HOÀN TOÀN XÁC QUYẾT VÀO BẢN TÁNH NÀY - NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP - GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE

HOÀN TOÀN XÁC QUYẾT VÀO BẢN TÁNH NÀY

NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP - GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE

BÌNH GIẢNG VỀ “BA LỜI TUYÊN THUYẾT CỦA ĐẠI VIÊN MÃN DZOGCHEN”

Người dịch: Trần Thị Lan Anh

Hiệu đính: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức Tháng 5/2019

-----o0o-----

Những thực hành này giúp bạn “duy trì dòng tương tục của duy chỉ Pháp thân”. Thực hành như thế - tức là liên tục ở trong trạng thái vốn sẳn của bản thân thực tại, là sự hợp nhất bất khả phân của thiền chỉ và thiền quán, tinh túy của tánh giác vốn sẳn không tạo tác của trạng thái tự nhiên siêu vượt mọi thiết lập của khái niệm – là trái tim của mọi thực hành của những...
HOÀN TOÀN XÁC QUYẾT VÀO BẢN TÁNH NÀY - NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP - GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE

Lời tuyên thuyết thứ hai của ngài Garab Dorje là, “Hoàn toàn xác quyết vào bản tánh này.” Bây giờ tôi sẽ giải thích chi tiết thêm về cách để thực hành thiền định như thế:

Bạn phải tiếp tục thực hành cho đến khi Cái thấy và Thiền định trở nên tự duy trì. Để phân biệt giữa thiền định và sự tập trung, bạn cần hiểu là có thiền định của bản tánh Không tác ý và có thiền định do tâm tạo tác. Vào mọi thời điểm hãy ở trong một trạng thái mà thiền định giống như dòng chảy bền bỉ của một con sông. Thực ra tánh giác không bao giờ ngừng dứt. Xét ở góc độ thực hành thiền định, mặc dù chứng ngộ thâm sâu đạt được khi những hiện tướng từ pháp tánh trở nên cạn kiệt, tuy nhiên với hành giả sơ cơ thì nếu có thể trở nên thuần thục với bản tánh nền tảng thông qua việc an trụ trong tánh quang minh của căn bản nguyên sơ thì như thế cũng là đủ.

Không chế ngự sự sinh sôi của niệm khởi (là sự vận hành của suy tưởng) cũng không trưởng dưỡng sự tĩnh lặng (hay sự bình ổn), bạn hãy chỉ đơn giản duy trì sự nhận biết để khi tĩnh lặng xuất hiện thì đó cũng chính là Pháp thân, hay khi các ý niệm khởi sinh thì đó cũng là biểu hiện tự nhiên của trí tuệ - “dù rằng đó là trạng thái ý niệm sinh khởi hay trạng thái tĩnh lặng.” Từ năng lượng của tâm trạo cử, khởi sinh những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, bám luyến và từ đó tạo thành Tập Đế (chân lý về nguyên nhân của Khổ), cùng những cảm thọ như hạnh phúc và khổ đau – những thứ tạo thành Khổ Đế (chân lý về Khổ), Đạo Đế (chân lý về con đường tu tập) v.v. Tuy nhiên, dù bất kỳ loại cảm thọ nào khởi lên đi chăng nữa, nếu bạn có thể nhận biết được bản tánh của những niệm tưởng này, nền tảng từ đó niệm tưởng khởi hiện, là bản thân thực tại bấy giờ, những niệm tưởng cũng chỉ là dòng tương tục của Pháp thân, thậm chí ngay cả khi những niệm tưởng xuất hiện “dưới dạng giận dữ hay bám luyến, hạnh phúc hay khổ đau.”

Cho dù bạn có thể nhận biết Cái thấy siêu vượt tâm thức, nhưng nếu bạn không duy trì được Cái thấy ấy trong thiền định, nếu Cái thấy và Thiền định của bạn không đạt đến kinh nghiệm xác quyết, hoặc nếu bạn lại trượt vào dòng suy tưởng thường phàm của mê lầm thì những ý niệm sẽ trói buộc bạn vào luân hồi. Pháp và bạn sẽ tách rời và kết cục là bạn sẽ không khác gì một người thường phàm. Vì thế bạn cần phải không bao giờ tách lìa trạng thái tự nhiên vĩ đại của thiền định này, trạng thái thiền định không tác ý. Bạn cần thực hành điều đó “vào mọi thời điểm”. “Cho dù khi tâm tĩnh lặng hay thậm chí khi niệm tưởng sinh sôi, thì những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực đơn lẻ không bị chế ngự thông qua các phương pháp đối trị riêng lẻ, mà thay vào đó, có một phương pháp đối trị duy nhất mà lại đầy đủ để giải thoát mọi niệm tưởng và cảm xúc tiêu cực khởi sinh, phương pháp đó gọi là nhận biết Cái thấy đã được giới thiệu từ trước.

Điểm cốt tủy của giải thoát gói gọn vào trong trạng thái duy nhất này, “hãy nhận ra bản tánh Pháp thân mà bạn đã nhận biết từ trước.” Bất cứ niệm tưởng hay cảm xúc nào sinh khởi thì nó không khác gì trí tuệ của Pháp thân, nhưng bản tánh của những niệm tưởng này - của thần lực tự nhiên hay sự phô diễn tự nhiên này - là quang minh hiện thực của nền tảng Pháp thân. Sự nhận biết này được gọi là “Quang minh mẹ hiện diện như là nền tảng.” Nhận biết chân tánh của bạn – cái thấy quang minh tự rõ biết đã được Đạo sư giới thiệu từ trước – thì điều này được gọi là “con đường của sự thực hành tánh quang minh.” Ở trong trạng thái tự nhiên này, nơi mà cả hai – quang minh của nền tảng (tịnh quang mẹ) và quang minh của con đường (tịnh quang con) là bất khả phân, đây được gọi là sự gặp nhau của tịnh quang mẹ và tịnh quang con: “tịnh quang mẹ và tịnh quang con – đã quen thuộc - sẽ được hợp nhất trở lại.”

Theo cách này, hãy luôn tự nhớ về Cái thấy , chính là tánh quang minh tự nhận biết. Khi nghỉ ngơi trong trạng thái đó, bạn không nên phủ nhận hay khẳng định, không nên chối bỏ hay nhận lãnh, dù thế nào thì niệm tưởng và cảm xúc cũng chỉ là sự phô diễn tự nhiên của trạng thái đó: hãy nghỉ ngơi trong sự hiện diện của tánh giác vượt ngoài diễn tả. Vào lúc đầu, hãy duy trì trạng thái đó trong một thời gian dài. Kinh nghiệm về hỷ lạc, sáng rõ, vô niệm sẽ che phủ khuôn mặt của tánh giác nội tại của bạn. Do đó, nếu bạn giải thoát tánh giác khỏi những vỏ bọc kinh nghiệm đó và để trần trụi khuôn mặt nguyên sơ của tánh giác thì trí tuệ sẽ tự biểu lộ từ bên trong . Cái cần xuất hiện chính là trạng thái tự nhiên vô niệm y như nó là. Tinh túy của trạng thái này là kinh nghiệm vô niệm của tánh Không, của tánh quang minh rỗng không, một thần lực thẩm thấu sâu thẳm như hư không. Bản tánh của nó là kinh nghiệm về tánh sáng tỏ, thấu suốt toàn khắp, tỉnh giác và nhận biết – nó giống như vũ trụ của mặt trời và mặt trăng. Kinh nghiệm tánh giác bi mẫn năng động là một sức mạnh giải thoát. Nó siêu vượt khỏi lỗi lầm của hỷ lạc biến đổi – loại hỷ lạc phải chịu biến hoại, ngược lại kinh nghiệm này là trí tuệ của đại hỷ lạc. Như được dạy rằng: nếu sự phá tan [kinh nghiệm tạm thời] càng nhiều thì thiền định của hành giả du già càng tốt. Tương tự như thế nếu [các kinh nghiệm tạm thời] càng bị gián đoạn nhiều thì dòng chảy của suối nguồn càng mạnh mẽ.

“Đối với sự tĩnh lặng, hỷ lạc, sáng rõ: hãy liên tục phá tan chúng.” Bạn có thể hỏi “làm sao để phá tan chúng?” Bất cứ khi nào sự trải nghiệm tĩnh lặng, hỷ lạc hay sáng rõ xuất hiện, hay bất cứ khi nào bạn có cảm nhận an vui hay hạnh phúc thì đó là dấu hiệu của những ma gây chướng ngại, và đó là dấu hiệu của những kinh nghiệm tạm thời không đáng tin cậy. Có hai kiểu kinh nghiệm: kinh nghiệm thị kiến và kinh nghiệm tinh thần. Kinh nghiệm tinh thần thì cũng bao gồm hai loại: cảm thấy vui và cảm thấy hỷ lạc, cả hai đều dẫn đến sự trải nghiệm thay đổi. Vững vàng là một dấu hiệu bí mật. Khi những kinh nghiệm thế tục hay xuất thế bắt đầu xuất hiện thì ngay lập tức nhanh như tia chớp, bạn phải phá tan sự bám chấp vào kinh nghiệm với âm thanh “PHAT” oai lực. Âm thanh PHAT bao gồm hai âm tự: “pha-” (âm tự hội tụ phương tiện thiện xảo) và “-ta” (âm tự cắt bỏ của trí tuệ phân minh). Để phân biệt rõ ràng giữa kinh nghiệm tạm thời với sự chứng ngộ, hãy phá tan tất cả những kinh nghiệm của thân vật lý, của khẩu, của mắt, phá tan các kinh nghiệm thiền định do tâm thức tạo tác và kinh nghiệm của tâm lý trí. Hãy hòa nhập các kinh nghiệm với sự chứng ngộ “đột ngột đánh tan chúng nhờ chủng tự của phương tiện và trí tuệ.” Khi bạn không đánh mất tinh túy trọng yếu của kinh nghiệm cá nhân này, đồng thời bạn duy trì được tánh giác quang minh không thể diễn tả vào mọi lúc và mọi tình huống, thì khi đó thiền định và hậu thiền định sẽ không còn khác biệt. Hãy an trú “không có sự khác nhau giữa thiền định và hậu thiền định.” Đó là lý do tại sao thiền định trong thời khóa và thiền định khi tiến hành các hoạt động giữa các thời khóa trở nên hợp nhất không còn sự tách biệt – “không có sự phân cách giữa thời khóa và khoảng giữa các thời khóa”. Trong “đại thiền định không có bất cứ đối tượng nào để thiền”như thế, trong du-già (yoga) tựa dòng sông liên tục tuôn chảy của trí tuệ bên trong cân bằng, thì khi ấy không có dù chỉ là thứ vi tế nhất làm đối tượng của thiền định, và cũng không có bất kỳ một giây khắc nào của sự phân tâm. Đức Patrul Rinpoche đã nói rằng “Ta chưa từng thiền định, mà cũng chưa từng tách rời khỏi thiền định.” Như thế khi nói ta chưa bao giờ tách rời khỏi chân nghĩa của vô-thiền (không thiền định) nghĩa là “liên tục an trụ trong trạng thái bất khả phân này.”

Nếu hành giả là bình chứa thích hợp cho pháp tu Đại Viên Mãn tự nhiên, như đã được trình bày trong phần bình giảng, và nếu hành giả thuộc dạng giải thoát tức thời ngay khi nghe, thì người ấy sẽ trì giữ được nền tảng bổn nguyên – đó chính là tự tâm và là trí tuệ tự sinh khởi, vốn giải thoát trong thể trạng tự nhiên của nó. Vì thế, bất cứ thứ gì sinh khởi trong tâm hay hiện ra đối với người ấy thì đều xuất hiện như thể là sự phô diễn của trí tuệ. Do đó, “những hình tướng và tâm hợp nhất như sự hợp nhất giữa mẹ và con”, và “những hình tướng và tâm là đại giải thoát của nền tảng”. Du-già của sự giải thoát vô biên giống như mặt trời mọc lúc rạng đông, và vì thế, sự chứng ngộ là giải thoát không giới hạn, và sự tương tục của tánh giác là giải thoát vĩnh viễn. Đối với những dạng hành giả như thế, các tướng và tâm đều là đại giải thoát của nền tảng và bất cứ gì khởi hiện đều trở thành dòng tương tục của Pháp thân. Khi ấy chẳng có gì làm đối tượng cho thiền định, và cũng không có tâm nào thực hiện thiền định.

Những hành giả khác, những người kém may mắn hơn và thuộc dạng thứ lớp, có thể có được mức độ hiểu biết nhất định về “Cái thấy ” nhưng họ vẫn bị đầu hàng trước dòng niệm tưởng mê lầm. Những người này cần phải thực hành ba loại bất động6 cho đến tận khi họ đạt được sự ổn định, vững chắc.

Đạt được vững chắc, hay mức độ thuần thục của hành giả, có thể được nhận biết thông qua giấc mơ. Khi các hình tướng ban ngày dần dần tiêu tan thì quang minh cơ bản giống như mặt trời, siêu vượt ba trạng thái dao động, sẽ xuất hiện trực tiếp. Nếu bạn nhận ra tánh quang minh ấy, bạn là một thiền giả du-già. Nếu bạn không nhận ra tánh quang minh ấy, bạn sẽ rơi vào trạng thái vô minh, hay trạng thái trung tính của tâm nhị nguyên. Khi đó bạn phải tu hành đến khi đạt được vững chắc: “bằng mọi phương cách, cho đến khi đạt đượcvững chắc.” Về loại thiền định này thì chỉ khi những điều kiện thuận lợi cho việc nhập định - ví dụ như từ bỏ thế gian, từ bỏ lối suy nghĩ thường phàm, sống nơi ẩn thất, trì giữ giới luật - được hội tụ đầy đủ thì kinh nghiệm thực sự mới khởi sinh; bởi vì “điều cốt yếu là thiền định, tránh xa mọi sự phân tâm phù phiếm”. Khi thực hành thiền định, hãy phân định các thời khóa thiền chính thức với những thời gian giữa các khóa thiền. Hãy bắt đầu thời thiền với các pháp tu mở đầu như thông thường và sau đó tiến hành pháp tu chính là thực hành ba loại bất động. Và với tri giác thanh tịnh hãy làm tròn thời khóa bằng hồi hướng và phát nguyện. Mặc dù không có sự phân biệt giữa các thời thiền chính thức và hậu thiền định, nhưng nếu đầu tiên bạn không vững vàng trong thời khóa thiền chính thức thì bạn sẽ không thể hòa nhập được trí tuệ có được từ kinh nghiệm thiền định của mình vào trạng thái hậu thiền định. Như thế dù bạn có nỗ lực bao nhiêu để đưa các hoạt động thường nhật của mình vào đường tu thì những dòng niệm tưởng vô tận sẽ dẫn bạn trượt lại vào những thói quen kinh niên và tập khí tiêu cực. Vì thế việc “duy trì các thời thiền riêng biệt” là quan trọng.

Sau khi tổ chức việc tu tập của mình thành những thời khóa riêng biệt, bạn có thể có được một cách thức thực hành làm bạn tự tin rằng mình có thể duy trì được trạng thái thiền định trong thời khóa chính của mình. Tuy nhiên nếu bạn không biết cách để hòa nhập sự tu tập trong thời khóa với các hoạt động hậu thiền định và duy trì nó một cách liên tục thì việc tu tập thiền định sẽ không trở thành một đối trị khi các loại tình huống khác nhau trong thực tế nảy sinh mà ngược lại, các tình huống sẽ điều khiển suy nghĩ của bạn, và bạn trở thành thường phàm. Vì thế việc duy trì tánh giác quang minh trong trạng thái hậu thiền định “vào mọi thời điểm và mọi tình huống” là rất quan trọng. Không cần thiết phải tìm kiếm bất cứ đối tượng hỗ trợ gì khác để thực hành thiền định.

Khi ở trong trạng thái cân bằng của thiền định mà không tách rời cái thấy Pháp thân, hãy duy trì sự không vướng mắc đầy thảnh thơi đối với mọi hoạt động hay niệm tưởng; không khẳng định mà cũng không phủ nhận, hãy để chúng đến rồi đi, để chúng như chúng là, như đã được chỉ dẫn trong các pháp tu Trekcho (cắt đứt hoàn toàn) và Thrulzhig (mê lầm sụp đổ). Những thực hành này giúp bạn “duy trì dòng tương tục của duy chỉ Pháp thân”. Thực hành như thế - tức là liên tục ở trong trạng thái vốn sẳn của bản thân thực tại, là sự hợp nhất bất khả phân của thiền chỉ và thiền quán, tinh túy của tánh giác vốn sẳn không tạo tác của trạng thái tự nhiên siêu vượt mọi thiết lập của khái niệm – là trái tim của mọi thực hành của những loại tantra (mật điển) khác nhau trong Kim Cang thừa Thần chú Bí mật. Đó là trí tuệ tối hậu của quán đảnh thứ tư. Đó là phẩm tánh đặc biệt, là viên ngọc như ý của dòng truyền thực hành thuộc nhánh gần. Đó là tâm giác ngộ toàn thiện của tất cả các thành tựu giả và các dòng truyền thừa từ Ấn độ và Tây Tạng, ở cả hai truyền thống cựu dịch (Nyingma) và tân dịch (Sarma).Vì thế hãy xác quyết điều này với một sự tin tưởng tuyệt đối, và đừng đuổi theo thèm thuồng những giáo huấn khác như luận lý của Trung Quán. Nếu làm như thế thì cũng giống như khi bạn có con voi tại nhà mà lại đi tìm nó bằng việc theo dấu vết của nó trong rừng. Bị mắc bẫy trong lồng của những tạo tác do tâm trí thì giải thoát sẽ không bao giờ đến. Vì thế bạn cần phải đạt được kinh nghiệm xác quyết trong thực hành.

Giới nguyện (samaya) của quán đảnh chính là cái thấy . Vì thế cái được gọi là “samaya” chính là cái thấy chân tánh của bạn. Toàn bộ con đường được bao hàm trong đó, bắt đầu từ thọ giới quy y, thực hành Đạo sư du già, các giai đoạn sinh khởi và hoàn thiện, v.v.

Ngoài ra cần nhắc lại rằng lời chỉ dẫn thứ hai trong ba lời chỉ dẫn của Garab Dorje là “xác quyết rằng không có gì khác ngoài điều này.” Xác quyết rằng trí tuệ Pháp thân trần trụi, hiện diện một cách tự nhiên chính là trạng thái giác ngộ, một trạng thái chưa từng bao giờ mê lầm và hãy duy trì dòng tương tục của nó. Đây chính là điểm trọng yếu bí mật thứ hai. Vì điều này là cốt tủy: “Hoàn toàn xác quyết về bản tánh này chính là điểm trọng yếu thứ hai”.

-----o0o-----

Trích “Ngọn Đèn Trí Huệ Tỏa Khắp”

Tác Giả: Garchen Rinpoche

Người dịch: Trần Thị Lan Anh

Hiệu đính: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức Tháng 5/2019

NXB Thiện Tri Thức, 2019.

 

Bài viết liên quan