miệng có nói: “Vâng ạ!”, nhưng trong lòng vẫn khó chịu. Bởi vậy, phải tạo được sự điều hòa và cân bằng. Cho đến nay tôi luôn làm mọi việc theo cách nghĩ này.

Bờ ao là bờ ao, cây thông là cây thông, nhưng…

Ngôi am nhỏ có tên Shinshin-an (Chân-Chân-am) của tôi nằm ở gần chùa Nanzenji (Nam-Thiền-Tự), thuộc khu Sanroku (Sơn-Lộc), Higashiyama (Đông-Sơn), Kyoto (Kinh-Đô). Khi lên làm Tổng giám đốc Hãng điện tử Matsushita, tôi đã được một người nhượng cho mãnh đất này để làm Trung tâm nghiên cứu PHP. Khu vườn ở đó lấy trọn phong cảnh của núi Higashiyama (Đông-Sơn) làm nền. Kiểu vườn đó gọi là vườn mượn cảnh, nhưng khoảng nửa năm sau khi tôi nhận được khu vườn đó thì có một chuyện thế này.

Khi tôi ngồi trong am và nhìn ra phong cảnh bên ngoài thì thấy bờ ao trước mặt có gì đó như thiếu chút sinh khí. Trong toàn bộ khu vườn, có cảm giác đó là chỗ mờ nhạt nhất. Mỗi lần ngắm tôi đều thấy như vậy mà chưa biết làm thế nào. Chỉ là một chi tiết nhỏ, nhưng ý nghĩ: “Nếu mở rộng ao ra một chút thì bản thân bờ ao đó trở nên sống động, mà cả khu vườn cũng sẽ đẹp lên”, ngày càng mạnh lên trong tôi. Và thế là tôi quyết định mở rộng phần ao ở trước mặt và đào thêm cả từ bờ bên trái sang. Đúng như tôi nghĩ, sau đó trông chiếc ao sống động hẵn. Tiếng nước lao xao giữa khu vườn yên tĩnh làm cho khung cảnh toàn khu vườn trở nên đẹp hơn.

Khi đó tôi mới càng nhận thấy tầm quan trọng của sự hài hòa trong toàn thể. Ao có đẹp, nhưng nếu thiếu sự hài hòa với toàn bộ khuôn viên, thì sự tuyệt mỹ ấy cũng mất đi. Bờ ao là bờ ao, cây thông là cây thông, đèn đá là đèn đá, mỗi thứ đều phát huy đặc điểm riêng của mình, nhưng tôi nghĩ quan trọng là phải hài hòa với toàn thể khung cảnh xung quanh.

Nguyên lý của tự nhiên

Tất cả những sự vật tồn tại trong vũ trụ vốn dĩ đều đối lập với nhau. Từ những vật thể lớn như mặt trăng, mặt trời đến những thứ nhỏ bé như con sâu, cọng cỏ, hạt cát cũng đều có một vị trí và vai trò riêng, hoàn toàn độc lập với nhau. Tức là, vạn vật đều có sự độc lập tương đối và đối ngẫu với nhau. Chính vì vậy, có thể nói chúng luôn đối lập với nhau.

Trong sự đối lập ấy, vạn vật lại giữ được thế điều hòa. Nghĩa là chúng luôn cố gắng làm sao không làm mất vị trí, vai trò riêng của mình , mà vẫn tạo ra được một trật tự cân bằng. Chẳng hạn như về quan hệ giữa mặt trời và trái đất, chính sự hài hòa trong đối lập sẽ làm cho trật tự được giữ vững và các sinh vật trên trái đất mới có thể sinh tồn được. Nếu thế cân bằng giữa mặt trời và trái đất mất đi, khoảng cách giữa hai thiên thể này trở nên gần hay xa hơn thì mọi sinh vật trên trái đất sẽ tiêu vong trong nháy mắt.

Dù có thế nào thì mọi sự vật tồn tại trong vũ trụ đều hài hòa trong sự đối lập và mỗi ngày sẽ sản sinh ra những sự vật mới. Đó chính là nguyên lý của tự nhiên.

-----o0o-----

Trích: Mạn Đàm Nhân Sinh

Tác Giả: Matsushita Konosuke

Dịch Giả: Phạm Thu Giang

NXB: Hà Nội, in năm 2008

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan