HIỂU VỀ CHA

HIỂU VỀ CHA

YÊU NHỮNG ĐIỀU KHÔNG HOÀN HẢO – HAE MIN

-----o0o-----

Tôi nổi giận và lớn tiếng với cha. “Cha, Con đã nói bao nhiêu lần rồi, sao cha không đi khám mà cứ lần lữa mãi vậy?”
HIỂU VỀ CHA

Tôi nổi giận và lớn tiếng với cha.

“Cha, Con đã nói bao nhiêu lần rồi, sao cha không đi khám mà cứ lần lữa mãi vậy?”

Tôi đã rất bực mình. Rồi tôi lại cảm thấy giận mình vì đã nổi nóng với cha như thế. Chuyện là thế này. Sau khi kết thúc kỳ An cư ở chùa Bongam vào mùa thu năm ngoái, tôi có ghé qua nhà cha mẹ và thấy cha gầy đi nhiều. Khi tôi hỏi có lý do gì đặc biệt khiến cha gầy đi như thế không, cha tôi đã trả lời là không có. Sau khi nghe kể rằng cha thường phải uống thuốc tiêu hóa vì khó tiêu, tôi bỗng cảm thấy lo không biết có phải cha bị ung thư dạ dày. Tôi từng nghe nói sụt cân chính là triệu chứng ung thư dạ dày thời kỳ đầu. Hơn nữa ông nội tôi cũng đã qua đời vì căn bệnh này.
Nhưng mặc tôi cố thuyết phục, mùa thu ấy cha vẫn không chịu đi nội soi dạ dày. Cha còn trấn an tôi rằng mình không sao, và dặn tôi “sư Hae Min hãy lo cho sức khỏe của bản thân đi”. Rằng bản thân cha không phải là người quan trọng, “sư Hae Min là người sẽ phải làm nhiều việc tốt cho nhân gian nên phải lo cho sức khỏe”... Đến khi tôi gặp lại cha vào mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, cha đã bị ốm hơn một tháng vì cảm cúm và viêm xoang. Lần này có lẽ tự cảm thấy cơ thể mình không ổn nên cha chủ động đòi đi khám nội soi dạ dày. Nghe cha nói vậy tôi bỗng - thấy lo lắng vô cùng, bất giác tôi đã nổi giận với cha. Rằng tại sao cho không biết quý cơ thể mình. Rằng tại sao cha cứ nói mình không phải là người quan trọng. Rằng tại sao cha không biết nghĩ cho con cái đang lo lắng. Rằng tôi rất đau lòng.

Những cảm xúc này không chỉ xảy đến với tôi. Khi trò chuyện với những người thổ lộ nỗi trăn trở tương tự, tôi nhận ra rằng con cái thường cảm thấy mối quan hệ với cha phức tạp và khó khăn hơn mối quan hệ với mẹ. Nhất là con trai. Nguyên nhân thì không ít, nhưng tôi có thể tạm chia thành năm loại nguyên nhân như sau.

Thứ nhất là trường hợp người cha ít thể hiện tình cảm với con cái khi còn nhỏ, khá gia trưởng và hay la mắng con. Khi ấy người cha trở thành ngọn núi đáng sợ mà con cái không bao giờ dám vượt qua. Với những người con bị chiếc bóng đáng sợ và đầy quyền uy ấy của cha đàn áp khi còn nhỏ, sau này trưởng thành họ sẽ cảm thấy mối quan hệ với cha không thoải mái, và dù có ở cạnh nhau cũng không biết phải nói gì. Trường hợp thứ hai là khi người cha hoặc không có hoạt động kinh tế gì đặc biệt, hoặc ngoại tình khiến người mẹ khổ sở. Những đứa trẻ nhìn thấy mẹ mình khổ sở khi còn nhỏ sẽ luôn mang trong mình lòng thương xót mẹ, kèm theo sự tổn thương cũng như phẫn nộ đối với cha. Với những trường hợp này, nếu cảm xúc về cha không được giải tỏa mà bị kìm nén lâu trong lòng thì đến khi lớn lên họ sẽ giữ nguyên cảm xúc căm ghét và luôn muốn tránh mặt cha.

Trường hợp thứ ba là người cha lập nghiệp từ - bàn tay trắng và sau này kỳ vọng quá nhiều vào con cái. Trong mắt một người cha luôn vượt lên mọi khó khăn, thì những đứa con dù có học giỏi, có cố gắng chăm chỉ đến đâu chăng nữa cũng là không đủ. Và những đứa con luôn thèm khát sự công nhận của người cha ấy đến khi lớn lên sẽ luôn cảm thấy bất an và căng thẳng. Đó là do họ nghĩ mình phải làm thật tốt hoặc đạt được thành quả gì đó mới được yêu thương, chứ không phải chính sự tồn tại của họ đã đáng được yêu thương. Tôi đã gặp nhiều bạn trẻ có học vấn cao, nơi làm việc tốt nhưng vẫn rất tự ti. Khi trò chuyện với họ, tôi nhận ra họ thường thuộc trường hợp này.
Trường hợp thứ tư thì ngược lại, đây là trường hợp những người con sinh ra trong gia đình bình thường nhưng cực kỳ giỏi giang và đạt được thành công lớn trong xã hội. Không phải tất cả đều như vậy, nhưng thường những người con trong trường hợp này ghét sự can thiệp của cha và dễ cảm thấy cha mình kém cỏi. Họ luôn cho rằng mình biết rõ những việc cần làm và có một tương lai xán lạn, còn cha mình thì không được như vậy. Và cuối cùng, trường hợp thứ năm là những người mất cha từ khi còn nhỏ. Những đứa trẻ mất cha từ khi còn nhỏ sẽ luôn nhớ về cha mình và luôn cảm thấy một góc trống trải trong lòng. Đến khi trưởng thành, chúng sẽ luôn nhớ về cha như một người hùng, và thường bị hấp dẫn bởi những người thầy, người hướng dẫn giống như cha mình.

Tôi đã rất muốn biết tại sao cha luôn nói rằng mình là người không quan trọng, và tại sao cho không xem trọng cơ thể mình. Và tôi cố gắng ngắm nhìn cha thật kỹ, giống như tôi vẫn luôn làm khi nói chuyện với người khác để hiểu được đối phương. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn cha như một người bình thường chứ không phải là cha của mình. Và rồi tôi nhìn thấy một đứa trẻ không nhận được tình yêu thương và sự quan tâm từ ông nội tôi. Cha tôi là con trai thứ và luôn mang theo ký ức đau buồn từ thời chiến tranh Triều Tiên, khi ông nội chỉ dẫn con trai cả, tức bác tôi, đi tị nạn trước, bỏ lại vợ và đứa con nhỏ. Những món ngon và quý như trứng rán ông cũng chỉ dành cho con trai cả. Ông nội tôi cũng giống như hầu hết những người thời đó, gia trưởng và cộc lốc, không hay thể hiện tình cảm. Đứa trẻ luôn bị cái bóng của cha và anh trai che khuất, chưa bao giờ cảm nhận được bản thân mình quan trọng như thế nào. Đứa trẻ luôn nhường nhịn và quan tâm người khác kể cả với những người thân trong gia đình, đến khi đã trở thành một ông lão vẫn nghĩ rằng mình chỉ là người bình thường, người không quan trọng. Đột nhiên tôi cảm thấy mắt mình cay cay.
Sau khi nội soi dạ dày, cha đã gọi cho tôi. May mắn thay cha báo rằng dạ dày ông chưa đến mức bị ung thư. Sau đó cha ngập ngừng một lúc rồi đột nhiên nói “Cha yêu con, con trai à." Đó là lần đầu tiên tôi nghe câu ấy từ cha. Trong khoảnh khắc, lòng tôi bỗng nóng bừng. Tôi muốn gửi lời đến cha, người đang đọc những dòng này.

“Cha, con cũng yêu cha. Và con cũng rất cảm ơn cha đã nuôi con thành một người luôn tự tin và lạc quan như thế này.”

***

Khi lòng tự trọng của bạn chạm đáy, hãy luôn nhớ rằng

“Mình vẫn là người quan trọng đối với gia đình và bạn bè.

Mình vẫn có thể cống hiến cho xã hội,

Giá trị bản thân mình sẽ không bị định đoạt chỉ bởi đánh giá của vài người.

Mình tin rằng dù mất nhiều thời gian đi chăng nữa,

Mình nhất định sẽ gặp được những người yêu quý và tin tưởng vào năng lực của mình.”

***

Nếu bạn yêu thương ai đó

Đừng làm những việc mà bạn nghĩ rằng cần thiết cho họ.

Hãy làm những việc chính bản thân người ấy muốn.

Khi làm những việc mà bạn nghĩ rằng cần thiết cho người khác,

Dù chỉ là một chút thôi

Nhưng có thể trong lòng bạn đang có suy nghĩ muốn điều khiển họ theo ý mình đấy.

***

Chỉ cần lập kế hoạch tốt, bạn vừa có thể chăm sóc những người xung quanh

Vừa có thể xây dựng hạnh phúc của chính mình.

Xét về lâu dài, việc bạn hy sinh bản thân vô điều kiện

Không hẳn là điều tốt cho những người bạn đang chăm sóc.

Chính bạn phải hạnh phúc thì mới có thể chăm sóc người khác được lâu.

***

Bạn cảm thấy lo lắng vì chồng, vợ, con cái mình tăng cân?

Người ta nói rằng phương pháp tốt nhất để giúp người thân trong gia đình giảm cân

Chính là bản thân bạn phải bắt đầu tập thể dục đều đặn trước.

Một khi bạn bắt đầu, khả năng người thân trong gia đình cùng tập với bạn sẽ rất cao.

***

Bạn không cần phải lúng túng

Khi đã làm tất cả những gì có thể nhưng đối phương tỏ ra hờ hững

Hoặc đòi hỏi nhiều hơn thế.

Nếu đã làm hết sức mình, thì giờ là lúc bạn buông tay.

Nếu đối phương thực sự cần, họ sẽ tự biết lo liệu

Dựa trên những gì bạn đã làm cho họ.

***

Nhiều trường hợp bạn muốn giúp đối phương chấn chỉnh lại tinh thần

Nhưng những lời bạn nói lại khiến họ nghe như bị đe doạ

Đó là những lời răn đe kiểu như nếu đối phương không làm theo ý bạn, họ sẽ bị mất thứ gì đó

Hoặc bạn sẽ thay đổi thái độ với họ.

Đặc biệt chúng ta thường dùng những lời này trong gia đình hoặc nơi làm việc.

Những lời này không những không giúp đối phương có thêm động lực thay đổi

Mà còn dễ khiến họ cự tuyệt và cảm thấy bị tổn thương

đấy.

Thay vì những lời đe dọa hay thông báo một chiều

Hãy bình tĩnh giải thích cho họ hiểu tại sao việc này lại quan trọng đến thế.

Khi họ đã hiểu ra và thay đổi thì sự thay đổi ấy sẽ có hiệu quả lâu dài

Hơn là những thay đổi vì bị ép buộc.

***

Câu nói khiến tôi nhớ mãi ngày hôm nay.

“Thưa thầy, người ta nói rằng khi dư dả về kinh tế

Thì tình anh em trước kia lạnh nhạt sẽ trở nên thắm thiết hơn."

Đúng vậy. Chỉ cần ta dư dả kinh tế và cùng nhau chia sẻ là được.

***

Những vấn đề xảy ra trong gia đình Hàn Quốc

Thường bắt nguồn từ những nỗ lực vô nghĩa

Khi mẹ chồng có chia rẽ con trai và con dâu,

Khi vợ cố chia rẽ chồng và cha mẹ chồng,

Khi chồng có chia rẽ vợ và gia đình nhà vợ,

Khi em chồng Cố chia rẽ anh mình và chị dâu.

***

Dù là với người một nhà hoặc họ hàng thân thiết

Cũng sẽ có những lời bạn nên và không nên nói.

Nhất là khi lâu ngày mới sum vầy vào dịp lễ Tết

Hãy cố kiềm chế, đừng hỏi những câu như

“Sao chưa chịu kết hôn?” “Sao mãi vẫn chưa sinh con?”

“Sao chưa đi làm?” “Sao không giảm cân đi?” “Sao lại nghỉ chỗ làm cũ?"

***

Trong những nhánh cây cùng lớn lên từ một rễ sẽ những nhánh vừa khỏe vừa đẹp vừa ra nhiều trái, nhưng cũng có những nhánh còi cọc và ít trái. Chưa biết chừng đó là bởi những nhánh cây khỏe đã được nhận thêm chất dinh dưỡng mà đúng ra phải dành cho những nhánh cây yếu hơn.

Tương tự, trong số anh chị em sẽ có người thông minh, thành công, và cũng sẽ có người nghèo hơn, phải nhận tiền trợ cấp từ các anh chị em của mình. Nếu bạn nghĩ rằng mình đã bị cướp đi số tiền ấy thì mỗi tối bạn sẽ không thể nào ngủ được, nhưng nếu bạn nghĩ rằng để có thể trở thành nhánh cây khỏe mạnh như hôm nay, bạn đã nhận sự nhường nhịn và hy sinh từ những người anh em còi cọc ấy, bạn sẽ không còn cảm thấy bất công nữa.

- Nhà phê bình văn học Go Mi Sook

***

Càng với những người gần gũi chúng ta lại càng dễ bực mình.

Những lúc như thế nếu cả hai bên cùng nổi nóng thì sẽ chỉ dẫn tới cãi vã lớn.

Khi đối phương nổi nóng, có thể là họ chỉ đang mong rằng bạn sẽ nhận ra họ đang gặp khó khăn

Và hy vọng bạn có thể đồng cảm với họ.

Sau khi bình tĩnh lại, họ sẽ cảm thấy có lỗi vì đã nổi nóng với bạn.

***

Khi tức giận, hãy nghĩ đến gia đình.

Chỉ cần bạn kiềm chế một lần, những người yêu thương bạn sẽ bình an hơn.

***

Khi gặp những đứa trẻ gào khóc hay ồn ào trên máy bay hoặc tàu hỏa

Bất giác ta sẽ cảm thấy bực mình và oán trách cha mẹ chúng.

Những lúc như thế hãy nghĩ rằng những đứa trẻ ấy là con, là cháu của chính bạn.

Khi xem chúng là người lạ, bạn sẽ tập trung vào những tổn thất, bất tiện của mình.

Nhưng khi xem chúng là người nhà, bạn sẽ từ bi hơn

Và tự hỏi không biết đứa trẻ ấy đang khó chịu điều gì, có bị đau chỗ nào không.

***

Chỉ lắng nghe thật chân thành và ấm áp

Mà không đưa ra lời khuyên, lời cảnh cáo hay lời phân tích nào,

Đồng cảm với đối phương như đó chính là việc của mình,

Lắng nghe câu chuyện của họ đến cùng không tránh né,

Đó chính là cách ta có thể chữa lành

Cho con cái, vợ, chồng, cũng như bạn bè của mình.

***

Trước khi đặt đầu xuống gối và chìm vào giấc ngủ

Hãy nghĩ về ba người hoặc ba việc

Mà bạn cảm thấy biết ơn trong ngày.

Chỉ cần làm thế trong ba tháng

Bạn sẽ nhận thấy mức độ hạnh phúc và hài lòng về cuộc sống của mình tăng lên đáng kể.

Vốn dĩ hạnh phúc

Cũng cần phải luyện tập.

***

Dù là bất cứ thứ gì, chỉ cần bạn quan tâm và ngắm nhìn nhiều lần

Nó sẽ trở nên đẹp đẽ và tốt lành.

Như đứa con đã quá thân thuộc với bạn

Là hình ảnh bạn cảm thấy đáng yêu nhất trên thế gian này.

Chỉ cần bạn quan tâm

Thì bất kể thứ gì cũng sẽ trở nên đẹp đẽ và tốt lành trong mắt bạn.

***

Cho dù chỉ là một chú mèo hoang bị bỏ rơi

Nếu bạn đưa về nhà chăm sóc và nuôi nấng

Thì không bao lâu, nó sẽ trở thành chú mèo bạn có cảm tình nhất trên thế gian này.

***

Trong tình yêu,

Ngoài tình yêu ra thì không còn bất kỳ lý do nào khác.

-----o0o-----

Trích “Yêu Những Điều Không Hoàn Hảo”.

Tác giả: Hae Min.

Việt Dịch: Nguyễn Việt Tú Anh.

NXB Thế Giới – 2020.

Ảnh nguồn Internet.

Bài viết liên quan