ĐỘNG LỰC KHI LÀM VIỆC - KAI ROWHARDT - KINH TẾ HỌC PHẬT GIÁO - CÔNG VIỆC, TIỀN BẠC VÀ TIÊU DÙNG THEO CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO - Biên dịch DƯƠNG NGỌC DŨNG - NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC

ĐỘNG LỰC KHI LÀM VIỆC

KAI ROWHARDT - KINH TẾ HỌC PHẬT GIÁO - CÔNG VIỆC, TIỀN BẠC VÀ TIÊU DÙNG THEO CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO

(WE ARE THE ECONOMY)

Biên dịch DƯƠNG NGỌC DŨNG - NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC

---o0o---

Cái gì thúc đẩy tôi? Tôi làm việc vì cái gì? Mục tiêu của tôi là gì? Thứ gì làm công việc tôi có ý nghĩa, làm tôi thỏa mãn về công việc? Cái gì tạo động lực cho tôi? Công việc của tôi sẽ phục vụ ai?
ĐỘNG LỰC KHI LÀM VIỆC - KAI ROWHARDT - KINH TẾ HỌC PHẬT GIÁO - CÔNG VIỆC, TIỀN BẠC VÀ TIÊU DÙNG THEO CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO - Biên dịch DƯƠNG NGỌC DŨNG - NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC

     “Kai Rowhardt - người Đức, hoạt động với tư cách là diễn giả, tác giả, người thuyết trình, người chủ trì khóa ẩn tu, nhà huấn luyện và nhà đào tạo. Trước đây, ông từng làm tham vấn quản lý và là học giả nghiên cứu trong lĩnh vực quả lý kiến thức.

Ở tuổi 31, Kai trải qua một cuộc khủng hoảng bản sắc sâu sắc; biến cố này đã đưa ông tới Phật giáo và Tu viện Làng Mai. Tại đây ông dành trọn 2 năm để sống và tu tập dưới sự chỉ dẫn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.Ông nhận được sắc phong từ Dòng tu Tiếp Hiện vào năm 2002, chính thức gia nhập Pháp hệ và nhận đèn truyền Pháp từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh vào năm 2010.

     Hiện tại, Kai là giảng sư thuyết giảng Phật Pháp theo trường phái của Tu viện Làng Mai.”

---o0o---

ĐỘNG LỰC KHI LÀM VIỆC

     Cái gì thúc đẩy tôi? Tôi làm việc vì cái gì? Mục tiêu của tôi là gì? Thứ gì làm công việc tôi có ý nghĩa, làm tôi thỏa mãn về công việc? Cái gì tạo động lực cho tôi? Công việc của tôi sẽ phục vụ ai?

     Trong mọi cá nhân đều tồn tại các động lực tiềm ẩn. Chúng ta ý luôn có ý thức hay vô thức hướng tới những mục tiêu, đam mê và giấc mơ của ta. Các động lực tiềm ẩn này có tác động rất mạnh mẽ đến ta, ngay cả khi ta không quá ý thức về chúng. Sâu trong bản thân ta là một dòng chảy mạnh mẽ; dòng chảy này nhấn mạnh và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho tất cả các tác vụ của ta. Chúng ta hiểu bao nhiêu về động lực thật sự của bản thân? Tôi đã lạc lối nhiều năm vì không thấu hiểu đúng động lực này.

Frankfurt, tháng 12 năm 1997, phần phỏng vấn chọn lọc của Công ty McKinsey. Tôi đang tham dự buổi phỏng vấn cuối cùng sau khi đã hoàn thành bài kiểm tra trí tuệ, giải quyết một vài ca nghiên cứu điển hình và trình bày bài thuyết trình của mình. Giờ là lúc để trả lời câu hỏi không thể tránh né mãi được: “Tại sao anh muốn làm việc cho công ty chúng tôi?”. Câu trả lời của tôi cứ như là từ trong sách giáo khoa chép ra. Tôi muốn làm việc với những người thông minh, tôi muốn có một sự nghiệp phát triển, và tôi tin rằng công ty là môi trường phù hợp với tôi. Tôi đã có nhiều trải nghiệm tốt, đã nghe nhiều tư vấn viên và đối tác bày tỏ lời khen ngợi với công ty. Tôi muốn là một phần của những dự án có ý nghĩa. Tôi sẵn sàng bỏ qua trải nghiệm tồi tệ về bài luận mà tôi phải viết ngay tại công ty, một trải nghiệm tồi tệ đến mức xém tí nữa nó làm tôi sụp đổ hoàn toàn về thể chất lẫn tinh thần. Vì dù thế nào đi nữa, tôi vẫn muốn là một phần của công ty! Rõ ràng là tôi không nắm bắt, thấu hiểu được những động lực tiềm ẩn của bản thân.

     Phải tới mấy năm sau, khi đang tĩnh tọa ngồi thiền, tôi mới chợt nhận ra điều gì đã thôi thúc tôi ứng tuyển vào McKinsey. Tôi muốn chứng tỏ với bản thân và với mọi người rằng tôi đã “thành công”. Tôi bị hấp dẫn bởi trí tuệ vượt trội của những tư vấn viên tôi từng thấy. Tôi muốn thấy những dấu ấn không bao giờ phai của một sự nghiệp thành công xuất hiện trên tờ CV. Tôi muốn được công nhận, được thuộc về và được hỗ trợ. Tôi muốn một ngôi nhà an toàn. Và tôi muốn có thật nhiều tiền để có thể trở nên độc lập càng sớm càng tốt.

     Ta có thật sự hiểu động lực tiềm ẩn nhất của bản thân không? Ta có biết cái gì dẫn lối, định hướng cuộc đời ta ở cấp độ sâu sắc nhất không? Chúng ta có phải đang muốn làm sáng tỏ những mục tiêu vô thức của ta không và những nỗi sợ mà ta vô thức tránh né không? Không làm sáng rõ được điều này thì công việc của ta sẽ thiếu định hướng. Ta sẽ không thật sự đạt được sự tự do. Chúng ta sẽ dễ bị câu dẫn và thao túng. Những người khác sẽ dễ dàng kết nối với những mơ ước vô thức của ta và từ đó giật dây ta.

Đằng sau vỏ bọc hào nhoáng

     Những tuyên bố trên rất có tính cách mạng, nhưng chúng không mới. Chúng có tính cách mạng vì có thể thay đổi định hướng cuộc đời ta theo một cách khác hoàn toàn về bản chất với cái chiếm ưu thế, cái thịnh hành trong xã hội. Ta chứng kiến những cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và nhận ra lòng ham muốn kiếm tiền thật nhanh, có được sự nghiệp thật đẹp, đạt được danh vọng thật cao và quyền lực thật mạnh có thể đem lại tác hại lớn đến nhường nào. Nhưng nói thế thôi chứ ta sẽ không từ bỏ những quan niệm đấy.

     Ta sẽ lại kiếm những công việc, những sự nghiệp mang đến cho ta nhiều tiền tài, nhiều danh vọng, nhiều ảnh hưởng, và trở nên nổi tiếng hơn.

     Ở Đức, truyền thông luôn tìm kiếm một siêu sao mới thông qua các chương trình truyền hình phổ biến như Ai là triệu phú. Nhiều người bị hấp dẫn bởi ánh hào quang của những người nổi tiếng và do đó luôn muốn theo sát nhất cử nhất động của họ. Hiếm có quảng cáo nào mà lại không đánh vào dục vọng về tiền tài, về sắc đẹp, thanh xuân, nhục dục, quyền lực và sự nổi tiếng. Nhưng đó chỉ là những lời hứa suông mà thôi.

Đại học Geneva, tháng 1 năm 1998. Tôi đang phải bảo vệ luận án tiến sĩ của mình với tựa đề: “Tổ chức thông qua góc nhìn của các tiến trình về kiến thức”. Tôi nghiên cứu chủ đề này đã ba năm. Tôi tự nhận là mình đã viết rất nhiều về nó, ăn với nó, ngủ với nó và thở cũng ra nó. Để chuẩn bị thêm, tôi còn cố tìm cách cải thiện vốn tiếng Pháp ít ỏi bằng một khóa đào tạo cấp tốc trong hai tuần. Giờ đây, việc tôi cần làm là quay mặt về phía ban giám khảo và bắt đầu nói. Tôi cảm thấy sợ, sợ rằng vốn tiếng Pháp ít ỏi của tôi sẽ hạn chế tôi. Mục tiêu của tôi là đạt “summa cum laude” (chứng nhận xuất sắc nhất). Và tôi đã thành công. Người ta khen ngợi, chúc mừng tôi. Tôi đã cật lực làm việc cho mục tiêu này tận ba năm. Và tôi đã thành công. Và thành công rồi thì sao? Chả sao cả. Chả điều gì xảy ra cả. Tôi chỉ cảm thấy rất, rất mệt mà thôi. Tôi vẫn chỉ là tôi. Tôi trông chờ gì nhỉ? Tôi đã đạt được mục tiêu mình đặt ra, tôi đã dấn thân vào nó; tôi đã thành công. Nhưng tôi không hạnh phúc hơn tí nào. Tôi đã hoàn thành luận án tiến sĩ, đúng vậy. Nhưng tôi có bình tĩnh hơn, hài lòng hơn hay có khả năng yêu thương nhiều hơn không? Trong lòng tôi xuất hiện sự bất mãn. Tôi thật sự muốn gì? Thành công này của tôi chưa kịp nở đã vội chớm tàn, và tôi ý thức được rằng cái vòng lặp này sẽ còn tiếp diễn. Núi cao sẽ nối tiếp núi cao, và thành công này của tôi sẽ chỉ đem đến cho tôi khó khăn, trắc trở mà tôi phải vượt qua để đến cái “thành công” khác. Tôi sẽ di chuyển từ Zürich đến Hamburg; tôi sẽ sửa sang lại căn chung cư và bắt đầu một công việc mới trong bốn tháng tới. Đây là một chu kỳ vô tận mà tôi lúc đấy tự nguyện chấp nhận tham gia.

     Ta nghe quá nhiều lời hứa hẹn. “Cái này sẽ làm bạn hạnh phúc!” “Cái này sẽ làm bạn an tâm!” “Cái này sẽ giúp bạn phát triển hơn!” Với tỉnh thức, ta sẽ có thể nhận ra lời hứa nào trong những lời hứa đấy là sự thật. Ta sẽ nhận ra cách để nhìn qua tấm màn hào nhoáng của thành công. Ta sẽ thấy cái nỗi sợ ẩn giấu sau một nụ cười tự tin. Ta sẽ nhận ra sự cô đơn và trầm cảm mà những nhân vật quan trọng, nổi tiếng phải chịu đựng. Người giàu, người nổi tiếng sẽ không dễ dàng gì tìm được những người bạn đáng tin cậy. Họ cũng sẽ mất đi khả năng di chuyển tự do trong đời sống hằng ngày. Duy trì hình ảnh trước công chúng không phải là việc dễ dàng gì. Sự giàu sang, sự nổi tiếng, quyền lực và sự nổi bật luôn có cái giá của chúng; khi ta đạt được chúng, nỗi sợ đánh mất chúng cũng sẽ theo đó mà thâm nhập ta. Khi tiếp cận những nhược điểm trên một cách rõ ràng hơn, ta thấy trong ta cũng tồn tại những quá trình, những phương pháp tiếp cận, hành động tương tự. Cảm ngộ này có thể thay đổi động lực của ta. Ta sẽ không cho phép bản thân bị dắt mũi thêm một giây nào nữa.

Chương trình khuyến khích lệch hướng

     Khi phân tích được cấu trúc tạo động lực mà các công ty và dân kinh tế sử dụng, chúng ta sẽ đạt được một cảm ngộ sâu sắc hơn. Cái gì đã được những nhà tạo động lực sử dụng trong các chương trình khuyến khích, nâng đỡ, đề bạt nhân viên cấp dưới, trong các khóa diễn thuyết tạo động lực hay tư vấn nghề nghiệp? Nguồn cung cấp động lực chính cho các thành viên ban quản trị hay nhân viên cấp quản lý là gì? Nếu câu trả lời là danh vọng, tiền bạc hay quyền lực, công ty này sẽ tạo ra nhiều vấn đề cho khách hàng, cho mọi công dân và toàn xã hội. Nếu làm việc cho những tổ chức này, ta sẽ bị ảnh hưởng bởi những động lực ấy ngày này qua ngày nọ và do đó sẽ không thể thoát khỏi chúng.

     Ta nên nhận thức được loại cà rốt mà người ta dùng để treo trước mắt ta. Cấu trúc chương trình khuyến khích của các công ty phản ánh góc nhìn của lãnh đạo công ty ấy về vấn đề con người. Nếu ta biết ta đang sống và làm việc vì cái gì, ta sẽ không cần phải được “tạo động lực”. Tôi không phủ nhận rằng con người ai cũng cần được công nhận và hỗ trợ. Nhưng nếu ta chỉ làm việc để được công nhận, con đường ta đi chỉ có thể dẫn đến lệ thuộc và thiếu tự do mà thôi.

     Nhiều năm nay, cấp quản lý ở các tập đoàn lớn thu hút nhân viên bằng những chương trình khuyến khích đánh vào lợi nhuận như quyền lựa chọn cổ phiếu. Các hệ thống phần thưởng đấy là cơ cấu tạo động lực phổ biến nhất trong ngành tài chính, đặc biệt phổ biến với các nhân viên ngân hàng đầu tư và các tập đoàn cổ phiếu lớn. Sự chuyển hóa từ vấn đề hiệu suất làm việc sang vấn đề thị trường dẫn đến sự vô trách nhiệm tập thể mà ta có thể thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008. Một số câu trả lời thường thấy ở các nhân viên ngân hàng đầu tư khi bị chất vấn về trách nhiệm phải chịu cho vụ khủng hoảng sẽ là:

“Chuyện đó đâu phải tôi làm đâu.”

“Thị trường làm đó, không phải tôi.”

“Đó là một tai nạn không lường trước được.”

“Một vài con sâu làm rầu nồi canh thôi.”

“Tôi cũng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng này mà.”

     Nhưng, nhìn kỹ, chúng ta có thể nhận ra “tai nạn” này hoàn toàn không phải là tai nạn mà nói đúng hơn là sự hiển hiện của một hệ thống được xây dựng từ việc áp dụng không ngừng nghỉ những nguyên tắc tạo động lực bất thiện.

Trung thực triệt để

     Động lực là một địa hạt “nhạy cảm”. Không ở đâu mà ta dễ tự lừa dối bản thân bằng nơi này. Đây là trải nghiệm của một huấn luyện viên quản lý:

Công việc chính của tôi là giúp khách hàng nhận ra đúng bản chất của họ. Tôi chỉ có thể giúp họ nếu họ thật lòng với bản thân. Lúc đầu, họ thường sẽ có một bức tường được xây từ sự tự dụ hoặc bản thân và từ các góc nhìn sai lệch ngăn cản họ kết nối với bản thân. Một quản lý cấp cao mà tôi gặp đã nhấn mạnh liên tục nhiều tuần liền rằng động lực chính thúc đẩy anh là sức khỏe, hạnh phúc gia đình, mặc dù trong thực tại anh ta chả mấy khi gặp vợ con và còn đang chuẩn bị làm giấy tờ ly hôn. Nếu không thể phá vỡ bức tường đấy, tôi sẽ không thay đổi được gì. Cùng lắm ta chỉ có thể làm mới cái bề nổi, dịch qua chuyển lại một số thứ vô vị mà thôi. Nhưng ngay khi sự trung thực triệt để với bản thân xuất hiện thì ta sẽ có thể tiến vào một vùng đất mới, và mọi thứ sẽ có thể thay đổi.

     Ta chỉ có thể trung thực triệt để khi chú tâm đến những yếu tố tạo động lực và nhận ra những yếu tố nào thúc đẩy ta và yếu tố nào làm lòng ta khó chịu.

     Tỉnh thức giúp ta nhận ra những yếu tố, những ý tưởng “kích thích” và lèo lái hành vi của ta. Ta chỉ có thể áp dụng một chiến lược có ý nghĩa khi thật sự hiểu được thứ ta đang hướng đến là gì. Nếu quyền lực, danh vọng, tiền tài, tình dục hay sung sướng nhục dục dưới những dạng thể khác nhau của chúng là cái thúc đẩy, tạo động lực cho ta, ta có thể thấy rằng những mục tiêu đấy nếu có đạt được thì cũng chỉ lần này qua lần khác làm chúng ta thất vọng. Một người bạn tập thiền định lâu năm của tôi đã nói với tôi như sau:

     Tỉnh thức giúp ta nhận ra bản chất thật sự của cái thúc đẩy ta. Nó sẽ giúp ta rời bỏ những kiểu hình định hướng không dẫn dắt ta đến một cuộc sống vẹn toàn.

Minh mẫn hơn nhờ khủng hoảng

     Nhiều sự kiện khác nhau trong đời có thể giúp ta nhận ra và loại bỏ những chiến lược sống sai lầm và gây hại. Một trong những sự kiện hiệu quả nhất, triệt để nhất và kịch tích nhất sẽ là khủng hoảng. Khủng hoảng được định nghĩa như một quá trình quyết định đầy rắc rối, vốn có liên kết với một nút thắt thay đổi. Nó có thể bị kích hoạt bởi những yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Ta có thể trở bệnh nặng, mất đi bạn đời hay vừa thoát khỏi tử thần trong đường tơ kẽ tóc. Trong bối cảnh công việc, khủng hoảng thường được kích hoạt bởi sự kiệt sức, trầm cảm, cơn đau tim hay các chứng bệnh khác, nhưng cũng có thể là do bị thôi việc hay các vấn đề nghề nghiệp. Sự gia tăng của khủng hoảng sẽ khiến ta nhận ra lối sống cũ của mình cần phải được thay đổi triệt để. Đối mặt với ta là một bức tường.

     Khủng hoảng có thể sẽ rất đau đớn; nhưng nếu như không hoàn toàn hủy diệt ta, nó sẽ có thể tạo điều kiện cho ta tăng tốc phát triển. Khủng hoảng có thể cho ta những cơ hội mới. Khủng hoảng sẽ đá ta ra khỏi những thứ mà ta xem là “bình thường”. Những yếu tố như giá trị bản thân, định kiến, mục tiêu, sự ưu tiên, lời phán xét hay các dạng định hướng nền tảng khác đều sẽ không là gì trước khủng hoảng. Chúng ta đối diện và rộng mở với cái hoàn toàn mới. Ở một góc độ khác, chúng ta đang tái sinh.

---o0o---

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan