ĐỨNG TRƯỚC CẢ BIỂN SÁCH, LÀM SAO ĐỂ ĐỌC SÂU? – HOÀI TẢ – THANH XUÂN SỐNG KHẮC KỶ, CẢ ĐỜI KHÔNG TẦM THƯỜNG

ĐỨNG TRƯỚC CẢ BIỂN SÁCH, LÀM SAO ĐỂ ĐỌC SÂU?

THANH XUÂN SỐNG KHẮC KỶ, CẢ ĐỜI KHÔNG TẦM THƯỜNG – HOÀI TẢ

-----o0o-----

Đối với tôi, đọc sách là sự hưởng thụ. Tôi thích ánh sáng, thường hay ngồi bên cửa sổ, ôm cuốn sách, có thể đọc rất lâu.
ĐỨNG TRƯỚC CẢ BIỂN SÁCH, LÀM SAO ĐỂ ĐỌC SÂU? – HOÀI TẢ – THANH XUÂN SỐNG KHẮC KỶ, CẢ ĐỜI KHÔNG TẦM THƯỜNG

01.

Đối với tôi, đọc sách là sự hưởng thụ.

Tôi thích ánh sáng, thường hay ngồi bên cửa sổ, ôm cuốn sách, có thể đọc rất lâu. Thi thoảng thấy mỏi mắt, tôi lại ngẩng đầu lên nhìn về phương xa. Thoải mái nhất là khi có ánh nắng vỗ về, dịu dàng xua tan đi cảm giác mệt mỏi. Khi đó, nhắm mắt lại, thầm cảm nhận sự ấm áp từ màu đỏ ấy. Mỗi lần như thế, tôi đều thấy hạnh phúc.

Tôi thích mua sách, cũng thích mượn sách. Sách được xếp đầy trên giá thì lòng tôi mới cảm thấy chân thực. Tôi tự nhủ, sau này nhất định phải có một gian phòng sách, chỉ chứa những cuốn sách mà tôi yêu thích nhất. Một mong muốn lớn hơn, đó là khi mua sách không còn phải nhìn giá tiền nữa. Chỉ cần thấy thích là có thể ôm về nhà để yêu thương.

Bạn xem, cho dù là sách giấy hay sách điện tử tôi đều chấp nhận. Chỉ cần hai chữ “yêu thích” mà thôi.

Sách giấy khiến người ta cảm giác được, tiếng sột soạt khi lật trang nghe như điệu nhạc đến từ thiên đường. Nhưng nhiều khi, bởi vì một số nguyên nhân, điều kiện kinh tế, không tiện mang đi mang lại, tôi không thể mua hoặc đem theo quá nhiều sách giấy. Lúc đó sách điện tử có thể phát huy tác dụng rồi.

Tôi sắm Kindle được hơn một năm nay. Ban đầu, tôi đã đăng ký gói Kindle Unlimited để dùng.

Thực ra, chức năng này có hình thức như “không gian đọc”, giống như một thư viện, khi rảnh rỗi có thế dạo quanh “biển sách”, tìm vài cuốn mà mình thích rồi mượn về đọc. Mượn sách, vô hình trung đã thúc đẩy tôi đọc được nhiều sách hơn, từ đó nâng cao lượng đọc của bản thân.

02.

Cách đọc sách của tôi, nói đơn giản thì chỉ có hai điểm. Thứ nhất, kết hợp đọc lướt và đọc thật sâu thật kỹ. Thứ hai, ghi bút ký đọc sách. Thế nên, ngày nào tôi cũng mang theo vài cuốn sách giấy, máy Kindle, và cuốn sổ ghi chép trong cặp sách.

Tôi chia thời gian một ngày ra làm ba buổi, mỗi buổi đọc loại sách khác nhau: Buổi sáng đọc các sách lý luận và danh tác, buổi chiều đọc sách đi theo trào lưu thời đại, buổi tối đọc tiểu thuyết.

Khi học các lý luận, tôi thích đọc sách giấy, vừa đọc ghi chép, một số chương quan trọng và khó hiểu có thể đọc đi đọc lại. Khi đọc tiểu thuyết và các cuốn sách “bán chạy”, tôi thích dùng Kindle. Thực ra, lựa chọn sách cũng là một môn học. Lựa chọn sách trong Kindle Unlimited một thời gian dài, dần dần tôi đã có những cách thức của riêng mình.

Thông thường, với các cuốn sách đang bán chạy và có chủ đề thú vị, tôi sẽ chọn cách đọc lướt, để thu thập những thông tin mà tôi thấy hứng thú.

Tôi vẫn luôn cảm thấy đọc lướt là một phương pháp rất tốt. Bởi vì ở thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, nó có thể giúp chúng ta thu thập nhiều thông tin nhất trong thời gian ngắn nhất. Thực ra, đây chính là “đọc qua loa” mà tôi đã nói tới, click vào, đọc lướt, trích dẫn, thậm chí đọc nhanh như gió.

Đương nhiên, bất cứ thứ gì cũng có tính hai mặt. Tuy phương pháp đọc nhanh, đọc lướt có nhiều ưu điểm, nhưng nếu đọc sách chỉ dừng lại ở mức nông cạn như vậy sẽ thiếu suy nghĩ sâu rộng, lâu dần, nó sẽ khiến chúng ta lười tư duy. Vì thế, tôi thường xuyên thấy được một hiện tượng, có rất nhiều người bảo rằng mình chăm đọc sách, song trên thực tế, họ không hề có suy nghĩ tìm tòi và cảm nhận, lĩnh hội từ cuốn sách, tâm thái ngày càng nông nổi, làm việc cũng không chuyên tâm nữa.

Thế cho nên, ngoài phương pháp đọc sách kiểu đọc thử, đọc qua loa, không đi sâu tìm hiểu từng chi tiết, tôi muốn nhấn mạnh cách đọc thật sâu thật kỹ hơn.

Đọc những cuốn sách kinh điển, đi sâu vào tìm hiểu và phân tích, có thể bám sát từng câu từng chữ, cũng có thể đọc đi đọc lại để suy xét về một vấn đề, dần dần chúng ta sẽ đúc rút ra được những suy nghĩ của riêng mình. Thực ra, có rất nhiều cách để đọc thật sâu thật kỹ, cách nào phù hợp với mình mới là cách tốt nhất.

Bạn có thể vừa đọc vừa ghi chép, lưu lại những suy nghĩ và những nội dung mình cảm thấy lý thú trong khoảnh khắc ấy, có thể liên hệ những trải nghiệm cuộc sống của tác giả cùng với bối cảnh lịch sử của cuốn sách ấy, phân tích cụ thể tư tưởng của các nhân vật trong sách cũng như những ý nghĩa ẩn sau các tình tiết quan trọng.

Trong máy Kindle của tôi có rất nhiều danh tác văn học kinh điển, phần lớn tôi đều đã đọc rồi, thi thoảng rảnh rỗi tôi vẫn lựa ra vài cuốn mình thích để đọc lại. Đây chính là sức hấp dẫn của những tác phẩm kinh điển, mỗi lần đọc là một lần trải nghiệm mới. Khi nào không có sách gì để đọc, tôi lại lượn lờ trong Kindle Unlimited, giống như dạo trong siêu thị, tìm vài cuốn mình yêu thích để đọc.

Đối với các cuốn sách kinh điển, tôi thích đọc đi đọc lại, trong đó có một phương pháp tôi thường xuyên dùng tới gọi là “Phương pháp tám mặt gặp địch”. Cách thức cụ thể chính là mỗi lần đọc sách tập trung vào một vấn đề, thí dụ như khi đọc thơ Đường, lần đầu tiên tập trung vào phân tích thơ biên tái, lần thứ hai tập trung vào phân tích thơ vịnh sử. Mỗi lần đọc tập trung vào một khía cạnh khác nhau, vì thế sẽ có được những suy nghĩ và cảm nhận mới.

Trong cuốn Bà Bovary, Flaubert nói rằng, “Bà Bovary chính là tôi. Kết hợp câu nói này, thoát ra khỏi câu chuyện, chúng ta có thể suy nghĩ sâu hơn, thực ra, bà Bovary có bóng dáng của chính chúng ta, có sự theo đuổi với hư vinh, với lý tưởng, với tình yêu.

Suốt cả năm vừa qua, nhờ có Kindle Unlimited, tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm kinh điển như Faust, Anna Karenina, Chuyện ở nông trại, Thi học không gian... Cuốn nào cũng đọc hai lần trở lên, lần nào cũng có những cảm nhận mới mẻ.

03.

Hôm qua, có người bạn hỏi tôi, “Đối với chuyện đọc sách và viết lách, cậu có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn không? Thực ra thì tôi không hề có. Tôi chỉ muốn trân trọng từng ngày, đọc những cuốn sách mà mình yêu thích, viết ra những con chữ theo cảm nhận và lĩnh hội của mình. Mỗi ngày có được chút thu hoạch nhỏ cũng chuyện vô cùng hạnh phúc.

Giống như bây giờ, tôi rất hưởng thụ cảm giác vui vẻ mà quá trình đọc sách theo cách đọc sâu mang lại. Mặc dù đọc như vậy rất chậm, nhưng suy nghĩ nhiều, những thứ thu được dần dần hợp thành tư tưởng của chính tôi. Đồng thời, tôi cũng thích vừa đọc vừa ghi chép lại. Có thể ghi chép thẳng vào máy Kindle, hoặc ghi chép vào sổ tay. Kết hợp đọc và viết, sẽ nhớ kỹ hơn, ấn tượng sâu sắc hơn. Nhiều khi, chỉnh sửa lại những ghi chép và suy nghĩ của mình cũng thành một bài viết không tồi chút nào.

Ngoài khung cửa sổ, ánh nắng rực rỡ, đeo ba lô lên, mang theo Kindle, tôi chuẩn bị đi tới phòng tự học để đọc sách đây.

Bạn đã sẵn sàng để đọc sâu đọc kỹ chưa?

-----o0o-----

Trích: “Thanh Xuân Sống Khắc Kỷ, Cả Đời Không Tầm Thường”.

Tác giả: Hoài Tả.

Việt dịch: Celia Nguyễn.

NXB Hà Nội – 2021.

Ảnh nguồn: Internet.

Bài viết liên quan