NGƯỜI SẮT ĐÂY! - Trở Về Yên Lặng – Dainin Katagiri Người dịch: Thái An

NGƯỜI SẮT ĐÂY!

Trở Về Yên Lặng – Dainin Katagiri

Người dịch: Thái An

---o0o---

Jikai Dainin Katagiri (19 tháng 1 năm 1928 - 1 tháng 3 năm 1990), là một tu sĩ và giáo viên của Sōtō Zen , đồng thời là trụ trì sáng lập của Trung tâm Thiền Minnesota Zen ở Minneapolis, Minnesota, nơi ông phục vụ từ năm 1972 cho đến khi ông qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1990. Ông cũng là người sáng lập Cộng đồng Thực hành Thiền Hokyoji ở Eitzen, Minnesota. Trước khi trở thành trụ trì đầu tiên của Trung...
NGƯỜI SẮT ĐÂY! - Trở Về Yên Lặng – Dainin Katagiri Người dịch: Thái An

Jikai Dainin Katagiri (19 tháng 1 năm 1928 - 1 tháng 3 năm 1990), là một tu sĩ và giáo viên của Sōtō Zen , đồng thời là trụ trì sáng lập của Trung tâm Thiền Minnesota Zen ở Minneapolis, Minnesota, nơi ông phục vụ từ năm 1972 cho đến khi ông qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1990. Ông cũng là người sáng lập Cộng đồng Thực hành Thiền Hokyoji ở Eitzen, Minnesota. Trước khi trở thành trụ trì đầu tiên của Trung tâm Thiền Minnesota Zen, Katagiri đã làm việc tại Zenshuji Soto Zen Mission ở Los Angeles và cũng đã phục vụ rất nhiều cho Shunryu Suzuki tại Trung tâm Thiền San Francisco, đặc biệt là từ năm 1969 cho đến khi Suzuki qua đời vào năm 1971. Katagiri đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đưa Thiền tông từ Nhật Bản đến Hoa Kỳ trong những năm hình thành. Ông cũng là tác giả đáng tin cậy của một số cuốn sách được biên soạn từ các cuộc nói chuyện của ông.

----------------------------------

Đạo Nguyên thiền sư nói: “Ông phải biết không chút nghi ngờ rằng diệu pháp của bảy vị Phật có thể được thọ nhận và duy trì, và cốt tuỷ chân thực của nó có thể được hiển bày nếu người tu tập với tâm cầu đạo theo sát và đón nhận sự trao truyền chân thật từ một vị thầy đã đạt đạo. Một tu sĩ chỉ nghiên cứu ngôn từ không thể nào biết được điều đó. Bởi vậy, ông nên chấm dứt những bất định và ảo tưởng, cầu đạo trong toạ thiền dưới dẫn dắt của một bậc thầy chân thực, và thực chứng hoàn toàn tự thọ dụng tam muội (jijuyū samādhi) của chư Phật”. Nghĩa là, sớm hay muộn chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm trao truyền cốt tuỷ chân thực của sự tồn tại, sự siêu phàm của cuộc sống cho thế hệ tiếp theo. Đây là trách nhiệm của chúng ta. Đây được gọi là truyền pháp, và nó là điều quan trọng nhất trong Thiền tông. Nếu chúng ta có một vị thầy và đi theo đời sống tu hành, việc truyền pháp từ người này sang người khác là cần thiết. Truyền pháp giống như rót nước từ cái ly này sang cái ly khác. Chỉ khi trở thành người tu tập với tâm hoà hợp với giác ngộ, bạn mới có thể làm theo, hoà hợp với giáo pháp của thầy. Nó không phải một thứ khó khăn. Bạn có thể cho rằng mình không có khả năng bởi mình mê lầm, nhưng tôi không nghĩ vậy. Tu tập Phật giáo bắt đầu bằng “bạn là Phật”. Đó không phải một điều cụ thể mà bạn phải đạt tới. Bạn vốn đã là Phật.

Phật nghĩa là bạn phải hấp thụ hoàn toàn, không chừa lại gì. Nếu bạn ăn thứ gì đó và nó được hấp thụ hoàn toàn, sẽ không còn gì sót lại. Ngay cả nếu có một chút xíu cặn ở dưới đáy chai, đó cũng không phải Phật. Vì vậy mục đích chính của Phật giáo là đảm bảo rằng chúng ta tuyệt đối phải hấp thu trọn vẹn. Khi chúng ta ăn, thức ăn phải được tiêu hoá. Sau khi tiêu hoá, chất cặn ra khỏi cơ thể; khi cặn đã hoàn toàn ra khỏi cơ thể, cái gì còn lại? Chỉ là sự sống động: máu, thịt, não, ý thức của bạn, mọi thứ đang hoạt động. Nhưng nếu có chút xíu cặn trong dạ dày, nó sẽ gây ra bệnh tật. Điều đó có thể khó nhận ra. Nếu đã nghiên cứu Thiền tông, bạn dễ bị tấn công bởi căn bệnh giác ngộ. Nếu nói rằng mình hạnh phúc, bạn đã là người bị bệnh. Thiền luôn nhấn mạnh điều đó, nhưng chúng ta không nhận ra. Tiêu hoá hoàn toàn được gọi là Phật. Cuộc sống của bạn thật sự là sự sống động. Ngay trong tiến trình cuộc sống, trong sự vận động hay hoạt động năng nổ, không còn gì chừa lại. Phật là như vậy.

Cái chúng ta gọi là Phật ấy là gì? Đây không phải vấn đề bàn luận về một khía cạnh nào đó của vật lý siêu hình, triết học hay tâm lý học. Nó chẳng là gì ngoài sống cuộc sống hàng ngày. Bởi vậy Thiền tông, đặc biệt tông Tào Động chỉ nhấn mạnh cuộc sống hàng ngày. Nếu thành môn sinh của một vị thầy Tào Động, bạn sẽ luôn được nhận những hướng dẫn làm thế nào ứng xử như Phật; tất cả chỉ có vậy. Tôi chẳng bao giờ được người bạn và cũng là người thầy thứ hai của mình tán dương; ông luôn quở trách tôi. Ông thường chỉ ra chuyện nọ chuyện kia và nói: “Anh phạm lỗi rồi!”. Nhưng cách chỉ dẫn của ông không nhẹ nhàng. Chúng ta không hiểu điều này. Cách ấy có vẻ kỳ lạ, vì nếu luôn bị ai đó quở trách, ý thức về bản ngã, về cuộc sống của chúng ta dần dần tan đi. Điều này khó chấp nhận đối với chúng ta. Nhưng mục đích của cách ấy không phải để làm cuộc sống của chúng ta co lại. Nó chỉ là đang chỉ ra rằng chúng ta nên ứng xử như Phật. Trong rất nhiều năm, chúng ta đã quen hình thành ý thức về bản thân, vì lẽ đó không biết làm thế nào ứng xử như Phật. Nhưng các thiền sư biết rõ làm thế nào hình thành ý thức về bản thân theo cách đúng đắn. Vì vậy họ luôn quở trách. Nhưng sự quở trách ấy thực sự là pháp ấn, là sự ấn chứng giác ngộ, chỉ có điều chúng ta không nhận ra.

Có câu chuyện về Kishizawa Roshi, một thiền sư Nhật Bản nổi tiếng. Ông là thầy giáo trung học trước khi xuất gia ở tuổi ba mươi, và tu tập dưới sự dẫn dắt của Nishiari Roshi. Gương mặt Nishiari Roshi rất đặt biệt; ông rất nghiêm trang, khắc khổ. Kishizawa Roshi luôn bị thầy quở trách bất kể mình làm gì. Tốt hay xấu, đúng hay sai, ông luôn bị quở trách. Thế rồi Kishizawa Roshi muốn bỏ đi; ông thực sự muốn vì không hiểu tại sao phải chịu khổ quá nhiều như vậy. Ông rất hay nghĩ tới chuyện bỏ đi, nhưng không thể. Vì vậy, ở một góc độ nào đó, cuộc sống hàng ngày của ông phần nào giống một người thực hiện những bước nhảy vụng về để bắt kịp một người hối hả - như thế một đứa trẻ cố gắng bắt kịp người lớn bằng cách nhảy cách quãng. Ông luôn phải liều lĩnh làm vậy. Cuộc sống hàng ngày luôn ở đó, nên ông phải hối hả bám theo.

Ngày nọ, thầy ông giảng về sự truyền pháp và giải thích một số sơ đồ truyền pháp. Một trong những sơ đồ được gọi là “đại sự” (dai-j1), phác hoạ nền tảng triết học của Thiền tông. Toàn bộ sơ đồ rất đẹp đẽ, từ Đức Phật, đến Đạo Nguyên thiền sư, đến chúng ta. Một sơ đồ khác, có câu “Người sắt đây”. Người sắt nghĩa là người có đức tin hoàn hảo, một tinh thần không thoái chuyển. Một người sắt giống như một ngọn núi lớn. Câu đầu tiên này cũng có nghĩa là không có câu thứ hai; câu đầu tiên này là sự trong sáng trọn vẹn, là một bước nhảy khỏi vách đá. Chúng ta không thể kỳ vọng bước nhảy thứ hai khỏi vách đá. Tất cả những gì chúng ta phải làm là thực hiện một bước nhảy; không có bước thứ hai hay bước trước đó. Vì vậy, nếu trở thành một người sắt, chúng ta nói “Tôi đây”. Đây là một người không bao giờ nao núng. Sẽ không có người thứ hai, không có gì khác, chỉ có “Tôi đây”.

Khi Kishizawa Roshi nghe đến đó, nước mắt ông chảy không ngừng trên khuôn mặt, sau đó ông muốn hỏi xin thầy một bức thư pháp về “người sắt”. Tuy nhiên, ông ngần ngại vì bất kể điều gì ông làm cũng luôn bị thầy quở mắng, không bao giờ chấp nhận. Nhưng ông thực sự muốn vậy, nên một hôm, ông quyết định hỏi một môn sinh già được thầy ưu ái, xem người ấy có sẵn lòng hỏi xin bức thư pháp cho mình không. Bất kỳ khi nào môn sinh già đến gặp thầy, vị thầy cũng hoàn toàn hài lòng; kể cả khi đang trong tâm trạng tức giận, thầy cũng chỉ cười và nói chuyện. Ban đầu, môn sinh già có phần lưỡng lự, nhưng cuối cùng đồng ý. Một hôm, ông ta đến gặp thầy, mang theo một chai rượu sakê làm quà tặng. Vị thầy rất thích rượu sakê và mì sợi. Thế nên môn sinh già tới gặp, nói: “Dạ thưa thầy, hãy cùng ăn mì và uống rượu sakê ạ”. Thầy rất hài lòng, nói “Vào đi, vào đi”. Họ bắt đầu uống rượu sakê và ăn mì, rồi khi thầy cảm thấy vui vẻ, môn sinh già quyết định hỏi về bức thư pháp. Ông nói: “Thưa Roshi, xin viết cho con một bức thư pháp”. Thầy nói: “Được, ta sẵn lòng viết thư pháp cho ông. Ông muốn viết gì?”. Môn sinh già đáp ông muốn viết “người sắt”. Lập tức gương mặt thầy chuyển thành cái nhìn trách mắng, ông nói: “Không phải cho ông, mà ai đó nhờ ông hỏi, đúng không?”. Môn sinh già đáp: “Vâng”. Thầy nói: “Là Ian Kishizawa, đệ tử của ta đúng không?”. Môn sinh già thừa nhận đúng là Kishizawa. Sau khi nói ra tên của đệ tử, vị thầy ngừng lại giây lát, giọng ông trở nên hơi nhỏ hơn, nước mắt chảy dài trên má, ông nói: “Đệ tử của ta, Ian, đã trưởng thành rồi. Anh ta muốn xin ta viết chữ người sắt, thật là hay”. Khi vị thầy nói về người sắt, bài pháp ấy đã xuyên thấu trái tim Kishizawa, nước mắt đã chảy trên mặt ông. Người thầy biết điều đó và đã chờ đợi ông đến trình bày cái hiểu của mình. Bức thư pháp mà thầy đưa cho môn sinh già thực sự là đại ấn giác ngộ, và cuối cùng Kishizawa đã nhận sự truyền pháp từ thầy mình.

Tu tập không phải là một điều cụ thể, bởi lẽ tu tập chẳng là gì ngoài sự biểu thị trọn vẹn của chính cuộc sống, vốn đã được hấp thu trọn vẹn. Tất cả những gì phải làm là khám phá làm thế nào chấp nhận rằng bạn đã ở giữa đại dương. Điều này không là gì ngoài liên tục biểu đạt một sự hàm ơn. Nhưng chúng ta không biết làm thế nào ứng xử như Phật, nên người thầy chỉ ra điều đó trong cuộc sống hàng ngày. Đây là tu tập Phật giáo. Do vậy, Thiền tông Tào Động chấp nhận cuộc sống của chúng ta như thể đã hoàn toàn được hấp thu. Trước hết, nó phải không còn chút cặn nào, nhưng chúng ta không nhận ra. Trách nhiệm của thầy là giúp cuộc sống của chúng ta nở hoa mà không để lại cặn; tất cả chỉ có vậy. Đó là trách nhiệm của thầy. Thế nên thầy phải biết sự tiêu hoá trọn vẹn là gì, Phật là gì, tu tập đích thực là gì, cái được gọi là toạ thiền là gì. Toạ thiền không phải là một phương tiện để đạt giác ngộ thông qua tìm cầu thứ gì đó ngoài ta. Toạ thiền không là gì ngoài biểu đạt sự biết ơn trong cuộc sống.

Ai đó nói với tôi rằng mọi vị thầy của mọi tôn giáo đều nhấn mạnh cách của mình là tốt nhất. Ở một phương diện nào đó, tôi từng trải nghiệm điều tương tự trong quá khứ. Nó làm tôi thực sự chán ngán. Tôi tự hỏi tại sao mọi vị thầy lại phải nói cách của mình là tốt nhất. Nhưng ở một phương diện khác, chúng ta có thể hiểu, vì mọi tôn giáo mà bạn theo đều là con đường đạt tới đỉnh, và đỉnh này là chân lý. Chân lý là tuyệt đối. Thông qua con đường vị thầy tâm linh, bạn có thể đạt tới đỉnh. Không có gì sai ở đây, vì ông đã đạt đỉnh theo cách này. Đó là sự nương tựa tâm linh của ông. Thông qua con đường này, bạn có thể đạt tới đỉnh, bởi vậy chúng ta nên chấp nhận nó, chúng ta nên tôn trọng con đường của vị thầy, nếu không sẽ không thể làm theo thầy. Nếu người thầy nói “Ta không biết”, làm sao bạn có thể làm theo? Nếu đi theo một người như vậy, làm sao bạn có thể tìm được sự nương tựa tâm linh? Ở một phương diện nào đó, những người dẫn dắt tâm linh là những người rất kiên định. Bởi thế bạn mới có thể làm theo họ.

Đầu tiên bạn nên hiểu sự kiên định của một người dẫn dắt tâm linh, và hãy tôn trọng, chấp nhận nó. Thứ hai, việc người dẫn dắt tâm linh đã đạt đỉnh hay chưa không quan trọng. Không hề quan trọng. Nó là điều thứ yếu. Điểm quan trọng nhất là chân lý được trải nghiệm đã được hấp thu bao nhiêu, biểu hiện bao nhiêu trong cuộc sống của người ấy. Dù không nói ra, chân lý cũng hoàn toàn được hấp thu trong cuộc sống của người ấy. Đây là điều quan trọng.

---o0o---

Trích: Trở Về Yên Lặng

Tác giả: Dainin Katagiri

Người dịch: Thái An

NXB. Hồng Đức

Ảnh: nguồn Internet

 

Bài viết liên quan