HIỂU THẤU ĐÁO - MỐI LIÊN HỆ GIỮA NGHỆ THUẬT VÀ VẬT LÝ - LEONARD SHLAIN - NGHỆ THUẬT VÀ VẬT LÝ

HIỂU THẤU ĐÁO - MỐI LIÊN HỆ GIỮA NGHỆ THUẬT VÀ VẬT LÝ

LEONARD SHLAIN - NGHỆ THUẬT VÀ VẬT LÝ

“Những cái nhìn tương đồng về không gian, thời gian và ánh sáng”

–––––o0o–––––

Nghệ thuật và vật lý, giống như sóng và hạt, là một lưỡng diện tích hợp: chúng đơn giản là hai mặt khác nhau nhưng bổ sung cho nhau của một sự mô tả duy nhất về thế giới.
HIỂU THẤU ĐÁO - MỐI LIÊN HỆ GIỮA NGHỆ THUẬT VÀ VẬT LÝ - LEONARD SHLAIN - NGHỆ THUẬT VÀ VẬT LÝ

Niels Bohr, một trong những người sáng lập ra vật lý lượng tử, mê mẩn trước mối quan hệ giữa vật lý và ngôn ngữ, đã nhận xét:

“Một trong những tiền giả định cơ bản của khoa học là chúng ta nói về các phép đo bằng một ngôn ngữ mà về cơ bản là thứ tiếng ta vẫn dùng để nói về các trải nghiệm hàng ngày. Chúng ta đã biết rằng thứ ngôn ngữ ấy là một phương tiện không đủ để truyền đạt và định hướng, nhưng mặc dù vậy, nó vẫn là cái tiền giả định cho tất cả các ngành khoa học... Bởi vì nếu chúng ta muốn nói một điều gì đó về tự nhiên - mà khoa học thì còn cố gắng làm gì khác thế nữa? - chúng ta phải bằng cách này hay cách khác chuyển từ ngôn ngữ toán học sang ngôn ngữ thường ngày”.

Để hiểu thấu đáo hơn mối liên hệ giữa nghệ thuật và vật lý, chúng ta trước tiên phải đặt ra câu hỏi: “Ta hiểu biết thế giới bằng cách nào?”. Plato, trong luận đề loại suy về cái hang nổi tiếng của mình, đã ví con người chúng ta như các tù nhân bị xích chặt vào một vách thấp trong một cái hang, không thể xoay mình để tận mắt nhìn thấy các hành động sinh sống của những con người tự do cạnh một đống lửa lớn trên bệ cao ở phía sau. Thay vào đó, do bị xiềng xích ghìm chặt, chúng ta chỉ nhìn thấy những cái bóng của chính mình lẫn vào các hình bóng nhập nhòa của những con người tự do kia, hắt lên vách hang đối diện với lũ người tù chúng ta. Bộ máy tri giác của chúng ta bắt ta phải tin những hình ảnh người và vật chập chờn ấy chính là những cái “có thực”, và chúng ta rút ra bản chất của thực tại chỉ từ những thông tin thứ cấp gián tiếp ấy.

Hai nghìn năm sau Plato, một lần nữa, René Descartes khẳng định lại sự khác biệt đó giữa con mắt bên trong của trí tưởng tượng và thế giới sự vật bên ngoài. Ông tách cái “ở đây” (rescogitans) thuần tuý tinh thần của ý thức chúng ta ra khỏi thế giới khách quan của cái “ở ngoài kia” (res extensa) và tuyên bố rằng hai lãnh địa này là hoàn toàn tách biệt. Đến thế kỉ mười tám, trong tác phẩm Phê phán lí tính thuần tuý của mình, Immanuel Kant đã củng cố thêm quan điểm của Plato và Descarte. Kant buồn bã tuyên bố rằng chúng ta chỉ có thể biết được bản chất của sự vật thông qua những gì đã được lọc qua các giác quan của chúng ta và được bộ óc của chúng ta xử lí; chúng ta không bao giờ có thể trực nghiệm được cái Ding an sich - vật tự nó. Bằng cách lưu đày chúng ta trong tòa tháp không thể vượt ra nổi của tư duy, Kant đã khẳng định rằng chúng ta chỉ he hé nhìn nhận được thực tại qua khe hẹp các giác quan của mình. Nỗi bất lực đến bức bối của chúng ta vì không hiểu biết được thế giới một cách trực tiếp là một trong những nghịch lí hiện sinh chủ chốt mà Kant nhận thức thấy trong thân phận con người.

Trong tác phẩm xuất sắc Thế giới như là ý chí và ý niệm, Arthur Schopenhauer đã tổng kết quan điểm triết học đó trong câu mở đầu sắc sảo của ông: “Thế giới là ý niệm của tôi”.

Năng lực mà chúng ta sử dụng để nắm bắt bản chất của cái “ngoài kia” chính là trí tưởng tượng. Ở một nơi nào đó trong ma trận của bộ não, chúng ta dựng nên một thực tại tách biệt, được sáng tạo ra bởi ý thức tư duy, phi vật thể hóa.

“Chân lí”, như Alfred North Whitehead định nghĩa, “là sự phù hợp của cái Vẻ bên ngoài với Thực tại”. Điều làm cho bất cứ một hệ thống chân lí vững như đá tảng nào cũng trở nên lung lay chính là việc mỗi một thời đại hay một nền văn hóa lại định nghĩa về sự khẳng định này theo cách riêng của mình. Khi thời gian đã điểm để thay đổi một hệ hình - từ bỏ một chân lí vững như bàn thạch và chấp nhận một chân lí khác - người nghệ sĩ và nhà vật lý hầu như chắc chắn bao giờ cũng đi tiên phong.

Cùng thời gian với việc các nhà vật lý lượng tử đang vật lộn với lí thuyết về tính bổ sung của Bohr, một lí thuyết nằm ngoài khoa học cổ điển và có vẻ giáp ranh với tâm linh, thì nhà tâm lí học người Thuỵ sĩ Carl Jung đã đưa ra thuyết về tính đồng đại của mình, một hệ luận nội tại trong các trải nghiệm của con người đối với cái ý tưởng lượng tử của thế giới bên ngoài đó. Giống như Bohr, Jung từ bỏ học thuyết nhân quả thông thường. Ông cho rằng tất cả các sự kiện của con người đan dệt vào nhau trên một mặt bằng mà con người chúng ta không biết được một cách có ý thức vì thế bên cạnh nguyên nhân và kết quả tẻ nhạt, các sự kiện của con người đã được kết hợp với nhau trong một chiều kích cao hơn của ý nghĩa. Như đã làm cầu nối giữa hai lãnh địa khác hẳn nhau là thế giới tâm lí và thế giới vật lý, các nguyên lí đồng đại và bổ sung cũng có thể áp dụng hữu hiệu để kết nối nghệ thuật và vật lý. Tiếng Đức thể hiện trọn vẹn ý niệm này bằng từ zeitgest, mà rất tiếc là chỉ có thể diễn giải thành một nhóm từ mang nghĩa là “tinh thần của thời đại” (the spirit of the time). Khi các khám phá trong nhiều lĩnh vực không liên quan bắt đầu xuất hiện ở cùng một thời gian, có vẻ như là chúng có liên quan với nhau, nhưng sợi dây kết nối chúng rõ ràng không phải là nhân quả, thì lúc ấy các nhà bình luận phải viện dẫn đến sự hiện diện của một zeitgest.

Khởi đầu bằng việc dùng lí thuyết về tính bổ sung để thống nhất hai mặt đối lập và mâu thuẫn của ánh sáng, Bohr tiếp tục mở rộng công cụ triết học này của mình sang các cặp đối lập khác. Cuốn sách này sẽ nói về tính bổ sung của nghệ thuật và vật lý, và những phương cách mà hai lĩnh vực này đan bện với nhau thành một hàng rào mà chúng ta có thể trèo cao hơn lên một chút trên đó để thiết lập một quan niệm của chúng ta về thực tại. Việc hiểu được mối liên hệ này sẽ làm chúng ta tăng thêm lòng trân trọng với sức sống của nghệ thuật và làm sâu sắc thêm cảm giác tôn kính của chúng ta trước những khái niệm của vật lý hiện đại. Nghệ thuật và vật lý, giống như sóng và hạt, là một lưỡng diện tích hợp: chúng đơn giản là hai mặt khác nhau nhưng bổ sung cho nhau của một sự mô tả duy nhất về thế giới. Tích hợp nghệ thuật và vật lý sẽ kích thích sự nhận biết tổng hợp hơn, bắt đầu trong sự thắc mắc ngạc nhiên và kết thúc ở minh triết.

–––––o0o–––––

Trích: “Nghệ Thuật Và Vật Lý”

“Những cái nhìn tương đồng về không gian, thời gian và ánh sáng”

Tác giả: Leonard Shlain

Người dịch: Trần Mạnh Hà & Phạm Văn Thiều

Nhà Xuất Bản Tri Thức

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan