MỐI QUAN HỆ GIỮA THỰC HÀNH ĐẠI VIÊN MÃN VÀ THỰC HÀNH PHẬT A DI ĐÀ - GARCHEN RINPOCHE - NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP

MỐI QUAN HỆ GIỮA THỰC HÀNH ĐẠI VIÊN MÃN

VÀ THỰC HÀNH PHẬT A DI ĐÀ

GARCHEN RINPOCHE - NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP

-------o0o-------

Tinh túy tâm giác ngộ của Phật A Di Đà và của tất cả các vị Bổn tôn là tánh không và từ bi.
MỐI QUAN HỆ GIỮA THỰC HÀNH ĐẠI VIÊN MÃN VÀ THỰC HÀNH PHẬT A DI ĐÀ - GARCHEN RINPOCHE - NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP

 

Câu hỏi: Mối quan hệ giữa thực hành Đại Viên Mãn và thực hành Phật A Di Đà là gì, thưa Rinpoche?

Garchen Rinpoche: Tinh túy tâm giác ngộ của Phật A Di Đà và của tất cả các vị Bổn tôn là tánh không và từ bi. Tại sao chúng ta cần tu tập pháp A Di Đà? Đó là bởi vì có nhiều nhân và duyên khác nhau dẫn đến cái chết. Và nếu vào thời điểm chết mà con không thể duy trì trong cái thấy nhận biết bản tâm thì con sẽ không đạt được giác ngộ trong giai đoạn trung ấm đầu tiên trong Pháp thân. Khi ấy con sẽ chuyển sang giai đoạn trung ấm tiếp theo. Lúc này con cần phải nhớ được Báo thân Phật, đó là giai đoạn sinh khởi, quán tưởng Bổn tôn. Vì thế khi có nhiều niệm tưởng trong tâm thì con cần nhớ nghĩ đến Bổn tôn như Phật A Di Đà.

Nếu con có thể luôn luôn an trụ trong cái thấy, chính bản tâm ấy là tâm giác ngộ – của Phật. Tâm ấy là bất nhị với tâm của đức Phật. Khi con an trụ trong cái thấy thì tâm con sẽ rất sáng tỏ. Bổn tôn không tồn tại tách biệt ở bên ngoài tâm con. Khi con an trụ trong bản tâm thì bản tâm ấy có bản tánh của Bổn tôn – không có Bổn tôn tách biệt bên ngoài. Khi con nghĩ về Bổn tôn, Ngài sẽ xuất hiện một cách sáng tỏ, giống như cầu vồng trên bầu trời, hay như sự phản chiếu trong một tấm gương sáng.

Có ba cấp độ và cơ hội để đạt giải thoát trong giai đoạn trung ấm. Cơ hội trong trung ấm đầu tiên là nhận biết bản tâm. Vào thời điểm của cái chết, nếu con nhận biết được bản tâm thì con sẽ đạt được giác ngộ trong Pháp Thân. Nếu con không nhận biết được bản tâm vào khi ấy, thì niệm tưởng khác sẽ xuất hiện – niệm tưởng về “tôi” sẽ sinh khởi và con nghĩ rằng “điều gì đã xảy đến với tôi?”. Khi sự bám chấp xuất hiện thì con cần phải chuyển hóa nó trở thành niệm tưởng thanh tịnh. Và khi đó điểm mấu chốt là nhớ về Bổn tôn, ví dụ như Phật A Di Đà. Nếu con có thể nhớ nghĩ đến Bổn Tôn hay Đạo Sư trong giai đoạn trung ấm thứ hai thì con sẽ được giải thoát vào Báo Thân Phật. Còn nếu con không thể nhớ nghĩ Bổn Tôn hay Đạo Sư vào khi ấy thì con sẽ tiếp tục đến cơ hội thứ ba trong giai đoạn trung ấm thứ ba. Đối với trường hợp này thì sự trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm hay tâm vị tha trong suốt cuộc đời con là điểm thiết yếu. Khi đó một số người sẽ được tái sinh trong cõi Tịnh độ, một số khác sẽ có tái sinh tốt đẹp trong thế giới này ở dạng Hóa Thân, do bởi Bồ Đề Tâm tương đối. Chúng ta thực hành nhiều pháp tu khác nhau bởi vì nếu một phương pháp không đạt được kết quả thì chúng ta cần phải có phương pháp khác. Chúng ta cần chuẩn bị cho mức độ tiếp theo. Đó là lý do tại sao chúng ta thực hành giai đoạn sinh khởi, tu tập quán tưởng, tu tập pháp chuyển di tâm thức v.v.

-------o0o-------

Trích: Ngọn Đèn Trí Huệ Tỏa Khắp

Tác Giả: Garchen Rinpoche

Ảnh: Garchen Rinpoche – nguồn internet

 

 

 

 

Bài viết liên quan