MƯỜI BƯỚC THỰC HÀNH TÍN TÂM - TRỞ VỀ YÊN LẶNG - DAININ KATAGIRI

MƯỜI BƯỚC THỰC HÀNH TÍN TÂM

TRỞ VỀ YÊN LẶNG

DAININ KATAGIRI

Thái An dịch

---o0o---

Đức tin là một điều hơn cả những gì chúng ta đã nghĩ. Nó là gì? Nó là trạng thái tuyệt đối hoặc nguyên sơ của tồn tại.
MƯỜI BƯỚC THỰC HÀNH TÍN TÂM - TRỞ VỀ YÊN LẶNG - DAININ KATAGIRI

Trong kinh sách Phật giáo, từ “đức tin” có nhiều ý nghĩa. Trong tiếng Phạn, ba từ với ba ý nghĩa căn bản của đức tin là shraddhā, prasādha và adhimukti. Từ thứ nhất, shraddhā, nghĩa là sự tin cậy, tin chắc, tin tưởng. Khi lắng nghe giáo pháp của Phật, tự nhiên chúng ta có một cảm giác chắc chắn và đáng tin. Thuật ngữ thứ hai là prasādha, nghĩa là trải nghiệm niềm vui và sự hài lòng thông qua shraddhā. Khi có sự tin tưởng và chắc chắn trong cuộc sống, tự nhiên niềm vui và sự hài lòng nổi lên. Nó đến từ một đời sống tu hành vững vàng, kiên định, bất thoái chuyển. Đây là prasādha. Thuật ngữ cuối cùng, adhimukti, nghĩa là đức tin, sự tin tưởng và thấu hiểu. Tuy nhiên, hiểu Phật giáo không có nghĩa là hiểu bằng kiến thức, mà là chấp nhận hoặc đón nhận điều gì đó với một cảm giác tin tưởng mạnh mẽ. Ví dụ, nếu lắng nghe lời Phật dạy, đôi lúc chúng ta hiểu và nói: “À, đúng rồi”. Điều này trỗi dậy từ trong tâm. Đây là hiểu. Nên adhimukti nghĩa là tin mà cũng hiểu. Mục tiêu cuối cùng là sự nương tựa tâm linh, trong đó chúng ta chấp nhận sự siêu phàm của lời Phật dạy và đời sống của Phật. Khi ấy, chúng ta có thể dựa vào giáo pháp của ngài, vào cuộc sống của ngài với sự tin tưởng trọn vẹn. Sự tin tưởng này không chỉ là hiểu về lý trí, mà còn thông qua trải nghiệm. Trải nghiệm nghĩa là thực hiện điều gì đó dưới sự dẫn dắt của Phật pháp. Chúng ta cần sự dẫn dắt, và rồi tự nhiên hiểu biết, kiến thức của chúng ta dần dần xuyên thấu thân tâm. Đó gọi là adhimukti. Thông thường, tôi sử dụng thuật ngữ đức tin (faith) thay vì ba từ Phạn ngữ này, nhưng với việc giải thích những từ đó, có lẽ bạn thấy được một hình ảnh rõ hơn về ý nghĩa đức tin của Phật giáo.

Đức tin Phật giáo luôn tập trung vào trạng thái tồn tại nguyên sơ. Chẳng hạn, Đạo Nguyên thiền sư bình luận về kiểu đức tin này, ông viết: “Đức tin vượt khỏi chúng ta và người khác. Nó không phải do cố tình ép buộc, do tạo ra, do sự thuyết phục của người khác, hay do quy định. Đức tin tự hiển bày ở giai đoạn Phật” Đức tin không phải là thứ do chúng ta hay người khác tạo ra. Nó thực sự là trạng thái tồn tại nguyên sơ căn bản, cốt lõi của con người. Nói đơn giản, chúng ta gọi đó là pháp. Nếu bạn cố gắng đạt được đức tin thông qua hành trì, nó sẽ là một thứ khác, không phải đức tin đích thực. Đạo Nguyên thiền sư nói nếu đầu tiên bạn đưa mình đến đối tượng nhằm đạt thứ gì đó, đấy được gọi là ảo tưởng. Điều này rất tự nhiên. Bất kể mục tiêu của chúng ta là gì, đầu tiên chúng ta luôn cố gắng hiểu nó. Chúng ta luôn sống ở cấp độ ý thức.

Thực tế là vậy. Không có ý thức con người, chúng ta không thể tồn tại.

Chẳng hạn, cái bàn mà tôi thấy trước mặt này không phải là cái bàn đích thực. Nó là một hình ảnh do hiểu biết của tôi về cái bàn. Dù tôi cố giữ cái bàn này như một cái bàn, ai đó có thể nhìn thấy nó và tạo ra một hình ảnh khác thông qua hiểu biết của anh ta. Anh ta có thể nói nó không phải cái bàn, mà là gỗ. Anh ta dễ dàng phá nát cái bàn, bỏ gỗ vào lò sưởi để sưởi ấm. Nên đầu tiên chúng ta đều nhìn vào đối tượng, rồi cố hiểu. Đây là ảo tưởng. Nó là cái nhìn lầm lạc. Thật may hoặc thật không may, ai ai cũng có một cái nhìn lầm lạc về thế gian. “May” có nghĩa là thông qua cái nhìn lầm lạc này, chúng ta có thể nhận ra chân lý là gì. Không có nó, làm sao chúng ta biết? Làm sao chúng ta tìm kiếm chân lý? Nên từ quan điểm này, chúng ta may mắn. Nhưng không may, chúng ta không nhận ra nó là cái nhìn lầm lạc, nên giữ nguyên hình ảnh của mình về cái bàn. Rồi ai đó giành lấy nó, phá nát nó, và chúng ta nổi điên, đánh nhau với anh ta. Đây không phải thái độ đúng để nhìn sâu vào bản chất của tồn tại.

Đức tin không phải do ai đó tạo ra. Nó không phải là thứ buộc bạn tin điều gì đó mà người khác diễn đạt và có vẻ đúng. Mọi người luôn cố ép chúng ta tin vào chân lý này hay đức tin nọ. Nhưng đức tin thật sự thì không như vậy. Nó không phải quy định tôn giáo hay thứ gì đó bạn nên tin. Thông thường, chúng ta tin vào giáo lý, nhưng không tin bản chất đích thực, tối hậu của tồn tại. Giáo lý là một hình thức của bản chất tối hậu hay chân lý, nhưng chúng không phải chân lý đích thực. Vậy nên có người trải nghiệm chân lý đích thực, rồi dạy chân lý ấy cho mọi người. Những người khác phân tích, tổng hợp và cuối cùng tạo nên giáo lý. Rồi chúng ta nói: “Hãy tin vào điều này, đó là chân lý”. Chúng ta nói chân lý ở trong kinh điển. Giáo lý là một phần của chân lý, nhưng chúng chỉ là các ý tưởng. Nếu tin vào những ý tưởng ấy, cuộc sống của chúng ta trở thành giáo điều. Vì vậy, bất kể chúng ta nghiên cứu giáo lý hay học thuyết nào, chúng đều phải được hấp thu trong cuộc sống.

Đức tin là một điều hơn cả những gì chúng ta đã nghĩ. Nó là gì? Nó là trạng thái tuyệt đối hoặc nguyên sơ của tồn tại. Nhưng cái tuyệt đối có tách rời đời sống con người không? Không. Nên Đạo Nguyên thiền sư nói: “Đức tin tự hiển bày ở giai đoạn Phật”.

Phật cũng được gọi là Như Lai, và tên gọi này có hai ý nghĩa: thứ nhất là “cứ đi cứ đến”, và thứ hai là “không đi không đến”. Cứ đến nghĩa là khi hành thiền, chỉ hành thiền, không để lại bất kỳ dấu vết “tôi” nào. Khá khó, vì ý thức của chúng ta lập tức lựa ra “cái tôi” và đối tượng của nó. Nhưng chúng ta có thể đạt tới giai đoạn gọi là Phật, Như Lai, hay cứ đi cứ đến, không đi không đến. Điều đó không mâu thuẫn. Nó là bức tranh đích thực về đời sống.

Chẳng hạn, khi trình diễn ballet trên sân khấu, chúng ta chỉ việc vận động cơ thể và đầu óc, cứ đi cứ đến. Còn nếu suy nghĩ về “tôi” như vũ công, hay về khán giả và người sáng tác, điều đó giống như tạo ra một đối tượng. Nếu chúng ta có đối tượng trong đầu. ngay khi đang trình diễn ballet hoặc đang làm gì đó, đối tượng sẽ can thiệp làm chúng ta gián đoạn. Trong môn karate, khi chúng ta công phá một tấm gỗ bằng tay, nếu có cái “tôi” trong đầu như một chủ thể, chúng ta sẽ làm đau tay mình. Nhưng nếu không có “tôi” và không có đối tượng, tấm gỗ chính là tay ta, tay ta chính là tấm gỗ. Bởi vậy các đốt ngón tay có thể rất cứng. Dù trong công việc gì, thực hành như vậy cũng là điều rất quan trọng.

Khi trạng thái tồn tại nguyên sơ bên trong chúng ta tự biểu thị trong cuộc sống, đó chính là đức tin tự biểu thị ở giai đoạn Phật hay Như Lai. Trạng thái tồn tại nguyên sơ này hoạt động liên tục, nhưng chúng ta không nhận ra. Khi nhận ra, giai đoạn thực chứng đầu tiên được gọi là đức tin. Đức tin không phải thứ gì đó chúng ta có thể quan niệm. Nó không phải là một đối tượng thờ phụng mà chúng ta nhìn nhận một cách khách quan, mà nó ở bên trong, nổi lên từ chiều sâu cuộc sống. Đó chẳng là gì ngoài hoạt động. Đức tin là một điều hoàn toàn thuần khiết và trong sạch, không ô nhiễm. Đức tin là những bàn tay hành động sáng tỏ và thuần khiết. Chúng ta lúc nào cũng ở trong một kho tàng tuyệt diệu, nhưng nếu không có những bàn tay này, làm sao chấp nhận được đức tin? Đức tin phải liên tục tự biểu thị như hành động.

Có mười giai đoạn, hay mười bước thực hành đức tin. Bước thứ nhất là khát vọng. Khát vọng là mong muốn phát triển nhân cách trọn vẹn trong cuộc sống của bản thân. Ai cũng có mong muốn này theo nhiều cách. Mọi người đều học hành, làm việc, điều hành doanh nghiệp... Thông qua làm việc, họ hiểu công việc là gì, và thông qua mối quan hệ với mọi người, họ hiểu làm thế nào là nhân cách của mình trở nên trọn vẹn. Nhưng việc làm nhân cách của mình trọn vẹn thông qua làm việc và các mối quan hệ là rất rắc rối. Nên bằng mọi cách có thể, chúng ta cố gắng tìm ra con đường đơn giản nhất để phát triển nhân cách trọn vẹn. Đây là tu tập.

Bước thứ hai là tỉnh thức. Nếu thực sự mong muốn phát triển nhân cách trọn vẹn, chúng ta không thể ích kỷ. Vì thế, tự nhiên chúng ta nhận biết bản thân, đồng thời nhận biết người khác, và không chỉ con người mà vạn vật. Chúng ta phải để ý đến sự hiện diện của người khác. Thiếu điều này, chúng ta không thể phát triển khát vọng truy cầu chân lý. Phải hiểu người khác.

Bước thứ ba của đức tin là nỗ lực. Khi thấy sự hiện diện của người khác, của vạn vật, tự nhiên chúng ta nỗ lực sống trong an bình, hoà hợp với mọi thứ. Đây là nỗ lực của con người. Nỗ lực này không phải để phát triển đời sống cá nhân ích kỷ. Nếu chúng ta cố phát triển nhân cách của mình một cách ích kỷ, điều ngược lại sẽ xảy ra. Chúng ta sẽ phá huỷ nhân cách của mình và làm tổn thương người khác. Nỗ lực ích kỷ luôn là thứ tạo ra rắc rối. Nó không phải đức tin đích thực.

Bước thứ tư của đức tin là tọa thiền. Nói cách khác, làm thế nào sống với mọi chúng sinh trong an bình và hoà hợp. Thường thì đầu tiên chúng ta nhìn vào đối tượng rồi cố hiểu nó, sau đó trở nên dính mắc đến hiểu biết ấy. Chúng ta nói: “Đây là kiểu của tôi”, và khi ai đó khuyên nên làm khác đi, chúng ta sẽ từ chối. Chúng ta luôn bám vào kiểu của mình. Cuối cùng, tâm trí ta bốc cháy, phấn khích, lẫn lộn, rồi dẫn đến xung đột. Đây không phải thái độ đúng đối với đời sống. Vì vậy, bằng bất kỳ giá nào, hãy giữ sự an bình và hoà hợp để có thể nhìn nhận mọi thứ bình đẳng trong mọi hoàn cảnh. Khi các điều kiện thuận lợi, chúng ta dễ thấy mọi thứ là bình đẳng, nhưng ở những điều kiện không thuận lợi, làm như vậy rất khó. Vì lẽ đó phải thực hành tọa thiền. Ý nghĩa của tọa thiền là như thế.

Bước thứ năm của đức tin là trí huệ. Trí huệ là biết làm thế nào duy trì sự chú tâm. Đây là điều rất quan trọng. Thông qua tọa thiền, chúng ta có thể an trụ trong sự chú tâm, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, việc ấy khó. Thực ra tọa thiền cũng khó, nhưng sau đó cuộc sống được sắp xếp một cách đơn giản, nên phần nào dễ hơn. Trí huệ nghĩa là hiểu làm thế nào giữ sự chú tâm khi tọa thiền, khi thực hành nghi thức, khi ăn, khi làm việc, thậm chí khi đang trong giận dữ, căm ghét hoặc yêu thương. Trí huệ là hiểu làm thế nào duy trì sự nhận biết. Giữ sự chú tâm ngay giữa cơn giận nghĩa là ở yên với nó. Ở yên nghĩa là chấp nhận cơn giận và làm điều gì đó một cách tích cực. Chúng ta nên thực hiện như vậy dù chỉ một chút. Đó là trí huệ. Nó có nghĩa là nhìn nhận mọi người, cơn giận, sự vui thú, những thứ tốt đẹp và không tốt đẹp, nói chung tất cả mọi thứ như thể cả đàn ngựa cùng tồn tại trong một bãi cỏ rộng lớn chung.

Bước thứ sáu của đức tin là kỷ luật hay rèn luyện. Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều khủng hoảng có thể xảy ra. Nếu không có sự rèn luyện trong cuộc sống, chúng ta sẽ bị những khủng hoảng này nhấn chìm. Chúng ta không biết phải làm gì. Khi ấy, làm sao giữ được sự chú tâm hay trí huệ? Cuộc sống của chúng ta phải được rèn luyện theo nhiều cách.

Bước thứ bảy của đức tin là eko, nghĩa là hồi hướng, hay chuyển công đức của mình cho người khác. Đây là một thực hành rất quan trọng, cũng là một trong những cách sống tốt đẹp của Phật giáo. Nếu rèn luyện và giữ sự chú tâm, cuộc sống trở nên rất đơn giản, chúng ta có thể hiểu người khác và sống với họ trong an bình, hoà hợp. Nếu lúc ấy ta nói “Mình làm được rồi”, như thế sẽ lại không ổn. Chúng ta phải trở lại với nguồn gốc của sự tồn tại, được gọi là tính không. Nghĩa là, hãy buông bỏ bất kỳ điều gì trong tay. Hãy buông bỏ thái độ “Mình làm được rồi”. Chúng ta nên hồi hướng công đức về cho tính không, đó cũng đồng thời là hồi hướng công đức cho người khác. Mọi người sẽ nhận ra điều này tốt đẹp dường nào. Chẳng hạn, thông qua rèn luyện, người vũ công ballet biểu diễn vũ điệu của họ, sống trong sự an bình và hoà hợp với dàn nhạc, âm nhạc, sân khấu và khán giả. Tiếp theo, trở về tính không. Nghĩa là tiếp tục khiêu vũ - khiêu vũ, trở về tính không, khiêu vũ, trở về tính không. Đây là vẻ đẹp hoàn hảo của vũ điệu. Chúng ta không biết vẻ đẹp này là gì, nhưng có thể thấy nó. Chúng ta thực sự ấn tượng với vũ điệu ấy. Đây là thực hành eko đẹp đẽ. Trong Phật giáo, sau khi trì tụng, chúng ta hồi hướng công đức cho ai đó, đây cũng là eko.

Bước thứ tám của đức tin là hộ trì pháp. Hộ trì pháp nghĩa là bảo vệ thân tâm để thực hành Phật đạo. Thân tâm là bình chứa pháp; không có chúng, chúng ta không thể cầu chân lý hay dẫn dắt mọi chúng sinh tới Phật đạo. Thân tâm bao gồm cả những ham muốn, bản năng, ý thức, các đặc điểm lành mạnh và không lành mạnh, mọi thứ. Trở về tính không không có nghĩa là buông bỏ thân tâm. Chúng ta phải chăm sóc thân tâm như bình chứa pháp, từ đó mới có thể thực hành Phật đạo, giúp đỡ mọi chúng sinh.

Bước thứ chín là không thoái lui. Nếu tu tập theo lời Phật dạy và thực hành tọa thiền, chúng ta đồng thời nhận được công đức và hồi hướng cho người khác. Mọi người nhận công đức này, nghĩa là họ chấp nhận chúng ta với sự tôn trọng. Khi được người khác tôn trọng, tự nhiên chúng ta cảm thấy vui và hài lòng. Do chúng ta bảo vệ người khác, nên đồng thời được tất cả bảo vệ, khi ấy sự hài lòng và niềm vui trào ra từ chiều sâu cuộc sống.

Bước thứ mười của đức tin là sống theo nguyện. Đây là mục tiêu cuối cùng. Sống theo nguyện nghĩa là cuộc sống của bạn hoàn toàn an ổn. Không chỉ trong đời này, mà hết đời nọ đến đời kia, chúng ta có thể có khát vọng sống như vậy. Mỗi buổi sáng, trong thời công phu, chúng ta trì tụng Tam Bảo. Đầu tiên là “Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sinh, thể theo đạo lớn”. Đạo lớn này là con đường phổ quát mà mọi chúng sinh có thể đi theo. Nó dạy cho ta về vô thượng tâm. Chúng ta tin rằng tâm đích thực của chúng ta là cái tâm lớn, có thể đi trên con đường phổ quát. Còn cái tâm con khỉ nhảy nhót chẳng qua chỉ là một chúng sinh trong bãi cỏ rộng lớn. Tâm cứ đi cứ đến, không để lại dấu vết nào. Lúc ấy, tâm con khỉ biến thành vô thượng tâm. Đây là nguyện với Phật, tôn trọng Phật cùng mọi chúng sinh, không ngừng cầu đạo và trải nghiệm cuộc sống tốt đẹp của con người. Tiếp theo, chúng ta quy y pháp hay lời Phật dạy. Pháp dạy ta về sự lớn lao, siêu phàm của đời sống con người. Chúng ta đi sâu vào giáo pháp của Phật, tức trí huệ như biển cả. Nó giống như một đại dương, nơi chúng ta có thể sống trong an bình và hoà hợp. Tiếp theo, chúng ta nói: “Tự quy y tăng, xin nguyện chúng sinh, hết thảy không ngại”. Quyết tâm sống trong an bình và hoà hợp không phải là một điều ta cố gắng làm theo chỉ trong đời này, mà hết đời này sang đời khác. Đây là bước cuối cùng của đức tin, được gọi là tâm bồ đề hay đánh thức tâm cầu đạo.

Đức tin không phải là thứ để nghĩ tới. Nó là thực hành, tự nhiên trào lên từ chiều sâu cuộc sống. Vì vậy, tất cả những gì phải làm là sống. Như thế nào? Hãy làm theo từng bước của mười bước thực hành đức tin. Nếu sống như vậy, đức tin sẽ hiển bày. Nhưng trước khi làm thế, chúng ta vẫn có những câu hỏi. Chúng ta muốn biết rằng mình có thể sống, và làm thế nào có đức tin. Sự suy tính của con người luôn xảy ra. Nên tôi nói: “Tại sao anh không tin pháp? Tại sao không làm theo tôi?” Đức Phật nói: “Hãy theo ta, bước đi với ta”, vì Đức Phật là một người đã chứng pháp, biết phải sống như thế nào dựa trên cứ đi cứ đến, không để lại dấu vết gì.

--o0o--

Trích: Trở Về Yên Lặng”

Dainin Katagiri

Thái An dịch

Nhà Xuất Bản Hồng Đức – 2014

Ảnh: Internet

Bài viết liên quan