TRUNG ẤM CỦA CÁI CHẾT - TÔN SƯ GARCHEN RINPOCHE ĐỜI THỨ 8 - NHỮNG GIÁO LÝ PHOWA VÀ BARDO (TRUNG ẤM)

TRUNG ẤM CỦA CÁI CHẾT

TÔN SƯ GARCHEN RINPOCHE ĐỜI THỨ 8

NHỮNG GIÁO LÝ PHOWA VÀ BARDO (TRUNG ẤM)

--- o0o---

Trung ấm của cái Chết liên quan đến câu kệ trong Ba Mươi Bảy Pháp Tu Bồ Tát về vô thường
TRUNG ẤM CỦA CÁI CHẾT - TÔN SƯ GARCHEN RINPOCHE ĐỜI THỨ 8 - NHỮNG GIÁO LÝ PHOWA VÀ BARDO (TRUNG ẤM)

Bây giờ khi trung ấm của khoảnh khắc trước cái chết hiện lên cho tôi,

Tôi sẽ bỏ mọi bám nắm, khát khao và luyến ái,

Không phóng dật, đi vào trong tỉnh giác trong sáng của lời dạy,

Và phóng thức tôi vào không gian của tâm vô sanh;

Khi tôi bỏ thân máu thịt hợp tạo này,

Tôi sẽ biết nó là một ảo tưởng thoáng qua.

Trung ấm của cái Chết liên quan đến câu kệ trong Ba Mươi Bảy Pháp Tu Bồ Tát về vô thường: “Thân bằng quyến thuộc lâu năm rồi sẽ phải rời xa. Tài sản tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt rồi sẽ phải bỏ lại. Thức‐chỉ là khách trọ trong căn nhà thân xác - rồi sẽ phải ra đi. Từ bỏ đời sống này, đó là pháp tu của Bồ tát.”

Trung ấm của cái Chết bắt đầu với các dấu hiệu của cái chết và thậm chí là lão hóa - tóc của chúng ta bạc trắng, răng rụng, chân đau, đầu nặng trĩu, thị lực giảm, mọi chức năng trong thân thể đều suy giảm. Thật vậy, đây là thân thể bạn đang kêu lên, chuẩn bị từ bỏ; đây là những dấu hiệu cảnh báo rằng bạn phải từ bỏ. Những dấu hiệu của cái chết thực sự là thức của chúng ta đang kêu gọi chúng ta sẵn sàng từ bỏ. Vì vậy, tốt hơn là không nên dành nhiều thời gian để phàn nàn, mà là chuẩn bị cho việc khởi hành. Nhiều người đã tích lũy rất nhiều tài sản trong suốt cuộc đời của họ và tin rằng một lúc nào đó họ thực sự sẽ được hưởng tất cả những thứ này. Nhưng rồi họ chết và không thể mang theo bất cứ thứ gì khi họ ra đi. Nói chung, không có gì sai với việc có của cải, nhưng chúng ta không nên quá bám luyến vào chúng. Do đó, việc hiến tặng tài sản của mình khi người ta vẫn còn sống là một việc làm tốt. Trong tâm của bạn, bạn nên để mọi thứ trôi qua, buông bỏ mọi bám luyến. Bạn nên nghĩ rằng tương lai sau này, khi bạn chết đi, những tài sản này như là tiền bạc, nhà cửa, v.v..., nên là, ví dụ như mang lại ích lợi cho đất nước bạn, hay cho ai đó khác. Nếu bạn có một bức tượng, một bức thangka hoặc một hình ảnh của một vị Phật trên điện thờ của bạn, bạn nên nghĩ, “Mọi thứ tôi có, ngay cả thân thể và gia đình của tôi đều thuộc về ngài.” Nếu bạn thực hành theo cách này, thì sau này khi bạn chết, bạn sẽ chết thoát khỏi bám luyến. Trong trường hợp này, ngay cả khi bạn có hàng triệu đô la, đã cống hiến tất cả vì lợi ích của tất cả chúng sanh hoặc cho đất nước của bạn, thực sự không có hại gì khi có tất cả những khoản tiền này. Nếu bạn không bám vào chúng, thì chẳng có hại gì nếu chỉ có chúng. Nó chỉ có hại khi chúng ta vướng mắc vào những đối tượng này, chẳng hạn như của cải, tài sản, con cái, chồng hoặc vợ của chúng ta; khi tâm của chúng ta có và đồng nhất với chúng và xem chúng là rất quan trọng và quý giá đến nỗi chúng ta không thể buông bỏ chúng. Khi tâm không thể buông bỏ, điều này cực kỳ có hại. Yêu thương chúng thì tốt, nhưng bám luyến thì rất có hại, vì nếu chúng ta bám víu quá nhiều, thì sau này trong trung ấm, thức sẽ tiếp tục bám víu và chấp thủ vào một cái tôi, và do đó sẽ trải qua nhiều đau đớn và đau khổ. Ví dụ, khi một thành viên trong gia đình qua đời, đôi khi người ta mộng thấy người đã khuất, hoặc người đó xuất hiện với người ta trong một linh ảnh. Người ta có thể mộng thấy điều gì đó khủng khiếp đã xảy ra với mình, vân vân. Những hiện tướng và những giấc mộng này khởi sanh do sự bám luyến của chính chúng ta, sự tự chấp ngã của chính chúng ta. Đây là một điểm rất quan trọng cần hiểu vì nó sẽ giúp chúng ta cắt bỏ sự bám luyến.

Dòng thứ hai của câu kệ thứ tư viết, “Tôi sẽ bỏ mọi bám nắm, khát khao và luyến ái.” Đầu tiên, chúng ta bám nắm, sau đó chúng ta bám vào, và rồi chúng ta không thể buông bỏ. Chúng ta phải chắc chắn từ bỏ bám luyến. Khi chúng ta chỉ bám nắm, chúng ta còn có thể tỉnh giác được. Ví dụ, khi bạn thấy một đồ vật đẹp, bạn cần chánh niệm. Với chánh niệm, bạn biết rằng bạn đang bắt đầu trở nên bám luyến. Với tỉnh giác rõ biết này, bạn phải cắt đứt sự bám nắm, khi đó tâm không thể bám víu thêm nữa. Bám luyến là gì? Ví dụ, nếu bạn có một ngôi nhà đẹp, bạn sẽ luôn nghĩ về nó. Bạn không chỉ biết rằng bạn có ngôi nhà đó, mà bạn tiếp tục nghĩ về “ngôi nhà của tôi”. Khi sự bám luyến này vẫn còn trong tâm bạn, thì bạn có thể bị sanh ra như một con vật, chẳng hạn như con rùa mang ngôi nhà của mình trên lưng vì nó không thể rời khỏi ngôi nhà. Đây là hoạt động tinh vi của nghiệp, nhân và quả. Đức Jigten Sumgon nói, “Nghiệp chín thành là biểu hiện nhất thời của tư tưởng bên trong của người ta.” Các thân thể khác nhau của chúng sanh là sản phẩm của nghiệp do cá nhân họ tạo ra. Bạn nên xem xét điều này lặp đi lặp lại. Hoặc ví dụ, hãy quán tưởng rằng bạn có một đứa con mà bạn rất bám luyến. Do tâm bám luyến, bạn nghĩ đi nghĩ lại về đứa trẻ. Nếu bạn không thể ngừng nghĩ về đứa trẻ, thì bạn đã rơi vào vòng xoáy của sự bám luyến, một dạng bám luyến cực kỳ rối rắm. Sự bám luyến như vậy thực sự gây hại cho con bạn mặc dù bạn không thực sự muốn làm hại con. Ai có thể bảo vệ chúng ta khỏi điều này? Ngài Tara, Tam Bảo, Đức Phật. Nếu bạn dựa vào một vị Phật, bạn thực sự có thể giúp con bạn. Nhưng nếu bạn cố gắng sở hữu con mình, thì bạn chỉ đang bám lấy đứa trẻ. Càng đeo bám, bạn càng siết chặt sợi dây xung quanh con mình và bạn trở nên cứng như một khối băng. Mặc dù chúng ta yêu thương con cái của chúng ta, đôi khi cha mẹ yêu thương con cái của họ quá nhiều đến nỗi những đứa trẻ trở nên giống như tù nhân. Sẽ khiến bọn trẻ cảm thấy ngột ngạt, và chúng sẽ bắt đầu xem cha mẹ là kẻ thù của chúng. Sai lầm là sự bám luyến, khiến người khác cảm thấy không hạnh phúc, giống như những tù nhân. Rốt cuộc, đây là sai lầm của việc chấp ngã. Sau khi chúng ta chết, một kết quả tiêu cực sẽ chín muồi. Chúng ta phải hết sức cẩn thận và chắc chắn phải chấm dứt liên hệ với người khác bằng tâm bám luyến. Nhưng phương pháp để làm điều đó là gì? Đó là chánh niệm, tỉnh giác sáng tỏ, nhận biết mọi tư tưởng và cắt đứt sự bám luyến. Đây thực sự là một điểm rất quan trọng mà bạn chắc chắn nên ghi nhớ.

Về những tác hại của bám luyến, trong kinh điển có rất nhiều ví dụ, ví dụ như trong Kinh Người ngu si và Người khôn ngoan và những câu chuyện đời sống khác của Đức Phật. Kinh này kể về câu chuyện cổ của một cô gái đã bám luyến vào thân thể xinh đẹp của cô ta. Sau khi cô ta chết, thi thể của cô được chôn cất, và cô đã tái sanh thành một con rắn xâm nhập vào thi thể của cô. Đó là quả báo của nghiệp như vậy. Khoảnh khắc bạn nghĩ về điều gì đó mà bạn bám luyến vào, ngay lúc đó bạn đang trở thành một với đối tượng mong muốn của mình và không thể tách rời khỏi nó. Điều này gây ra bệnh tật, đau khổ và khó chịu cho chính bạn và những người khác, và bạn và những người khác sẽ không được giải thoát. Ví dụ, hãy tưởng tượng một cặp đôi yêu nhau. Lúc đầu, dường như có tình yêu mãnh liệt, nhưng tình yêu này phát triển thành sự chiếm hữu, từ đó ghen tuông khởi sanh. Cuối cùng, họ thậm chí có thể coi nhau như kẻ thù, và kết thúc bằng cách chia tay. Đây là sai lầm của bám luyến. Khi bạn đã bám luyến, ghen tuông và những phiền não khác sẽ tăng lên. Ví dụ, theo quan điểm của Phật giáo, chúng ta đọc Bài Cầu nguyện của Tịnh độ Tây Phương và chúng ta tư duy về những lợi ích của cõi Tịnh độ. Khi bạn sanh ra ở Tịnh độ Tây Phương, bạn thực sự có thể giúp đỡ người khác vì bạn đạt được địa Bồ tát đầu tiên và trở thành một Bồ tát. Một Bồ tát có thể làm lợi ích cho người khác bằng Bồ đề tâm. Bạn đến với Tịnh độ Tây Phương không phải vì bạn bám luyến với nơi này mà vì bạn quan tâm đến người khác.

Khi bạn nghĩ đến cái chết, bạn nên nghĩ “Nếu tôi chết đêm nay, tôi sẽ đi đâu?” Nếu bạn chết đêm nay bạn sẽ theo nghiệp của bạn. Hãy nhìn vào tâm bạn và thấy có bao nhiêu tình yêu thương và lòng bi mẫn khởi lên và bao nhiêu tư tưởng phiền não, mê lầm khởi sanh. Hầu hết những tư tưởng của chúng ta đều là phiền não và mê lầm. Ngay cả khi một tư tưởng tốt thỉnh thoảng khởi sanh, một tư tưởng bình thường khác sẽ xuất hiện ngay lập tức và tạo ra những cảm giác tiêu cực. Sau đó, một tư tưởng bất thiện hạnh khác xuất hiện theo sau, và cứ thế. Bây giờ, trước chúng ta khi chết, chúng ta vẫn có thể thay đổi những tư tưởng của mình nếu chúng ta nỗ lực. Sau khi chúng ta chết, chúng ta không thể làm điều đó nữa.

Những tư tưởng là nhất thời. Khi thức rời khỏi thân thể, trạng thái của tâm trong thời điểm đó là rất quan trọng vì nó sẽ xác định hướng chúng ta sẽ bị kéo tới. Ví dụ, giả sử bạn có một cái bình chứa đầy nước. Sau đó, chiếc bình bị vỡ. Trừ khi có một bình khác bên dưới hứng nước, nếu không nước sẽ rơi xuống đất và bị hấp thụ. Tương tự như vậy, khi thức rời khỏi thân thể, có thể dễ dàng rơi vào những cõi thấp. Thời điểm của cái chết là một thời điểm rất quan trọng.

Trạng thái của tâm ngay tại khoảnh khắc của cái chết có hậu quả rất cao. Vì vậy, chúng ta phải có một giáo huấn, nó giống như cái bình có thể giữ chúng ta nổi trong khoảnh khắc chìm này. Tốt nhất, nếu bạn có một Đạo sư gốc mà bạn tin tưởng và tận tâm kiên định, và Đạo sư này yêu thương bạn, thì bạn nên nghĩ đến Đạo sư này, và thế là đủ. Hoặc nếu bạn có một Bổn tôn, bạn có thể nhớ Bổn tôn đó. Nếu bạn tập trung tâm vào điều này ngay bây giờ, thì ngay cả khi cái chết ập đến bất ngờ, chẳng hạn như bạn bị tai nạn xe hơi, bạn sẽ ngay lập tức nhớ đến Đạo sư hoặc Bổn tôn và được an toàn. Sau đó, bạn cũng sẽ có thể nhớ Đạo sư hoặc Bổn tôn trong trung ấm. Vì mục đích này, chúng ta cần phải thực hành khi còn sống.

Nếu có Bồ đề tâm vào lúc chết, tâm sẽ theo thiên hướng này. Khi sự chấp ngã mạnh mẽ hơn, bạn sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chết với trạng thái tâm tiêu cực. Sau đó thức sẽ rời khỏi thân thể qua một cánh cửa bất tịnh. Bạn nên cân nhắc điều này. Một khoảnh khắc của thiện hạnh, của Bồ đề tâm, có thể khiến bạn trở thành một vị Phật. Một khoảnh khắc bất thiện hạnh sẽ khiến bạn rơi xuống ba cõi thấp. Do đó, điều quan trọng là bạn quen thuộc mà không trì hoãn các giáo huấn mà bạn đã nhận được.

Dòng thứ ba trong câu kệ thứ tư hướng dẫn chúng ta “Không phóng dật đi vào trong tỉnh giác trong sáng của lời dạy, và phóng thức tôi vào không gian của tâm vô sanh”. Đây là những giáo huấn cho sự chuyển di của thức, hay Phowa: Đầu tiên, có Phowa Pháp thân. Ở đây, người ta vẫn kiên định trong tánh giác sáng tỏ. Thứ hai, có Phowa Báo thân. Điều này đề cập đến sự quán tưởng của Bổn tôn, giai đoạn phát sanh. Thứ ba, việc trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn là Phowa Hóa thân.

Về Phowa Pháp thân, không thể tách rời khỏi tánh giác sáng tỏ tự biết là cái thấy của Đại ấn. Đó là sự chứng ngộ bản tánh của tâm. Khi những tư tưởng trong quá khứ không còn và những tư tưởng trong tương lai vẫn chưa khởi sanh, có một khoảng trống ở giữa các tư tưởng, và không gian đó là sự hợp nhất của tánh giác sáng tỏ và tính Không, an trụ như không gian. Ở đó, mọi sự nắm bắt tự nhiên tan biến, và bạn chứng ngộ bản tánh vô sanh của tự tâm.

Bản tánh thực sự của tâm là không sanh, không diệt và không trụ. Tâm vượt lên trên trí năng và do đó không thể được thực hiện bằng trí năng. Tâm không phải là một đối tượng của việc nghiên cứu bằng trí năng. Nếu bạn cố gắng để nguyên cứu về tâm bằng trí năng, bạn sẽ trở nên phiền não. Khi bạn thực sự thấy bản tánh của tâm, bạn nên áp dụng một phương pháp để tiếp tục an trụ bên trong nó. Khi bạn luôn an trụ trong nó, mọi nghi ngờ sẽ tự biến mất, thông qua sức mạnh của tánh giác. Như vậy, từ khởi thủy tâm là vô sanh. Chúng ta không thể xác định tâm xuất phát từ đâu. Nó giống như hỏi không gian đến từ đâu. Không ai có thể trả lời câu hỏi này, bởi vì không ai có thể xác định không gian bắt đầu từ đâu. Ở giữa, tâm không ngừng; nó không bao giờ đi đâu cả hoặc ngừng dứt. Nó không ngừng bởi vì các hiện tượng của sanh tử và Niết bàn tiếp tục xuất hiện như những cầu vồng trên bầu trời. Tâm là vô hạn, nó không bao giờ ngừng dứt. Tâm cũng không trụ vào đâu. Bạn không thể định vị tâm và xác định nó đang ở đâu. Tâm ở đâu? Không có hiện tượng như tâm có thể được tìm thấy. Một số nhà khoa học tin rằng tâm nằm trong bộ não; những người khác cho rằng tâm ở trong trái tim, nhưng thực ra nó không thể được định vị. Tâm tỏa khắp tất cả như không gian.

Giáo huấn Phowa được tìm thấy trong dòng thứ tư của câu kệ thứ tư: “Và phóng thức tôi vào không gian của tâm vô sanh.” Không gian bên ngoài và tâm bên trong đều tỏa khắp; do đó, chúng là bất nhị. Chỉ do chấp ngã, nghiệp và những dấu ấn thói quen, tâm tạm thời trở nên như một khối băng. Nhưng bản tánh thực sự của nó là tỏa khắp tất cả; nó không khởi sanh hoặc hiện hữu, và nó không ngừng dứt. Khi bạn thấy bản tánh của tâm như nó là, và xác quyết rằng đây là bản tánh thực sự của tâm, thì bạn không cần phải làm gì khác. Đức Jigten Sumgon đã nói, “đời sống này, trung ấm và những đời sống tương lai là một.” Sự hiểu biết này đã giải tỏa nhiều nghi ngờ đối với cá nhân tôi, bởi vì chúng ta có xu hướng tin rằng cuộc đời này là có thật và không có gì khác là có thật ngoài đời sống này. Chúng ta nghĩ rằng đời sống tương lai không quan trọng vì nó có vẻ không thực. Thực tế, đời sống này và những đời sống tương lai đều như nhau; không có sự phân biệt giữa chúng. Tâm thoát khỏi sanh, trụ và  diệt. Đây là cái thấy chính yếu và đầy đủ nhất. Thứ hai, nếu chúng ta có thể chứng ngộ bản tánh quang minh của tâm trong trạng thái ngủ sâu, chúng ta cũng sẽ có thể chứng ngộ trạng thái tự nhiên sau khi chết khi chúng ta đạt đến bản tánh nền tảng của tâm. Nếu bạn chứng ngộ nó, bạn sẽ đạt được giác ngộ trong Pháp thân; trong trường hợp này, bạn không cần bất kỳ giáo huấn nào khác. Khi bạn đạt được giác ngộ trong Pháp thân, bạn sẽ hiển lộ một cách tự nhiên Hóa thân và Báo thân để hành động vì lợi ích của người khác. Đây là trạng thái của Phật tánh. Khi nói, “không gian bên ngoài và tâm bên trong là một,” bản văn chỉ ra bản tánh bất nhị của tâm: không có ai là người thiền định và không có gì để thiền định.

Có nhiều người không thể kết nối với bất kỳ giáo huấn nào trong số này. Đối với họ, có giáo huấn thực hành khác được gọi là Phowa của ba tri giác. Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng ta phải trưởng dưỡng đức tin nơi Tam bảo và Đức Phật A Di Đà. Sau đó, tri giác đầu tiên là nhận ra đức Phật A Di Đà và cõi Tịnh độ Dewachen là đích đến, ghi nhớ những phẩm tính của nơi này và nghĩ về sự đau khổ của thế giới này. Trong cõi Tịnh độ Tây Phương, hạnh phúc khởi sanh dễ dàng nhờ sức mạnh của Bồ đề tâm. Điều này không giống như hạnh phúc mà chúng ta kinh nghiệm trong thế giới của chúng ta. Con người chúng ta kinh nghiệm một số hạnh phúc, nhưng nó không bao giờ đến mà không gặp khó khăn. Đầu tiên, bạn nên có một ước muốn đến đó. Tri giác thứ hai là xem kinh mạch trung ương của bạn là con đường để tiếp tục. Thân thể của chúng ta có tám cánh cửa bất tịnh và chỉ có một cánh cửa thanh tịnh để thức ra đi khi chết. Nếu thức đi qua bất kỳ cửa nào trong tám cánh cửa bất tịnh, hành giả sẽ bị sanh vào bất kỳ trong sáu cõi sanh tử luân hồi. Vì lý do này, khi chúng ta nhận được Lời nguyện Quy y, chúng ta sẽ được cắt một lọn tóc từ đỉnh đầu của mình. Đặt ở vị trí các điều kiện thuận lợi để mở ra lối vào kinh mạch trung ương, đang mở tại đỉnh đầu. Mở ra con đường để giải thoát. Do đó, kinh mạch trung ương được gọi là kinh mạch trí huệ. Nó là liên kết nối chúng ta với chư Phật. Tri giác thứ ba là xem thức của bạn như người du hành sẽ đi tiếp, những người này sẽ không ở lại cuộc đời này. Vì vậy, chẳng ích lợi gì khi bám luyến với cuộc đời này. Bạn nên nghĩ, “Tôi thà đi đến cõi Tịnh độ Tây Phương hơn là ở lại đây.” Ví dụ, nếu bạn đang ở một đất nước nghèo, bạn sẽ muốn đến một đất nước khác để tị nạn. Có nhiều hệ thống Phowa đa dạng và phong phú trong các dòng truyền thừa khác nhau. Nhưng tóm lại, bạn nên quán tưởng đức Phật A Di Đà phía trên đỉnh đầu và sau đó quán tưởng thức của bạn di chuyển qua kinh mạch trung ương lên đến đỉnh đầu. Sức mạnh di chuyển đó là đức tin, khát vọng và mong muốn của bạn để đi đến Tịnh độ Tây Phương. Vì vậy, điều quan trọng là phải trưởng dưỡng đức tin và sự tin tưởng nơi đức Phật A Di Đà, và có một mong muốn đi đến cõi Tịnh độ Tây Phương. Phật A Di Đà thì rất mạnh mẽ, và dễ dàng hơn để được sanh ra trong cõi Tịnh độ của ngài hơn những cõi khác.

Theo nguyện vọng của chính ngài, thông qua thực hành Phowa, người ta có thể được sanh ra trong Tịnh độ Tây Phương. Tuy nhiên, nếu người ta thực hành Phowa mà không có Bồ đề tâm, người đó sẽ bỏ lỡ một trong những nguyên nhân để sanh ra trong Tịnh độ Tây Phương. Trên thực tế, Bồ đề tâm tạo ra cõi Tịnh độ một cách tự nhiên. Do đó, nếu bạn chỉ quán tưởng các kinh mạch và khí, thiếu Bồ đề tâm, thì sẽ có vấn đề là liệu bạn có thực sự chuyển di thức của mình đến Tịnh độ Tây Phương hay không. Bồ đề tâm là điều cốt yếu để được sanh ra ở Tịnh độ Tây Phương. Nếu bạn phát khởi Bồ đề tâm với lòng sùng mộ nhất tâm đối với đức Phật A Di Đà, thì chắc chắn bạn sẽ được sanh về Tịnh độ Tây Phương. Điều quan trọng là phải khao khát đi đến những cõi Tịnh độ để làm lợi ích cho chúng sanh. Tương tự như vậy, tất cả chúng sanh với lòng hận thù trong tâm của họ cùng tạo ra các cõi địa ngục. Tất cả những người có lòng tham lam và hám lợi cùng đến trong cõi quỷ đói. Ví dụ, hãy xem xét một gia đình có hai trẻ em. Một đứa trẻ có thể trở nên giàu có, học thức và quyền lực trong khi đứa trẻ kia có thể gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Mọi thứ đều tuân theo quy luật của nghiệp. Tóm lại, nghiệp thì được xác định bởi ý định của người ta, cho dù đó là vị tha hay ích kỷ và đau khổ.

Trong Phật giáo, có hai phương tiện. Đầu tiên, có “thừa nhân của những đặc tướng” hay thừa kinh điển. Trọng tâm chính của nó là những giáo huấn về nghiệp, nhân và quả. Nếu bạn thực sự tin tưởng vào nghiệp và cẩn thận để hành động phù hợp, thì bạn sẽ có thể hiểu được sự quý báu của tình yêu thương. Theo kết quả của trau dồi tình yêu thương, cuối cùng bạn sẽ chứng ngộ chân lý tối hậu, rằng không có cái tôi. Bạn chứng ngộ điều này trên nền tảng của lòng bi mẫn. Khi không có cái tôi, không có nhân. Nếu nhân là không có, quả cũng sẽ không có. Trạng thái giác ngộ vượt qua mọi nhân, bởi vì không còn nhị nguyên nữa. Trong thực tại sự thật, chỉ có tánh giác bất nhị.

Dòng thứ năm của câu kệ trên Trung ấm của cái Chết nói về sự không bám luyến vào thân thể của người ta: “Khi tôi bỏ thân máu thịt hợp tạo này, tôi sẽ biết nó là một ảo tưởng thoáng qua.” Khi chúng ta học Pháp, chúng ta tìm hiểu về đời người quý báu khó tìm được này. Chúng ta cũng tư duy về cái chết và sự vô thường để từ bỏ sự bám luyến vào thân thể. Trong bối cảnh này, chúng ta tư duy về thân thể là cơ sở của việc trải qua nhiều bệnh tật, đau khổ và đau đớn. Tự tâm là không bao giờ bị bệnh hoặc đau đớn. Do đó, chúng ta tư duy về những thiếu sót của thân thể, rằng nó bao gồm nhiều chất bất tịnh và đó là cơ sở của mọi đau khổ. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể tách thân thể khỏi tâm. Một số người lưu ý việc quán tưởng về Phowa, chẳng hạn như các kinh mạch, vân vân là rất quan trọng; họ tin rằng mọi thứ phụ thuộc vào điều đó. Họ quán tưởng các kinh mạch một cách rõ ràng, di chuyển mạnh những khí lên và hét to “Phet”, có lẽ họ tin rằng nếu họ hét to hơn và ép khí nhiều hơn, thức sẽ di chuyển lên dễ dàng hơn. Điều quan trọng là phải biết rằng có hai loại khí. Có những khí thô - hơi thở của người ta – và có những khí tâm vi tế, bao gồm cả năng lượng duy trì sự sống. Khi bạn phát khởi Bồ đề tâm và chứng ngộ bản tánh của tâm, tâm - các khí chuyển thành các khí - trí huệ. Dù tâm đi đến đâu, thì những khí vi tế duy trì sự sống sẽ theo đó. Khí thô, hơi thở của chúng ta, chỉ là một hỗ trợ. Trên thực tế, thức được di chuyển thông qua sức mạnh của sự quán tưởng, lòng sùng mộ và niềm tin. Nếu bạn chỉ hét lên “Phet” và bắn những khí lên một cách mạnh mẽ, đó chỉ ép lấy hơi, việc thực hành sẽ kém hiệu quả hơn và nó thực sự có thể gây ra tất cả các loại vấn đề về thể chất, chẳng hạn như những khí di chuyển vào não của bạn, và vân vân. Vì vậy, chúng ta nên cẩn thận với những khí thô.

Hãy nhớ rằng nó chính yếu là lòng sùng mộ và niềm tin rằng nguyên nhân những khí tinh tế di chuyển lên. Nhớ nghĩ hết lòng về Đức Phật A Di Đà sẽ làm cho tâm di chuyển lên, và bất cứ nơi nào nó đi, những khí sẽ đi theo. Những dấu hiệu khác nhau cho thấy thực hành hiệu quả có thể xảy ra, chẳng hạn như đau đầu, và vân vân. Có nhiều phương pháp khác nhau để mở lối vào của kinh mạch trung ương. Ngay cả khi bạn không thực hành một quán tưởng mạnh mẽ, bạn nên luôn tập trung tâm của mình ở rốn. Sau khi hít vào, giữ lại những khí đó trong một thời gian ngắn và nghĩ rằng một ống màu xanh lá cây, mỏng như một cây kim, di chuyển qua kinh mạch trung ương, kéo dài từ rốn lên đỉnh đầu. Nghĩ rằng nó xuyên qua đỉnh đầu và mở nó. Để xem lại, tại thời điểm của cái chết, trong sự tan rã, có những thị kiến khác nhau sẽ hiển hiện do quá trình tan rã. Sẽ có những kinh nghiệm về sắc trắng, sắc đỏ và bóng tối. Điều này cũng xảy ra trước khi chúng ta rơi vào trạng thái ngủ sâu, sau khi chúng ta đã mộng. Tuy nhiên, khi chúng ta chết, những thị kiến này xuất hiện trong một khoảng thời gian dài hơn. Khi bóng tối xuất hiện, chúng ta thường rơi vào vô ý thức, vào trạng thái ngủ sâu. Khi chúng ta chết, chúng tôi cũng rơi vào vô ý thức. Đây là thời điểm khi thức tách khỏi hơi ấm và sự sống kết thúc. Chúng ta chết bởi vì thức tách khỏi năng lượng ấm áp. Sống có nghĩa là phải có hơi ấm. Người ta không thể chết trừ khi người ta tách khỏi hơi ấm năng lượng sống. Khi người ta đã tách khỏi hơi ấm năng lượng sống, người ta thức tỉnh trong trung ấm đầu tiên, Trung ấm Pháp thân. Như chúng tôi đã đề cập trước đây, nó tương tự như trạng thái ngay trước khi rơi vào trạng thái ngủ sâu; bạn đi đến bản tánh thực sự của tâm, cho đến khi tư tưởng tiếp theo khởi sanh. Tương tự như vậy, khi chúng ta chết, mọi thứ tan biến, và chúng ta đi đến bản tánh của tâm. Sẽ có một thị kiến giống như bầu trời sáng sớm, không mây, không mặt trời và mặt trăng. Điều này xảy ra khi bản tánh Pháp thân thực sự hiển lộ. Nếu người ta chưa thực hành trong đời sống của mình, người ta sẽ không nhận biết nó, và những tư tưởng sẽ một lần nữa khởi sanh, bắt đầu với những khái niệm về “tôi” và sự hoang mang chẳng hạn như nghĩ “điều gì đã xảy ra với tôi?” Những khái niệm này che khuất tâm, và rồi tất cả các dấu ấn nghiệp đã tích lũy từ vô thủy trong sanh tử trở lại. Tuy nhiên, những điều này chỉ hiện hữu trong “cái tôi”. Một số người biết rằng họ đã chết; người khác không nhận biết nó ngay lập tức. Có một cuốn sách tên là “Giải thoát bằng cách nghe trong Trung ấm” giải thích toàn bộ quá trình này. Ngoài ra còn có một cuốn sách khác, một bài bình luận do ngài Sogyal Rinpoche viết, mà tôi đã tự đọc: Sách Tây Tạng về sự Sống và cái Chết. Đó là một cuốn sách tuyệt vời cung cấp một mô tả rất rõ ràng. Sau khi tan rã, chúng ta đến với Phật tánh của mình, Phật thực sự. Nếu nghiệp của chúng ta bất tịnh, thì năm phiền não sẽ lại khởi sanh. Trong thực tại, năm phiền não này là năm trí huệ.

Nếu người ta không nhận biết điều này, người ta sẽ chuyển sang trung ấm tiếp theo, Trung ấm Trở thành. Tại đây nhiều vị Phật sẽ xuất hiện như Ngũ Trí Như Lai. Mỗi ngày một vị Phật khác nhau xuất hiện và những vị Phật này thực sự là những biểu lộ tự nhiên của năm trí huệ. Có ba loại chúng sanh không tiến tới Trung ấm Trở thành. Thứ nhất, nếu người ta đạt giác ngộ trong Pháp thân, các Bổn tôn hòa bình và hung nộ sẽ không xuất hiện.Thứ hai, nếu một người nào đó đã vô cùng tội lỗi, người ta sẽ trực tiếp rơi vào ba cõi thấp, và các Bổn tôn trung ấm sẽ không xuất hiện. Thứ ba, nếu người ta kinh nghiệm một cái chết đột ngột, một cái chết bất ngờ, chuyển di thức trung ấm ngay lập tức. Nếu không, các Bổn tôn hòa bình và hung nộ sẽ xuất hiện dần dần, khi nhiều tuần trôi qua. Đầu tiên, các Bổn tôn hòa bình sẽ xuất hiện. Đây thực sự là liên quan đến một thực hành Dzogchen (Đại toàn thiện) được gọi thogal (băng qua trực tiếp), nơi mà người ta tập nhận biết rằng tất cả những lần xuất hiện đều là những phóng chiếu của tâm người đó. Nhận biết chúng như vậy, người ta có thể được giải thoát. Nếu người ta không nhận biết những thị kiến này là những phóng chiếu của tâm mình, người ta cũng sẽ không thể nhận biết các Bổn tôn hòa bình, và do đó, người ta sẽ không được giải thoát. Khi các Bổn tôn hung nộ xuất hiện, việc nhận biết họ và được giải thoát sẽ trở nên khó khăn hơn, vì nỗi sợ hãi sẽ xuất hiện khi bắt gặp những thị kiến đáng sợ của những Bổn tôn hung nộ.

Khi chúng ta làm theo những nỗi sợ hãi này, phiền não trở nên mạnh mẽ hơn, và các dấu hiệu về sự tái sanh trong tương lai của chúng ta sẽ xuất hiện, và theo những thị kiến này, chúng ta lại sanh ra ở đâu đó trong sanh tử.

---

Bài viết liên quan