HIỂU SINH TỬ - DAININ KATAGIRI - TRỞ VỀ YÊN LẶNG

HIỂU SINH TỬ

Dainin Katagiri - Trở Về Yên Lặng

-----o0o-----

Đức tin Phật giáo là sống cuộc sống của mình trong sự sáng tỏ và thuần khiết. Thuần khiết là sự hợp nhất giữa chủ thể và đối tượng; không có khoảng cách nào giữa chúng. Sáng tỏ là nhìn vào sự vĩnh hằng mà không có cảm giác huyền bí. Nó có nghĩa là thấu suốt đời sống con người kể cả cái chết. Điều này là hết sức quan trọng.Khi tôi xuất gia, chỉ có một thứ tôi thực sự...
HIỂU SINH TỬ - DAININ KATAGIRI - TRỞ VỀ YÊN LẶNG

Đức tin Phật giáo là sống cuộc sống của mình trong sự sáng tỏ và thuần khiết. Thuần khiết là sự hợp nhất giữa chủ thể và đối tượng; không có khoảng cách nào giữa chúng. Sáng tỏ là nhìn vào sự vĩnh hằng mà không có cảm giác huyền bí. Nó có nghĩa là thấu suốt đời sống con người kể cả cái chết. Điều này là hết sức quan trọng.

Khi tôi xuất gia, chỉ có một thứ tôi thực sự không thích, đó là thực hiện nghi lễ cho đám tang. Tôi cố thoát khỏi việc ấy, nhưng đã quá muộn vì tôi đã thành tu sĩ. Ở một góc độ nào đó, tôi đã rất may mắn vì không thể tìm lời biện bạch; lúc nào tôi cũng phải trực tiếp đối mặt cái chết. Thường chúng ta không nghĩ tới cái chết của chính mình. Chết luôn là điều xảy ra với ai khác. Vì thế, rất khó cho tôi nhìn thẳng vào cái chết. Khi tới tu viện, tôi nghĩ có thể thoát khỏi các lễ tang và việc đối mặt với cái chết, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Cái có một cái cồng gỗ treo trong tu viện, trên đó khác những ký tự lớn tiếng Hán: “Sinh tử hệ trọng, vạn sự vô thường”. Mọi ngày tôi phải thấy cái cồng này, và tôi nghĩ, “Ôi trời, lại chết nữa”.

Trong Tu Chứng Nghĩa (shushogi) của Đạo Nguyên thiền sư, nói tới ý nghĩa của tu tập - chứng ngộ, câu đầu tiên là: “Làm sáng tỏ ý nghĩa của sinh tử - đây là vấn đề hệ trọng nhất cho mọi Phật tử.” Một cú sốc lớn. Chúng ta không thấy rằng cuộc sống của mình bao hàm cả cái chết. Chúng ta chỉ thấy sinh ra, sống, và phớt lờ cái chết. Chẳng hạn, nếu các trung tâm thiền tổ chức nhiều thứ có lợi cho hạnh phúc và sức khỏe con người, như các bài tập yoga, thức ăn chay, chế độ ăn uống dưỡng sinh, hai nhiều kiểu thiền, có lẽ các trung tâm ấy sẽ phát triển tốt. Nhiều người sẽ tới vì ai cũng muốn được hạnh phúc và khỏe mạnh. Nhưng chúng ta đang đi đâu?

Khi Đạo Nguyên thiền sư tu học tại Trung Hoa, một vị thầy hỏi tại sao ông đọc kinh sách Phật giáo. Đạo Nguyên đáp: “Tôi muốn biết chư tổ đã làm gì trong quá khứ”. Thầy hỏi: “Để làm gì?” Đạo Nguyên đáp: “Vì tôi muốn thoát khỏi khổ ải loài người”. Thầy hỏi: “Để làm gì?” Đạo Nguyên đáp: “Tôi muốn giúp đỡ mọi chúng sinh vì mọi người đang quá khổ”. Và thầy lại nói: “Để làm gì?” Đạo Nguyên đáp: “Sớm hay muộn tôi cũng muốn trở lại Nhật và giúp những người ở làng quê”. Thầy nói: “Để làm gì?” Cuối cùng, Đạo Nguyên thiền sư không nói được câu nào nữa. Chẳng có gì để nói. Chẳng có gì để nói nghĩa là sự chất vấn liên tục này dồn ông vào góc tường; ông không thể nói lấy một câu. Đây là chạm đến cốt lõi của đời sống con người, được gọi là cái chết. Nhưng chúng ta không nói “chết”; chỉ là im lặng, vậy thôi.

Bạn trở nên hạnh phúc để làm gì? Bạn trở nên khỏe mạnh để làm gì? Tôi không có ý nói bạn nên phớt lờ sức khỏe hay hạnh phúc. Ai cũng muốn hạnh phúc, nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng. Chúng ta không thể luôn bám lấy nó, dựa vào nó, vì khi chết, chúng ta không tránh khỏi trở nên hoàn toàn bất hạnh, hoàn toàn ốm yếu. Làm sao có thể bám víu lấy một cơ thể khỏe mạnh? Khi chết, chúng ta ở đáy của sự ốm yếu. Không có đường thoát. Sớm hay muộn, chúng ta biết chắc rằng mình sẽ chết. Đây là lý do tại sao cuộc sống đẹp đẽ. Nếu cứ sống mãi, chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội để thấy sự sống nở hoa. Từng khoảnh khắc, chúng ta đang tan đi. Bằng ý thức hay vô thức, chúng ta biết vậy, nhưng không muốn thấy. Chúng ta sử dụng rất nhiều trò chơi để quên đi sự thật này, và cứ vật lộn để sống. Nhưng đó không phải là cách đúng đắn để hiểu đời sống con người, vì chúng ta sẽ chết. Cần phải thấy bức tranh tổng thể về đời sống con người.

Thỉnh thoảng, bạn thấy người ta trưng bày những bông hoa đẹp, và thường chúng không phải hoa thật mà là hoa giả. Mọi người thích hoa giả vì chúng không chết. Hoa giả rẻ tiền, tiết kiệm, mua một bó là đủ dùng cả đời. Nhưng dù cố làm hoa giả y chang hoa thật, chúng ta không bao giờ thấy được vẻ đẹp thực sự của hoa thật. Hoa thật sẽ tàn úa, vì lẽ đó nó đẹp. Một cái bát nhựa cũng giống như hoa giả. Nó khá rẻ, rơi cũng không vỡ. Nhưng nhiều người không thích bát nhựa dù chúng rẻ và đẹp. Họ thích bác sứ thật đắt tiền. Ở Nhật, người thích trà đạo mua những cái bát uống trà bằng sứ đẹp đẽ. Đánh rơi là vỡ tan. Dẫu thế, họ vẫn ưa mua những cái bát này vì chúng mong manh. Chúng đang phai tàn, đang chết. Vì lẽ đó chúng đẹp. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Chúng ta đang đi tới nấm mồ. Chúng ta đang tan dần. Bởi vậy chúng ta mới có thể thực sự sống. Đây chính là nhìn vào sự vĩnh hằng mà không có cảm giác huyền bí.

Chúng ta nên hiểu làm thế nào sống trong những hạn chế của đời sống con người, dựa trên tình huống là cuộc đời đang tan đi. Chúng ta không biết khi nào mình sẽ chết. Vậy nên phải làm hết sức để sống toàn tâm. Đây được gọi là sự thuần khiết. Nó rất đẹp.

Ngày kia, trên bản tin tôi thấy một nữ vũ công ballet nổi tiếng người Nga đang dạy cho những vũ nữ công trẻ người Mỹ ở New York. Điệu ballet của người dạy hoàn toàn khác với của học trò. Chuyển động trong vũ điệu của cô giống như thể những khuôn hình biến ảo. Chúng tan đi - xuất hiện và biến mất, xuất hiện và biến mất. Nhưng mỗi hình dáng của người vũ công này đều hoàn hảo - cơ thể và tay chân cô, mọi thứ đều hoàn hảo. Cô có cái cổ dài, khiến tôi rất ngạc nhiên. Cơ thể cô hoàn toàn được ballet làm thay đổi. Cơ thể cô không phải cơ thể cô, cơ thể cô chính là ballet. Mỗi chuyển động đều đẹp và hoàn toàn độc lập, nhưng mỗi chuyển động đồng thời lại được liên kết. Nó cứ thế diễn tiếp nhịp nhàng, giống như những khuôn hình của một bộ phim hoặc một dòng nước chảy êm ả. Thế nên nó đẹp. Không có khoảng cách giữa cô và điệu vũ. Với những hạn chế của cuộc đời đang tan biến, cô quan tâm đến từ hình dáng bằng cả trái tim. Bởi vậy cơ thể cô hoàn toàn trở thành điệu vũ. Khi xem cô múa, chúng ta thấy hai điều. Một là điệu vũ của cô lúc nào cũng đang tan biến, xuất hiện và biến mất. Đây là thế giới vô thường, không ngừng thay đổi. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta thấy vẻ đẹp hoàn hảo của điệu vũ. Không có khoảng cách giữa cô và điệu vũ. Tất cả chỉ là một. Chúng ta không biết làm thế nào một vẻ đẹp tuyệt vời như vậy có thể được tạo ra ngay giữa vô thường. Ngay giữa sự xuất hiện và biến mất, có một vẻ đẹp vĩnh hằng. Cuộc sống chính là như vậy.

Đạo Nguyên thiền sư diễn đạt theo một cách khác. Ông nói: “Học đạo là trở thành một với đạo - thậm chí một dấu vết chứng ngộ cũng quên đi. Những người tu đạo trước tiên nên tin vào điều này. Những người tin vào đạo nên tin rằng ngay từ đầu họ đã ở trong đạo, không bị chi phối bởi ảo tưởng, ý nghĩ viển vông và tư duy lẫn lộn, hay tăng, giảm và hiểu lầm. Phát sinh niềm tin như vậy, làm sáng tỏ đạo và theo đó mà tu tập - đây là cốt lõi của học đạo”. Ông giải thích sự sáng tỏ và thuần khiết theo cách hơi khác. Sáng tỏ và thuần khiết nghĩa là không lẫn lộn, không mê lầm, không hiểu sai. Nó có nghĩa là hoàn hảo. Nhưng chúng ta luôn nói chủ thể và khách thể không thể trở thành một. Chúng ta không tin các ấy vì đã có những định kiến riêng, được gọi là “cái tôi”. Tôi có một kiểu sống nhất định, hoặc tôi có kiểu cơ thể nhất định, nên tôi không làm được. Nếu nghĩ như vậy, chúng ta không thể làm gì cả. Thân và tâm của nữ vũ công ballet ấy cực kỳ linh hoạt. Không có mê lầm, không có hiểu sai nào. Nếu tự rèn luyện, chúng ta có thể tạo ra một cấu trúc thể xác và tinh thần tuyệt vời. Dù chúng ta có nói cơ thể mình cứng và không thể làm cổ dài hơn, nếu muốn trở thành một nữ vũ công ballet, chúng ta có thể làm được. Nhưng việc trở thành một vũ công ballet không xảy ra nếu không làm gì cả. Đầu tiên chúng ta phải đi về hướng trở thành một vũ công ballet. Vì vậy, chúng ta rèn luyện cơ thể. Để điều này không chỉ đúng với ballet, mà nhiếp ảnh, hội họa, thể thao, hay thứ gì khác cũng vậy. Đây là điều rất quan trọng đối với chúng ta. Đây là đức tin Phật giáo.

Đức tin nghĩa là mong mỏi đưa sự hoàn hảo của nhân cách con người đến mức độ cao nhất. Đây là cuộc sống của một bồ tát. Sự hoàn hảo giống như nước suối trào ra từ lòng núi. Tu tập của chúng ta là như vậy. Nếu nói “Tôi không hoàn hảo, tôi thiếu chín chắn, tôi muốn có một nhân cách chín chắn”, đó đã là hiểu biết nhị nguyên. Trong Phật giáo, đó không phải là tu tập đích thực. Tu tập đích thực nghĩa là chúng ta vốn đã là một chúng sinh lớn lao. Tại sao trước hết không chấp nhận bản thân như một chúng sinh lớn lao? Dù cơ thể của chúng ta như thế nào, nó vẫn là một sinh thể hoàn chỉnh. Dù cơ thể như thế nào, nó nên được chấp nhận như một sinh thể hoàn chỉnh, bởi lẽ nó vốn đã là một sinh thể hoàn chỉnh trong một cảnh giới tuyệt vời. Chấp nhận nó như một sinh thể hoàn chỉnh nghĩa là đối xử với nó như vậy thay vì ghét nó. Nếu ghét nó, bạn lập tức làm đau nó bằng nhiều cách. Cơ thể không nói gì dù chúng ta ghét nó, nhưng nếu quan tâm đến con người, hay tâm trí mình như vậy, chúng ta tạo ra vấn đề lớn. Hãy nhìn vào tâm mình. Nếu bạn thấy sự căm ghét nổi lên và cố gắng dập tắt nó, nó thậm chí trở thành vấn đề lớn. Cách chúng ta thực hành là hãy tọa thiền như một sinh thể hoàn chỉnh. Hãy chấp nhận cơ thể và cuộc sống hiện tại của chúng ta như một sinh thể hoàn chỉnh. Đây là một thực hành rất đơn giản cho từng ngày. Hãy chăm sóc cơ thể mình với lòng trắc ẩn, nhân từ. Hãy khoan dung với sự căm ghét, giận dữ hay bất kỳ cảm xúc nào khác, và chấp nhận cơ thể mình. Tiếp theo, với tâm bình thản, bạn có thể nhìn nhận sự căm ghét chỉ như sự căm ghét. Vì vậy, bạn có thể xử trí sự căm ghét bằng lòng trắc ẩn. Nếu nói “Tôi không thích sự căm ghét” thế là đã có khoảng cách giữa sự căm ghét và bạn. Đó là thế giới nhị nguyên. Đó là hiểu sự căm ghét bằng lý trí.

Ngày qua ngày, tu tập của chúng ta phải có cơ sở vững chắc, tọa thiền phải có cơ sở vững chắc, hít thở và sự tập trung phải có cơ sở vững chắc. Đó là tọa thiền ngay lúc này, ngay ở đây. Đó là tất cả những gì chúng ta phải làm. Chúng ta phải nhìn vào sự vĩnh hằng không có kết thúc, không có cảm giác huyền bí, rồi hoàn toàn trở thành một với đối tượng. Tu tập của chúng ta là hãy tọa thiền như một sinh thể hoàn chỉnh, như một vị Phật. Đó là đức tin là hạnh phúc trọn vẹn.

Nhiều người rất thích ăn chay. Có người hỏi tôi “Ông có phải là người ăn chay không?” Và tôi đáp: “Gần như vậy”. Nếu bạn muốn thành người ăn chay, rất tốt. Nếu muốn nghe âm nhạc hay, rất tốt. Nếu bạn tin nó có lợi cho hạnh phúc hoặc sức khỏe của bạn, rất tốt. Nhưng một lần nữa, chúng ta phải nghĩ xem hạnh phúc là gì. Nếu chấp nhận việc ăn chay như một quy tắc hay giáo lý bắt buộc, nó trở thành giáo điều. Nếu tọa thiền để đạt thứ gì đó, khi ấy chúng ta nên tự hỏi mình đang đi đâu. Chúng ta có mang được kiểu tọa thiền hay hạnh phúc này tới thiên đường không? Đến phút cuối cùng, chúng ta phải nói lời tạm biệt tới mọi thứ. Những lời cuối cùng của Suzuki Roshi là “Mọi thứ thế là hết”. Mọi thứ thế là hết nghĩa là ông đã thực sự chạm đến cốt lõi đời sống con người - chúng ta đang đi đâu? Trong 68 năm, ông làm việc miệt mài và thuyết giảng về Phật giáo, rồi ông đi đâu? Trong hoàn cảnh như vậy, liệu chúng ta có thể nói do thực hành tọa thiền nên chúng ta sẽ chết trong an bình và hòa hợp, hay do thực hành tọa thiền nên tâm ta trở nên bình thản và mạnh mẽ? Nếu chúng ta tin rằng tọa thiền là như vậy, đâu là sự khác biệt giữa ta và kẻ cướp? Bằng tọa thiền, chúng ta có thể trở thành một kẻ cướp với một đầu óc bình thản, và làm hành vi xấu với một đó bình thản. Thật nực cười khi tin vào tọa thiền theo cách ấy.

Cuối cùng, chúng ta nên tự hỏi mình đang đi đâu. Thiếu câu hỏi đó, chúng ta không thể thấy sự vĩnh hằng. Khi cần tọa thiền, hãy ngồi xuống tọa thiền. Chỉ ngồi không phải là chỉ ngồi; nó là nhìn vào sự vĩnh hằng mà không có cảm giác huyền bí. Ngay giữa những hạn chế của đời sống con người, chúng ta phải nỗ lực hết sức để một lòng tọa thiền. Tọa thiền hiển nhiên chẳng là gì ngoài sự tan đi, xuất hiện và biến mất; nó xuất hiện như một ánh sáng lóe lên. Nhưng vượt lên tất cả, ngay giữa kiểu tọa thiền này, có một vẻ đẹp. Đó là sự vĩnh hằng của tọa thiền. Nếu nghĩ dù chỉ thoáng qua rằng mình muốn hạnh phúc bằng cách tọa thiền, lúc ấy nó không còn là hạnh phúc hoàn hảo. Không còn là tọa thiền đích thực. Rất đơn giản, dù không nhiều người hiểu. Nhưng đây chính là sinh tử. Không có ngoại lệ. Ai cũng phải sống và phải chết. Tuyệt đối không có lựa chọn. Trong nhiều năm, chúng ta đã quen với việc dùng thứ gì đó như một phương tiện để tìm hạnh phúc, lúc nào cũng dùng thứ gì đó như một phương tiện. Nhưng khi chết, chúng ta đang đi đâu? Liên tục hỏi câu hỏi này chính là đức tin Phật giáo. Tọa thiền của chúng ta phải được đặt cơ sở vững chắc trên việc không hiểu sai, không ảo tưởng, giống như một nữ vũ công ballet. Cô không có ảo tưởng như “Mình là một vũ công giỏi” hay “Mình là một vũ công hoàn hảo” hay “Mình có cơ thể không hoàn hảo”. Cô chỉ rèn luyện, chỉ tu tập trong thế giới vô thường. Trách nhiệm lớn lao của loài người chúng ta là biểu thị sự vĩnh hằng, vẻ đẹp hoàn hảo ngay trong vô thường. Nếu muốn giúp mọi người, đây chính là trách nhiệm của chúng ta. Khi ấy, tự nhiên chúng ta hiểu cuộc sống và cái chết.

-----o0o-----

Trích: Trở Về Im Lặng - Thiền Trong Đời Sống Hàng Ngày

Tác Giả: Dainin Katagiri

Người Dịch: Thái An

Nhà Xuất Bản Hồng Đức, Năm 2014

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan