HƠN CẢ LO LẮNG - CẨN TRỌNG CÁI ĐẦU – JUNO DAWSON

HƠN CẢ LO LẮNG

CẨN TRỌNG CÁI ĐẦU – JUNO DAWSON

-------o0o-------

Lo lắng, dù ta có thích nó hay không (gợi ý: CHẲNG AI THÍCH CẢM GIÁC LO LẮNG CẢ), là một phần của cuộc đời.
HƠN CẢ LO LẮNG - CẨN TRỌNG CÁI ĐẦU – JUNO DAWSON

Lo lắng, dù ta có thích nó hay không (gợi ý: CHẲNG AI THÍCH CẢM GIÁC LO LẮNG CẢ), là một phần của cuộc đời. Các lớp học lái xe, việc phải tới sân bay đúng giờ, những buổi hẹn hò, khoảng thời gian trước kì thi – nếu những điều này KHÔNG làm bạn hồi hộp, tôi thật sự rất muốn biết bạn làm cách nào để vượt qua chúng.

Tôi hi vọng bạn sẽ yên tâm đôi chút khi biết rằng TẤT CẢ MỌI NGƯỜI đều cảm thấy như sắp chết tới nơi trước buổi sát hạch lái xe. Bạn muốn bớt căng thẳng? HÃY PHA TRÒ VỀ NÓ NÀO. Tiếng cười LÀ liều thuốc tốt nhất (chỉ sau SSRI, dĩ nhiên).

Thế nhưng Lo  Âu (Với chữ L và chữ Â viết hoa, chứ không phải từ “lo lắng” cũ rích thông thường) đang ngày càng trở nên phổ biến ở những người trẻ. Cùng trầm cảm, lo âu là một trong những vấn đề về sức khỏe tâm thần thường thấy nhất. Nhưng chúng ta phải làm rõ: cảm giác lo lắng trước kì thi hoặc khi làm quen với bạn mới KHÔNG PHẢI là lo âu. Lo âu đang dần trở nên khá thời thượng, dù tôi không hiểu vì sao. Tôi đảm bảo với bạn rằng những cơn lo âu gớm ghiếc mà tôi đã từng trải nghiệm là thứ mà tôi còn chẳng dám ước sẽ xảy ra ngay cả với những kẻ thù tồi tệ nhất của mình.

Tất cả chúng ta đều có lúc lo lắng, tất cả chúng ta sẽ đều trải nghiệm một mức độ lo âu nho nhỏ, nhưng ở giai đoạn nào thì nó trở thành những CƠN LO ÂU?

A LÔ A LÔ ĐÂY LÀ TIẾN SĨ OLIVIA…

Lo âu là dấu hiệu của sự sợ hãi. Người ta có thể cảm thấy lo âu vì đủ mọi loại tình huống, suy nghĩ hay sự vật – chó hay nhện chẳng hạn.

Cảm giác lo lắng về thứ gì đó là điều bình thường - ai lại không bồn chồn trước khi làm bài kiểm tra cơ chứ? - nhưng khi lo âu trở nên trầm trọng hoặc kéo dài, nó sẽ bắt ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày. Đây là lúc lo âu trở thành một vấn đề cần phải giải quyết.

Khi chúng ta thấy lo âu, cơ thể cảm nhận được mối đe dọa và liền tiết ra hormone adrenaline. Nó thôi thúc cơ thể hoặc là chuồn thật nhanh, hoặc là dồn sức để chuẩn bị cho mối đe dọa nếm mùi cay đắng. Phản ứng này có tên là “chiến đấu hay trốn chạy”. Tuy nhiên, vì tôi và bạn chẳng phải người hùng hay thợ săn ma cà rồng, chúng ta không thật sự cần MỘT LƯỢNG LỚN adrenaline. Lượng adrenaline dư thừa trong cơ thể sẽ khiến ta cảm thấy rất kì quái, trừ phi ta biết cách kiểm soát chúng.

Những hiệu ứng cơ thể do adrenaline gây ra bao gồm: tim đập nhanh, thở gấp, đổ mồ hôi tay, chột bụng hoặc cần vào nhà vệ sinh khẩn cấp.

“Suốt mấy năm cấp hai tôi lúc nào cũng thấy buồn nôn, cảm giác như sắp ngất và bồn chồn trước khi tới trường.”

-  KITTY 20 LIVERPOOL

Có vài mánh khóe khá hiệu quả mà chúng ta ĐỀU có thể áp dụng để giảm thiểu lo âu. Mục tiêu của chúng là khiến cho người ta dễ dàng đương đầu với mối lo hơn. Bạn có thể tìm thấy nhiều phương pháp khác trên mạng hoặc qua trị liệu, nhưng dưới đây là một mánh khá đơn giản:

THỬ NHÉ:

Nằm xuống và đặt hai tay lên bụng.

Nhắm mắt lại.

Hít vào từ từ trong khi đếm từ 1 đến 5.

Ngưng thở trong vòng 2 giây.

Thở ra từ từ trong khoảng 5 giây.

Lặp lại vài lần cho đến khi bạn đã cảm thấy bình tĩnh hơn.

Bạn thấy thế nào rồi? Việc tập trung toàn bộ năng lượng vào một hành động đơn giản như hít thở giúp dọn dẹp tâm trí, tránh tăng thêm cảm giác lo âu. Vì lo âu là dấu hiệu của sợ hãi, đánh lạc hướng tâm trí là một kế hoạch tốt. Hơi thở sâu và chậm có tác dụng VẬT LÍ lên cơ thể, giúp tái cân bằng lượng oxy trong máu. Lượng adrenaline dư thừa do đó được phân tán và bạn sẽ thấy ổn trở lại.

A LÔ A LÔ ĐÂY LÀ TIẾN SĨ OLIVIA…

Bởi lo âu khiến người ta trốn tránh những thứ gây ra các cơn lo lắng quá mức, một biện pháp điều trị phổ biến dành cho [người được chẩn đoán] rối loạn lo âu là để họ tiếp xúc với nỗi sợ của mình. Bác sĩ thực hiện điều này rất từ từ và chỉ sau khi đã dạy bệnh nhân một vài phương pháp ứng phó. Biện pháp nói trên giúp người bệnh đối mặt với nỗi sợ và điều khiến được phản ứng của mình.

Các chuyên gia thường thực hiện điều này thông qua liệu pháp CBT - sử dụng các kĩ thuật trị liệu để làm suy yếu các khuôn mẫu suy nghĩ tiêu cực.

NHỮNG DẠNG RỐI LOẠN LO ÂU

ÁM ẢNH SỢ CỤ THỂ

Người ta có thể có ám ảnh sợ về bất cứ thứ gì. Chúng ta phải cẩn thận để tránh nhầm lẫn giữa việc “không phải fan của đám nhện” và Hội chứng ám ảnh sợ nhện (arachnophobia). Nỗi ám ảnh thật sự sẽ làm tê liệt và có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người mắc phải.

“Tôi vẫn luôn có “vấn đề” với bệnh tật. Tội kinh hãi khi bản thân mình có thể mắc bệnh, nhìn thấy bệnh tật hay bị ốm. Tôi từng nghĩ rằng tất cả những cơn lo lắng và hoảng loạn – chảy mồ hôi tay, những ý nghĩ phi lí, những cơn đau đầu, đau vai và đau gáy vì quá căng thẳng – là hoàn toàn bình thường, cho tới khi chúng khiến tôi suýt gặp nguy hiểm ở chỗ làm việc. Đó cũng là lúc tôi biết rằng mình không thể tiếp tục giả vờ rằng mọi thứ đều ổn.

Mọi chuyện bắt đầu từ những điều rất nhỏ: nếu em gái tôi bị ốm, tôi không thể ở trong phòng để chăm sóc con bé. Và rồi tôi không dám xem ti vi, nhìn các bức hình hay các bộ phim hoạt hình về đề tài ốm đau hoặc bệnh tật. Tôi bắt đầu rửa tay – rấtt nhiều. Tôi ngửi và kiểm tra cốc chén nhiều lần để xem chúng sạch sẽ không. Tôi nín thở khi đi qua hành lang có phòng vệ của trường để tránh việc hít phải vi khuẩn – ngay cả khi không có ai bị ốm gần đó – và làm điều tương tự khi đi bộ qua đám đông hoặc khi ở gần một nhóm người bất kì. Tôi ngừng uống rượu khi đi chơi buổi tối, và luôn rời hộp đêm hoặc quán rượu vì sợ rằng ai đó sẽ đột nhiên nôn ọe tung tóe như một vụ "núi lửa phun trào. Tôi không thể ăn gà ở nhà hàng, và nếu có ăn ở nhà đi nữa thì tôi cũng phải tự nấu lấy hoặc quan sát khi ai đó nấu và rửa sạch sẽ bát đũa sau khi ăn. Tôi không sử dụng dụng cụ ăn uống ở căng tin và tự mang những loại bát đũa dùng một lần theo. Tối đa sống sót như thể - và mọi chuyện lên trở nên tệ hơn - trong khoảng 12 năm trước khi nỗi sợ và những hành vi đối phó đặt tôi vào tình huống nguy hiểm và tôi quyết định rằng mình phải làm gì đó về điều này.”

- RJ 19 LANCASTER

RỐI LOẠN LO ÂU XÃ HỘI

Đúng như cái tên của dạng rối loạn này, người mắc phải sẽ - bắt đầu sợ hãi những tình huống xã hội nhất định. Đây không phải là việc “ngượng ngùng một chút khi gặp người lạ”, cho dù đó có thể là dấu hiệu ban đầu đối với một vài người mắc rối loạn lo âu xã hội. Thường thì một trải nghiệm tiêu cực có thể là nguyên nhân của lo lắng, sau đó biến thành nỗi sợ hãi, và rồi trở thành sự lo âu thường trực.

“Hồi 18 tuổi, tôi đã mắc một ca rối loạn lo âu xã hội nghiêm trọng mà không được chẩn đoán, dẫn đến những cơn hoảng loạn nặng khi tôi vào đại học. Chúng tệ tới mức tôi không thể nghĩ về việc đến trường hoặc ngay cả thị trấn ấy – mà bàn tay hoặc cánh tay không run bần bật và toàn thân thì cảm thấy mệt mỏi hết sức.”

- HEATHER 24 FIFE

Những vấn đề của tôi thật ra cũng là một loại của rối loạn lo âu xã hội. Tôi có thể thuyết trình trước 500 người ở một trung tâm hội nghị được chứ? Dĩ nhiên rồi! Tôi có thích đi du lịch không? Có! Tôi có sợ việc cần phải dùng phòng vệ sinh khi đi chuyển bằng các phương tiện công cộng? Cũng sợ. Bạn hiểu ý tôi đúng không? Những lần bị hội chứng ruột kích thích khi di chuyển quanh London vài năm qua đã tiến triển thành một vấn đề nghiêm trọng hơn. Tôi nhấn mạnh rằng mình chưa bao giờ THỰC SỰ đại tiện ra quần – nếu có thì kiểu gì tôi cũng kể với bạn – những nội việc lo lắng rằng mình CÓ THỂ bĩnh ra quần và người ta sẽ ĐÁNH GIÁ là đủ để khiến tôi bị hoảng loạn một cách mù quáng, từ đó dẫn chúng ta tới…

RỐI LOẠN HOẢNG SỢ

Người ta thường rất nhanh chóng cho rằng bản thân đang có một cơn hoảng loạn nếu cảm thấy nóng ran trong người hoặc ngờ ngợ là mình quên tắt lò nướng. Nhưng thế nào mới là một cơn hoảng loạn THỰC SỰ?

A LÔ A LÔ ĐÂY LÀ TIẾN SĨ OLIVIA…

Những cơn hoảng loạn đến rất bất chợt, phần lớn cực kì mãnh liệt và xảy ra phần nhiều bên trong cơ thể bạn. Tôi nói điều này có nghĩa là những suy nghĩ hoặc cảm giác lo lắng không xuất hiện nhiều bằng các phản ứng thể chất, vì dụ như đánh trống ngực, vã mồ hôi, run rẩy, thở gấp hay đau ngực. Cảm giác không ổn về mặt thể chất thường khiến mọi người tưởng nhầm rằng mình đang bị đau tim hoặc suy nhược thần kinh.

Những cơn hoảng loạn và lo âu có quan hệ mật thiết với nhau. Đôi khi những cơn hoảng loạn có thể dẫn tới lo âu bởi người mắc chứng bắt đầu lo lắng về việc sẽ bị hoảng loạn (từ đó lại càng khiến họ hoảng loạn nhiều hơn). Có người thì bị hoảng loạn như một hệ quả của những lo âu sẵn có. Sự khởi đầu của một cơn hoảng loạn là các triệu chứng thể chất tệ dần đều - thở gấp làm tăng nhịp tim, khiến người bị hoảng loạn cảm thấy tồi tệ hơn. Đây là lý do tại sao ta thường dùng các bài tập thở để xử lí một cơn hoảng loạn – thở vào túi giấy chẳng hạn. Bạn KHÔNG BAO GIỜ được sử dụng túi nilon và nhớ cẩn thận kẻo hít phải hóa đơn!

RỐI LOẠN SỰ KHÔNG GIAN RỘNG

Là khi người mắc phải luôn nhận thấy một số địa điểm nhất định ẩn chứa nguy hiểm tiềm tàng. Những địa điểm này thường (tuy không phải luôn luôn) là các không gian rộng. Vậy nên những gì truyền hình thêu dệt về việc người bệnh sợ tới mức không dám ra ngoài không phải lúc nào cũng đúng đâu.

RỐI LOẠN LO ÂU TỔNG QUÁT

Những người mắc rối loạn lo âu có một thói quen xấu là tổng quát hóa mọi thứ. Một ám ảnh sợ cụ thể có thể phát triển thành cảm giác lo lắng về nhiều thứ không liên quan khác.

RỐI LOẠN ÁM ẢNH CƯỠNG CHẾ

Ngoài nỗi sợ công tắc đèn và thuốc tẩy - rốt cuộc rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive compulsive disorder – OCD) là gì vậy?

-------o0o-------

Trích: “Cẩn Trọng Cái Đầu”.

Tác giả: Juno Dawson.

Việt Dịch: Beautiful Mind Vietnam.

NXB Kim Đồng – 2019.

Ảnh nguồn: Internet.

 

Bài viết liên quan