DỪNG LÀM VIỆC ĐỂ PHỤC HỒI - HARVARD BUSINESS REVIEW PRESS - VƯỢT QUA NGHỊCH CẢNH

DỪNG LÀM VIỆC ĐỂ PHỤC HỒI

SHAWN ACHOR VÀ MICHELLE GIELAN

HARVARD BUSINESS REVIEW PRESS - VƯỢT QUA NGHỊCH CẢNH

-------o0o-------

Làm thế nào để chúng ta hồi phục và xây dựng khả năng phục hồi?... Chìa khóa của khả năng phục hồi là cố gắng hết sức có thể, rồi dừng lại, thư giãn nạp năng lượng và sau đó thử lại... chúng tôi thư giãn, thiền, ngủ, xem phim, viết nhật ký hoặc nghe podcast giải trí.
DỪNG LÀM VIỆC ĐỂ PHỤC HỒI - HARVARD BUSINESS REVIEW PRESS - VƯỢT QUA NGHỊCH CẢNH

Là những người thường xuyên phải di chuyển và phụ huynh của một đứa trẻ 2 tuổi, đôi khi chúng ta mơ tưởng về bao nhiêu việc mình có thể làm được khi một mình lên máy bay, không bị làm phiền bởi điện thoại, bạn bè và đi tìm Nemo. Chúng ta chạy đua để hoàn thành tất cả công việc cơ bản của mình: đóng gói hành lý, đi qua khu kiểm tra an ninh, thực hiện cuộc gọi công việc vào những phút cuối, gọi cho nhau, lên máy bay và đi. Sau đó, khi cố gắng có được buổi làm việc trên máy bay tuyệt vời đó, chúng ta chẳng hoàn thành được việc gì cả. Thậm chí tệ hơn, sau khi làm mới e-mail của mình hoặc đọc đi đọc lại các nghiên cứu giống nhau, chúng ta quá kiệt sức khi hạ cánh và vẫn phải tiếp tục với những e-mail chắc chắn vẫn còn chồng chất.

Tại sao việc bay thôi cũng khiến chúng ta kiệt sức? Chúng ta chỉ ngồi đó không làm gì cả. Tại sao chúng ta không thể cứng rắn hơn - kiên cường và quyết tâm hơn trong công việc - để có thể hoàn thành tất cả các mục tiêu mà chúng ta đặt ra cho chính mình? Qua nghiên cứu hiện tại, chúng tôi nhận ra vấn đề không phải là lịch trình bận rộn hay bản thân việc di chuyển bằng máy bay; vấn đề xuất phát từ sự hiểu lầm về ý nghĩa của việc kiên cường và hậu quả của làm việc quá sức.

Chúng ta thường áp dụng cách tiếp cận quân phiệt, “cứng rắn” để nói về sự kiên cường và gan góc. Chúng ta tưởng tượng một con tàu biển xuyên qua bùn, một võ sĩ quyền Anh đánh thêm một hiệp, hoặc một cầu thủ bóng đá đứng dậy sau khi nằm bẹp trên sân để chơi thêm một hiệp nữa. Chúng ta tin rằng càng cố gắng chống lại nghịch cảnh, chúng ta càng cứng rắn hơn, và do đó chúng ta sẽ thành công hơn. Tuy nhiên, toàn bộ quan niệm này là không chính xác về mặt khoa học.

Chính việc thiếu thời gian thư giãn hồi phục đang kìm hãm đáng kể khả năng phục hồi và thành công của tất cả chúng ta. Nghiên cứu đã phát hiện ra có mối tương quan trực tiếp giữa việc thiếu thời gian thư giãn hồi phục và việc gia tăng tỷ lệ mắc các vấn đề về sức khỏe và an toàn. Và tình trạng thiếu thời gian thư giãn hồi phục - cho dù là bị gián đoạn giấc ngủ bởi các suy nghĩ về công việc hay bị kích thích nhận thức liên tục bằng cách xem điện thoại - đang khiến các công ty của chúng ta phải trả giá bằng 62 tỷ đô-la mỗi năm (vâng, là tiền tỷ, không phải triệu) do sụt giảm năng suất.

Và chỉ vì công việc dừng lại, điều đó không có nghĩa là chúng ta đang hồi phục. Đôi khi chúng ta “dừng” làm việc lúc 5 giờ chiều, nhưng sau đó lại dành cả đêm để tìm ra các giải pháp cho các vấn đề trong công việc, nói về công việc của mình trong bữa tối và ngủ gục khi nghĩ về khối lượng công việc của ngày mai. Trong một nghiên cứu mới được công bố, các nhà nghiên cứu từ Na Uy phát hiện ra 7,8% người Na Uy đã trở thành người nghiện công việc. Các nhà khoa học trích dẫn một khái niệm “nghiện làm việc” là “quan tâm quá mức đến công việc, bị thúc đẩy bởi động lực làm việc không kiểm soát và đầu tư quá nhiều thời gian và nỗ lực làm việc khiến điều đó ảnh hưởng đến các khía cạnh quan trọng khác của cuộc sống”.

Chúng tôi tin rằng định nghĩa này áp dụng cho phần lớn người lao động Mỹ (bao gồm cả những người đọc HBR), và điều này đã thúc đẩy chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về thói quen lao động ở Mỹ. Nghiên cứu của chúng tôi sử dụng một bộ dữ liệu khổng lồ từ một công ty y tế lớn để xem xét cách công nghệ kéo dài thời gian làm việc của chúng tôi và do đó can thiệp vào việc phục hồi nhận thức cần thiết. Chúng tôi tin rằng điều này dẫn đến chi phí chăm sóc sức khỏe rất lớn và tỷ lệ thôi việc cao.

Những quan niệm sai lầm về khả năng phục hồi thường được nuôi dưỡng ngay từ khi còn nhỏ. Các bậc cha mẹ đang cố gắng dạy con họ tính kiên cường có thể khen ngợi một học sinh trung học thức đến 3 giờ sáng để thực hiện một dự án khoa học. Thật là một sự biến dạng sai lệch về khả năng phục hồi! Một đứa trẻ kiên cường là một đứa trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ. Khi một học sinh kiệt sức đến trường, cậu ta có nguy cơ làm tổn thương mọi người trên đường với khả năng lái xe kém của mình, cậu ta không có đủ nguồn lực nhận thức để làm tốt bài kiểm tra tiếng Anh, cậu ta kém tự chủ với bạn bè và ở nhà, cậu ta ủ rũ và khó chịu với bố mẹ. Làm việc quá sức và kiệt sức là khái niệm đối lập hoàn toàn với khả năng phục hồi. Và những thói quen xấu mà chúng ta học được khi còn trẻ chỉ ngày càng nghiêm trọng hơn khi chúng ta bắt đầu đi làm.

Trong cuốn sách xuất sắc The Sleep Revolution (tạm dịch: Cuộc cách mạng về giấc ngủ) của mình, Arianna Huffington đã viết: “Chúng ta lựa chọn hy sinh giấc ngủ nhân danh năng suất làm việc, nhưng trớ trêu thay, việc chúng ta mất ngủ, mặc dù chúng ta dành thêm nhiều giờ tại nơi làm việc, lại khiến mỗi người lao động mất thêm 11 ngày năng suất mỗi năm, tương đương khoảng 2.280 đô-la.”

Chìa khóa của khả năng phục hồi là cố gắng hết sức có thể, rồi dừng lại, thư giãn nạp năng lượng và sau đó thử lại. Kết luận này dựa trên cơ sở sinh học. Cân bằng nội môi là một khái niệm sinh học cơ bản mô tả khả năng não bộ liên tục phục hồi và duy trì sức khỏe. Nhà khoa học thần kinh tích cực Brent Furl từ Đại học Texas A&M đã đặt ra thuật ngữ “giá trị nội môi” để mô tả giá trị mà một số hành động nhất định có để tạo ra trạng thái cân bằng, và do đó mang lại một cơ thể khỏe mạnh. Khi cơ thể mất liên kết do làm việc quá sức, chúng ta lãng phí nguồn lực tinh thần và thể chất khổng lồ để cố gắng trở lại trạng thái cân bằng trước khi có thể tiến lên phía trước.

Như các tác giả Jim Loehr và Tony Schwartz của As Power of Full Engagement (tạm dịch: Sức mạnh của sự tập trung cao độ) đã viết, nếu bạn có quá nhiều thời gian trong vùng hoạt động, bạn cần thêm thời gian trong vùng hồi phục; nếu không bạn có nguy cơ kiệt sức. Sử dụng các nguồn lực của bạn để “cố gắng” đòi hỏi phải đốt cháy năng lượng để vượt qua mức độ kích thích thấp hiện tại của bạn. Đây được gọi là “điều tiết”. Nó cũng làm trầm trọng thêm tình trạng kiệt sức. Do đó, chúng ta càng trở nên mất cân bằng do làm việc quá sức, các hoạt động cho phép chúng ta trở lại trạng thái cân bằng càng trở nên có giá trị. Giá trị của khoảng thời gian thư giãn phục hồi tăng tỷ lệ thuận với khối lượng công việc mà chúng ta phải làm.

Vậy làm thế nào để chúng ta hồi phục và xây dựng khả năng phục hồi? Hầu hết mọi người đều cho rằng nếu bạn ngừng thực hiện một công việc như trả lời e-mail hoặc viết thư tay thì não của bạn sẽ tự nhiên phục hồi, và khi bạn bắt đầu lại vào cuối ngày hoặc sáng hôm sau, bạn sẽ có lại năng lượng. Nhưng chắc hẳn ai đọc đến đây cũng từng có những lúc nằm trên giường hàng tiếng đồng hồ không thể chợp mắt được vì não bộ đang suy nghĩ về công việc. Nếu nằm trên giường trong tám giờ, bạn có thể đã nghỉ ngơi, nhưng bạn vẫn có thể cảm thấy kiệt sức vào ngày hôm sau. Đó là bởi nghỉ ngơi và phục hồi là hai thứ hoàn toàn khác biệt. Dừng làm việc không có nghĩa là hồi phục.

Nếu đang cố gắng xây dựng khả năng phục hồi tại nơi làm việc, bạn cần thời gian phục hồi bên trong và bên ngoài đầy đủ. Như các nhà nghiên cứu F.R.H Zijlstra, M. Cropley và L.W. Rydstedt viết trong bài báo năm 2014 của họ: “Phục hồi bên trong đề cập đến những khoảng thời gian thư giãn ngắn diễn ra trong khung giờ của ngày làm việc hoặc bối cảnh công việc có thời gian nghỉ ngơi ngắn theo lịch trình hoặc không theo lịch trình, bằng cách chuyển sự chú ý hoặc chuyển sang các nhiệm vụ công việc khác khi các nguồn lực tinh thần hoặc thể chất cần thiết cho nhiệm vụ ban đầu tạm thời bị cạn kiệt hoặc kiệt quệ. Phục hồi bên ngoài đề cập đến các hành động diễn ra bên ngoài công việc - ví dụ: vào thời gian rảnh giữa các ngày làm việc và trong những ngày cuối tuần, ngày lễ hoặc kỳ nghỉ.” Nếu sau giờ làm việc, bạn nằm dài trên giường và bị lôi cuốn bởi những bài bình luận chính trị trên điện thoại hoặc căng thẳng khi suy nghĩ về các quyết định về cách cải tạo ngôi nhà của bạn, não của bạn chưa được nghỉ ngơi khỏi trạng thái kích thích tinh thần cao. Bộ não cũng cần nghỉ ngơi nhiều như cơ thể của chúng ta vậy.

Nếu thực sự muốn xây dựng khả năng phục hồi, bạn có thể bắt đầu bằng cách dừng làm việc theo một cách chiến lược. Cung cấp cho bản thân các nguồn lực để trở nên kiên cường bằng cách tạo ra các giai đoạn phục hồi bên trong và bên ngoài. Trong cuốn sách The Future of Happiness (tạm dịch: Tương lai của hạnh phúc), Amy Blankson của Trường Kinh doanh thuộc Đại học Yale mô tả cách dừng làm việc một cách chiến lược trong ngày bằng cách sử dụng công nghệ để kiểm soát việc lao động quá sức. Cô ấy gợi ý tải xuống ứng dụng Instant hoặc Moment để xem bạn bật điện thoại của bạn bao nhiêu lần mỗi ngày. Một người trung bình bật điện thoại 150 lần mỗi ngày. Nếu mỗi lần như vậy chỉ mất 1 phút (lạc quan mà nói), con số đó sẽ chiếm 2,5 giờ mỗi ngày.

Bạn có thể sử dụng các ứng dụng như Offtime hoặc Unplugged để tạo các khoảng thời gian không có công nghệ bằng cách lên lịch cho chế độ máy bay tự động. Ngoài ra, bạn có thể nghỉ ngơi sau mỗi 90 phút để “sạc lại pin”. Cố gắng không ăn trưa tại bàn làm việc mà thay vào đó dành thời gian ra ngoài hoặc đi cùng bạn bè - không nói về công việc. Hãy tận dụng toàn bộ thời gian nghỉ ngơi của bạn, điều này không chỉ mang lại cho bạn thời gian thư giãn phục hồi mà còn tăng năng suất của bạn cũng như khả năng được thăng chức.

Về phần mình, chúng tôi đã bắt đầu sử dụng thời gian trên máy bay để nghỉ ngơi và không làm việc, và đó cũng là thời gian để bắt đầu giai đoạn phục hồi. Kết quả đạt được thật tuyệt vời. Lúc lên máy bay, chúng tôi thường đã rất mệt mỏi, không gian chật chội và đường truyền Internet kém khiến công việc trở nên khó khăn hơn. Bây giờ, thay vì “bơi ngược dòng”, chúng tôi thư giãn, thiền, ngủ, xem phim, viết nhật ký hoặc nghe podcast giải trí. Và khi xuống máy bay, thay vì kiệt sức, chúng tôi cảm thấy như trẻ lại và sẵn sàng trở lại làm việc.

-------o0o-------

Trích:  Vượt Qua Nghịch Cảnh - Emotional Intelligence

Tác giả: Harvard Business Review Press

Người dịch: Daisy

NXB Công Thương, 2021

Ảnh nguồn Internet

 

 

Bài viết liên quan