HIỆN THỰC SỬ DỤNG ĐƯỢC - KHOA HỌC VỀ SỰ ĐƠN GIẢN ĐỂ ĐẠT ĐIỀU BẠN MUỐN- MARK JOYNER

Nhận thức về những Bức tường Vô hình là bước đầu tiên để giải phóng chính mình. Bước tiếp theo, quan trọng không kém, điều mấu chốt mà tôi gọi là Mô hình linh hoạt thiết thực.
HIỆN THỰC SỬ DỤNG ĐƯỢC - KHOA HỌC VỀ SỰ ĐƠN GIẢN ĐỂ ĐẠT ĐIỀU BẠN MUỐN- MARK JOYNER

HIỆN THỰC SỬ DỤNG ĐƯỢC

KHOA HỌC VỀ SỰ ĐƠN GIẢN ĐỂ ĐẠT ĐIỀU BẠN MUỐN- MARK JOYNER

Kim Nhường, Lê San dịch - Nhà Xuất Bản Trẻ 2016

--o0o--

Giới thiệu

Nhận thức về những Bức tường Vô hình là bước đầu tiên để giải phóng chính mình.

Bước tiếp theo, quan trọng không kém, điều mấu chốt mà tôi gọi là Mô hình linh hoạt thiết thực.

Đầu tiên, một khi chúng ta hiểu rằng bất kỳ suy nghĩ hoặc ý tưởng nào mà chúng ta có, theo định nghĩa, nhất định có một chút thiếu sót, thì hiểu biết này ngay lập tức tháo gỡ cho chúng ta ra khỏi mô hình đó.

Chỉ có vậy thôi sao? Chúng ta chỉ tháo gỡ mình ra khỏi mô hình của chúng ta và chúng ta tự do, đúng không? Không hẳn.

Để chúng ta hoạt động được trong thế giới này, chúng ta phải chấp nhận giá trị của một mô hình cụ thể – ít nhất là tạm thời. Không như thế thì không thể nào ra quyết định. Hãy nhìn xung quanh không gian bạn đang ở ngay bây giờ. Nếu bạn không tin bất cứ thứ gì trong đó là thật, có an toàn không khi thậm chí chỉ di chuyển xung quanh?

Vậy nên, chúng ta sẽ chấp nhận phương án nào: Chấp nhận một mô hình cứng nhắc sai lầm và để cho nó điều khiển chúng ta.

* Chấp nhận không có gì là thật cả và sống trong tình trạng tê liệt.

Đây dường như lại giống như một tình thế lưỡng nan, và đúng thế.

Bạn có còn nhớ giải pháp không? Chìa khóa để giải quyết tình thế lưỡng nan là: Nhớ rằng luôn còn có lựa chọn khác. Chúng ta không lựa chọn giữa hai phương án đó. Chúng ta không lựa chọn cái nào cả.

Phương án dường như mang lại sự tự do nhất và quyền hạn lớn nhất cùng lúc là cái mà tôi gọi là mô hình linh hoạt thiết thực (chúng ta sẽ gọi tắt nó theo cách viết tắt từ tiếng Anh là UMF – Utilitarian Model Flexibility).

Mô hình đó hoạt động như thế này. Trong bất kỳ thời điểm nào vì những lý do bất kỳ, bạn có thể có những ham muốn, nhu cầu hoặc mong muốn nhất định nào đó. Để đạt được những điều đó, chúng ta thử làm rất nhiều chuyện. Một số có tác dụng. Một số không.

Dựa trên những gì chúng ta muốn trong bất cứ thời điểm nào, chúng ta linh hoạt với mô hình của chúng ta và đón nhận mô hình nào phục vụ bất cứ lợi ích nào của chúng ta vào lúc đó.

Thiết thực – phục vụ cho một số mục đích hoặc mục tiêu.

Mô hình – hình mẫu về thế giới của chúng ta.

Linh hoạt – thay đổi theo ý muốn.

Vậy, bạn chỉ việc thay đổi mô hình về thế giới của bạn theo những cách phục vụ cho bất cứ mục tiêu nào của bạn.

Bạn không bị tê liệt bởi việc tìm kiếm một mô hình hoàn hảo trong vô vọng.

Bạn không mắc kẹt trong một mô hình cứng nhắc cuối cùng sẽ dẫn đến thất bại.

Bạn linh hoạt.

Nếu điều này nghe có vẻ như là một cách sống hoàn toàn khác, bạn đã đúng. Chính là vậy đó. Nhưng ngay bây giờ trong chừng mực nào đó bạn đã làm điều này.

Ví dụ, nhặt một vật ở gần bạn và thả cho rơi.

Định luật của Newton về chuyển động và lực hấp dẫn có thể miêu tả những hành động này khá chính xác và dự đoán được.

Bạn có một mô hình về thế giới vật chất chủ yếu dựa trên định luật của Newton, và bạn mong đợi chúng đúng như dự đoán về cách thế giới vận hành.

Theo thời gian, bạn bắt đầu tin tưởng nó. Tuy nhiên, nếu bạn đang cố gắng dự đoán chuyển động của các hạt lượng tử, mô hình này sẽ không còn có ích. Nếu bạn cố gắng miêu tả chuyển động của những hạt lượng tử theo cách này, mô hình của bạn sẽ sụp đổ.

Vậy nên, bạn có thể chấp nhận và hình thành một mô hình mới miêu tả chính xác hơn trạng thái của những hạt lượng tử.

Đó là điều vật lý lượng tử hướng tới mặc dù quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng lượng tử có nghĩa là “lớn”. “Lượng tử” thực sự chỉ là một phần hoặc một hạt.

Một ví dụ ít trừu tượng có thể là cách minh họa tốt nhất:

Khi tôi còn ở trong quân đội Mỹ, tôi phát triển trong tâm trí mình những hình mẫu khác nhau về giới lãnh đạo. Một vài người trong số họ gây ấn tượng hơn những người khác (tôi đã ở những thời điểm khác nhau trong sự nghiệp, có khi là một người lính xuất sắc và có khi là một người lính tệ hại).

Khi tôi rời quân ngũ và bước vào thế giới dân sự, tôi áp dụng hình mẫu về giới lãnh đạo này sang công việc kinh doanh mới của tôi.

Cuối cùng tôi có thể nhận thấy rằng ít nhất một số trong những gì tôi “đã biết” về giới lãnh đạo đơn giản là không áp dụng được trong môi trường mới này. Hình mẫu cũ giờ đã không chính xác.

Vấn đề là tôi phải mất thời gian để loại bỏ hình mẫu đó, bởi vì trải nghiệm trong quá khứ của tôi đã phát triển một số lượng nhất định “niềm tin” cứng nhắc về người lãnh đạo.

Bất chấp những rắc rối do nó gây ra, tôi chống lại sự thay đổi.

Nếu tôi có thời gian thực hành có ý thức mô hình linh hoạt thiết thực, tôi sẽ không đến nỗi bị mắc kẹt trong cái hình mẫu không có tác dụng do mình tạo ra.

Đó chính là sự thiếu linh hoạt trong những mô hình của chúng ta, thứ tạo ra những đau khổ to lớn trong cuộc đời. Giờ đây biết rằng những mô hình này không phải lúc nào cũng được hình thành một cách có ý thức bởi chúng ta, ta có thể nhìn ra mình dễ bị tổn thương như thế nào trước sự tư lợi của người khác.

Nếu ai đó kiểm soát được mô hình của chúng ta, nó sẽ không còn phục vụ ta, nó sẽ phục vụ họ.

Những ví dụ này là hai trong số rất nhiều trường hợp. Gần như chắc chắn ngay lúc này bạn đang giữ trong đầu một số những hình mẫu không hề phục vụ cho bất cứ lợi ích tích cực nào của bạn.

Để gạt bỏ những hình mẫu này đôi khi khá là khó khăn - đặc biệt nếu chúng là cái gốc trong con người chúng ta (tôn giáo, văn hóa, chính trị).

Bạn có thể có sự liên kết trong tâm trí rằng: Thay đổi suy nghĩ = chuyện xấu.

Nếu thay đổi mô hình, chúng ta có thể sợ mọi người nói rằng:

“Chà, không phải bạn là người đã từng nói rằng tất cả những ai làm giàu đều là người xấu sao? Có chuyện gì xảy ra với quan niệm đó của bạn vậy?”

Thay vì trở nên linh hoạt và nói rằng “mô hình đó có thể là nhầm lẫn” chúng ta phải biện minh cho chính mình:

“Ồ, tôi vẫn nghĩ tất cả những người làm giàu đều là người xấu, và bạn trai của tôi cũng thích làm giàu, nhưng anh ấy không xấu.

Chúng ta là bậc thầy trong việc bịa ra những biện minh hợp lý vì quá muốn bám vào một mô hình cứng nhắc – mặc dù những bằng chứng áp đảo đã không còn đứng về phía chúng ta.

Mô hình linh hoạt thiết thực là một công cụ tuyệt vời, nhưng hiệu quả của nó có thể được tăng cường thêm rất nhiều với một vài kỹ năng thuộc về nhận thức.

Tiếp tục ẩn dụ bộ não như một chiếc máy tính cá nhân, những kỹ năng này giống như hệ điều hành tăng cường cho phép “máy móc” của bạn hoạt động hiệu quả hơn.

Phần III cuốn sách sẽ dạy những kỹ năng cho phép bạn:

• Dự đoán trước chính xác hơn liệu một mô hình có tác dụng hay không. Giúp nhận diện những mô hình thiếu sót mà không cần thử nghiệm nó lên chính mình.

• Thẩm định chính xác đánh giá của bạn về những mô hình mà bạn tạo ra.

* Giúp bạn khám phá những mô hình mới – và thậm chí tạo ra những mô hình mới từ hư không.

Đây chỉ là khởi đầu. Về những chủ đề này, bạn phải tiếp tục học hỏi suốt đời.

Nói trước một chút.

Điều gì xảy ra nếu bạn có thể nâng cấp các phần khác của máy tính hoặc bộ não của bạn? Khả năng đó có thể xảy ra không?

Bạn có thể dễ dàng nâng cấp các phần khác nhau của chiếc máy tính cá nhân bằng cách đến một cửa hàng máy tính địa phương, nhưng không có cửa nào làm được chuyện “nâng cấp” bộ não con người.

Ba điểm mấu chốt trong Kế hoạch nâng cấp bộ não

1. Nâng cấp phần cứng. Không may, chúng ta không thể chỉ việc gắn một con chip để mang lại cho bạn kho lưu trữ lớn hơn và nhanh hơn, không thể gắn thêm thanh RAM, nhưng chúng ta có hiểu biết chút ít về bộ não mà sẽ dần dần giúp bạn “xây dựng” một bộ não mạnh mẽ hơn.

Ví dụ, chúng ta biết rằng luyện tập trí não theo những cách nhất định và cải thiện sức khỏe tổng thể có thể được cho bộ não của bạn một sự nâng cấp phần cứng theo nghĩa đen. Chúng tôi cung cấp phần mềm và những khóa học để giúp bạn làm điều đó (phần nhiều trong số đó miễn phí).

Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về những sai lầm và hạn chế cố hữu trong CPU tinh thần của bạn và tìm hiểu cách để xử lý tốt hơn (được đề cập trong phần II và trong những gì bạn đang đọc ở phần III).

2. Nâng cấp hệ điều hành. UMF (mô hình linh hoạt thiết thực) giống như hệ điều hành tối thượng cho tâm trí của bạn. Thay vì chỉ có một hệ điều hành, hãy có vô số các hệ điều hành và cho phép bạn chuyển đổi giữa chúng khi cần thiết.

Trong thế giới máy tính, có những cái máy “khởi động kép” cho phép bạn chuyển đổi giữa Linux, Mac, Windows (ba hệ điều hành phổ biến nhất).

UMF là một máy “khởi động bất tận”, và bạn thậm chí không phải “khởi động lại”, bạn chỉ cần chuyển đổi theo ý muốn.

3. Nâng cấp chương trình. Một khi bạn đã có mô hình hữu dụng về thế giới, vậy thì sao nào? Liệu có phải là giờ bạn chỉ việc ngồi trong quán cà phê, nhâm nhi một tách cà phê và ngạo nghễ nhìn thế giới?

Có vẻ điều này sẽ không dẫn bạn đến những gì bạn muốn trừ phi những gì bạn muốn là ngồi nhìn xung quanh và cảm thấy tự mãn cả ngày, nếu đúng vậy thì cứ tự nhiên. Một số chương trình có hiệu quả hơn những chương trình khác.

Trong phần IV của cuốn sách bạn sẽ học được một chương trình mới cực kỳ hiệu quả để “muốn” là “được”.

Ảnh Internet

 

Bài viết liên quan