BẠN CẦN XÁC QUYẾT ĐƯỢC RẰNG CHÍNH TÂM BẠN LÀ PHẬT - NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP - GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE

BẠN CẦN XÁC QUYẾT ĐƯỢC RẰNG CHÍNH TÂM BẠN LÀ PHẬT

NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP - GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE

BÌNH GIẢNG VỀ “BA LỜI TUYÊN THUYẾT CỦA ĐẠI VIÊN MÃN DZOGCHEN”

Người dịch: Trần Thị Lan Anh

Hiệu đính: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức Tháng 5/2019

-----o0o-----

Nếu bạn nhận ra bản tâm thì những cảm xúc ô nhiễm chuyển hóa thành năm trí tuệ, và năm trí tuệ này có liên hệ đến năm uẩn. Khenpo Munsel Rinpoche bình giảng tiếp tục rằng:

Nếu bạn nhận biết tánh giác nền tảng từ đó vạn pháp khởi hiện thì vào lúc đó, mọi bám chấp sẽ được giải thoát vào trong tinh túy của năm thân Phật hay năm bộ Phật. Hãy áp dụng cách như thế đối với dục lạc và những phiền não v.v...

Khi chúng ta chứng ngộ bản tánh thuần tịnh của các uẩn, các căn, và các đại, thì khi ấy chúng ta sẽ chứng ngộ rằng bản tánh của mình chính là vị Bổn Tôn. Nếu không chứng ngộ bản tánh thật của mình, chúng ta sẽ tiếp tục trôi lăn trong luân hồi.

Hôm nay các bạn được giới thiệu về tánh giác nội tại và đây là tất cả những gì các bạn cần phải duy trì. Nếu bạn duy trì được tánh giác thì mọi bám chấp sẽ được giải phóng vào tinh túy của năm thân Phật hay năm bộ Phật. Tánh giác này giống như lửa, và năm cảm xúc ô nhiễm giống như củi. Hoặc, ví dụ, nó giống như những loại vải màu sắc khác nhau: trắng, vàng, đỏ, v.v. nếu bạn ném chúng vào lửa, tất cả vải đều cháy mà không có sự khác biệt về màu sắc gì chúng có trước đó. Cũng như thế, nếu bạn duy trì được tánh giác thì cảm xúc ô nhiễm sẽ trở thành trí tuệ. Chúng sẽ bị vô hiệu hóa cho dù chúng sinh khởi.

Chính vì vậy, “Hãy áp dụng cách như thế đối với dục lạc và những phiền não v.v.” Cho dù phiền não nào sinh khởi đi chăng nữa thì chỉ việc duy trì tánh giác cũng đủ là phương pháp đối trị duy nhất.

  • nghĩa thật sự của điều này chính là lời tuyên thuyết đầu tiên trong ba lời tuyên thuyết chỉ thẳng điểm cốt tủy. Nếu không có sự giới thiệu trực tiếp nhờ “Cái thấy” thì sẽ không tồn tại “nhân” cho việc tiếp tục duy trì trong trạng thái của tánh giác nhờ “Thiền định”. Vì thế việc được giới thiệu về Cái thấy ngay từ ban đầu là hết sức quan trọng.

Hơn nữa khi mà một người đã được giới thiệu về tánh giác nguyên sơ này – tánh giác tự có và hiện hữu ngay trong người ấy – thì sẽ không còn cái gì nữa để tìm kiếm nơi nào khác. Do đây không phải là việc tạo ra một cái gì trong tâm mà trước chưa từng có ở đó, nên bản văn nói rằng:

“Hãy giới thiệu trực tiếp bản thân khuôn mặt của tánh giác”.

Vào giai đoạn đầu, việc được giới thiệu về cái thấy là quan trọng: đó là tánh giác nội tại hiện hữu bên trong bạn và không tồn tại kiểu như một cái gì đó cần phải tìm kiếm bên ngoài. Đó không phải giới thiệu một thứ mới trong tâm mà trước đây chưa có. Nói về điểm này, ngài Tenpe Nyima bình giảng rằng:

Mặc dù sự biểu hiện tự nhiên của tánh giác phân minh và những niệm tưởng phóng dật hướng ra ngoài (trong thực tế, chúng là toàn hảo) trông có vẻ như nhau, nhưng sẽ là sai lầm nếu coi chúng là một. Khi được giới thiệu vào cái thấy, bạn cần vượt khỏi những chấp trước của ý thức.

Đầu tiên bạn cần phải nhận ra tánh giác của chính bạn. Bạn cần xác quyết được rằng chính tâm bạn là Phật – đây là tinh yếu của điểm thứ nhất. Tánh giác phân minh sẽ được tự động hoàn thiện khi một người đã thấy trực tiếp bản tánh của chính mình. Sau đó bất cứ điều gì mà người ấy làm thì trí tuệ sẽ tăng trưởng một cách tự nhiên.
BẠN CẦN XÁC QUYẾT ĐƯỢC RẰNG CHÍNH TÂM BẠN LÀ PHẬT - NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP - GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE

Đầu tiên bạn cần phải nhận ra tánh giác của chính bạn. Bạn cần xác quyết được rằng chính tâm bạn là Phật – đây là tinh yếu của điểm thứ nhất. Tánh giác phân minh sẽ được tự động hoàn thiện khi một người đã thấy trực tiếp bản tánh của chính mình. Sau đó bất cứ điều gì mà người ấy làm thì trí tuệ sẽ tăng trưởng một cách tự nhiên.

Liên quan đến câu “những niệm tưởng phóng dật hướng ra ngoài”,đức Milarepa đã bình giảng về điểm này như sau: “khi chân lý của bản tánh vô tạo tác xuất hiện, chớ theo đuổi những ngôn từ hay quy ước, mà hãy chứng ngộ được tinh túy của vô tạo tác.” Thông thường chúng ta thọ nhận những chỉ dẫn chỉ thẳng về bản tâm – chúng ta được hướng dẫn và giải thích, tuy nhiên chúng ta không nên bị phân tán tâm bởi những ngôn từ hay sự giải thích, vì điều này có thể dẫn đến hồ nghi và những suy nghĩ nó là thế này hay thế kia.

Tiếp theo, chúng ta đến điểm thứ hai – thực hành thiền định. Ở đây ngài Tenpe Nyima đã khuyên rằng:

Bạn phải tiếp tục thực hành cho đến khi cái thấy và thiền định trở nên tự duy trì. Để phân biệt giữa thiền định và tập trung, thì có thiền định dựa trên bản tánh Không tạo tác và cũng có thiền định do tâm thức tạo tác.

Và bản văn nói “hãy duy trì hay ở trong trạng thái mà thiền định giống như sự trôi chảy đều đặn của một dòng sông”. Khenpo Munsel Rinpoche đã nói trong một bản văn bình giảng của Ngài rằng:

Thực chất thì tánh giác là không ngừng. Xét ở góc độ thực hành thiền định, mặc dù chứng ngộ thâm sâu được thành tựu khi những hình tướng của Pháp tánh trở nên cạn kiệt, tuy nhiên ở góc độ của hành giả mới, thì việc thuần thục với bản tánh nền tảng thông qua việc an trú trong tánh quang minh của căn bản nguyên sơ là đủ.

Sau đó bản văn tiếp:

Không đè nén sự sinh khởi và vận hành của niệm tưởng, cũng không vun đắp sự tĩnh lặng; chỉ đơn thuần duy trì sự nhận biết rằng khi tĩnh lặng xảy ra thì đó chính là Pháp thân, khi niệm tưởng sinh sôi thì đó là sự biểu lộ tự nhiên của trí tuệ.

Điểm này liên hệ đến sự chứng ngộ của hành giả chứng ngộ tức thời. Đối với hành giả như thế, không có bất kỳ nghi ngờ gì về bản tánh chân thật. Dấu hiệu của điều này là cho dù hành giả ấy có đối mặt với điều gì đi chăng nữa – khó khăn, niệm tưởng, cảm xúc ô nhiễm v.v. – thì tâm vẫn luôn luôn duy trì trạng thái bất khả phân với hư không. Chẳng có gì có thể dịch chuyển sự rộng mở vô hạn (pháp giới) của hư không. Tương tự như thế không có gì có thể chuyển động được tâm. Như tôi đã nói trước đó, một ví dụ là cho dù điều gì xảy ra thì hành giả cũng không giận dữ.

Ví dụ, có một người học trò của đại thành tựu giả Chime Dorje Rinpoche, người học trò này khi còn nhỏ rất khó bảo. Cậu ấy đã giết hại nhiều con vật, luôn đánh nhau với những người bạn khác và thường xuyên gây ra vấn đề. Cậu ấy là một người liều lĩnh. Sau đó cậu gặp thầy Chime Dorje Rinpoche và thọ giới tăng sỹ. Cậu ta mù chữ, vì thế không thể học hành gì nhiều và không biết viết. Tất cả những gì cậu học là 37 Pháp tu Bồ Tát, và đối với bản văn này thì cậu phải thuộc lòng vì không biết đọc và viết. Người học trò này hoàn toàn hiểu ý nghĩa của 37 Pháp tu Bồ Tát và có thể ngồi thiền định cả ngày lẫn đêm bất kể người khác có nói gì với cậu, bất kể họ có chửi mắng hay nhạo báng cậu. Người ta gọi cậu bằng đủ thứ tên và thậm chí còn ném bẩn vào cậu ấy, nhưng cậu không bao giờ tức giận. Chẳng ai nhìn thấy người học trò này giận dữ cả, cậu ta chỉ mỉm cười. Sau đó người này bị nhà nước bắt và một tuần trước khi mất, anh ta bắt đầu gom lại tất cả đồ ăn của mình. Hôm cuối tuần vào ngày mất, anh đưa đồ ăn cho những người bạn tù, và sau đó ra đi trong tư thế ngồi thẳng như một bức tượng. Những người quản tù đánh và cố để húc ngã anh; họ nói những thứ tồi tệ với anh v.v. nhưng chẳng có gì có thể làm anh động đậy. Anh ngồi như pho tượng và ra đi trong khi thiền định vào buổi chiều tối hôm đó. Anh ấy đã trở nên nổi tiếng vì điều ấy, mặc dù anh không biết nhiều lắm về cái thấy – anh ta không nói nhiều mà chỉ thiền định. Dấu hiệu chứng ngộ của anh là sự vắng bóng hoàn toàn các cảm xúc ô nhiễm. Đó chỉ là dấu hiệu bên ngoài. Dấu hiệu bên trong là chẳng thứ gì có thể làm anh buồn hay xáo động, anh ấy không bao giờ tức giận. Anh ấy hoàn thiện sự kham nhẫn, trí tuệ và từ bi. Đây là những dấu hiệu quan trọng nhất của sự thành tựu.

-----o0o-----

Trích “Ngọn Đèn Trí Huệ Tỏa Khắp”

Tác Giả: Garchen Rinpoche

Người dịch: Trần Thị Lan Anh

Hiệu đính: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức Tháng 5/2019

NXB Thiện Tri Thức, 2019.

 

Bài viết liên quan