KHÔNG CÓ DIỆN MẠO THÂN XÁC THÌ TÂM Ở ĐÂU? - NƯỚC THIÊNG CỦA SỰ BẤT TỬ -SRI  NISARGADATTA  MAHARAJ

KHÔNG CÓ DIỆN MẠO THÂN XÁC THÌ TÂM Ở ĐÂU?

NƯỚC THIÊNG CỦA SỰ BẤT TỬ -SRI  NISARGADATTA  MAHARAJ

-------o0o------

Rồi dần dần ông sẽ nhận ra rằng: ông là người biết và ông không có diện mạo nào liên quan đến một nơi chốn hay hình tướng. Tất cả mọi chuyển động hữu hình và có thể nhận thức được trong vũ trụ và thế giới đều tự xảy ra mà không có một lý do đặc biệt nào, điều này có nghĩa là có sự vận hành, sự quay tròn, sự rung chuyển, sự rầm rì mà không có một mục đích.
KHÔNG CÓ DIỆN MẠO THÂN XÁC THÌ TÂM Ở ĐÂU? - NƯỚC THIÊNG CỦA SỰ BẤT TỬ -SRI  NISARGADATTA  MAHARAJ

Maharaj: Không có người làm, cũng chẳng có người tạo ra thế giới và vũ trụ hữu hình này. Không có người thọ hưởng; tất cả đều tự xảy ra.

Khách: Trong khi trì chú, chúng tôi có cần chú ý vào ý nghĩa của ngôn từ không?

M: Ông không nên tìm cách hiểu nghĩa của câu chú. Ý nghĩa của câu chú tự trải ra trong ông, và sẽ ứng nghiệm vào đúng lúc tùy theo tính chất của ông. Sự thị hiện của “shakti” năng động – hay năng lượng – thể hiện qua con người và thay đổi tùy theo từng cá nhân. Bằng mọi cách, hãy thực hiện những công việc gia đình của ông, làm tròn các trách nhiệm thế gian và xã hội của ông một cách nhiệt tình, nhưng ít ra phải hiểu và biết cái “Ta” của chính ông, cái mà “ông là.” Rồi dần dần ông sẽ nhận ra rằng: ông là người biết và ông không có diện mạo nào liên quan đến một nơi chốn hay hình tướng. Tất cả mọi chuyển động hữu hình và có thể nhận thức được trong vũ trụ và thế giới đều tự xảy ra mà không có một lý do đặc biệt nào, điều này có nghĩa là có sự vận hành, sự quay tròn, sự rung chuyển, sự rầm rì mà không có một mục đích. Tuy nhiên, ông luôn luôn hiện hành mà không hề có diện mạo của hình tướng thân xác, danh xưng hay bất cứ dữ kiện hư giả nào. Dù bất cứ nguyên lý nào được xác định và nhận diện với hình tướng, ảo tưởng, danh xưng và thân xác thì nguyên lý đó tự tạo ra chính nó, nuôi dưỡng và duy trì chính nó. Sau đó nó sẽ phải biến mất. Hiểu được tất cả vở kịch hành động này chính là biết. Đấng Krishna chỉ nói về “Paramatman” - tức là cái Ta Tối Thượng - là chính ngài. Nhiều người khác cũng đã diễn giải, nhưng vướng mắc trong những khái niệm của họ. Nếu như Ta tư duy, thì suy nghĩ của Ta chỉ liên quan đến sự thị hiện và sự vận hành tự nhiên của nó. Ta không nghĩ đến việc thay đổi diễn tiến của sự thị hiện. Tuy nhiên, khi ông tư duy thì suy nghĩ của ông chỉ ở bình diện con người hay tính cách cá nhân, và về những vấn đề riêng tư của ông. Chẳng có gì để làm cả, chỉ cần tìm ra sự xúc phạm của cái biết “Ta hiện hữu” đã xảy ra như thế nào trong ông.

K: Khi tôi nói thì không có cảm giác là tôi đang nói.

M: Ông đang nói từ bất cứ diện mạo nào mà ông có. Cái gì chống đỡ diện mạo đó?

K: Ngôn từ chỉ tuôn ra.

M: Khi ông nói, ông có tùy thuộc vào sự tồn tại của ông hay của một người nào khác?

K: Vào diện mạo của chính tôi.

M: Sự hiện hữu của cái ta là một khoảng thời gian ngắn; nó chỉ được kinh nghiệm trong chốc lát. Nhưng người kinh nghiệm sự hiện hữu thì luôn luôn tồn tại. Ông phải nhận ra rằng Người Kinh Nghiệm - tức là “Ông” - là nguyên lý luôn luôn tồn tại và thường hằng. Ông sẽ nói từ diện mạo nào?

K: Vì tôi hoàn toàn không muốn nói, nên hành vi nói không xuất phát từ diện mạo của cái ta nhất thời.

M: Ta muốn một câu trả lời chính xác cho câu hỏi của Ta. Tại sao ông lại trả lời vu vơ. Ta lập lại câu hỏi: “Ông đang nói từ vị thế của sự hiện hữu nhất thời hay từ cái Vĩnh Cửu?

K: Không có cái “ta” cá nhân nào đang nói cả.

M: Đừng nói với Ta như thế. Ta cáo buộc ông rằng chỉ có mình ông đang nói. Ông đang nói từ vị thế nhất thời, hay vị thế thường hằng?

K: Không phải từ vị thế nhất thời.

M: Ông không nói thật.

K: Như tôi đang kinh nghiệm thì không có cái “ta” nào đang nói. Khi ông bảo rằng “ta,” tức con người, đang nói thì điều này không đúng.

M: Ông nói một cách ngớ ngẩn vì cái biết đích thực chưa hiển lộ đối với ông. Liệu ông sẽ cho Ta biết từ vị thế của phương diện nhất thời hay của phương diện kia ?

Hình như ông không hiểu câu Ta hỏi.

K: Tôi thấy một cách rõ ràng cái gì có vẻ nhất thời thì thực sự thuộc về thời gian.

M: Thế ông có thể nói gì với người khác về trạng thái thường hằng?

K: Tôi sẽ nói thẳng rằng anh ta phải đi gặp một chân sư.

M: Thế thì đâu là giá trị của người chỉ đường?

K: Hắn ta sẽ là kẻ chỉ đường cho một vài người đến hỏi.

M: Ta sẽ mời ông ra khỏi đây. Ta không cho ông bất cứ cái biết nào. Liệu Ta có cần phải dạy ông tất cả những điều này từ ABC? Trước tiên, hãy đọc cuốn I AM THAT (TA LÀ CÁI ĐÓ) và suy gẫm về những gì trong đó. Cứ mỗi lần có người đến đây thì liệu Ta có phải dạy lại từ đầu? Cái “Ta” đã như thế nào trước khi sự hiện hữu xuất hiện? Tại sao sự hiện hữu xuất hiện, và đã xuất hiện như thế nào? Chúng ta chỉ cần tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này mà thôi.

K: Tôi hành theo phương pháp đạo sự tôi chỉ dạy. Bất cứ gì đạt được đều không thật và bị ràng buộc bởi thời gian.

M: Ai cũng có thể nói được điều đó. Thân xác và sự hiện hữu này đã sinh khởi như thế nào? Đó là điều Ta muốn biết.

K: Tôi vẫn chưa quyết định nên nói về cái gì. Những gì được tôi tiếp thu sẽ tự nói ra.

M: Không ai có thể quyết định mình sẽ nói về cái gì. Cứ cho rằng ông chuẩn bị để nói rất nhiều ở đây nhưng không thể nhớ những gì ông chuẩn bị, thì sao? Bất cứ gì ông quyết định không phải lúc nào cũng xảy ra. Cảm giác “Ta hiện hữu” là điều quan trọng. Điều quan trọng nhất là ông nhớ ý thức hiện hữu của ông. Rồi sau đó mọi cái khác sẽ xuất hiện. Trước kia, ký ức “Ta hiện hữu” này không có, rồi bất chợt nó đã xuất hiện. Bây giờ, Ta sẽ diễn giải pháp thoại tâm linh gọi là “niroopona.” Trong tiếng Marathi, từ ngữ này bắt nguồn từ chữ “niroopona,” có nghĩa là “thông điệp. Do đó, thuyết giảng về tâm linh gọi là “niroopona;” thông điệp mở đầu “Ta hiện hữu” phải có trước tất cả, rồi bất cứ gì theo sau thông điệp mở đầu này sẽ là thuyết giảng tâm linh. Thông điệp tâm linh, khi được giao phát, sẽ cho biết ai là người nghe nó. Để giao phát thông điệp này, cái “Ta” Tuyệt Đối khoác lấy sự hiện hữu. Hãy lấy trường hợp của một người giao phát thư cho chính quyền, người giao phát thư chỉ giao phát một thông điệp của chính quyền, nhưng anh ta không phải là chính quyền. Anh ta chỉ thi hành nhiệm vụ của một công nhân viên. Nhưng ở đây, tự thân cái biết “Ta hiện hữu” là chính quyền và cũng là người phát thư. Nhiều nhà tiên tri tuyên bố rằng họ là người mang thông điệp của Thượng Đế. Nhưng Đấng Krishna không nói vậy, mà tuyên bố dứt khoát rằng: “Tất cả mọi sự tạo tác này đều từ Ta mà có, nhưng Ta - cái Tuyệt Đối – lìa xa sự tạo tác. Và bất cứ gì được tạo tác từ Ta đều rực sáng như hoa pháo bông trong một lễ hội rồi vụt tắt, nhưng Ta - cái Tuyệt Đối – vẫn luôn luôn hiện hành.” Có nhiều cách diễn giải tâm linh khác nhau. Ta không học thuộc lòng như vẹt các tuyên bố tâm linh của người khác. Điểm chính yếu cần được hiểu là: Cảm giác về sự hiện hữu của Ta đã xuất hiện như thế nào? Tại sao nó xuất hiện, cùng với danh nghĩa “sinh ra”; và trước khi có cảm giác về sự hiện hữu, Ta đã như thế nào? Chỉ có người hy hữu mới hiểu được điều này.

Đã từng có rất nhiều vị hiện thân nhập thế, nhưng chỉ có Đấng Krishna tuyên bố: “Ta là người tạo ra các đấng cứu thế và cũng là người biết họ.”

Cả Đạo sư Shankaracharya và Ramana Maharshi cũng đã giải thích phương diện tâm linh này một cách rõ ràng: Ta - cái Ta” vĩnh cửu - thì như thế nào? và “Ta” - kẻ bị hạn định bởi ý thức hiện hữu và thời gian - thì như thế nào? Điều này phải được hiểu. Và tất cả chỉ có thế.

Nhưng ảo tưởng vĩ đại “moolamaya” lừa dối ông bằng cách làm cho ông tin rằng ông đã trải qua hàng triệu lần sinh ra. Nhưng ông, kẻ vô minh, lại không bao giờ suy gẫm và điều này một cách đúng đắn. Trước khi có sự sinh ra ông không hề biết “đã có mình” và đã trải qua hàng triệu lần được sinh ra. Liệu một câu chuyện như thế có thể tin được hay không? Ông tin rằng ông đã được sinh ra và trải qua rất nhiều lần tái sinh, có phải thế không? Ông là cái gì và ông như thế nào? Chỉ khi nào chú tâm vào những điều này và hiểu chúng một cách rất ráo thì ông mới thoát ra khỏi sự thống trị của những khái niệm như thế. Những khái niệm này cũng được bốn bộ kinh Vệ-đà (Veda) chuyên chở và được rất nhiều người phụ họa. Khi Ta tập trung sự chú ý vào điểm tỉnh thức, các bộ kinh Vệ-đà đều khoanh tay quy thuận và đi vào im lặng.

Để hiểu rõ tiến trình này, trước tiên phải suy gẫm về “prakriti” và “purusha” - hai nguyên lý vĩnh cửu. Do những tác động qua lại của hai nguyên lý này mà ngũ đại và ba tính cách “gunas” xuất hiện. Không gian, không khí, lửa, nước, cùng với “sattva,” “rajas” tạo ra trái đất này, và làm cho trái đất sẵn sàng phát triển thêm. Trên mặt đất, loài thực vật mọc ra, và khi tinh chất của thực vật khoác lấy hình tướng thì nguyên lý tiềm ẩn của sự hiện hữu cũng xuất hiện trong đó. Ngũ đại hoàn toàn không hề có một ý niệm dù chỉ mơ hồ về ý thức hiện hữu của chúng. Sự hiện hữu được thị hiện trong hình tướng thân xác trong suốt tiến tình của ngũ đại. Rồi sau đó, luật lệ, nguyên tắc, nghi thức, vân vân được đặt ra. Nguyên lý vĩnh cửu đó, đã không biết sự hiện hữu của nó, bây giờ thị hiện qua hàng triệu hình tướng.

Trước khi có sự sinh ra, cả nguyên lý đó lẫn cha mẹ không hề biết nhau. Nguyên lý được gieo cấy dưới thể lỏng trong dạ con của người mẹ. Trong tiến trình chín tháng, nguyên lý đó phát triển thành hình thể của một hài nhi, tức là hạt giống của tất cả kinh nghiệm tương lai. Hạt giống hiện hữu này là “sattva” thuần túy và tinh chất của thân xác thực phẩm; nó hoàn toàn vô minh. Hạt giống của các kinh nghiệm tương lai quyết định “prarabdlha,” tức là những gì đứa trẻ sẽ phải nhận chịu và trải qua. Đứa trẻ bất hạnh này - đã không trong trạng thái “biết” của nó trước khi sinh ra - bây giờ nhận lãnh không biết bao nhiêu đau khổ lúc sinh ra. Vào lúc thụ thai, đứa trẻ nhận lấy một tấm ảnh nhiếp thu chính xác toàn thể tình huống trong vũ trụ, bao gồm cả chất liệu mà từ đó nó được tạo ra (cha mẹ), vị trí của các hành tinh, và các vì sao trong bầu trời, vân vân. Nguyên lý chụp tấm ảnh này là gì? Nguyên lý tối thượng đó được biết với các danh hiệu như "brahmasutra,” “moolamaya," "maha-tattva," "hiranya-arbha," “atma-prem,” vân vân. Nó được gọi là “Maha-Tattva - Chân Lý Vĩ Đại - vì sự quan trọng tối thượng của nó trong thế giới. “Maha-Tattva” còn được biết đến với những danh hiệu thiêng liêng như Christ, Krishna, Shiva, và Vishnu. Nó cũng còn được gọi là “parabdhi” – có nghĩa là đại dương của sự sống sôi sục với hàng triệu hình tướng. Đấng Krishna bảo rằng thông qua “yogamaya” này – Nguyên Lý Tối Thượng - Ta hành xử tất cả các chức năng vũ trụ trong thế giới, trong khi Ta, cái Tuyệt Đối, thì vẫn lìa xa.

Toàn thể vũ trụ thị hiện được nối kết và tích nạp năng lượng này thông qua “yogamaya,” năng lượng vũ trụ. Sự hiện hữu này lúc đó chưa thị hiện đầy đủ trong dạ con. Vì thế ông nhớ rằng cái biết “Ta hiện hữu” của ông, định mệnh của ông đã tự xuất hiện, không hề được cầu xin. Sự hiện hữu này được thị hiện, nhưng tồn tại được bao lâu? Sự hiện hữu này đã mang theo với nó một ngày kết thúc nhất định, và bị giới hạn bởi thời gian. Trong dạ con của người mẹ, sự .. hữu không hay biết chính nó.

Một người giác ngộ được gọi như thế vì người ấy hiểu rõ gốc rễ của sự hiện hữu, và nó chỉ là thuần vô minh. Người giác ngộ không bị lôi cuốn vào vở kịch này của hiện hữu và do đó siêu vượt ra ngoài. Người giác ngộ quán sát sự sinh khởi, sự nuôi dưỡng và sự biến mất của nguyên lý này, và biết mình không phải là nguyên lý đó. Người giác ngộ là chứng nhân và cũng là người biết sự hiện hữu đó, hay còn gọi là “prarabdha” – định mệnh. .

Khi ở trong dạ con của người mẹ, sự hiện hữu còn ở giai đoạn phôi thai, nhưng một thời gian ngắn sau khi xuất hiện trong thế giới thì cảm nhận sự hiện hữu của nó và nhận diện với thân xác là chính nó. Nhờ được nuôi dưỡng, hình hài này bắt đầu phát triển theo hình ảnh của cha mẹ đã ghi khắc lên nó vào lúc thụ thai. Sự hiện hữu, tức cái “Ta hiện hữu,” bú cái túi nhỏ chứa tinh chất thực phẩm này suốt ngày đêm. Cái nguyên lý bú cái túi chứa tinh chất thực phẩm không phải là thân xác, nó khác với thân xác. Nguyên lý hiện hữu này cư trú trong chính thân xác thực phẩm. Cũng như đứa trẻ bú vú của mẹ nó thì sự hiện hữu tiêu thụ thân xác.

Ông muốn biết cái Ta, có phải thế không? Đó hoàn toàn không phải là chuyện dễ dàng. Nếu muốn trở thành một người giác ngộ thì ông phải hiểu ông là cái gì, tức là phải biết cái “Ta hiện hữu” là gì và nó đã xuất hiện như thế nào. Trạng thái đích thực của ông trước khi có cái biết “Ta hiện hữu” là gì? Chỉ có Đấng Krishna mới giải thích điều này một cách rõ ràng. Ngài nói: vì cái biết “Ta hiện hữu” xuất hiện và biến mất, nên ta, cái Tuyệt Đối không thể là cái đó. Ta luôn luôn hiện hành.

Tôn sư đã bảo Ta: “Bất kể những hành hoạt trần tục của ông, ông vẫn bất sinh, ông xa lìa tất cả.” Như thế bất cứ ai cũng có thể trở thành người giác ngộ nếu người đó hiểu được điều này: Hiện hữu xuất hiện do thân xác tinh chất thực phẩm, tự nó hoạt động, và biến mất khi phẩm chất của thân xác thực phẩm không còn duy trì nó. Trong tiến trình hiểu này, người đó nhận ra mình không phải sự hiện hữu và vì thế an trụ trong trạng thái “jnani.”

Có rất nhiều vị hiện thân nhập thế tự cho mình thuộc đẳng cấp tâm linh tối thượng, nhưng vẫn vướng mắc với những khái niệm mà họ thu thập được từ bên ngoài chính họ – qua lắng nghe hay đọc sách. Để thực hiện các sinh hoạt trần tục hay tâm linh thì ngôn từ là cần thiết. Vì một “jnani” - người giác ngộ - vượt ra ngoài mọi khái niệm nên hoàn toàn vô ngôn. Trong trạng thái tĩnh lặng của một người giác ngộ ngôn từ đi vào im lặng, vì các bộ kinh Vệ-đà (Veda) mặc dù nói “Ta không phải cái này, Ta không phải cái kia,” đã rũ sạch mọi ngôn từ và trở thành “Vedanta” – có nghĩa là, kết thúc các bộ kinh Vệ-đà, chấm dứt mọi ngôn từ.

Ta đã cho ông biết đầy đủ về “prarabdha” và những kinh nghiệm của nó, cũng như nó đã được tạo ra như thế nào và tại sao. Bây giờ, ông ở đâu trong toàn thể vở kịch này? Đâu là vị trí của ông? Cái gì là diện mạo của ông mà ông muốn giữ gìn? Diện mạo nào vẫn chung thủy với ông từ thời thơ ấu cho đến bây giờ? Ông đã từng có diện mạo của một đứa trẻ, rồi của một thanh niên, của một người trung niên, và cuối cùng của một lão niên. Trong số các diện mạo đó, cái nào là diện mạo đích thực của ông? Thật ra, không hề có chứng cớ nào là ông đã được sinh ra.

K: Tôi không nghĩ về một diện mạo nào như thế. Trong tất cả các kinh nghiệm mà tôi có, nhiều khi tôi cảm thấy ý thức về cái “Ta” rất ít. Chỉ có sự chú ý và đối tượng của sự chú ý. Nhưng khi sự chú ý đặt vào “Ta hiện hữu” thì “Ta hiện hữu trở nên giảm đi.

M: Khi đặt sự chú ý vào “Ta hiện hữu,” ông có nhận thấy cảm giác vật lý nào không?

K: Khi sự chú ý của tôi không đặt vào “Ta hiện hữu” thì nó biến mất. Nhưng khi sự chú ý của tôi trở nên mãnh liệt thì các khách thể được cảm nhận.

M: Thế sự chú ý của ông có ổn định và thường xuyên

K: Có.

M: Nếu thế, hãy mô tả. Và ông Có kinh nghiệm này không?

K: Có.

M: Thế thì tại sao ông đến đây?

K: Kinh nghiệm đó không liên tục.

M: Nếu được an định kiên cố thì nó phải liên tục và thường hằng.

K: Nó chỉ an định trong một lúc. .

M: Ai chứng kiến hai trạng thái: chú ý thuần túy và chú ý không thuần túy.

K: Có lẽ là người biết, là sự chú ý. Có lẽ ai đó nhận xét về sự chú ý, nhưng tôi không nói.

M: Ai chú ý đến tất cả những điều này, ông hay người nào khác?

K: Sự thật biết.

M: Ông phải tìm hiểu nó đến nơi đến chốn. Hành thiền quán thường xuyên. Hãy nhập định trong nhiều giờ vào mỗi thời thiền như thế.

K: Tâm tôi tĩnh lặng nhưng chú ý. Tôi nhìn cái “Ta hiện hữu” này.

M: Ông đã ở vào giai đoạn biết, nhưng vẫn phải đạt đến đích của ông. Điều này chỉ có thể xảy ra khi sự chú ý nhập vào sự chú ý. Nếu sự chú ý đã tiêu hóa hết chính nó thì ông đã không đến đây.

K: Ồ, tôi hiểu. Lẽ ra tôi đã phải suy ngẫm về sự chú ý của tôi.

M: Phải. Hiện thời ông đang đình trệ trong giai đoạn chú ý. Giai đoạn này cần phải được tiêu hóa. Ông hiện đang nói từ giai đoạn của cái biết “Ta hiện hữu,” giai đoạn này bị giới hạn bởi thời gian và nhất thời.

Người khách thứ hai: Chú ý phi đối tượng, có thể là như thế không?

M: Liệu có thể có sự chú ý mà không có đối tượng? Nếu có sự chú ý thì cũng phải có đối tượng.

K: Khi sự chú ý và đối tượng của sự chú ý mờ nhạt dần, thì có thể nào một người đã đạt đến trạng thái “samadhi”?

M: Ai là người biết trạng thái đó?

K: Có phải ông đang gài bẫy tôi?

M: Đừng suy diễn Ta từ ông.

Người khách thứ hai: Tâm tôi rất tĩnh, nó không di chuyển về bất cứ đối tượng nào; Có thể đó là sự tĩnh lặng của tâm, một sự tĩnh lặng. Đây là kết quả của những kinh nghiệm của tôi ở đây.

M: Ông ấy nói gì?

K: Khi có cảm nhận về sự chú ý đó thì sự tĩnh lặng của tôi tan vỡ và cảm giác “Ta hiện hữu” xuất hiện. Lúc đó tâm tôi nhìn ra về phía đối tượng, như thế đối tượng và cảm giác “Ta hiện hữu” xuất hiện cùng một lúc.

M: Có vẻ như ông đang nói từ trạng thái thân-tâm. Ta đang nói từ trạng thái vô-tâm. Tâm luôn luôn có đó khi còn diện mạo thân xác. Khi diện mạo thân xác không còn nữa thì tâm ở đâu? Các trạng thái thức, ngủ sâu và hiện hữu được cho là “sinh” và đó chỉ là một giai đoạn nhất thời.

K: Thế không phải tôi phải tìm hiểu thân tâm từ trạng thái thân tâm để biết nó hay sao?

M: Có phải Ta là một thầy giáo vỡ lòng, và phải bắt đầu từ A, B, C – có nghĩa là từ trạng thái thân tâm - hay không? Thuyết giảng của Ta bắt đầu từ “prarabalha” và nguồn gốc của hiện hữu. Ta không nói chuyện thân-tâm.

Ngày 31 tháng 1 năm 1980     

-------o0o-------                      

Trích: “Nước Thiêng Của Sự Bất Tử”

Tác giả: Sri Nisargadatta Maharaj               

Người dịch: Vũ Toàn

Nhà Xuất Bản Phương Đông,                       

Bài viết liên quan