TA LÀ CÁI ĐÓ - YẾU CHỈ GIÁO PHÁP - NISARGADATTA MAHARAJ

TA LÀ CÁI ĐÓ

YẾU CHỈ GIÁO PHÁP - NISARGADATTA MAHARAJ

-----o0o-----

Hiểu rõ ‘Ta hiện hữu’, vượt ra khỏi nó và nhận ra cái Tuyệt đối. Chưa có ai diễn giảng giáo pháp này bằng một cách đơn giản đến như thế.
TA LÀ CÁI ĐÓ - YẾU CHỈ GIÁO PHÁP - NISARGADATTA MAHARAJ

222. Thường xuyên trì chú sẽ đưa người hành trì đến với cái ‘Ta hiện hữu’ thuần khiết, nơi tất cả cái biết đều bị từ bỏ; bạn nhập vào cái Tuyệt đối bên ngoài mọi danh xưng và hình tướng.

Japa' hay hành trì một câu chú như ‘So Hum’ (Ta là cái Đó) hay ‘Aham Brahmasmi’ (Ta là Brahman) trong một thời gian lâu dài sẽ đưa bạn đến với trạng thái Ta hiện hữu thuần túy. Khi bạn an trú trong ‘Ta hiện hữu’ sẽ có lúc cả cái biết ‘Ta hiện hữu’ đầu tiên và cuối cùng đều bị loại bỏ. Khi ‘Ta hiện hữu’ biến mất, bạn hòa nhập vào, hay nhập vào trạng thái tự nhiên nguyên thủy của chính mình, tức cái Tuyệt đối, bên ngoài mọi danh xưng và hình tướng.

223. Nếu ở trong ‘Ta hiện hữu’ và an trụ trong nó, tất cả những cái bên ngoài sẽ không còn thu hút bạn nữa.

Thế giới bên ngoài tác động mãnh liệt lên chúng ta đến độ rất ít người nhận ra đó là hư giả. Chỉ những người mà bên trong họ sự thôi thúc không tên này - sự thôi thúc đi tìm cái vĩnh cửu và vô biên - tỉnh giấc, thì sự tìm kiếm và nghi vấn mới bắt đầu khởi sinh.

Nếu có đủ may mắn họ sẽ gặp một chân sư, và chân sư sẽ chấm dứt sự tìm kiếm của họ. Để đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài, vị chân sư làm cho người đó hiểu rõ sự quan trọng của cái ‘Ta hiện hữu’ vô ngôn. Rồi chân sư bảo người đó an trụ trong cái ‘Ta hiện hữu’, tức công phu -sadhana. Nếu hiểu đúng giáo pháp và làm theo sự chỉ dẫn của chân sư người tìm kiếm chắc chắn sẽ thành công.

224. Chẳng còn ai khác ngoài ‘Ta’ hay ‘Ta hiện hữu’; sự sùng tín bất nhị này là phương tiện cao nhất để biến mất và hòa tan vào cái không biết bao la.

Bạn phải thiền quán cái biết ‘Ta hiện hữu’ cho đến khi có được sự tin tưởng kiên cố rằng chỉ có ‘Ta’ hay ‘Ta hiện hữu’, ngoài ra không còn gì khác. Hoàn toàn chìm lắng với cái biết ‘Ta hiện hữu’ là nhập vào ‘Turiya’ hay trạng thái thứ tư, và đây chính là sự sùng tín bất nhị (advaita-bhakti) vào lúc đỉnh điểm hay cao nhất. Bạn phải hoàn toàn chìm đắm trong sự sùng tín ‘Ta hiện hữu’ đến mức độ trở thành ‘Ta hiện hữu’. Và điều gì sẽ xảy ra khi bạn thực hành sự sùng tín bất nhị chuyên sâu này? Bạn sẽ biến mất và hòa tan trong cái không biết bao la và trở thành cái Tuyệt đối.

225. Hãy tìm hiểu đến nơi đến chốn sự xuất hiện và biến mất của cái ‘Ta hiện hữu’. Bạn có mong cầu nó không, hay nó tự xuất hiện?

Sau khi Đạo sư làm cho bạn hiểu rõ sự quan trọng của cái biết ‘Ta hiện hữu’ vô ngôn, bạn phải tự tìm hiểu nó đến nơi đến chốn. Để thực hiện điều này bạn phải thường xuyên suy gẫm về những gì Đạo sư nói. Khi cái hiểu, thiền quán và lòng tin cùng phát triển, câu hỏi quan trọng về sự xuất hiện và biến mất của cái ‘Ta hiện hữu’ nổi lên. Câu hỏi đó là: Nó có xảy ra vì sự mong cầu của bạn hay không? Có phải sự xuất hiện của nó là một diễn tiến theo ý muốn? Nếu đã hiểu đúng cái ‘Ta hiện hữu’ thì câu trả lời của bạn sẽ là: Nó đã tự đến và sẽ tự ra đi. Thực tế này sẽ phá tan sự tin tưởng bạn là ‘người làm’ - và thậm chí có thể kết liễu sự tin tưởng đó.

226. ‘Ta hiện hữu’ là vốn liếng duy nhất mà bạn có. Hãy ở với nó, chẳng có gì khác là cần thiết.

Chỉ dấu xác nhận tiêu chuẩn giáo pháp của Đạo sư là tính đơn giản. Ngài nói rất rõ rằng cái biết ‘Ta hiện hữu’ là tất cả những gì bạn trông cậy vào, nó là vốn liếng duy nhất mà bạn có. Tài sản ‘Ta hiện hữu’ này đã tự đến mà không do bất cứ sự cố gắng nào của bạn. Hãy cố hiểu sự quan trọng của nó và tận dụng nó. Hãy ở trong ‘Ta hiện hữu’ mà chẳng cần đến bất cứ gì khác. Vì sao thế? Vì những gì còn lại sẽ tự đến. Hãy an trụ trong ‘Ta hiện hữu’ rồi sẽ có lúc nó hài lòng với bạn và buông lơi sự kiềm tỏa của nó.

227. Ta hiện hữu còn cách trạng thái Đích thực một khoảng cách nên vẫn không thật, vì bất cứ gì xa cách trạng thái Đích thực hay Thực tại đều không thật.

‘Ta hiện hữu’ có thể được xem như nơi nghỉ chân cuối cùng khi bạn leo lên đỉnh cao Thực tại. Một khi đã an trụ trong ‘Ta hiện hữu’ hay trạng thái Turiya thì công việc của bạn hoàn tất. Trạng thái này, tuy rất cận kề thực tại, hay cái Tuyệt đối, nhưng vẫn còn được cho là không thật. Cái ‘Ta hiện hữu’ không thể tồn tại mãi như thế, nó sẽ phải biến mất, hoặc hòa tan, hay nhập vào cái Tuyệt Đối – ‘Parabrahman’. Chỉ khi đó nó mới đủ tư cách là Thực tại.

228. Tất cả các pháp môn Yoga và công phu có là do ý thức ‘Ta hiện hữu’, mà tự thân ý thức ‘Ta hiện hữu’ là ảo tưởng. Tất cả những gì xảy ra trong ảo tưởng này đều tương đối và bị giới hạn bởi thời gian.

Hiểu rõ cái biết ‘Ta hiện hữu’ là nguồn gốc của tất cả thì vô cùng quan trọng. Bất cứ hành hoạt nào của bạn, dù là công việc thường ngày, hay yoga hay bất cứ công phu nào khác, đều có do cái ‘Ta hiện hữu’. Cái ‘Ta hiện hữu’ này - xuất hiện trên bạn như một ảo tưởng – là sự khởi đầu của thời gian và một ngày nào đó sẽ kết thúc. Tất cả mọi hành hoạt đều đặt trên nhị nguyên và thời gian nên tương đối, bị giới hạn bởi thời gian và không bao giờ có thể đến gần với Thực tại. Cái biết ‘Ta hiện hữu’ kề cận nhất với Thực tại, vậy hãy hiểu rõ nó và an trụ trong nó.

229. Bước đầu tiên là đi và an trú trong ‘Ta hiện hữu’. Rồi từ đó bạn vượt ra ngoài ý thức và vô thức để đến với cái Tuyệt đối vô biên, trạng thái thường hằng.

Sau khi hiểu cái ‘Ta hiện hữu’, bước đầu tiên là an trú trong nó. Bạn phải an trú trong cái ‘Ta hiện hữu’ bằng cách gạt bỏ hoàn toàn ý nghĩ thân xác. Thấy được ‘Ta hiện hữu’ trong trạng thái thuần khiết vô

ngôn của nó và an trú ở đó trong một thời gian đủ lâu. Khi làm như vậy sẽ đến lúc bạn vượt ra khỏi ý thức hay ‘Ta hiện hữu’ và vô thức hay ‘Ta không hiện hữu’. Khi điều này xảy ra, bạn sẽ nhập vào bản tánh đích thực của chính mình: cái Tuyệt đối, trạng thái thường hằng.

230. Bạn là Thực tại bên ngoài cái ‘Ta hiện hữu’, bạn là ‘Parabrahman’. Hãy thiền quán điều này và ghi nhớ điều này, cuối cùng ngay cả ý nghĩ này cũng xa lìa bạn.

Vị Đạo sư đã cố gắng bằng mọi cách làm cho bạn hiểu cái biết ‘Ta hiện hữu’. Rồi sau khi hiểu nó, Đạo sư bảo bạn phải an trú trong nó, vượt ra khỏi nó, vượt ra ngoài ‘Ta hiện hữu’ để đến với Thực tại, cái chính là bạn. Bây giờ Đạo sư chỉ thẳng vào bạn và nói: “Này! Nhìn đây! ngươi là Parabrahman.” Đây là tiếng gọi đánh thức cuối cùng. Đạo sư lay bạn, ra hiệu với bạn: “Nào! Ta không thể nói thẳng hơn thế này. Lắng nghe điều Ta đang nói! Thiền quán nó cho đến khi ý tưởng này tan biến và ngươi sẽ trở thành cái là chính ngươi, và cũng là cái Ta muốn ngươi là.”

231. Hiểu rõ ‘Ta hiện hữu’, vượt ra khỏi nó và nhận ra cái Tuyệt đối. Chưa có ai diễn giảng giáo pháp này bằng một cách đơn giản đến như thế.

Bạn thấy mặt trời mọc và lặn mỗi ngày ở chân trời, nhưng liệu có phải thiên tượng này thực sự xảy ra như vậy không? Liệu có chân trời nào không? Bạn Có thể tìm cách đến gần chân trời nhưng chẳng bao

giờ đạt đến nó. Sự xuất hiện và biến mất của ‘Ta hiện hữu’ cũng giống như mặt trời mọc và lặn, thiên tượng này có vẻ như xảy ra ở chân trời nhưng thực ra không hề có chuyện như thế. Từ cái nhìn của Mặt trời – đứng tách rời ra – Mặt trời không hề biết mộc hay lặn. Mặt trời luôn luôn có đó, chiếu sáng trong sự rực rỡ huy hoàng của nó. Đây chỉ là một ví dụ tương tự để chúng ta có thể hiểu cái ‘Ta hiện hữu’, và cái hiểu này luôn luôn được Đạo sư nhấn mạnh. Cái hiểu sau đó được dùng làm nền tảng cho công phu – Sadhana được thực hành tiếp theo: an trú trong ‘Ta hiện hữu’, hay cái biết ‘Ta hiện hữu’ thiền quán chính nó. Đó là tất cả những gì cần phải làm. Nếu thực hành đúng và thành khẩn, nó sẽ đưa bạn đến đích cuối cùng: cái Tuyệt đối hay ‘Parabrahman’. Điều chắc chắn là giáo pháp vi diệu này không thể nào được diễn giảng bằng một cách đơn giản hơn.

-----o0o-----

Trích “Yếu Chỉ Giáo Pháp”

Tác giả: Nisargadatta Maharaj

Người dịch: Vũ An

Nhà Xuất Bản Hoàng Mai

Bài viết liên quan