SỰ BÌNH LẶNG CỦA TÂM THỨC - NHẬN DIỆN BẢN TÂM  -  SHAMAR RINPOCHE

SỰ BÌNH LẶNG CỦA TÂM THỨC

NHẬN DIỆN BẢN TÂM 

 SHAMAR RINPOCHE

---O0O---

(THIỀN CHỈ)

Giai đoạn đầu tiên của thiền định cốt ở làm bình lặng tâm thức đến nỗi chúng ta có thể thấy rõ hơn nó đang làm gì.

Tư Thế

Tư thế của chúng ta khi thiền định là quan trọng tột bậc. Một tư thế sai có thể đem lại một số nguy hiểm: ngã về bên trái hay phải, trước hay sau trong khi thiền định thì có những hậu quả xuất hiện trong trạng thái tâm thức, gây ra sự mất tính bình thản.

Tư thế lý tưởng được gọi là Tư thế gồm bảy điểm của Tỳ Lô Giá Na và nếu chúng ta mong thiền định được đều đặn, chúng ta phải dần dần tập luyện thân thể cho đến khi chúng ta duy trì tư thế này suốt buổi công phu.

Đây là danh sách bảy điểm và hiệu quả của chúng đối với tâm thức, trích từ cuốn Đại Dương của Sự Xác Quyết của Karmapa thứ chín:

  1. Hai chân tréo nhau trong thế kiết già hoa sen nở trọn, đối chiếu với các bản văn Phật giáo Tây Tạng là thế kim cương, bởi vì nó tượng trưng cho sự thăng bằng không thể hủy hoại. Điều này làm bình lặng năng lực vi tế trong thân là cái giúp cho ghen tỵ nổi lên trong tâm.
  2. Hai tay đặt sát nhau dưới bụng trên chân. Điều này giúp cho sự an định năng lực vi tế kết hợp với tức giận.
  3. Hai vai giãn ra, như hai cánh của một con chim kên kên: chúng đứng ngang và thẳng ngoài thân, không chúi về trước, không ngã về sau.
  4. Cổ họng như một cái móc, cằm ép vào thanh quản: cằm sát vào yết hầu đề phòng đầu ngã về phía trước hay ngã về sau. Điều này ngăn sự hoạt động của năng lực vi tế liên quan đến tham luyến trong tâm thức.
  5. Xương sống thẳng đứng, như thân cánh một cái cung. Điều này nghĩa là chỉnh lại trung tâm thăng bằng bằng cách phần trên thân hơi ngửa ra đàng sau trong khi bụng hơi đưa ra đằng trước. Điều này cùng với tư thế của vai trong điểm ba, làm cho bình lặng sự di chuyển tuần hoàn của năng lực vị tế tạo ra hôn trầm.
  6. Hai mắt nhìn không ráng sức vào một điểm trong khoảng không cách khoảng bốn ngón tay từ đầu mũi.
  7. Môi ngậm lại, để một khoảng hở nhỏ giữa răng trên và răng dưới, lưỡi nghỉ ngơi đụng vào vòm miệng. Điểm sáu và bảy làm yên bình năng lực vi tế kết hợp với kiêu mạn, đồng thời để cho tâm thức trong trẻo và sáng tỏ.

Hỏi một vị thầy có kinh nghiệm và tư cách để xem lại tư thế của bạn cho đến khi chắc chắn đã làm đúng. Sự lưu thông của năng lực vi tế trong thân thì rất nhạy cảm và cần rất cẩn thận để nó không làm hại tâm thức người đang thiền định, người ấy sau hết chỉ cố gắng vun bồi sự không phóng tâm và sáng tỏ.

DÙNG MỘT ĐIỂM QUY CHIẾU

1. Một Đối Tượng

Trước tiên tâm phải được huấn luyện để an định vào một điểm quy chiếu duy nhất. Cho đến bây giờ tâm đã có nhiều điểm quy chiếu, nó phóng xuất chúng rất nhanh cái này tiếp nối cái kia, xoay vòng như hạt cát thổi tung bởi gió. Hãy cố gắng đem tâm phân tán này về một điểm. Đổi lại hãy để tâm nghĩ đến một sự vật thay vì nhiều thứ cùng lúc.

Chúng ta huấn luyện tâm thức làm điều này bằng cách giữ nó vào một đối tượng nào đó. Làm thế vài khoảnh khắc, rồi chúng ta thấy tâm không chịu dừng yên. Tại sao? Vì nó quen nghĩ tưởng rồi. Ở yên nơi một đối tượng là cái đối trị lại điều nó thường làm, bởi thế chúng ta phải giúp nó phát triển những thói quen mới.

Dùng một thứ gì như một cái ly nước trong hay một ngọn nến như là đối tượng thiền định. Ngọn nến không sáng quá, và thay vì nhìn thẳng vào ngọn lửa một cách trực tiếp, hãy đặt ngọn nến phía sau vai trái hay vai phải và một cái gương trước mặt để thiền định vào ảnh phản chiếu của nó. Nếu bạn dùng một cái ly, đặt nó để cho ánh sáng ban ngày tự nhiên chiếu vào nó mà không phải là tia sáng mặt trời. Theo cách ấy mắt sẽ không cảm thấy căng thẳng. Sự sáng sủa của các đối tượng như vậy giúp cho tâm thức không hôn trầm. Hãy hướng tâm về nó và an định ở đó.

Mỗi khi bạn biết rằng bạn bị phóng tâm khỏi đối tượng, hãy đem tâm trở lại một điểm này. Đôi khi đã có một vài phút trước khi bạn nhận ra điều này và hãy đem tâm trở lại. Chớ lo lắng, hãy tiếp tục thiền định, dần dần kéo dài thời gian an trú trên đối tượng. Chìa khóa đối với sự thực hành này là ở yên nơi đối tượng và tỉnh giác: chính điều này làm giảm các vọng tưởng chứ không phải đối tượng. Chúng ta không cần lưu ý đến những đặc tính của đối tượng - ánh sáng hay màu sắc ngọn nến...

Đối tượng tự nó chẳng quan trọng, mà chính là phương pháp của tâm để giữ cho yên lặng. Khi tâm đã được an trụ, đối tượng không còn giá trị nào nữa. Vài người thích có mọi loại cảm giác, rung động, năng lực... khi hành thiền định này. Đó đúng là tưởng tượng tạo ra: dùng một đối tượng là một cách để an định tâm thức mà không có những hiệu quả ngoại lai dự định nào.

Dần dần những tư tưởng phân tán sẽ giảm và bạn sẽ có thể ở yên nơi điểm duy nhất đó lâu hơn mà không có phóng tâm.

2. Từ bi

Bằng cách dùng từ bi như điểm quy chiếu để an định tâm, chúng ta thu hoạch một lợi lạc gấp đôi. Như với ngọn nến và cái ly, tâm trở nên an bình và trụ vững. Nhưng khi tâm an định, nó đồng hóa với đối tượng, thế nên ở đây chúng ta có một cơ hội đặc biệt để thực sự chuyển hóa tâm thành từ bi. Lúc này người ở mức trung bình không thể phát triển từ bi đối với tất cả chúng sanh. Chúng ta cảm thấy tình thương nhưng nó chỉ giới hạn vào vài người, như khi chúng ta cảm thấy tình thương dành cho con gái mình, hay bạn trai hay cha mẹ... Chúng ta phải có một phương pháp để tăng cường tình thương này cho bao trùm tất cả chúng sanh, và dùng từ bi làm điểm quy chiếu để cho tâm hưng vận từ bi.

Một chúng sanh là một sinh vật với một tâm thức. Luận lý Phật giáo có một cách để chứng minh rằng từ con người đến muỗi mòng, ngay cả chúng sanh trong địa ngục, tất cả đều có một tâm tương tự. Có một khác biệt giữa sự sống và đời sống hữu tình. Sự sống phát triển (ví dụ một cái cây), nhưng nó không có một tâm thức. Đời sống hữu tình là đời sống với một tâm thức. Một đóa hoa không thể đạt đến Phật quả – nó không có tâm thức. Một con muỗi thì có thể, mặc dù điều kiện hiện thời kém may mắn của nó.

Mọi chúng sanh chia sẻ cùng ước nguyện được hạnh phúc và thoát khỏi đau khổ. Chúng ta cần phát triển từ bi cho tất cả họ một cách bình đẳng.

Chúng ta phải bắt đầu bằng cảm thấy từ và bi trong tâm chúng ta. Tốt nhất là có một tâm thương yêu tự nhiên – nếu điều này xảy ra là do nó đến từ những thói quen quá khứ. Tuy nhiên nếu không được như vậy, bạn có thể tạo ra chúng một cách nhân tạo. Ban đầu một cố gắng có chủ tâm là cần thiết, nhưng do ân phúc đến từ những ý định trong sạch của bạn, bạn sẽ dần dần tiến đến chỗ có từ bi bổn nguyên.

Bản chất của tình thương là niềm vui. Hãy phát triển một trạng thái tâm thức đầy tình thương và niềm vui, ý muốn được lợi lạc cho người khác. Cảm thấy điều này đối với một nhóm tưởng tượng khoảng mười chúng sanh, người hay vật. Thực sự tỉnh giác với tình thương. Nói ‘Con mèo này dễ thương làm sao!’ thì chưa đủ. Rồi tăng cường phạm vi này bao trùm một trăm, một ngàn, mười ngàn và trăm ngàn chúng sanh. Hãy tưởng tượng ra chúng. Rồi tiếp tục mở rộng tình thương của bạn mọi lúc cho đến khi nó bao trùm mọi chúng sanh trong vũ trụ.

Khi bạn có tình cảm thương yêu và lòng tốt trong tâm với mọi chúng sanh, hãy đối xử với nó như đối tượng và thiền định về nó không một chút phóng tâm. Mỗi khi tâm nghĩ đến cái gì khác, hãy đem nó trở lại với tư tưởng thương yêu và lòng tốt, an định tâm vào đó. Tất cả tư tưởng của bạn sẽ được chuyển hóa thành bản tánh của tình thương và chăm sóc. Đây là sự tu hành những phương tiện thiện xảo của định dùng tình thương.

Thỉnh thoảng làm như thế với lòng bi mẫn. Tâm bi gần giống như tâm từ. Nó có nghĩa là nghĩ đến những khó khăn và khổ sở của tất cả chúng sanh. Đây là tình cảm bạn có khi con hay cha mẹ bạn đau khổ, ví dụ thế. Nhưng không có gì phải lo buồn về nó. Bạn có thể dễ dàng phát triển một tình cảm bi mẫn trong tâm bạn bằng cách nghĩ đến sự đau khổ khủng khiếp của chúng sanh. Như đã làm với từ, hãy an trụ tâm vào bi và không cho phép bạn phóng tâm khỏi nó.

Chuyển đổi từ và bi, trau dồi chúng một cách vững chắc không phải hấp tấp. Dùng chúng như những đối tượng sẽ không chỉ làm bình an tư tưởng mà còn tích tập một số công đức lớn lao.

Tình thương này thoát khỏi luyến ái. Nó không phải là đam mê điên rồ của ‘đang yêu’. Bản chất của tâm là sự sáng tỏ trống không vô ngại, và ngay khi phát triển từ và bi, tâm cần buông xả nhẹ nhàng vào trong tánh Không nền tảng của nó, nếu không từ và bi được phát triển trở thành tình cảm xúc động, vì tâm đã an định. Trộn lẫn với tình cảm xúc động, từ và bi là không thiện xảo, và có thể dẫn đến tai họa. Nhiều người quen với tính cách trống không của tâm; tư tưởng của họ thì quá duy vật. Chớ định tâm như nó là một cái máy. Tình thương chân thật thì không căng thẳng, mềm dịu nhưng bao la.

Tâm của tất cả chúng sanh tự bản chất cũng như tâm các bạn: sáng tỏ trống không vô ngại. Bởi thế hãy nghĩ rằng tất cả chúng sanh cùng thiền định với bạn, chìm ngập trong tình thương cùng với bạn. Đây là một thực hành rất có năng lực, đem lại lợi lạc lớn lao và một tích lũy công đức bao la. Đây chính là cách mà những Bồ tát tạo ra những điều kiện cho sự phát triển tự nhiên của tình thương trong tâm của người khác. Hãy chia sẻ tâm từ với những người khác và làm cho họ cảm thấy cũng như mình. Tất cả chúng sanh có một tâm từ, nhưng vì những vấn đề phiền não mà nó không biểu lộ được, hay có biểu lộ cũng hạn hẹp, thiên vị, luôn luôn căn cứ trên Tôi và Anh. Hãy nhắm tâm bạn vào đó và làm cho nó cũng lớn rộng như của bạn.

Thiền định về ngọn nến hay cái ly, hay đắm mình trong từ bi thực ra chỉ là những kỹ thuật để định tâm, chúng chưa phải là thiền định chân thật. Nhưng tinh thông chúng thì cần thiết cho giai đoạn kế tiếp, vì chính qua chúng mà tâm sau cùng được an định. Bạn nên phải thực hành chúng trong một thời gian dài trước khi đã sẵn sàng cho sự thực hành thiền định đích thực.

Hôn Trầm Và Trạo Cử

Đây là những bức màn che chướng chính đối với sự bình lặng của tâm thức (chỉ) và sự soi thấy sâu xa vào chân tâm (quán). Chúng có khuynh hướng phá hoại sự thiền định hiện giờ của chúng ta, ngăn chặn bước tiến bộ hơn. Ngay dù chúng ta có được vài tiến bộ bất kể chúng, thì chúng cũng làm tổn hại phẩm chất của thiền định chúng ta.

Những nguyên nhân của hai khuyết điểm này có thể thường tìm thấy trong cách cư xử hàng ngày của chúng ta, những thói quen được tạo ra ngoài những buổi thiền định cung cấp điều kiện cho hôn trầm hay trạo cử xuất hiện khi chúng ta vừa ngồi thiền.

Đây là vài khởi dẫn bổ ích để làm trong sáng một tâm thức nặng đục, buồn ngủ. Hãy giới hạn những bữa ăn của bạn vào thời gian từ mặt trời mọc cho đến 1 giờ chiều. Tránh ăn vào chiều tối và buổi sáng. Ăn đến khi cảm thấy đầy ba phần tư, để dành một phần cho bao tử trống. Bữa ăn không có những thứ nhiều chất béo.

Dậy sớm và ngủ sớm. Chớ ngủ nhiều. Sáu hoặc bảy tiếng là đủ. Hơn thế nữa là sự ham thích ngủ. Bạn sẽ nhận thấy rằng khi bạn không ăn nhiều, bạn sẽ không ngủ nhiều.

Hãy canh chừng với giác quan. Chớ có thói quen uống rượu, xem truyền hình... một cách mải mê. Điều này không có nghĩa là không bao giờ uống hay xem  truyền hình, mà đơn giản là việc ấy không bổ sung thêm vào hai chướng ngại.

Nếu bạn có khuynh hướng hôn trầm, buồn ngủ, hãy thiền định ở chỗ khoáng đạt rộng rãi như trên một triền núi.

Trạo cử, xáo động có chiều hướng là một vấn đề của phương Tây, trong khi lười biếng, uể oải là một vấn đề của phương Đông nhiều hơn. Nguyên nhân chính của trạo cử là lo lắng. Tâm thức bám theo các đối tượng làm kích thích tham muốn và giận dữ, tâm thức đó sản sanh ra xáo động. Bạn phải học buông xả, thư giãn và không bám níu các dự tính bạn có. Trau dồi sự bình thản tỏa sáng sẽ giúp cho điều ấy.

Ham muốn và nghị lực cũng là một hình thức của sự bám chấp tình cảm. Những cảm xúc của bạn quá mạnh và bạn trở nên dấn thân mạnh mẽ vào một số công việc mạnh đến nỗi bạn thường nghĩ đến nó ngay cả khi thiền định. Điều này không nhất thiết là không làm gì cả hay không để ý đến công việc một khi quyết định hành thiền. Hãy làm việc cẩn thận và chăm chú, nhưng buông xả ngay khi đang làm. Khi bạn bám chấp vào cái gì, bạn sẽ không bao giờ có sự nghỉ ngơi tốt đẹp. Ngay khi bạn cố thiền định, nó vẫn quấy rầy bạn, như một số rung động điện trong não. Cũng chớ bám chấp vào ngay cả thiền định, mà hãy dùng nó một cách nghiêm cẩn.

Tư duy về những bất lợi, trở ngại của xáo động là một đối trị tốt cho nó. Bắt đầu bằng dừng nghỉ, buông xả một ít. Rồi cố gắng đơn giản bỏ nó và thiền định. Nếu không được, tự nghĩ, ‘Tại sao ta nghĩ tưởng nhiều thế? Chẳng có nghĩa gì trong đó cả, chỉ phí thì giờ. Tất cả chuyện ta đang làm đây chỉ làm ngăn ngại ta thi hành công việc hiện tại là thiền định. Tại sao ta đã chọn thiền định là cái quan trọng nhất? Bởi vì ta thấy nó thật giá trị. Những lý lẽ để chọn thiền định là có cơ sở, thế nên ta phải cố gắng vào dự định hiện tại này và bỏ mọi thứ quan tâm khác một bên vào dịp khác’. Với loại suy nghĩ như vậy, bạn tự khuyến khích mình ngưng lo toan.

Tâm không phải là cái gì cứng đặc, thế nên chớ tóm chụp lấy nó và đẩy lùi nó bằng sức mạnh. Nếu bạn không ngăn tâm khỏi đi rông bởi vì bạn quá lo âu về một chuyện đặc biệt nào đó, hãy cho phép bạn nghĩ về nó, nhưng thay vì chạy theo không mệt mỏi mọi thứ rắc rối của nó, hãy giản lược suy nghĩ của bạn vào khoảng năm phương diện của vấn đề, rồi bốn, ba, hai, một, và cuối cùng để cho chúng cùng ra khỏi tâm bạn.

Nếu có một bám chấp mãnh liệt vào điều gì, bạn có thể không bao giờ gỡ tâm khỏi nó. Buông xả trên những việc mà bạn phải suy nghĩ. Chớ để bị kích động vì sự vật, chớ cố gắng giữ chúng cho riêng mình. Khi buồn, chớ trụ vào đó và cứ kêu khóc.

Thay vào đó, hãy nghĩ đến những ích lợi của một tâm thức bình an. Một tâm an định là một nền tảng tốt cho thiền định tiếp tục thêm nữa. Nhớ lại những phẩm chất này sẽ làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc và hứng khởi, phấn chấn đối với thiền định qua việc nhận ra sự quan trọng và những lợi lạc của nó. Không có một tâm an định bạn sẽ không bao giờ hoàn thành được cái gì.

Hôn trầm và trạo cử xảy ra cho hầu hết những người sơ học. Khi sự thiện xảo, khéo léo của thiền định được thiết lập tốt, hai khuyết điểm này giảm đi sức mạnh.

Tỉnh Giác Và Chú Tâm

Một điểm then chốt là rõ biết dù tâm có định hay không. Chúng ta phải chú ý (tiếng Tây Tạng là shes-bzhin) đến mức chúng ta rõ biết với phóng tâm ngay khi nó vừa khởi. Chú ý có thể biết tức thời cái gì đang xảy ra.

Cái này đi theo bởi tỉnh giác (Tây Tạng: dranpa). Với tỉnh giác, có hai tâm, tâm coi chừng và tâm được coi chừng. Tỉnh giác là làm thế nào đem tâm về chỗ của nó trước khi nó phóng tâm.

Chú ý để dò tìm hôn trầm, phóng tâm, căng thẳng... và rồi nhớ những giáo huấn để dùng mà đem tâm trở lại trạng thái trong trẻo, sáng tỏ.

Hãy học rõ biết tâm bạn vào mọi lúc, ngay khi bạn không chính thức thiền định. Tâm bạn đang đảm đương cái gì?

Nếu bạn quá khô cứng trong thiền định do một tham muốn an định, đối tượng có thể trở nên không rõ ràng hay chập chờn. Điều này không quan trọng, đó chỉ là một sự giảm thấp của tỉnh giác. Nếu nó xảy ra, hãy buông xả ngay tâm thức một thời gian ngắn. Đây đúng là một hiệu quả thần kinh của sự căng thẳng.

Làm sao buông xả, thư giãn tâm? Chính bạn là người độc nhất có thể buông xả nó, vì nó là của bạn. Nhưng chớ buông xả quá nhiều vì bạn sẽ buồn ngủ.

Có nhiều đối tượng nương dựa bạn có thể dùng để định tâm, nhưng bất cứ cái gì cũng đủ đưa đến kết quả mong muốn. Khi bạn có một số thành thạo trong việc đạt đến định, bạn có thể thử dùng nhiều cái nương dựa để thấy những hiệu quả khác biệt mà mỗi cái có hiệu quả trên bạn và trên tâm thiền định của bạn.

Khi bắt đầu, thiền định đều đặn trong những khoảng thời gian ngắn mười phút để cho bạn không ngán. Người mới học thường thấy thiền định hơi khó khăn lúc ban đầu, vì họ phải chiến đấu với khuynh hướng xáo động. Bạn sẽ qua giai đoạn này bằng cách ngồi không lâu nhưng thường ngồi. Nhưng chớ dừng ở đó, dần dần kéo dài thời gian như thể bạn đã quen với hoạt động mới này cho đến khi bạn có thể thiền định vài ngày trong một lúc.

Tổng quát bạn cần học cách dịu dàng với chính bạn. Điều này rất hiệu quả cho sự định tâm. Ban đầu có một số căng thẳng, hãy cố gắng rõ biết mỗi một giây phút, nhớ điều cần làm nếu tâm đi lang thang, theo các lời chỉ dạy... Hãy buông xả và dịu dàng, khiêm tốn và bi mẫn, chớ có tâm gian xảo và sử dụng thiền định cho sự thích thú cá nhân của bạn.

THIỀN ĐỊNH KHÔNG CÓ ĐIỂM QUY CHIẾU

Khi đã quen với những kỹ thuật ở trên rồi, cố gắng để cho tâm an trụ một cách tự do và độc lập, không dùng bất cứ chỗ nương dựa nào hết.

Giữ cố gắng cho đến khi bạn có một kết quả, chớ bỏ đi sớm quá. Bạn sẽ biết bạn thành công khi tâm trong sáng của bạn ở yên một cách tự nhiên và dễ dàng trên bất cứ đối tượng nào được trao cho nó, không khó khăn, tự do khỏi mọi hôn trầm và trạo cử. Sự tĩnh lặng nền tảng này rồi phát triển ngày càng nhiều. Tại sao không ? Không có cái gì có thể dừng nó nổi.

Chớ bị kích động bởi chuyện thiền định, bởi vì những kết quả có thể không đến dễ dàng. Và khi chúng xảy ra, chớ bị kích động bởi chúng, vì sự kích động này sẽ làm hư hỏng kết quả.

Không có một tâm an định, nghiệp xấu dễ dàng được tạo ra, nhờ vào những nhân duyên từ quá khứ biểu lộ như những khuynh hướng xấu. Nhưng khi tâm an định, lại có khả năng lớn lao cho đức hạnh, nó sẽ lớn mạnh hơn những khuynh hướng này và có thể đánh bại chúng.

Chính với tâm định này mà bạn tiếp tục đến gần thực hành Đại Ấn. Không có nó, thiền Đại Ấn không thể có được.

THIỀN CHIẾU SOI

(THIỀN QUÁN)

Danh từ Tây Tạng của loại thiền này gọi là lhagtong, nó có thể dịch nghĩa đen là thấy sâu xa. Trong trường hợp này thấy đồng nghĩa với biết, chứ chẳng phải chỉ là cái thấy của mắt. Thông thường mọi thứ chúng ta biết đều bị bao trùm trong màn mây của tâm thức lầm lẫn. Thấy sâu xa là biết mà không có vô minh, chúng ta dùng cái biết bổn nguyên của tâm để thấy.

Thiền quán nghĩa là huấn luyện tâm để biết chính nó trong một cách thức sâu xa hơn. Mức độ này của tâm là sâu xa hơn nhiều so với mức bình thường mà con người kinh nghiệm. Khi tâm bạn có thể đem chính nó đến sự thấu hiểu chín chắn về bản tánh của nó, nó sẽ thoát khỏi các chứng loạn thần kinh của nó. Tâm không còn bị nhốt giam trong cái bẫy ảo tưởng, mọi sự kiểm soát của bản ngã mất hết.

Công việc của thiền quán là để cho tâm khảo sát chính nó cặn kẽ hơn.

Nhưng thiền quán phải được phát triển trên nền tảng của định, một trạng thái ở đó tâm không bị hư hoại bởi hôn trầm hay trạo cử. Một tâm trong sáng và an định.

Khi thực hành thiền quán, điều đầu tiên chúng ta làm là khảo sát tâm thực sự là gì. Những đối tượng của tâm không có thực tánh, chính tâm đen lại cho chúng thực tánh nhờ ảo tưởng sai lầm trong tâm. Tâm làm thế nào trở thành lầm loạn? Trong trạng thái tự nhiên của nó, không có chút lầm loạn vô minh nào cả, nhưng khi trạng thái tự nhiên này cố gắng nắm bắt chính nó – dầu cho điều ấy là không thể được, như con mắt cố muốn thấy đáy mắt của nó – nó trở nên lầm loạn và phóng xuất một thế giới khách quan bên ngoài.

Những phóng xuất của tâm có thể được bởi vì tâm tự chính nó là trống không, trong sáng, vô ngại, rộng mở. Nếu nó có thể nhận ra trở lại bản tánh chân thật của nó, nó không bị vô minh lầm loạn nữa. Sự sáng tỏ của tâm tự nhiên sẽ sanh khởi như là tánh Giác bổn nguyên. Tâm sẽ có thể kiểm soát trở lại những biểu lộ của nó thay vì bị lầm loạn bởi chúng. Giống như nhận ra bạn đang mơ, bạn có thể kiểm soát giấc mộng thay vì bị nó kiểm soát.

Chúng ta phải mở đường trở lại tánh Giác bổn nguyên bằng cách tham cứu thực tại nền tảng của tâm. Điều này sẽ dẫn đến sự rõ biết về sự vật như chúng thật sự là (Tây Tạng: ji-lta-ba’i ye-shes). Có được sự kiểm soát đối với những phóng chiếu của nó sẽ đem lại sự rõ biết về sự vật trong mọi đặc thù của chúng (Tây Tạng: ji-snyed-pai ye-shes).

Trước tiên chúng ta cố gắng chứng biết tâm bị ảnh hưởng và phóng dật như thế nào bởi tin tức nó thường xuyên nhận được. Điều này nghĩa là làm cho tâm an trụ, để cho nó ở yên hoàn toàn tỉnh giác về chính nó, và cố gắng phân biệt giữa nó và tin tức nó được nhận. Khi nghe cái gì, cố gắng để tâm tách lìa với âm thanh; khi thấy cái gì, hãy để tâm độc lập với hình sắc. Rồi tự hỏi : ‘Cái gì đây?’

Bạn sẽ khám phá tâm là một cái gì sống động, sáng tỏ và tỉnh giác, tuy nhiên không có gì ở đó có thể được tri nhận như là một đối tượng, một vật. Tâm thì trống không và bao la như không gian; nó cũng bình an vì mọi xáo động tâm thức gây ra bởi tin tức truyền thông từ những đối tượng được trả về vô ích, hão huyền khi tâm thoát khỏi lưới bẫy của nhị nguyên. Thay vào đó, chúng ta gặp một tâm bén nhạy, sáng tỏ và bao la.

THAM CỨU, TRUY TÌM BẢN TÂM

Tư thế và những phương pháp để tránh phóng tâm và thiền định sai đều giống như đối với thực hành thiền chỉ. Bạn đang tìm kiếm tình trạng nhất tâm.

Cái mà chúng ta gọi là tâm là một chuỗi những tư tưởng chúng chỉ ngừng khi chúng ta rơi vào vô thức hay đắm mình trong giấc ngủ rất sâu. Nếu không, tâm thường trực phóng xuất các ý niệm, chúng tùy thuộc vào kích thích bên ngoài – âm thanh, cảnh sắc... - hay kỷ niệm bên trong. Ngay những kỷ niệm, trí nhớ được tạo ra từ những quang cảnh, đối thoại... tất cả chúng đều đặt nền trên kinh nghiệm giác quan trước kia. Thế nên bất cứ cái gì chúng ta nghĩ đến luôn luôn dựa vào một cái gì bên ngoài.

Phóng tâm là cái tâm nắm bắt tin tức. Tuy nhiên, giải thoát khỏi phóng tâm không có nghĩa là cố gắng bắt chước sự vô tri, vô thức. Một tâm giải thoát là một tâm tự nhiên, tâm kinh nghiệm chính nó.

Đông và Tây có quan niệm hơi khác biệt về tri giác. Từ quan điểm Tây phương, tâm nhận tin tức, trong khi quan điểm Đông phương là tâm đi tìm kiếm tin tức. Nhưng sự phân biệt này đưa đến một sự khác biệt lớn cho thực hành thiền định của chúng ta. Sự thông tin vẫn xảy ra, và tâm bị lôi cuốn vào. Không bên nào chối bỏ điều ấy.

Tâm không thể nắm bắt đối tượng một cách trực tiếp. Chính hình tướng hay sự trình diện (Tây Tạng: rnam-pa) của đối tượng xuất hiện trong tâm và được hiểu bởi tâm. Tiến trình này xảy ra rất nhanh. Trong một cái búng ngón tay, 61 khoảnh khắc tâm thức trôi qua. Đây là định nghĩa chính thức về tốc độ của tâm.

Trong khoảnh khắc đầu tiên của sự tri giác, tâm tiến về phía đối tượng, trong khoảnh khắc thứ hai nó nắm bắt đối tượng, trong khoảnh khắc thứ ba sự trình diện hay bức tranh của đối tượng, chứ không phải chính đối tượng, xuất hiện trong tâm và được ghi nhận.

Nhưng mỗi khoảnh khắc của tâm thì thoáng qua, không có một tâm độc nhất ở đó một cách thường hằng. Lấy ví dụ nghe một người nào nói. Nếu bạn có thể thấy chuyện xảy ra trong chi tiết chính xác, bạn nhận thấy rằng mỗi thời khắc giọng nói biến đổi, tâm bạn cũng biến đổi.

Ở một mức độ rõ ràng hơn, hãy thấy tâm bạn thay đổi thế nào khi bạn nghe hai giọng nói khác nhau. Tâm tập trung vào tiếng nói thứ nhất và tâm tập trung vào tiếng nói thứ hai không phải là cùng một tâm. Nếu tâm bạn thật sự vẫn như nhau, nó sẽ không thể phản ứng với hai tiếng nói khác nhau, đầu sẽ bị quay tròn. Quả thật tâm bây giờ là một người nghe, nhưng cái gì là tâm giải thoát khỏi tiếng nói? Tâm nghe tiếng nói không thể là tiếng nói, bởi vì tâm là của bạn trong khi tiếng nói là của người khác. Cái gì là tâm dường như tách biệt với tiếng nói? Hãy nhìn vào bản chất của nó, khảo sát nó thực sự giống cái gì.

Nếu tâm là một vật đơn nhất, làm sao nó có thể nghe nhiều tiếng khác nhau? Nó xoay phía này phía nọ như một khuôn mặt hay là cái gì? Nó làm gì khi không có tiếng gì để nghe? Khi tiếng không còn đó, cái gì xảy ra cho tâm đã nắm bắt tiếng khi tiếng có mặt?

Bạn có một cái tâm cho mỗi lời, mỗi câu, mỗi chữ của bản đánh vần, mỗi đơn vị của những tổ hợp của những tiếng phức tạp ấy. Khi các tâm ấy không cần thiết hoạt động thì chúng được cất chứa ở đâu? Nếu chúng được cho vào kho và chỉ hiện hành khi tình thế đòi hỏi, thì hiện giờ chúng ở đâu? Tiếng gặp tâm nên chúng ta nghe, nhưng làm thế nào tiếng chạm với tâm ? Khi bạn nghĩ hoặc tri giác vật gì, điều gì thực sự xảy ra vào khoảnh khắc tiếp xúc?

Không có một đối tượng bên ngoài được biết một cách quy ước danh tướng như một bông hoa, ý niệm ‘hoa’ sẽ không xuất hiện ở tâm. Thế nào là sự tiếp hợp được tạo ra giữa tâm và đối tượng của nó? Làm thế nào hoa đi vào trong tâm? Từ đâu mà tâm đi ra để gặp bông hoa: từ mắt, óc não, ngón tay ?

Khi tin tức của đối tượng đến trong tâm, có phải là bản chất của tâm và bản chất của đối tượng là đồng hay khác? Bề ngoài, chúng không đồng, vì đối tượng là đối tượng, và tâm là tâm. Nhưng trong trường hợp này, làm thế nào đối tượng xuất hiện trong tâm nếu cả hai khác biệt nhau trong bản chất. Hãy tham cứu tiến trình cảm giác của sắc, thanh, hương, vị và xúc.

Tư tưởng là tâm. Mỗi khoảnh khắc tư tưởng là khoảnh khắc của tâm. Tư tưởng là hoạt động của tâm, công việc của tâm. Thế thì tư tưởng và tâm là đồng hay khác?

Hãy so sánh ba khoảnh khắc tâm thức: thấy một cái hoa, thấy một cái micro, thấy một quyển sách. Ba cái ấy là một, là đồng hay khác? Tư tưởng nảy sanh trên một tiếp xúc có thể là ‘đỏ’, trong khi tiếp xúc kế tiếp có thể gợi ra ‘đen’, thế thì làm sao sự tiếp xúc là đồng, bởi vì nó không giữ nguyên là màu ‘đỏ’?

Có phải trước tiên tâm khởi lên để nắm bắt bông hoa rồi quay về, rồi lại khởi lên để nắm bắt chiếc micro, và làm lại như thế để nắm bắt cuốn sách? Hay người nắm bắt là đồng một người trong mọi thời gian, nó ở bên ngoài và nắm bắt ba đối tượng lần lượt, nắm lấy chúng và bỏ chúng mà không phải quay lại trong khoảng thời gian đó?

Khi thiền định, bạn phải tìm cho ra từ chính kinh nghiệm của bạn tâm thực sự giống cái gì. Nếu bạn thường nghĩ óc não như là tâm của bạn mà không có câu hỏi, không nghi vấn, đây có thể là một chướng ngại cho thiền định. Nếu tâm là bộ óc, thì mỗi khoảnh khắc tri giác, bộ óc phải đi ra ngoài thân để đến và gặp đối tượng, điều này rất đỗi buồn cười. Một cái thì có thể chất, cái kia thì không thể chất, vậy làm sao chúng có thể hợp nhất ? Óc não không đồng nhất với tâm, dầu cho nó tiếp hợp chặt chẽ với tâm, nhiều hơn so với ngón tay chẳng hạn. Tuy nhiên chúng ta có thể nói rằng óc não là nơi chốn ở đó tâm được ‘bón phân cho màu mỡ’.

Mọi điều này quả thực là lý luận, nhưng nó có thể ích lợi để phá sập vài định ước mà chúng ta có về tri giác.

Trong thiền định, hãy để tâm tự do khỏi những tiếp xúc tin tức của nó và để nó ở bên trong trạng thái bản nhiên của chính nó. Hãy an trú trong trạng thái ở đó không có cả đối tượng được gọi là ‘tâm’ có thể được tìm thấy, thoát khỏi mọi tạo tác giả tạo.

Một tâm không ô nhiễm là tâm không trộn lẫn với tin tức tri giác; một tâm vô tác, vô sanh là tâm mà ở đó tâm được để cho hiện hữu như chính nó là. Một tâm như thế rồi sẽ thành tựu, chứng ngộ chính nó.

Hãy chơi với tâm theo cách này cho đến khi bạn tìm ra tánh Không của tâm: không có gì cả trong đó tuy nhiên nó vẫn sống động và tỉnh giác trong sáng, nó không phải là không gian trống rỗng vô tri.

Chính vì tâm không hiện hữu một cách vật lý hay thể chất mà bạn mới có thể tư tưởng nhiều đến thế. Tâm có thể liên hệ với một số kích thích bên ngoài. Nếu nó có một hiện hữu chất thể, nó sẽ không bao giờ đủ cho sự gặp gỡ mọi loại tin tức đến từ thế giới bên ngoài. Hãy nghĩ đến bao nhiêu thông tin nó nhận được chỉ trong một giờ ngắn ngủi. Bạn cất giữ chúng ở đâu rồi ?

Nó có thể như thế bởi vì nó trống không mọi thể chất, nó không có tự tánh. Nó cũng rõ biết. Thật vậy, bởi vì nó rõ biết, nó mới có thể biết nhiều đến thế. Một tâm không rõ biết chẳng có thể biết được điều gì.

Chúng ta nói một cách quy ước về tâm như là sự sáng tỏ trống không vô ngại. Đây là những phẩm tính của tâm.

Trống không nghĩa là, như chúng ta đã thấy, tâm không hiện hữu trong bất kỳ nghĩa bản chất, vật chất nào. Sáng tỏ ám chỉ tâm hiểu biết, bởi thế có thể biết mọi sự. Vô ngại nghĩa là ‘như hư không’, nó có thể chứa đựng tất cả. Chính cái hư không vô ngại này cho phép tâm sáng tạo đến thế.

Khi tâm không còn khả năng an trụ trong tánh Không nền tảng của chính nó, sự sáng tỏ trong trẻo như hư không này là cái cho phép ảo tưởng mê vọng có ra, từ đó biểu lộ tự nó thành vô số cách thế đa dạng và rắc rối như vậy. Tâm theo đuổi những phóng xuất của chính nó và mất tự chủ. Thay vì an trụ độc lập, nó bắt đầu bị kiểm soát bởi chính tin tức của nó.

Chúng ta thiền định để đưa tâm trở lại sự tự chủ của nó. Nếu tâm không trở nên bị cuốn vào trong một đối tượng được phóng chiếu ra ngoài, nó không trở nên lầm lạc vô minh. Mỗi một khoảnh khắc tâm trở nên là nạn nhân của sự phóng xuất của nó, nếu một trong những khoảnh khắc ấy nó có thể ở yên độc lập với tin tức, chúng ta sẽ thấy bản chất của khoảnh khắc là trống không. Rồi chúng ta có thể nhận ra bản chất của mọi khoảnh khắc là trống không.

‘Tâm độc lập là Đại Ấn’, chúng ta nghe nói thế. Độc lập không có nghĩa là một cá thể cứng đặc. Khi tâm chúng ta thoát khỏi sự hướng về một đối tượng này sau một đối tượng khác, đây là Đại Ấn.

Kỹ thuật thiền định này có thể được áp dụng ngay cả khi tâm đang bị dao động. Qua nó, dần dần mọi tư tưởng sẽ trở nên sáng tỏ và trong suốt.

Khi bạn tiến hành sự tham cứu này về thực tại nền tảng của tâm, thỉnh thoảng hãy trở lại sự an định tâm thức để cho tâm không trở nên quá kích thích do sự truy tìm của bạn.

NHỮNG KẾT QUẢ AN ĐỊNH

Khi bạn đã cạn kiệt sự tham cứu, chúng sẽ mở đường cho một cảm giác xác tín sâu xa về cái mà tâm thực sự là. Hãy an định trong cái hiểu biết đó càng nhiều càng tốt, dần dần mở rộng nó để nó trở nên vững chắc hơn.

Sự dễ dàng bạn có được với sự quán chiếu vào bản tánh của tâm và sự quán chiếu này an định đến mức nào sẽ tùy thuộc rất nhiều vào việc bạn đã tu hành tâm bạn tốt như thế nào để có thể an trụ khi bạn thực hành thiền chỉ.

Cái gì là đường lối tốt nhất để trau dồi một sự an định dễ dàng của tâm? Hãy dùng cùng một kỹ thuật giống như trước kia. Bất cứ khi nào tư tưởng khởi lên, chúng đều bị trói buộc vào tin tức mà chúng mang. Hãy ở yên ngay nơi tư tưởng mà không theo tin tức của nó và nó sẽ tiêu tan vào bản tánh của tâm. Hãy an trụ ở đó mà không có một tạo tác giả tạo nào của tâm thức. Những tư tưởng tiếp tục tan vào chân tâm. Khi bạn an định trong sự xác tín rằng các tri giác đến và đi trong tâm, bạn chứng ngộ chúng là sự biểu lộ của sự sáng tỏ trống không vô ngại, và không là gì khác.

Ở đây, qua chính kinh nghiệm trực tiếp của mình, bạn sẽ khám phá cho chính bạn mọi phẩm chất tự nhiên của tâm.

Khi bạn đã quen thuộc với giai đoạn này của sự tu hành, những phiền não rõ ràng hơn của bạn sẽ lắng dịu, dầu cho còn những cái vi tế hơn sẽ chưa bị tận diệt vì chúng ăn rễ cực kỳ sâu.

THAM CỨU TIẾP TỤC - THỰC HÀNH CHÍNH

Khi bạn thực sự quen thuộc với bước thứ hai này, hãy tiếp tục tham cứu trở lại. Hãy chủ ý tạo ra một hình ảnh trong tâm bạn, một con voi khổng lồ chẳng hạn. Khảo sát bản chất của hình ảnh và cái tâm tri giác nó. Con voi có phải ở trong tâm hay không? Nếu con voi không thực sự ở trong tâm, thế thì nó phải chỉ là một tưởng tượng của tâm, con voi tưởng tượng có phải là tâm hay không, và nếu nó là tâm, như thế nào nó ở đó? Thực sự hình tướng con voi có ở trong tâm không? Nếu không, làm thế nào tâm vẽ ra nó? Hãy lập lại điều này đối với một âm thanh trầm, một mùi hương tuyệt diệu, một vị ngon và một xúc chạm thích thú. Bước thứ ba này sẽ phát triển thiện xảo khéo léo của tâm.

Sự xác tín và tin chắc vào bản tánh của tâm càng phát triển, hãy buông xả, thư giãn càng nhiều khi thực hành. Niềm tin của bạn càng phát triển bạn sẽ an trụ dễ dàng thoải mái hơn trong sự sáng tỏ trống không của tâm, tâm không còn bị ảnh hưởng bởi sự phóng xuất của nó. Đây là thiền định chân thật, nó sẽ cảm thấy tốt hơn càng lúc bạn càng quen thuộc với nó.

Chớ quá khích trong việc áp dụng những phương pháp trên. Hãy thiền định với một tâm buông xả nhưng cẩn trọng chú ý.

Loại thiền định tham cứu này phải sáng tạo hơn một hiểu biết trí thức đơn giản, nếu không sẽ không có lợi lạc chút nào. Sự tìm kiếm của bạn phải liên hệ với kinh nghiệm trực tiếp của bạn, chớ không phải là những lý thuyết bạn đã nghe hay đọc.

---o0o---

Chúng ta phải có một phương pháp để tăng cường tình thương này cho bao trùm tất cả chúng sanh, và dùng từ bi làm điểm quy chiếu để cho tâm hưng vận từ bi.
SỰ BÌNH LẶNG CỦA TÂM THỨC - NHẬN DIỆN BẢN TÂM  -  SHAMAR RINPOCHE

Trích: "NHẬN DIỆN BẢN TÂM - Con đường Đại Ấn và Đại Toàn Thiện"

Shamar Ripoche

Người dịch: Trùng Hưng

Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức – 2006

Ảnh: Internet

Bài viết liên quan