ĐỨC TIN ĐÚNG - DAININ KATAGIRI

ĐỨC TIN ĐÚNG

Dainin Katagiri

-----o0o-----

Đạo Nguyên thiền sư nói chỉ một người có đức tin đúng mới có thể đi vào chân lý hay Phật pháp. Ông sử dụng thuật ngữ “cả cơ thể giống như đức tin”, nghĩa là toàn bộ thể xác và tinh thần của bạn chính là đức tin. Không thể phân biệt giữa bạn và đức tin, giữa bạn và tọa thiền. Chúng ta không biết ai đang ngồi, điều gì đang diễn ra, cái gì nên được biết bởi ai. Giống như...
ĐỨC TIN ĐÚNG - DAININ KATAGIRI

Đạo Nguyên thiền sư nói chỉ một người có đức tin đúng mới có thể đi vào chân lý hay Phật pháp. Ông sử dụng thuật ngữ “cả cơ thể giống như đức tin”, nghĩa là toàn bộ thể xác và tinh thần của bạn chính là đức tin. Không thể phân biệt giữa bạn và đức tin, giữa bạn và tọa thiền. Chúng ta không biết ai đang ngồi, điều gì đang diễn ra, cái gì nên được biết bởi ai. Giống như cá bơi trong nước. Nước hoàn toàn là một với cá, nên nước là cá, cá là nước. Không có nước, cá không thể bơi. Rất khó giải thích chính xác trạng thái duy nhất này. Nó là sự vận động năng nổ giữa nước và cá. Ý nghĩa của đức tin hay “cả cơ thể giống như đức tin” cũng như vậy.

Đức tin không phải là sự tham lam tâm linh; nó thoát khỏi cả bạn lẫn người khác, không phải một thứ được ai đó trao cho, cũng không phải một thứ đến từ bạn. Đức tin là gì? Đức tin chẳng là gì để bình luận. Trong tiếng Nhật, đức tin là jakujo, sự tịch tĩnh. Jaku nghĩa là không có ai mà bạn muốn nói chuyện; jo nghĩa là sự thanh bình, không xáo động. Tính chất không xáo động này là một thứ thấm nhuần mọi phương diện của cuộc sống hàng ngày, từ đỉnh đầu tới gót chân chúng ta. Thanh bình là một thứ sống động, bởi nó là trạng thái mà đời sống con người luôn sẵn sàng hòa nhập vào mọi hoàn cảnh và hành động. Nhưng sự hòa nhập vào mọi hoàn cảnh và hành động không phải là làm mọi thứ một cách cẩu thả. Nếu đầu óc không an tĩnh, chúng ta không thể sẵn sàng làm bất cứ điều gì. Dù chỉ một đầu ngón chân bị bối rối, chúng ta cũng không sẵn sàng làm gì. Vì thế toàn bộ cơ thể phải thanh bình, yên lặng. Phải có một nhận thức rất sáng tỏ.

Theo lời dạy của Đạo Nguyên thiền sư về đức tin, không có gì thuyết phục, thúc đẩy hay ép buộc chúng ta tạo ra đức tin. Đức tin nghĩa là sự tịch tĩnh, và sự tịch tĩnh hoàn hảo là nguồn gốc của bản chất và sự tồn tại của chúng ta. Không cần nói về sự tịch tĩnh hoặc không tịch tĩnh trong cuộc sống hay trong tọa thiền. Mọi người vốn đã hoàn toàn tịch tĩnh. Điều đó lý giải tại sao những người không tu tập Phật giáo có vẻ không tìm kiếm tịch tĩnh, nhưng trên thực tế, họ tìm kiếm nó và vật lộn vì nó theo nhiều cách. Họ làm việc cật lực trong ngày, rồi chỉ muốn trở về nhà, ngồi xuống và thư giãn bất kể ngôi nhà bừa bộn hay sạch sẽ. Chúng ta nên luôn nhớ đến bản chất hoàn toàn tịch tĩnh của mình, vì cuộc sống hàng ngày bận rộn đến nỗi ta có thể quên hoặc phớt lờ nó. Chúng ta nên tin vào sự tịch tĩnh này và trau dồi trong bản chất của sự tịch tĩnh. Khi ấy, sự trau dồi tịch tĩnh của chúng ta sẽ cải thiện đáng kể. Nếu chúng ta hành xử theo một lối nhất định, để tính chất không xáo động này tuôn ra, nó sẽ thực sự đến. Còn nếu không hành xử như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội biết hay thực chứng sự tịch tĩnh mà mình vốn có. Tọa thiền nghĩa là điều chỉnh thân tâm sao cho hoàn toàn hòa hợp với sự tịch tĩnh, để nó xảy đến tự nhiên. Tọa thiền hoàn toàn tương đồng với bản chất của sự tồn tại, được gọi là thanh bình, không xáo động.

Có một câu chuyện thiền nói tới điều này. Vị tổ thứ mười bảy đang đi dạo với đệ tử, thấy chuông gió treo trên bốn góc của mái chùa, liền hỏi: “Cái gì đang leng keng, gió hay chuông”? Đệ tử nói: “Gió không leng keng, chuông không leng keng, là tâm đang leng keng”. Đúng như vậy. Cái gì đang leng keng, gió, chuông hay cả hai? Dù nói gì cũng không đúng. Nên cuối cùng chúng ta tìm ra một giải pháp, đó là tâm đang leng keng. Điều này rất đúng, nhưng vẫn có một câu hỏi. Tâm là gì? Với câu hỏi này, đệ tử trả lời “tịch tĩnh, không xáo động”. Vị tổ thứ mười bảy thật sự hài lòng với câu trả lời. Tâm hoàn toàn bao la, không có gì để nói. Đây là bản chất của sự tồn tại, vốn có trong chuông, gió, con người, tâm trí, hay bất kể thứ gì khác. Đạo Nguyên thiền sư có lời bình rất thú vị về câu chuyện. Ông nói: “Gió leng keng, chuông leng keng, cái thổi leng keng, cái leng keng leng keng”. “Cái leng keng leng keng” nghĩa là tiếng leng keng giao phó bản thân nó cho tiếng leng keng, ổn định bản thân nó trong tiếng leng keng, và biểu thị bản thân nó trong hành động sáng tạo. Khoảnh khắc ấy, tiếng leng keng bao trùm, không có chướng ngại.

Tịch tĩnh không có nghĩa là bất động. Nói cách khác, tịch tĩnh không phải là một trạng thái chúng ta nên bám vào bằng cách xa lánh xã hội loài người; nó phải là một thứ sống động trong đời sống. Nếu hoàn toàn tách rời khỏi xã hội loài người, dù chúng ta đi đâu, cuộc sống cũng sẽ không ổn thỏa. Sống trong hang núi có vẻ là một cách có sự tịch tĩnh. Ở đó, dường như chúng ta xử lý được đối tượng, hoàn cảnh như mình thích, nhưng thật ra chúng ta không thể làm vậy. Nếu sự tịch tĩnh mà chúng ta có không được biểu đạt trong đời sống hàng ngày, nó sẽ là sự tịch tĩnh cô lập, một hình thức hạn hẹp của tịch tĩnh. Do vậy, nó dẫn đến thiếu sự chia sẻ với mọi người. Chúng ta chỉ muốn giữ cho riêng mình vì nó thú vị. Việc ở yên trong ngôi nhà của mình có vẻ thú vị vì không bị ai làm phiền. Nhưng như thế giống như ếch bơi trong cái giếng nhỏ. Đó không phải trạng thái đích thực của đời sống con người. Sự tịch tĩnh này phải được hỗ trợ bởi cái vô điều kiện. Cái vô điều kiện nghĩa là sự trong sáng, niềm vui, hòa thuận, thuần khiết, mà không thoái lui trong cuộc sống hàng ngày. Không thoái lui hay không rút khỏi đời sống xã hội mới là sự ổn định hoàn toàn hay sự nương tựa tâm linh. Vì vậy, tịch tĩnh phải được hỗ trợ bởi cái vô điều kiện dù chúng ta ở đâu. Khi đó, cuộc sống của chúng ta mới thực sự được biểu đạt trong pháp giới thay vì trong phạm vi nhỏ của cái “tôi”. Nếu cuộc sống được biểu đạt trong phạm vi nhỏ của cái “tôi”, chúng ta không thể có sự tịch tĩnh, và tự nhiên trở nên khó chịu, bất an. Chúng ta muốn ra ngoài, làm những việc khác. Như thế có vẻ thú vị, nhưng về căn bản luôn có một cảm giác khó chịu, bất an. Đó không phải tịch tĩnh hay đức tin. Đó không phải là sự giải tỏa hay nương tựa tâm linh. Sự giải tỏa hay nương tựa tâm linh nghĩa là không thoái lui; dù đi đâu, không điều gì có thể khiến chúng ta thoái lui. Đức tin luôn ở đó. Khi ấy, tự nhiên chúng ta hiểu cuộc sống con người là gì

Đức tin trong Phật giáo là tin cậy vào sự tịch tĩnh hoàn hảo, tin vào thứ gì đó lớn lao hơn sự bám víu khái niệm. Chúng ta dần dần phát triển đức tin này bằng cách lắng nghe và thực hành theo lời Phật dạy. Vì vậy, đầu tiên có sự tin cậy. Nhưng tin cậy không phải là chỉ tin mà không làm điều gì đó. Điều chúng ta phải làm là gì? Lắng nghe, suy ngẫm và thực hành Phật pháp. Đây là biểu hiện thực tế của sự đáng tin. Chẳng hạn, nếu tin ai đó, chúng ta muốn diễn đạt bản thân một cách cụ thể thông qua thực hiện nghi thức, mở lòng, hoặc nói chuyện. Chúng ta có thể kể nỗi khổ của mình cho người mình thực sự tin cậy. Vì vậy, tin cậy không chỉ là có ý nghĩ tin ai đó, mà là đồng thời làm điều gì đó thiết thực. Đây mới thực là tịch tĩnh, và sự tịch tĩnh này nổi lên như nước suối trào ra từ núi, bởi lẽ chúng ta đã có nó bên trong dù có ý thức về nó hay không.

Vậy nên, nếu chúng ta tin vào sự tịch tĩnh và thực hành, nó sẽ sống động trong cuộc sống của chúng ta, và tự nhiên cuộc sống của chúng ta trở nên vui vẻ, an bình, có thể được chia sẻ với mọi người, bởi lẽ chúng ta biết làm thế nào sống với mọi người. Khi ấy, dù chúng ta đi đâu, sự giải tỏa hoặc an tâm trong tu tập sẽ luôn có đó. Tuy nhiên, thi thoảng nếu nhìn vào thế giới loài người và thấy quá nhiều những khổ đau đang xảy ra, chúng ta dễ hỏi tại sao mình phải tu tập để thiết lập một thế giới an bình. Việc ấy có vẻ vô ích. Nhưng khi hỏi điều này, lập tức chẳng có gì khác ngoài đánh mất sự tịch tĩnh. Không nên đánh mất sự tịch tĩnh giữa thế gian đau khổ. Chúng ta vẫn phải tịch tĩnh và chia sẻ cuộc sống của mình với mọi người. Không nên rút khỏi thế gian, mà nên liên tục lắng nghe, suy ngẫm và thực hành Phật pháp. Cuối cùng, chúng ta sẽ chạm đến cốt lõi của đời sống con người. Chúng ta thừa nhận và nói: “Vâng, điều đó đúng”. Khi ấy hiểu biết sẽ đến từ tâm trí, và nó không thể làm gì khác ngoài giúp chúng ta yêu thương mọi chúng sinh. Đây chính là đức tin. Đây là diễn đạt sự cảm kích sâu xa nhất đối với đời sống con người, cũng là truyền đạt sự cảm kích sâu xa này sang thế hệ tiếp theo.

-----o0o-----

Trích: Trở Về Yên Lặng Thiền Trong Đời Sống Hàng Ngày

Tác Giả: Dainin Katagiri

Người Dịch: Thái An

Nhà Xuất Bản Hồng Đức, Năm 2014

Ảnh: Nguồn Interne

Bài viết liên quan