CON ĐƯỜNG RA KHỎI LẦM LẪN - NHẬN DIỆN BẢN TÂM - SHAMAR RINPOCHE

CON ĐƯỜNG RA KHỎI LẦM LẪN

NHẬN DIỆN BẢN TÂM - SHAMAR RINPOCHE

-----o0o-----

Sự chuyển hóa của tâm thức phân biệt thành phần đối ứng của chúng xảy ra trong suốt sự tu hành của chúng ta về con đường đưa đến giác ngộ viên mãn. Con đường này có năm giai đoạn.
CON ĐƯỜNG RA KHỎI LẦM LẪN - NHẬN DIỆN BẢN TÂM - SHAMAR RINPOCHE

Sự chuyển hóa của tâm thức phân biệt thành phần đối ứng của chúng xảy ra trong suốt sự tu hành của chúng ta về con đường đưa đến giác ngộ viên mãn. Con đường này có năm giai đoạn.

CON ĐƯỜNG TÍCH TẬP (TƯ LƯƠNG VỊ)

Giai đoạn thứ nhất là con đường tích tập.

Những hạt giống được cất chứa trong thức căn bản A-lại-da là kết quả của những hành động nhuộm màu xúc cảm chúng sẽ chín trong những đời nơi đó có nhiều đau khổ đến nỗi sự thực hành tâm linh thì không thể. Những hạt giống này phải được ngăn ngừa cho khỏi chín thành hiện hữu bằng một sự tích tập các hoạt động tốt được tiếp tục cho đến khi những dấu vết cuối cùng của những hạt giống mang mầm khổ đau bị tiêu diệt, cũng như một khúc gỗ giữ cho cháy cho đến khi nó được hoàn toàn thiêu hủy bởi lửa.

Tiến trình cũng được ví với việc dùng một thứ thuốc đối trị sau khi uống phải thuốc độc. Cái đối trị với việc bị giết chết là cái bảo vệ và cứu sống; sự thực hành những hành vi rộng lượng như là một đối trị với thói trộm cắp... Kết quả rốt cuộc của sự tích tập những hành động tốt như vậy là sự tái sanh làm người, cần có để đạt đến Phật quả, vì chỉ có một con người mới có thể thực hành con đường.

Trên con đường tích tập chúng ta bắt đầu thiền định. Loại thiền định chính yếu là làm cho tâm thức tĩnh lặng và an định được nhấn mạnh để chuẩn bị cho tâm thức nhìn thoáng thấy trí huệ bổn nguyên. Phương tiện được dùng để khơi dẫn sự an định cốt để cho tâm thức ở yên nơi một đối tượng với sự chú ý nhất tâm.

Lúc bắt đầu, tâm thức hoặc là đầy tư tưởng và hoang dã thoát khỏi sự kiểm soát, hoặc buồn ngủ và chìm vào sự mờ đục, đến nỗi công việc hình như không thể tiến hành. Tuy nhiên, tâm thức dần dần trở nên an tĩnh và kiểm soát được, cho phép nó ở yên nơi đối tượng của nó một cách tự nhiên và không cố gắng, trong khi vẫn sáng suốt và tĩnh giác.

Điều này mở đường cho sự thực hành thiền quán, gồm những kỹ thuật cho một khảo sát sâu xa về vô ngã, qua đó chúng ta trở nên rõ biết về bản tánh thật sự của thức căn bản.

CON ĐƯỜNG TIẾP HỢP (GIA HẠNH VỊ)

Khi còn trên con đường tích tập, thiền định như vậy làm phát sanh bốn kinh nghiệm đặc biệt chúng chỉ ra rằng chúng ta tiến vào con đường kế tiếp, con đường của sự nối kết, tiếp hợp. Nó có tên ấy vì nó là ‘con đường nối’ với sự chứng ngộ đầu tiên về trí bổn nguyên, khi mà mọi che chướng thô của tâm thức được gạt bỏ và chúng ta đạt đến cấp độ đầu tiên của một Bồ tát (Sơ địa, Hoan hỷ địa). Bốn kinh nghiệm thuộc về con đường tiếp hợp như là dấu hiệu chỉ cho biết sự thiền định của chúng ta là đúng và bắt đầu có kết quả.

Cái kinh nghiệm đầu tiên gọi là ‘ấm’ (Noãn địa), nhưng nó không phải là cái gì liên quan với Kundalini yoga hay các thực hành tương tự. Hơi nóng là dấu hiệu của lửa đang tới, như thể sự ấm nóng cảm nhận được khi một lò sưởi mới được bật lên, trước khi nó trở nên thật sự nóng. Kinh nghiệm đầu tiên này là dấu hiệu đến gần của một thoáng thấy sơ khởi về trí giác bổn nguyên. Tuy nhiên, sự xảy ra của nó tùy thuộc vào một thiền quán chân thật chứ không phải là một kinh nghiệm dễ có: chớ nghĩ rằng một cảm giác khác thường nào bạn có khi đang thiền định là dấu hiệu ‘ấm’.

Kinh nghiệm thứ hai gọi là ‘đỉnh’ (Đỉnh địa), xảy ra khi sự an định đã đạt được trong sự thực hành của chúng ta. Ở cấp độ này, kinh nghiệm cá nhân lớn dần để dẫn đến một xác tín toàn vẹn về giáo lý của Phật: bây giờ chúng ta hoàn toàn tin chắc rằng nó là vững chắc và qua sự thực hành nó chúng ta có thể đạt đến Phật quả viên mãn. Cho đến điểm này trong sự phát triển tâm linh, những nghi ngờ cứ thỉnh thoảng khởi lên, và giáo lý bắt buộc phải được xem là chân lý, nhưng từ điểm này trở đi, chúng ta hiểu trực tiếp định luật nhân quả, biết rằng khổ đau sẽ phải đến từ những hành động xấu... Mọi nghi ngờ đã được xóa bỏ.

Sự khởi phát kinh nghiệm thứ ba ‘nhẫn’ (Nhẫn địa), là những dấu hiệu của một sự tăng cường sức mạnh thấu hiểu của chúng ta. Hoạt động tích cực của thiền quán trở nên mạnh mẽ đến nỗi nó có năng lực đàn áp mọi dấu vết tiêu cực trong thức căn bản, ngay cả những thứ trầm trọng đủ cho sự tái sanh vào địa ngục. Hoạt động tích cực bây giờ mạnh hơn sự che ám gây ra bởi hoạt động tiêu cực và phiền não. Cái tích cực và tốt đủ mạnh để nhẫn, bao dung được cái tiêu cực và xấu, không bị nó đè bẹp, do đó mà có tên ấy cho kinh nghiệm này. Sự thực hành của chúng ta luôn luôn bảo đảm cho sự yếu dần các sức mạnh tiêu cực và một sự mạnh dần mặt tích cực, nhưng chỉ đến mức độ này của sự nhẫn, sự dung thứ, mà cái tích cực mới thực sự trở nên trổi vượt hơn mọi xu hướng tiêu cực, dầu mạnh đến đâu.

Kinh nghiệm thứ tư và cuối cùng gọi là ‘cái tốt nhất trong thế giới’ (Thế đệ nhất địa), vì nó là cái tốt nhất trong mọi kinh nghiệm có được trong thế gian. Với bước tiếp theo chúng ta vào trong con đường thấy và không còn ở lãnh vực của thế gian. Cái ‘đệ nhất trong thế gian’ này là cổng vào kinh nghiệm trí huệ bổn nguyên hay là tánh Giác bổn nguyên.

CON ĐƯỜNG THẤY (KIẾN ĐẠO VỊ) VÀ CON ĐƯỜNG THIỀN ĐỊNH (TU TẬP VỊ)

Khoảnh khắc đầu tiên khi tánh Giác bổn nguyên được trực tiếp nhìn thấy, đánh dấu sự khởi đầu của con đường thấy. Giờ đây chúng ta ra khỏi vòng sanh tử, không bao giờ trở lại, vì sự che chướng thô trược của những phiền não đã bị tiêu diệt. Cái nhìn thấy tánh Giác này giống như thấy mặt trăng non: nó chính là mặt trăng thực, nhưng không phải là hình thể trọn vẹn. Suốt sự tiến bộ dọc theo con đường tiếp theo, con đường thiền định, cái thấy của chúng ta mở rộng cho đến, ở cấp độ thứ mười của Bồ tát, nó được ví như trăng tròn.

CON ĐƯỜNG KHÔNG HỌC NỮA

Con đường thứ năm và cuối cùng này đánh dấu sự chuyển hóa toàn triệt của thức căn bản thành trí bổn nguyên. Không có cái cốt yếu nào bị bỏ đi. Bản tánh của thức căn bản luôn luôn hoạt động như là trường hoạt động của trí bổn nguyên, nhưng sự nhận ra điều này đã bị che chướng bởi những trạng thái phiền não của tâm, những xu hướng chủng tử đã chín... Cái che chướng này giờ đây bị gỡ bỏ, thức căn bản có thể được nhìn đúng như nó thực sự là.

-----o0o-----

Trích: “Nhận Diện Bản Tâm”

Tác giả: Shamar Rinpoche

Người dịch: Trùng Hưng

NXB Thiện Tri Thức, 2006

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan