DÙNG SÁU TRẠNG THÁI PHIỀN NÃO NHƯ SỰ THỰC HÀNH - NHẬN DIỆN BẢN TÂM - SHAMAR RINPOCHE

DÙNG SÁU TRẠNG THÁI PHIỀN NÃO NHƯ SỰ THỰC HÀNH

NHẬN DIỆN BẢN TÂM

SHAMAR RINPOCHE

---o0o---

Sáu lầm lạc căn bản này là vô minh, giận dữ, tham ái, ghen ghét, chấp chặt quan điểm và nghi ngờ. Chúng ta hãy bắt đầu với cái thứ nhất vì nó luôn luôn hiện diện
DÙNG SÁU TRẠNG THÁI PHIỀN NÃO NHƯ SỰ THỰC HÀNH - NHẬN DIỆN BẢN TÂM - SHAMAR RINPOCHE

Bạn cũng có thể áp dụng những thiện xảo truy xét mới và sự sáng tỏ đối với sáu thứ vô minh phiền não căn bản, chúng là động lực rất tiêu cực mọc rễ trong tâm. Điều này nghĩa là một mặt tiến hành sự phân tích và tìm kiếm của bạn trên mọi loại hoàn cảnh, thật vậy, bất cứ chỗ nào các vọng tưởng này xuất hiện, không chỉ trong thiền định mà thôi. Qua sự thấu rõ những khuyết điểm của các phiền não này bạn sẽ thành công việc giải thoát tâm khỏi ảnh hưởng của chúng. Mặt thứ hai của sự thực hành là nhìn vào bản chất của mối xúc động trong lúc thiền định, và nhìn thấy bản tánh thật của nó. Rõ ràng tốt hơn là nó xảy ra tự nhiên trong thời gian ấy, nếu không xuất hiện, hãy chủ ý tạo ra cảm tưởng xúc động ấy.

Chú ý và ghi nhớ cũng giữ vai trò trong thực hành này. Bạn sẽ chú ý tỉnh thức để khám phá những phiền não ngay khi chúng xảy ra, và rồi nhớ điều cần làm khi nó xuất hiện.

Sáu lầm lạc căn bản này là vô minh, giận dữ, tham ái, ghen ghét, chấp chặt quan điểm và nghi ngờ. Chúng ta hãy bắt đầu với cái thứ nhất vì nó luôn luôn hiện diện.

Vô minh

Có hai mặt của vô minh hay mất rõ biết: chấp ngã và những tư tưởng sanh ra bởi tâm bám chấp.

Khi bạn không thiền định, hãy suy nghĩ về những tai hại của chấp ngã. Hãy tưởng tượng sự đau khổ và khó khăn nó gây ra. Giữa hoạt động hàng ngày của bạn hãy nhìn xung quanh bạn và thấy mỗi người làm cho chính họ như thế nào và những sở thích mâu thuẫn có theo đó.

Trong thiền định, tìm kiếm qua thân, khẩu, ý cái Tôi nào mà bạn giả tưởng là nguồn gốc của mọi hành động và quyết định của bạn. Bất kể bạn tìm kiếm nhọc nhằn bao nhiêu, không có gì được tìm thấy, thế thì cái tôi này ở đâu mà bạn thường trực bám chấp? Hãy giữ sự tìm kiếm cho đến khi bạn thấu suốt vô ngã.

Rồi xoay sự chú ý của bạn về sự phân tích các ý niệm và những tai hại của chúng. Khi đi làm công việc hàng ngày, trau dồi sự hiểu biết rằng những tư tưởng chỉ là ảo ảnh của một tâm vô minh.

Chúng ta đã thấy rằng mỗi tư tưởng là hậu quả của tâm xúc chạm với một đối tượng của tri giác. Tâm vô minh về sự thanh tịnh của chính nó, nó gây ra lầm lỗi và sản sanh ra vô số tư tưởng. Nó luôn luôn tạo ra phân biệt – đối tượng là tốt hay xấu, hấp dẫn hay khó chịu tùy theo sự phán đoán của tâm vô minh. Điều gì sai lầm trong đó? Hãy thấy cho chính bạn. Hãy nhìn những hậu quả mà những phán đoán như vậy gây ra trên các hoàn cảnh xung quanh bạn và hãy thấy sự nhiễu loạn sinh ra trong tâm.

Rồi khi ngồi thiền định, hãy trụ vào bản tánh của tư tưởng. Ở đây chúng ta thấy rằng những tư tưởng không có hiện hữu có thể định nghĩa được: không hình tướng, thể tích hay màu sắc. Khi tâm chúng ta dấn thân vào một đối tượng, tư tưởng của chúng ta hình như quá đỗi chao động. Nếu chúng ta nhìn một cái cây, chúng ta bắt đầu nghĩ đã đến lúc thay chậu, nước, hay bón phân cho nó. Vì sự dấn thân này, ý niệm của chúng ta hình như rất cứng đặc, nhưng khi chúng ta nhìn thẳng vào bản tánh của chính tư tưởng, thì không có gì ở đó cả. Hãy an trụ trong bản tánh này. Làm việc này lập lại mỗi khi một tư tưởng xuất hiện.

Giận dữ

Rồi làm cùng một cách đối với phiền não thứ hai là giận dữ. Bắt đầu bằng đánh giá những khuyết điểm của giận dữ. Hãy nhìn khi chúng ta giận dữ, tâm chúng ta không hạnh phúc như thế nào. Thêm vào đó phản ứng giận dữ của chúng ta làm cho người khác giận dữ theo. Tâm trở nên bị kích động, tạo ra một môi trường tốt cho tất cả các phiền não khác xảy ra. Xã hội trở nên xáo động. Hãy tiếp tục những truy tìm và bạn sẽ chắc chắn khám phá ra những lỗi lầm hơn nữa của giận dữ.

Trong thiền định, hãy nhìn vào bản tánh của cảm giác giận dữ và an trụ tâm vào trong đó. Tập luyện trong thiện xảo này. Nếu không có tư tưởng giận dữ đến, hãy tạo ra một vài cái.

Luyến ái

Vọng tưởng này là một thứ rất xảo quyệt. Nó có một bộ mặt ngọt ngào, nhưng nó dần dần đưa bạn vào rối loạn. Hãy nhìn cẩn thận vào trở ngại của nó. Hãy thấy nó mang theo giận dữ và ghen ghét, nó kích động tâm với tham vọng lo âu như thế nào. Ngay khi bạn được điều bạn muốn, sự bằng lòng cũng trốn thoát khỏi bạn, những tham muốn của bạn không bao giờ chịu bằng lòng. Nó giống như bị ngứa – nó đỡ được chốc lát nếu bạn gãi, nhưng ngứa sớm trở lại nếu bạn không gãi. Hãy truy cứu tâm tham muốn của bạn như nó đang hoạt động trong công việc hàng ngày cho đến khi bạn thấu suốt mọi lỗi lầm của nó, rồi khảo sát bản tánh của nó như đã giải thích ở trên.

Kiêu ngạo, ghen ghét

Kiêu căng và ghen ghét liên quan mật thiết với nhau. Kiêu căng là cảm giác ‘cái ta quan trọng’ nó làm cho bạn ghen ghét, đố kỵ với người khác. Kiêu căng làm cho bạn không gây ấn tượng với người khác. Vì bạn không được sửa soạn để nhìn thấy những lầm lỗi của bạn, không có đức tính nào có thể lớn lên nơi bạn.

Ghen ghét là một hòa trộn mạnh mẽ của giận dữ và kiêu căng, một sự hấp hối rất chậm chạp. Nó là cảm giác giận dữ với người khác mà không có lý do nào cả. Trong sự giận dữ, có thể có một nguyên nhân - có lẽ người ta đã làm bạn nổi giận – nhưng trường hợp ghen ghét thì không. Chính cái rất vô lý của nó làm cho nó vô luân cao độ. Người nào đó có danh tiếng và vận may, ngay dù người ấy chưa làm điều gì với bạn, bạn cũng không bình an trong tâm bất kỳ khi nào bạn nghĩ đến người đó. Ghen ghét là một kẻ thù rất tinh vi nó hủy hoại mọi sự. Chúng ta cũng có thể dễ dàng thấy nó hoạt động trong xã hội...

Hãy nghĩ cẩn thận về những lỗi lầm của những vọng tưởng này, rồi nhìn vào bản tánh của chúng trong sự định tĩnh của lúc thiền định.

Chấp chặt quan điểm

Những quan điểm là những lý tưởng chúng ta tạo ra cho mình. Hai lãnh vực của đời sống đặc biệt được những quan điểm này ngự trị: chính trị và tôn giáo. Quan điểm không sáng suốt có thể hủy hoại mọi thứ. Ví dụ, tôn giáo có thể phá hoại hết ráo nhiều hơn là sự tôn thờ những sáng tạo trí thức của chính chúng ta.

Nguyên nhân gốc của cái ấy là vô minh, kết hợp chặt chẽ với kiêu căng. Quan điểm tâm linh không sáng suốt thì nhiều: ‘Tôi có thể trở nên linh thánh, tôi có năng lực để chữa lành cho người khác, tôi có thể kiểm soát họ với năng lực ấy và làm cho họ phục tùng tôi’.

Ý định là giúp đỡ người khác, nhưng rồi đại bi trở nên bị trộn lẫn với kiêu ngạo. Ngay dù người nào với loại suy nghĩ này hình như chữa lành thực sự cho người khác bằng năng lực tưởng tượng của họ, nhưng thật ra đây chỉ là thuần ngẫu nhiên. Tuy nhiên nó cho người ấy sự tin vào các khả năng của anh ta và làm mạnh thêm ý tưởng của anh ta.

Nhiều tác hại tôn giáo và chính trị trong hiện tại và quá khứ xảy ra vì vọng tưởng này. Chúng ta cần rõ biết những khuyết điểm của những quan điểm ấy.

Nếu quan điểm của chúng ta không tự nhiên mà được tạo ra bởi tâm vô minh dưới ảnh hưởng của những xúc cảm, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tìm ra một quan điểm vững chắc và hoàn hảo. Những quan điểm sai lầm có thể đưa lạc đường không chỉ với chúng ta mà còn với người khác.

Nếu chúng ta khảo sát một quan điểm cặn kẽ trước khi chấp nhận nó, chúng ta có thể xác định nó rốt ráo là trong sạch hay không. Một quan điểm hoàn hảo là không căn cứ trên những tạo tác xúc cảm. Nếu quan điểm của chúng ta là một phương pháp để đánh bại những xúc cảm phiền não, thì nó là một quan điểm chấp nhận được.

Nếu bạn muốn biết thêm về các quan điểm sai lầm, bạn phải tham khảo những tác phẩm của các triết gia bậc thầy của Phật giáo và học bàn luận và phân tích chúng với lý luận. Rồi bạn sẽ ở trong một vị trí tốt để phán đoán và phê bình những quan điểm và lý thuyết do những người khác đặt ra.

Rõ biết sự xáo trộn do các quan điểm phe phái gây ra, hãy ngồi xuống và khảo sát bản chất của chúng trong thiền định. Những niềm tin như vậy chỉ là những ý niệm không có thực tại về phần chúng, bởi thế không có lý do gì để tâm bị rối loạn bởi chúng cả.

Nghi ngờ

Vọng tưởng này là cái sinh ra những giây phút khi bạn bị khó khăn phiền nhiễu bởi nghi ngờ. ‘Tôi có thiền định đúng hay không? Phật tánh thật sự có hay không? Sự thực hành tâm linh của tôi thật sự đưa tôi đến đâu hay chẳng đến đâu cả?’

Chớ tin vào các nghi ngờ của bạn. Cho đến bây giờ bạn chưa tìm ra điều gì thực sự đáng giá về phần bạn, thế nên chớ nghe theo bạn hiện giờ. Nếu bạn làm vững chắc các mối nghi ngờ và theo chúng, chúng sẽ dẫn bạn đi lạc. Chúng chỉ do vô minh và sự thiếu hiểu biết của chính bạn. Hãy tin vào những phương pháp bạn đã được dạy và giữ theo chúng.

Nghi ngờ có thể chấp nhận được trong khi học hỏi, tra vấn cho đến khi bạn có được một ý niệm đầy đủ, nhưng nó hoàn toàn không thích hợp khi thiền định. Sự nghi ngờ xảy ra khi thực hành là không có lý do để chấp nhận được. Thình lình thiền giả bị bao trùm bởi nghi ngờ như là một hậu quả của những hành động quá khứ. Đây là một trong những kinh nghiệm cảm thấy bởi những thiền giả và nhiều khi không có sự chủ ý nào dành cho nó.

Nếu nó xảy ra, hãy tra cứu những lỗi lầm của nó cho đến khi bạn chắc chắn về nó, rồi khảo sát thực chất của nghi ngờ bạn cảm thấy, như bạn đã làm đối với những vọng tưởng trước.

Chúng ta có lợi lạc gấp đôi với sự thực hành này. Chúng ta trở nên rõ biết hoàn toàn về mọi lỗi lầm khác nhau của sáu phiền não này, và chúng ta cũng làm sâu xa thêm kinh nghiệm về trạng thái bản tánh. Mọi thất vọng mà ban đầu bạn có thể cảm thấy khi phải nghĩ về những lỗi lầm này sẽ tan biến khi bạn an trụ trong bản tánh của vọng tưởng, trong chiều sâu của thực tại tự nhiên của tâm.

Bạn cũng có thể dùng sự thực hành này để phát triển phẩm chất từ và bi. Dĩ nhiên không cần phải khảo sát lỗi lầm của chúng, vì từ và bi không phải là để bỏ đi mà để phát triển. Nhưng chúng phải thoát khỏi bám chấp. Bằng cách nhìn vào bản tánh của trước hết là từ rồi sau đó là bi, bạn sẽ khám phá ra chúng là đồng nhau. Bạn đã tạo ra một tâm từ bi, giờ đây bạn sẽ thấy bản tánh trống không của nó và bởi thế thoát khỏi sự bám chấp vào nó.

--O0O--

Trích: "NHẬN DIỆN BẢN TÂM - Con đường Đại Ấn và Đại Toàn Thiện"

Shamar Rinpoche

Người dịch: Trùng Hưng

Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức – 2006

Ảnh: Internet

Bài viết liên quan