NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ HẠNH PHÚC MÀ CHÚNG TA BỎ SÓT - ANDRE SPICER & CARL CEDERSTROM – EMOTIONAL INTELLIGENCE – HẠNH PHÚC

NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ HẠNH PHÚC MÀ CHÚNG TA BỎ SÓT

ANDRE SPICER & CARL CEDERSTROM – EMOTIONAL INTELLIGENCE – HẠNH PHÚC

Người dịch: Hoài Thương

-------o0o-------

Hạnh phúc là một ý tưởng đẹp đẽ về mặt lý thuyết (phần thẩm mỹ). Nhưng đó cũng là một ý niệm giúp chúng ta tránh khỏi những vấn đề nghiêm trọng hơn tại nơi làm việc, chẳng hạn như mâu thuẫn hay chính trị trong công sở (phần tư tưởng).  
NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ HẠNH PHÚC MÀ CHÚNG TA BỎ SÓT - ANDRE SPICER & CARL CEDERSTROM – EMOTIONAL INTELLIGENCE – HẠNH PHÚC

NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ HẠNH PHÚC MÀ CHÚNG TA BỎ SÓT

ANDRE SPICER & CARL CEDERSTROM – EMOTIONAL INTELLIGENCE – HẠNH PHÚC

Người dịch: Hoài Thương

-------o0o-------

Gần đây, chúng tôi đã tham gia hai buổi hội thảo về động lực tại nơi làm việc. Cả hai sự kiện đều giảng về “phúc âm của hạnh phúc”. Trong một hội thảo, diễn giả giải thích rằng hạnh phúc có thể giúp bạn khỏe mạnh hơn, tử tế hơn, năng suất hơn và thậm chí có nhiều khả năng được thăng chức hơn. Hội thảo còn lại liên quan đến một điệu nhảy bắt buộc có phần hoang dã. Người ta cho rằng điệu nhảy này sẽ khiến mọi người cảm thấy vui vẻ. Điệu nhảy này còn thôi thúc một người trong chúng tôi lẻn ra ngoài rồi trốn trong một phòng tắm gần đó.

Kể từ khi một nhóm các nhà khoa học thử nghiệm đưa đèn điện vào nhà máy Hawthorne vào giữa thập niên 20 của thế kỷ trước, các học giả và giám đốc điều hành vẫn luôn bị ám ảnh về việc tăng năng suất của nhân viên. Đặc biệt, gần đây việc áp dụng hạnh phúc để thúc đẩy năng suất dường như đã thu hút được sự chú ý trong giới doanh nghiệp. Các công ty thuê những chuyên gia về hạnh phúc, các hoạt động kết nối đội ngũ, những trò chơi, người pha trò và các giám đốc hạnh phúc (vâng, bạn sẽ tìm thấy một giám đốc hạnh phúc nào đó trên Google). Những hoạt động và chức danh này nghe có vẻ buồn cười và kỳ quặc, nhưng các doanh nghiệp lại đang thực hiện vô cùng nghiêm túc. Liệu họ có nên làm vậy hay không?

Khi xem xét kỹ nghiên cứu (mà chúng tôi đã tiến hành sau màn nhảy múa hoang dã), bạn sẽ thấy rằng vẫn còn khá nhiều nghi vấn xoay quanh việc khuyến khích hạnh phúc trong công việc liệu có luôn là một ý tưởng tốt hay không. Chắc chắn sẽ có bằng chứng cho thấy rằng những nhân viên hạnh phúc ít nghỉ việc hơn, dễ làm hài lòng khách hàng hơn, hiền lành hơn và có xu hướng thực hiện các hành vi công dân hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tìm ra những phát hiện khác chỉ ra rằng những điều kì diệu mà hạnh phúc mang lại ở nơi làm việc chỉ là đồn đại mà thôi.

Trước hết, chúng tôi không thực sự biết hạnh phúc là gì hoặc làm thế nào để đo lường được hạnh phúc. Đo lường hạnh phúc thì chẳng khác gì đo nhiệt độ tâm hồn hoặc xác định màu sắc chính xác của tình yêu. Như nhà sử học Darrin M. McMahon đã nói trong cuốn sách của ông mang tên Happiness: A History (tạm dịch: Lịch sử hạnh phúc), kể từ thế kỷ VI trước Công nguyên, người ta cho rằng Croesus đã châm biếm “Chẳng ai trên đời này hạnh phúc cả”, khái niệm mơ hồ này đã được dùng như một đại diện cho tất cả các khái niệm khác, từ sự hài lòng, niềm vui, sự sung sướng cho đến cảm giác mãn nguyện. Samuel Johnson nói rằng chỉ khi say rượu chúng ta mới được hạnh phúc. Đối với Jean-Jacques Rousseau, hạnh phúc là khi được nằm trên một con thuyền, trôi dạt vô định như một thần tiên nhàn tản (đây không hẳn là một cảnh tượng làm việc năng suất). Cũng có những định nghĩa khác về hạnh phúc, nhưng chúng cũng không hợp lý hơn hay kém hợp lý hơn những định nghĩa của Johnson hay Rousseau.

Will Davies nhắc nhở chúng ta trong cuốn sách The Happiness Industry (Tạm dịch: Ngành công nghiệp hạnh phúc) rằng ngày nay chúng ta có công nghệ tiên tiến hơn không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ đưa ra được một định nghĩa hoàn chỉnh. Ông kết luận rằng ngay cả khi con người đã phát triển các kỹ thuật tiên tiến hơn để đo lường cảm xúc và dự đoán hành vi thì chúng ta cũng đã sử dụng các quan niệm ngày càng bị đơn giản hóa về ý nghĩa của con người, chứ đừng nói đến việc theo đuổi hạnh phúc. Ví dụ, một hình ảnh quét não có thể cho chúng ta những thông tin chắc chắn về một cảm xúc khó nắm bắt, nhưng thực tế cảm xúc đó lại không phải như thế.

Hạnh phúc chưa chắc dẫn đến tăng năng suất. Một loạt các nghiên cứu đã đưa ra những kết quả mâu thuẫn nhau về mối quan hệ giữa hạnh phúc (thường được định nghĩa là “sự hài lòng trong công việc”) và năng suất. Thậm chí một nghiên cứu về các siêu thị ở Anh còn chỉ ra rằng có thể có một mối tương quan tiêu cực giữa sự hài lòng trong công việc và năng suất của công ty. Mối tương quan đó là “nhân viên càng đau khổ thì lợi nhuận càng cao”. Chắc chắn là các nghiên cứu khác đã chỉ ra kết quả ngược lại, rằng có mối liên hệ giữa sự thỏa mãn trong công việc và năng suất. Nhưng ngay cả khi xem xét các nghiên cứu này một cách tổng thể thì mối tương quan giữa hạnh phúc và năng suất cũng khá yếu.

Hạnh phúc còn có thể gây mệt mỏi. Có đúng là việc theo đuổi hạnh phúc có thể không hoàn toàn hiệu quả, nhưng không thực sự gây hại? Thực ra là sai. Kể từ thể kỷ XVIII, người ta đã chỉ ra rằng nhu cầu hạnh phúc luôn đi kèm với một gánh nặng, một trách nhiệm không bao giờ có thể thực hiện một cách hoàn hảo. Quá chú tâm vào hạnh phúc thực sự có thể khiến chúng ta cảm thấy ít hạnh phúc hơn.

Một thí nghiệm tâm lý gần đây đã chứng minh điều này. Các nhà nghiên cứu yêu cầu những đối tượng tham gia xem một bộ phim thường khiến họ vui vẻ về một vận động viên trượt băng nghệ thuật giành được huy chương. Nhưng trước khi xem bộ phim, một nửa trong nhóm được yêu cầu đọc to một nhận định về tầm quan trọng của hạnh phúc trong cuộc sống. Một nửa còn lại không đọc nhận định đó. Các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng những người đã đọc nhận định trên thực sự cảm thấy ít hạnh phúc hơn sau khi xem bộ phim. Về cơ bản, khi hạnh phúc trở thành một nghĩa vụ, nó có thể khiến mọi người cảm thấy tồi tệ hơn nếu họ không hoàn thành nghĩa vụ đó.

Điều này đặc biệt có vấn đề trong thời đại hiện nay, thời đại mà hạnh phúc được coi là một nghĩa vụ đạo đức. Như nhà triết học người Pháp Pascal Bruckner đã nói: “Bất hạnh không chỉ là bất hạnh; mà tệ hơn nữa là thất bại trong việc hạnh phúc”

Chưa chắc hạnh phúc có thể giúp bạn vượt qua một ngày làm việc. Nếu đã từng làm dịch vụ chăm sóc khách hàng ở một trung tâm điện thoại hoặc cửa hàng thức ăn nhanh, bạn sẽ biết rằng bạn không thể lựa chọn tâm trạng vui vẻ mà bạn bắt buộc phải như thế. Sự vui vẻ có thể rất mệt mỏi, nhưng lại có ý nghĩa khi bạn đứng trước khách hàng.

Nhưng ngày nay, nhiều nhân viên không làm việc với khách hàng cũng bị yêu cầu phải vui vẻ. Điều này có thể gây ra một số hậu quả khôn lường. Một nghiên cứu cho thấy rằng những người có tâm trạng tốt sẽ khó phân biệt được hành vi lừa dối hơn so với những người có tâm trạng xấu. Một nghiên cứu khác cho thấy những người tức giận trong khi đàm phán sẽ đạt được kết quả tốt hơn những người vui vẻ. Điều này chỉ ra rằng hạnh phúc có thể không tốt cho tất cả các khía cạnh công việc của chúng ta hoặc đối với những công việc phụ thuộc nhiều vào một số khả năng nhất định. Trong một số trường hợp thực tế, hạnh phúc thực sự có thể khiến hiệu suất làm việc của chúng ta trở nên tồi tệ hơn.

Hạnh phúc có thể làm hỏng mối quan hệ của bạn với cấp trên. Nếu chúng ta tin rằng công việc là nơi chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc, trong một số trường hợp, chúng ta có thể bắt đầu nhầm tưởng cấp trên của chúng ta với người thân như cha mẹ hoặc vợ chồng. Trong nghiên cứu về một công ty truyền thống, nhà tâm lý học Susanne Ekmann phát hiện ra rằng những người mong đợi công việc khiến họ hạnh phúc thường trở nên thiếu thốn tình cảm. Họ muốn cấp trên thường xuyên công nhận và trấn an tinh thần họ. Và khi không nhận được sự quan tâm như mong đợi (mà điều này thường xảy ra), họ cảm thấy bị bỏ mặc và bắt đầu phản ứng thái quá. Ngay cả những thất bại nhỏ họ cũng nghĩ là bị sếp phủ nhận. Vì vậy, theo nhiều cách, việc mong đợi cấp trên đem lại hạnh phúc cho mình có thể khiến chúng ta dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc.

Hạnh phúc cũng có thể làm tổn thương mối quan hệ của bạn với bạn bè và gia đình. Trong cuốn sách Cold Intimacies (tạm dịch: Những mối quan hệ lạnh lùng) của mình, Giáo sư xã hội học Eva Illouz đã chỉ ra một tác dụng phụ kỳ lạ của những người cố gắng sống tình cảm hơn tại nơi làm việc. Họ bắt đầu coi cuộc sống riêng tư của mình như những nhiệm vụ trong công việc. Những người mà Illouz nói chuyện cùng coi cuộc sống cá nhân của họ là thứ cần được quản lý cẩn thận bằng cách sử dụng một loạt các công cụ và kỹ thuật mà họ học được từ cuộc sống công sở. Kết quả là cuộc sống gia đình của họ ngày càng trở nên lạnh nhạt và toan tính. Chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều người mà cô nói chuyện cùng thích dành thời gian ở cơ quan hơn là ở nhà.

Hạnh phúc có thể khiến việc thất nghiệp của bạn trở nên tồi tệ hơn nhiều. Khi chúng ta mong đợi nơi làm việc sẽ mang lại hạnh phúc và ý nghĩa trong cuộc sống của mình, chúng ta trở nên phụ thuộc vào nó một cách nguy hiểm. Khi nghiên cứu các chuyên viên, Giáo sư xã hội học Richard Sennett nhận thấy rằng những người coi cấp trên của mình là một “nhân vật có ý nghĩa quan trọng” thường phản ứng tồi tệ nhất nếu họ bị sa thải. Khi những người này mất việc, họ không chỉ mất thu nhập mà còn đánh mất sự kỳ vọng về hạnh phúc. Điều này cho thấy rằng, khi coi công việc là một nguồn hạnh phúc lớn lao, chúng ta sẽ khiến bản thân dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc khi có những thay đổi. Trong thời đại các doanh nghiệp liên tục tiến hành tái cấu trúc, điều này có thể rất nguy hiểm.

Hạnh phúc cũng có thể khiến bạn trở nên ích kỷ. Hạnh phúc sẽ khiến bạn trở thành một người tốt hơn?

Theo một nghiên cứu thú vị thì không hẳn như vậy. Những người tham gia được phát vé số và sau đó đưa ra lựa chọn về số lượng vé họ muốn tặng cho người khác và số lượng họ muốn giữ lại cho mình. Những người có tâm trạng vui vẻ cuối cùng lại giữ nhiều vé hơn cho mình. Điều này ngụ ý rằng, ít nhất trong một số hoàn cảnh, hạnh phúc không có nghĩa là chúng ta sẽ trở nên hào phóng. Thực tế, hạnh phúc làm con người ta ích kỷ thì có vẻ đúng hơn.

Cuối cùng, hạnh phúc cũng có thể khiến bạn cô đơn. Trong một thử nghiệm, các nhà tâm lý học đã yêu cầu một số người ghi nhật ký chi tiết trong hai tuần. Những gì họ phát hiện ra vào cuối cuộc nghiên cứu là những người coi trọng hạnh phúc cảm thấy cô đơn hơn những người ít coi trọng hạnh phúc. Có vẻ như tập trung quá nhiều vào việc theo đuổi hạnh phúc có thể khiến chúng ta cảm thấy mất kết nối với những người khác.

Vậy tại sao chúng ta vẫn tiếp tục giữ vững niềm tin rằng hạnh phúc có thể giúp chúng ta cải thiện năng suất dù đã có rất nhiều bằng chứng phủ định điều này? Theo một nghiên cứu thì câu trả lời còn phụ thuộc vào thẩm mỹ và hệ tư tưởng. Hạnh phúc là một ý tưởng đẹp đẽ về mặt lý thuyết (phần thẩm mỹ). Nhưng đó cũng là một ý niệm giúp chúng ta tránh khỏi những vấn đề nghiêm trọng hơn tại nơi làm việc, chẳng hạn như mâu thuẫn hay chính trị trong công sở (phần tư tưởng).  

Khi cho rằng những nhân viên hạnh phúc là những người làm việc tốt hơn, chúng ta thường có thể giấu được những thắc mắc khó chịu, đặc biệt là khi hạnh phúc luôn được coi là một sự lựa chọn. Hạnh phúc đã trở thành một cách thuận tiện để đối phó với những thái độ tiêu cực, những kẻ phá đám, những tên khốn nạn và những người không nên có mặt trong đời sống công sở. Khơi dậy hạnh phúc, dù là trong mơ hồ, là một cách tuyệt vời để tránh được những quyết định gây tranh cãi, chẳng hạn như cho mọi người nghỉ việc. Như Barbara Ehrenreich đã chỉ ra trong cuốn sách Bright- Sided (tạm dịch: Mặt sáng) của mình, đã có rất nhiều thông điệp tích cực về hạnh phúc trong thời kỳ khủng hoảng và sa thải hàng loạt.

Với tất cả những vấn đề tiềm ẩn này, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải xem xét lại kỳ vọng rằng công việc sẽ luôn mang lại hạnh phúc cho mình. Kỳ vọng đó có thể khiến chúng ta mệt mỏi, phản ứng thái quá, làm mai một ý nghĩa của cuộc sống cá nhân, khiến chúng ta dễ tổn thương, cả tin, ích kỷ và cô đơn hơn. Điều đáng chú ý nhất là việc chủ đích theo đuổi hạnh phúc thực sự có thể làm mất đi cảm giác vui vẻ mà chúng ta thường nhận được từ những điều thực sự tốt đẹp mà chúng ta đang trải qua.

Trên thực tế, giống như tất cả các khía cạnh khác của cuộc sống, công việc có thể đưa chúng ta trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Nếu bạn cảm thấy công việc chán nản và vô nghĩa thì có thể vì nó thực sự chán nản và vô nghĩa. Giả vờ là công việc không chán nản và vô nghĩa chỉ càng khiến cho mọi việc tồi tệ hơn. Tất nhiên, trải nghiệm hạnh phúc là một điều tuyệt vời, nhưng chúng ta không thể cưỡng cầu hạnh phúc. Có lẽ càng không cố gắng theo đuổi hạnh phúc trong công việc thì chúng ta càng có khả năng thực sự trải nghiệm cảm giác vui vẻ. Một niềm vui bất ngờ và thoải mái sẽ tốt hơn một niềm vui miễn cưỡng và giả tạo. Nhưng quan trọng nhất, chúng ta sẽ sẵn sàng hơn để làm việc một cách tỉnh táo. Để chúng ta thực sự cảm nhận bản chất của mọi việc chứ không phải cảm nhận những ảo tưởng của bản thân về vấn đề đó, dù chúng ta đang ở cương vị của một giám đốc, nhân viên hay lãnh đạo một buổi hội thảo về truyền động lực bằng những điệu nhảy hoang dã.

-------o0o-------

Trích: “ Harvard Business Review Press - Emotional Intelligence – Hạnh Phúc”
Tác giả: Nhiều tác giả
Người dịch: Hoài Thương
Nhà phát hành Alpha Books - Nhà xuất bản Công Thương - 2021
Ảnh nguồn Internet

 

Bài viết liên quan