GIÁO DỤC - WILL DURANT – TRIẾT HỌC VÀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

GIÁO DỤC

WILL DURANT – TRIẾT HỌC VÀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

---o0o---

“Thấy rằng các trường đại học là nền tảng của học thuyết đạo đức và dân sự, từ đó những người rao giảng và nhân sĩ, lấy được nguồn nước họ tìm thấy, dùng để rắc tưới lên mọi người, chắc chắn phải có sự cẩn trọng cực kỳ để giữ nó được tinh khiết.”
GIÁO DỤC - WILL DURANT – TRIẾT HỌC VÀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Việc chuyển hướng bản năng tính dục vào nghệ thuật và thi đấu thể thao (một cách phòng ngừa vốn từ lâu đã được áp dụng cho cá nhân, và chờ được áp dụng cho nhóm) phải bắt đầu rất sớm trong quá trình phát triển cá nhân; nên Hội của chúng ta có thể, nếu nó phải đảm nhận nhiệm vụ này, bị vướng không gỡ nổi trong vấn đề về phương pháp và mục tiêu giáo dục.

Ở đây, hơn bất cứ chỗ nào khác, người ta nghe được tiếng kêu gọi khai sáng và nhìn thấy nhu cầu cần được soi sáng. Đây là sự thừa thãi những chủ nghĩa và khan hiếm kiến thức. Hầu hết thầy giáo sử dụng những phương pháp mà chính họ xem là cổ lỗ, và dạy những chủ đề mà họ sẽ thừa nhận rằng không đến 1% học sinh của họ sẽ có lúc cần đến. Những bài học kỳ lạ về đạo đức học được giảng dạy, vốn hiếm khi được thực hành trong lớp, và khiến những đứa trẻ mới khởi đầu dần tin rằng vi phạm điều răn là anh hùng. Các bé trai và bé gái đầy sinh khí và lòng hào hứng của tuổi trẻ bị bó suốt nhiều giờ trong những tư thế cố định trong khi bằng một kiểu tra tấn nhồi nước kiến thức được bơm vào các em từ những cuốn sách còn tẻ ngắt hơn một luận án tiến sĩ triết học. Và đại loại thế: cáo trạng nhắm vào trường học của chúng ta đã được nêu lên cả ngàn lần và theo cả ngàn cách, và ở đây không cần tăng cường thêm nữa. Nhưng dù đã buộc tội, chúng ta vẫn chưa thực hiện một nỗ lực có hệ thống nào nhằm tìm ra cái gì sai hỏng, và hỏng thế nào, ở đâu; và có thể làm gì để cứu chữa cái xấu. Những thí nghiệm đã được tiến hành, nhưng ý nghĩa và kết quả của chúng đã được ghi chép rất kém cỏi.

Nên ta hãy giả sử rằng Hội nghiên cứu xã hội của chúng ta phải chỉ định một ủy ban giáo dục lớn lao để thuê những chuyên gia điều tra và nỗ lực làm sáng tỏ các vấn đề trong giáo dục. Ở đây chức năng của triết học phải rõ ràng; vì nhà giáo chạm vào hầu như mọi điểm của những vấn đề về giá trị, của cá nhân và xã hội, vốn là lãnh vực hoạt động đặc biệt của triết gia. Tầm quan trọng của tâm lý học ở đây được công nhận, nhưng tầm quan trọng của sinh học và bệnh lý học chưa được nhìn trong bối cảnh thích hợp. Tại sao một nhóm đặc biệt không được tách riêng ra trong nhiều năm, nếu cần thiết, để nghiên cứu khả năng áp dụng của nhiều lãnh vực khoa học vào giáo dục? Tại sao mọi kiến thức khoa học, trong chừng mực liên quan tới bản chất con người, lại không được tập trung vào chỗ tranh sáng tranh tối mà nhà giáo dục hoạt động?

Hai vấn đề đặc biệt trong lãnh vực này cần được nghiên cứu. Một vấn đề liên quan tới ảnh hưởng, đối với tính cách và năng lực quốc gia, của một hệ thống giáo dục do chính quyền kiểm soát. Spinoza từng nêu ra, như ta còn nhớ, luận điểm rằng một chính quyền, nếu kiểm soát được các trường học, sẽ nhắm đến kềm hãm hơn là phát triển năng lực của mọi người. Kant cũng nhận ra khó khăn này. Chức năng của giáo dục trong cách nhìn của giai cấp thống trị là nhằm tạo ra con người có khả năng làm công việc chuyên môn cao nhưng không có khả năng tư duy sáng tạo (vì mọi tư duy sáng tạo đều bắt đầu bằng phá hủy [cái cũ]); chức năng của giáo dục trong mắt chính quyền là để dạy người dân rằng điều răn thứ 11 mà Thượng đế quên không truyền cho Mô-sê [Moshe hoặc Moses] là: Ngươi phải yêu đất nước ngươi dù đúng hay sai. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi trò tung hứng chân lý ly kỳ nào đó, như các sách giáo khoa quốc sử cho thấy. Có vẻ như, kẻ ngu dốt là thứ trọng lượng dằn cần thiết cho con tàu nhà nước.

Một giải pháp khác cho các trường như thế có vẻ là việc quay lại với giáo dục tư nhân, trong đó con cái nhà giàu có được một khởi đầu, so với con nhà nghèo, còn tốt hơn cái chúng có hiện nay. Có một tertium quid ở đây chăng? Có lẽ đây là một điểm mà một nỗ lực cương quyết nhằm thu thập dữ kiện sẽ soi sáng. Nền giáo dục do chính quyền quy định có tác động gì đến sức mạnh của khác biệt và sáng kiến cá nhân? Nam và nữ giới được giáo dục theo cách như thế sẽ sản sinh mức tối đa của họ trong nghệ thuật và tư tưởng và công nghiệp được không? Hay họ sẽ thành những người máy, luôn chờ một thúc đẩy? Ta sẽ được kết quả khác biệt gì khi các trường quốc doanh hạn chế công việc của mình một cách tuyệt đối vào những phát biểu về các dữ kiện, những trình diễn về khoa học, và sẽ giao việc “khuôn định tính cách” và những bài học đạo đức cho các cá nhân và cơ sở tư nhân? Rồi ít nhất mỗi bậc cha mẹ cũng có thể làm hư hỏng con cái mình theo kiểu cưng chiều riêng của họ; và có thể sẽ có một số lượng lớn hơn những đứa trẻ vốn không hề bị hư hỏng gì cả.

Một vấn đề khác có thể được đẩy tới một giải pháp bằng một ngọn đèn nhỏ, ấy là việc đem giáo dục đại học đến cho những ai cần nó nhưng không đủ tiền chi trả. Có những môn nghiên cứu nào đó, được gọi ở trên là các bộ môn xã hội, vốn không giúp con người nhiều lắm trong việc vươn lên khỏi giai cấp của mình và trở thành kẻ trưởng giả, mà giúp họ hiểu chính mình và người khác hơn. Vì hiểu biết lẫn nhau là một điều tốt cho xã hội không chút cường điệu, nên tại sao ta không tìm được một cách cung cấp cho người cần thiết những giờ học buổi tối về lịch sử, xã hội học, kinh tế học, tâm lý học, sinh học, triết học, và những lãnh vực kiến thức tương tự? Thêm một công dân nhận được sự giảng dạy trong những vấn đề này là cộng đồng có thêm một tài sản mới; người đó sẽ bỏ phiếu với nhiều trí óc hơn, người đó sẽ làm việc tốt hơn trong sự hợp tác, người đó sẽ bớt bị ảnh hưởng của những dao động trong những chứng cuồng si của xã hội, người đó sẽ là một gợi ý cho ai muốn tham gia nắm quyền nên cất trò càn bậy thường lệ của họ lên kệ. Có lẽ cũng bằng phương tiện này Hội của chúng ta sẽ lan truyền những báo cáo của nó và mở rộng ảnh hưởng của nó. Hãy tưởng tượng một quốc gia của những con người được học những môn khoa học này: với một dân tộc như thế nền văn minh có thể bắt đầu.

Và một lần nữa, cái hội ưa chen vào việc của người khác này sẽ chuyển ánh sáng nghiên cứu của nó vào các trường đại học, và cho họ biết một hai chuyện mà ánh sáng sẽ cho thấy. Nó sẽ bày ra tình trạng thiếu vắng sự phối hợp giữa các khoa học - khoa tâm lý học, chẳng hạn, chưa bao giờ đạt tới những quan hệ giao thiệp với khoa kinh tế học; nó có thể kêu gọi một sự mở rộng, có lẽ, của những hội nghị chuyên đề và hội thảo khoa học kém thường xuyên hiện nay giữa các khoa gần gũi nhau hoặc cùng tìm hiểu một lãnh vực chung. Nó sẽ mời gọi trường đại học giảm bớt giờ dành cho việc bàn cãi mãi về quá khứ, và giúp trường hướng về tương lai; nó sẽ đề nghị với mỗi trường đại học rằng họ nên tạo diễn đàn mở cho việc bày tỏ mọi kiểu ý kiến một cách có trách nhiệm; nhìn chung, nó sẽ kêu gọi một tổ chức tốt hơn cho khoa học như một bộ phận của tổ chức cho trí thông minh; nó sẽ nhắc các trường đại học rằng họ quan trọng còn hơn cả chính quyền; và có lẽ nó sẽ thành công trong việc khắc trên cổng vào của mỗi học viện danh ngôn của Thomas Hobbes: “Thấy rằng các trường đại học là nền tảng của học thuyết đạo đức và dân sự, từ đó những người rao giảng và nhân sĩ, lấy được nguồn nước họ tìm thấy, dùng để rắc tưới lên mọi người, chắc chắn phải có sự cẩn trọng cực kỳ để giữ nó được tinh khiết.”

---o0o---

Tác giả: WILL DURANT;

Trích: TRIẾT HỌC VÀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI;

Việt dịch: Phạm Viên Phương;

NXB Tri Thức, 2020;

Ảnh: nguồn Internet.

Bài viết liên quan