TA LÀ AI? - TA LÀ CÁI ĐÓ - NISARGADATTA MAHARAJ

TA LÀ AI?

TA LÀ CÁI ĐÓ - NISARGADATTA MAHARAJ

–––––o0o–––––

Cái Thật dung chứa tất cả, chấp nhận tất cả, và làm cho tất cả đều thanh tịnh. Chỉ cái không thật mới khó khăn và là nguồn gốc của phiền trược. Cái không thật luôn luôn cần cầu, mong đợi, và đòi hỏi. Vì là hư giả nên nó rỗng tuếch, luôn luôn tìm kiếm sự xác nhận và bảo đảm.
TA LÀ AI? - TA LÀ CÁI ĐÓ - NISARGADATTA MAHARAJ

 Hỏi: Chúng tôi được khuyên là nên tôn thờ Thực tại, hiện thân là Thượng đế, hoặc Đấng Toàn Hảo, và được bảo là đừng tìm cách tôn thờ cái Tuyệt đối, vì điều này quá khó khăn đối với một ý thức tập trung trong não bộ.

 Maharaj: Cái Thật thì rất đơn giản và khai mở cho tất cả. Tại sao ông lại làm cho phức tạp? Cái Thật luôn luôn yêu và đáng yêu.

 Cái Thật dung chứa tất cả, chấp nhận tất cả, và làm cho tất cả đều thanh tịnh. Chỉ cái không thật mới khó khăn và là nguồn gốc của phiền trược. Cái không thật luôn luôn cần cầu, mong đợi, và đòi hỏi. Vì là hư giả nên nó rỗng tuếch, luôn luôn tìm kiếm sự xác nhận và bảo đảm. Nó rất sợ hãi và né tránh mọi sự tìm hiểu. Nó đồng hóa tự thân với bất cứ sự chống đỡ nào, dù yếu ớt hay tạm bợ đến đâu. Bất cứ gì nó có, nó đều đánh mất và đòi thêm. Do đó đừng tin vào ý thức. Bất cứ gì ông có thể thấy được, cảm thọ được, hay suy nghĩ được đều không phải như thế. Ngay cả tội lỗi và đức hạnh, giá trị và vô giá trị đều không phải là những gì mà chúng thể hiện bề ngoài. Thông thường cái xấu và cái tốt chỉ là vấn đề quy ước và tập quán, chúng bị xa lánh hay được tiếp đón tùy theo cách vận dụng ngôn từ.

 H: Thế không phải có những ham muốn tốt và xấu, cao thượng và thấp hèn?

 M: Tất cả ham muốn đều xấu, nhưng vẫn có những ham muốn xấu xa hơn những ham muốn khác. Theo đuổi bất cứ ham muốn nào cũng đều đem lại cho ông phiền trược.

 H: Ngay cả ham muốn không còn ham muốn?

 M: Tại sao lại ham muốn? Ham muốn một trạng thái không còn ham muốn không làm ông trở nên tự do. Không gì có thể làm ông tự do, vì chính ông là tự do. Chỉ thấy được ông bằng sự sáng suốt vô tham ái, thế là đủ.

 H: Để biết chính mình cần phải có thời gian.

 M: Thời gian có thể giúp gì cho ông? Thời gian chỉ là một chuỗi liên tiếp các khoảnh khắc, mà mỗi khoảnh khắc xuất hiện từ hư vô và biến mất vào hư vô, không bao giờ xuất hiện trở lại. Làm sao ông có thể xây dựng trên một cái gì vô thường đến như thế?

 H: Vậy cái gì thường hằng?

 M: Quay về với chính ông để tìm cái thường hằng. Lặn sâu vào bên trong và tìm ra cái chơn thật trong ông.

 H: Làm thế nào để tìm chính tôi?

 M: Bất cứ gì xảy ra, đều xảy ra đối với ông. Bất cứ gì ông làm, người làm ở trong ông. Tìm ra chủ thể của tất cả những gì là ông, một con người.

 H: Tôi còn có thể là một cái gì khác?

 M: Tìm xem. Dù Ta có bảo ông rằng ông là nhân chứng, là người quan sát thầm lặng thì cũng vô nghĩa đối với ông, trừ khi ông tìm ra con đường đưa đến sự hiện hữu của chính ông.

 H: Câu hỏi của tôi là: Làm sao tìm ra con đường đưa đến sự hiện hữu của chính mình?

 M: Buông bỏ tất cả các câu hỏi, ngoại trừ câu hỏi: “Ta là ai?” Xét cho cùng, điều duy nhất mà ông biết chắc chắn là chính ông hiện hữu. Cái “Ta là” thì chắc chắn. “Ta là cái này” thì không phải.

 Tinh tấn tìm cho ra cái ông là trong thực tế.

 H: Suốt 60 năm qua tôi đã chẳng làm gì khác hơn điều đó.

 M: Tinh tấn có gì là sai? Tại sao lại vọng cầu kết quả? Tự thân tinh tấn chính là bản chất chơn thật của ông.

 H: Tinh tấn thì đầy gian khổ.

 M: Ông biến nó thành gian khổ vì ông vọng cầu kết quả. Tinh tấn mà không vọng cầu, phấn đấu mà không tham lam.

 H: Tại sao Thượng đế lại sinh tôi ra như tôi là?

 M: Ông nói đến Thượng đế nào? Thượng đế là gì? Không phải Thượng đế chính là ánh sáng mà nhờ đó ông đặt câu hỏi? Tự thân “Ta hiện hữu” là Thượng đế. Tự thân sự tìm kiếm là Thượng đế. Trong khi tìm kiếm ông sẽ khám phá ra rằng ông không phải thân mà cũng chẳng phải tâm, và tình yêu cái Ta trong ông cũng là tình yêu cái Ta trong tất cả. Hai là một. Ý thức trong ông và ý thức trong Ta, rõ ràng là hai nhưng thật ra là Một. Hãy tìm ra tính Một duy nhất, và đó là tình yêu.

 H: Làm sao tôi tìm ra tình yêu đó?

 M: Ông yêu cái gì bây giờ? Cái “Ta hiện hữu”. Dành hết trái tim và tâm trí cho nó, đừng bận tâm đến bất cứ gì khác. Một khi không còn phải cố gắng và thật tự nhiên thì đó là trạng thái cao nhất. Trong trạng thái đó tự thân tình yêu vừa là người yêu vừa là người được yêu.

 H: Mọi người đều muốn sống, muốn tồn tại. Đó không phải là lòng yêu thương chính mình?

 M: Tất cả mọi ham muốn đều bắt nguồn từ cái Ta. Vấn đề là lựa chọn ham muốn đúng.

 H: Đúng hay sai thay đổi tùy theo thói quen và tập quán. Mỗi xã hội có những tiêu chuẩn khác nhau.

 M: Hãy quẳng đi tất cả những tiêu chuẩn có tính cách truyền thống. Cứ để chúng cho các nhà đạo đức giả. Chỉ cái gì giải thoát ông khỏi tham ái, lo sợ và tà kiến là cái tốt. Bao giờ còn ưu tư về tội lỗi và đức hạnh thì ông còn bất an.

 H: Theo tôi tội lỗi và đức hạnh chỉ là những mặc ước xã hội. Nhưng có thể có những tội lỗi tâm linh và đức hạnh tâm linh. Tôi muốn nói tâm linh là tuyệt đối. Liệu có cái như tội lỗi tuyệt đối và đức hạnh tuyệt đối?

 M: Tội lỗi và đức hạnh chỉ dùng cho con người. Nếu không có con người tội lỗi hay con người đức hạnh thì cái gì là tội lỗi, cái gì là đức hạnh? Ở bình diện tuyệt đối, không hề có con người; đại dương bao la của tánh biết thuần túy không đức hạnh mà cũng chẳng tội lỗi. Tội lỗi và đức hạnh luôn luôn là tương đối?

 H: Liệu tôi có thể buông bỏ những quan niệm không cần thiết như thế không?

 M: Bao giờ còn nghĩ ông là con người thì không được.

 H: Nhờ chỉ dấu nào tôi biết được tôi vượt ra khỏi tội lỗi và đức hạnh?

 M: Nhờ không còn tham ái và lo sợ, không còn ý nghĩ là một con người. Nuôi dưỡng những ý nghĩ như “Ta là kẻ có tội” là có tội. Đồng hóa chính mình với một cái gì đó riêng biệt là tất cả mọi tội lỗi. Cái phi nhân cách thì chơn thật, cái có nhân cách thì sinh diệt. “Ta là” là sự hiện hữu phi nhân cách. “Ta là cái này” là con người. Con người thì tương đối, còn hiện hữu thuần túy là căn nguyên.

 H: Chắc chắn sự hiện hữu thuần túy không phải là vô thức, và cũng không phải là vô phân biệt. Làm sao nó ở ngoài tội lỗi và đức hạnh? Xin vui lòng cho biết nó có trí tuệ hay không?

 M: Tất cả những câu hỏi vừa nêu lên đều khởi sinh từ sự tin tưởng rằng chính ông là một con người. Hãy thoát ra khỏi tính cách con người thì ông sẽ thấy.

 H: Một cách chính xác ông muốn nói gì khi bảo tôi chấm dứt là một con người?

 M: Ta không bảo ông chấm dứt hiện hữu – đó là điều ông không thể. Ta chỉ bảo ông chấm dứt tưởng tượng rằng ông đã được sinh ra, có cha mẹ, là một thân xác, sẽ chết đi, và vân vân. Hãy thử thực hiện một bước khởi đầu - nó không quá khó khăn như ông tưởng.

 H: Cho rằng mình có nhân cách là tội lỗi của cái phi nhân cách.

 M: Một lần nữa lại là cái nhìn của tính cách cá nhân ! Tại sao ông cứ khăng khăng làm nhiễm ô cái phi nhân cách bằng những ý nghĩ của ông về tội lỗi và đức hạnh? Tội lỗi và đức hạnh không áp dụng được đối với cái phi nhân cách. Cái phi nhân cách không thể được mô tả bằng những hình thức tốt và xấu. Hiện hữu – Trí tuệ - Tình yêu – tất cả là tuyệt đối. Phạm vi của tội lỗi ở đâu trong đó?

 Còn đức hạnh mới là sự đối nghịch của tội lỗi.

 H: Chúng ta đang nói về đức hạnh thiêng liêng.

 M: Đức hạnh chơn thật là đức hạnh thiêng liêng. Cái mà ông là thực sự là đức hạnh của ông. Còn cái đối nghịch với tội lỗi mà ông gọi là đức hạnh chỉ là sự vâng lời phát sinh từ sợ hãi.

 H: Vậy tại sao mọi cố gắng chỉ để trở nên tốt lành?

 M: Tất cả những cố gắng chỉ để duy trì ông tiến tới. Ông tiếp tục tiến tới cho đến khi tìm thấy Thượng đế. Rồi Thượng đế sẽ tiếp nhận ông vào trong chính Ngài – và làm cho ông như chính Ngài là.

 H: Cùng một hành động, được xem là tự nhiên vào một điểm, và tội lỗi ở một điểm khác. Cái gì làm cho nó trở nên tội lỗi?

 M: Bất cứ gì ông làm ngược lại với sự hiểu biết tốt lành là tội lỗi.

 H: Hiểu biết tùy thuộc vào ký ức.

 M: Nhớ cái Ta của ông là đức hạnh, quên mất cái Ta của ông là tội lỗi. Chung qui tất cả chỉ là sự nối kết tinh thần hay tâm lý giữa tâm và vật. Chúng ta có thể gọi sự nối kết đó là Psyche. Khi Psyche còn thô thiển, chưa phát triển, còn sơ khai, thì nó bị chi phối bởi những ảo tưởng thô thiển. Khi tâm thức tăng trưởng theo bề rộng và gia tăng độ bén nhậy, nó trở thành sự nối kết hoàn hảo giữa thuần vật chất và thuần tinh thần, và đem lại ý nghĩa cho vật chất và sự thể hiện cho tinh thần.

 Có thế giới vật chất – Mahadakash – và thế giới tinh thần – Paramakash. Ở giữa hai cái là tâm thức vũ trụ - Chidakash, cũng là trái tim vũ trụ - Premakash. Chính tình yêu sáng suốt làm cho hai cái thành một.

 H: Có người đần độn, có người thông minh. Sự khác biệt là Psyche của họ. Những người trưởng thành có nhiều kinh nghiệm phía sau họ. Cũng như một đứa trẻ lớn lên nhờ ăn, uống, ngủ và chơi đùa, thì Psyche của một người được định hình bởi tất cả những gì người ấy tư duy, cảm thọ và hành động, cho đến khi nó hoàn hảo để được dùng như một cây cầu giữa tinh thần và thể xác.

 Cũng như cây cầu nối liền sự lưu thông giữa hai bờ song, Psyche liên kết nguồn gốc và sự thể hiện của nguồn gốc.

 M: Gọi nó là tình yêu. Cây cầu là tình yêu.

 H: Xét cho cùng, tất cả đều là kinh nghiệm. Bất cứ gì chúng ta suy nghĩ, cảm thọ, và hành động đều là kinh nghiệm. Đằng sau là người kinh nghiệm. Như vậy, tất cả chúng ta biết gồm có hai yếu tố - người kinh nghiệm và kinh nghiệm. Nhưng thật ra hai là một – chỉ người kinh nghiệm là kinh nghiệm. Tuy nhiên, người kinh nghiệm lại cho rằng kinh nghiệm thuộc về bên ngoài. Cũng như thế, tinh thần và thể xác là một; chúng chỉ có vẻ như là hai.

 M: Đối với Tinh thần, không có cái gì là thứ hai.

 H: Thế cái thứ hai xuất hiện đối với ai? Theo tôi hình như tính nhị nguyên chỉ là một ảo tưởng được tạo ra bởi sự không hoàn hảo của Psyche. Khi Psyche toàn hảo, tính nhị nguyên không còn được thấy nữa.

 M: Quả là như thế.

 H: Tuy nhiên, tôi phải lập lại câu hỏi rất đơn giản: Ai tạo ra sự phân biệt giữa tội lỗi và đức hạnh?

 M: Kẻ nào có thân thì có tội với thân. Kẻ nào có tâm thì có tội với tâm.

 H: Nếu chỉ đơn thuần có thân và tâm không nhất thiết phải là tội lỗi. Phải có một yếu tố thứ ba ở ngay nguồn gốc của nó. Tôi vẫn tiếp tục trở lại câu hỏi về tội lỗi và đức hạnh này, vì ngày nay bọn trẻ cứ cho rằng chẳng có cái như là tội lỗi, nên chẳng cần phải câu nệ quá mà hãy sẵn sàng bắt kịp những ham muốn hiện tiền. Bọn họ phớt lờ truyền thống và uy quyền; chỉ có tư tưởng kiên cố và chân thật may ra mới có thể ảnh hưởng được họ.

 Nếu bọn họ có kiềm chế một số hành động nào đó thì chẳng qua là vì sợ cảnh sát chứ không phải vì sự tin tưởng. Chắc chắn là phải có một cái gì đó trong những gì họ nói, vì chúng ta có thể thấy các giá trị của chúng ta thay đổi từ nơi này đến nơi khác, và từ lúc này sang lúc khác. Chẳng hạn như chém giết trong chiến tranh là một đức tính anh hùng hôm nay, nhưng có thể bị coi là tội ác ghê tởm vào thế kỷ sau.

 M: Một người cùng di chuyển với trái đất chắc chắn sẽ trải qua ngày và đêm. Người nào ở cùng với mặt trời sẽ không biết bóng tối là gì. Thế giới của Ta không phải là thế giới của các ông.

 Theo như Ta thấy, các ông đang đóng trò trên sân khấu. Không hề có thực tế nào trong việc đến và đi của các ông. Mọi vấn đề của các ông chẳng thật chút nào !

 H: Có thể chúng tôi là những kẻ mộng du, hay đang ở trong ác mộng. Ông không thể làm gì được sao?

 M: Đây là điều Ta làm: Ta đã đi vào trạng thái chiêm bao của các ông và bảo: “Ngưng làm cho chính mình và tha nhân đau khổ, chấm dứt đau khổ và tỉnh thức.”

 H: Vậy tại sao chúng tôi không thức tỉnh?

 M: Các ông sẽ thức tỉnh. Không gì có thể ngăn trở Ta. Có lẽ phải cần một thời gian. Khi các ông bắt đầu đặt câu hỏi về giấc chiêm bao của chính mình thì sự tỉnh thức không còn bao lâu.

–––––o0o–––––

Trích: Ta Là Cái Đó

Tác giả: Nisargadatta Maharaj (1897 – 1981) 

Maurice Frydman dịch “I Am That” Từ tiếng Ấn sang tiếng Anh

Người dịch: Vũ Toàn

Nhà Xuất Bản Phương Đông

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan