NÂNG CAO KHẢ NĂNG THÍCH NGHI - 85 TRIẾT LÝ SỐNG TÍCH CỰC CỦA MARCUS AURELIUS - TỪ HẠT CÁT ĐẾN NGỌC TRAI

NÂNG CAO KHẢ NĂNG THÍCH NGHI

85 TRIẾT LÝ SỐNG TÍCH CỰC CỦA MARCUS AURELIUS - TỪ HẠT CÁT ĐẾN NGỌC TRAI

Việt Dịch: Trầm Linh Hạ Dịch Ân – Nguyễn Lệ Thu, Nhà Xuất Bản Thanh Niên – 2017

---o0o---

Ánh mặt trời trông có vẻ chiếu rọi khắp mặt đất, mà quả thực là nó chiếu rọi khắp mọi nơi, nhưng nó không tràn đầy
NÂNG CAO KHẢ NĂNG THÍCH NGHI - 85 TRIẾT LÝ SỐNG TÍCH CỰC CỦA MARCUS AURELIUS - TỪ HẠT CÁT ĐẾN NGỌC TRAI

Nguyên Văn

Ánh mặt trời trông có vẻ chiếu rọi khắp mặt đất, mà quả thực là nó chiếu rọi khắp mọi nơi, nhưng nó không tràn đầy. Bởi sự phân bố ánh sáng đó là dàn trải, tia sáng của nó cũng dàn trải, chúng bị dàn trải. Nếu một người quan sát ánh mặt trời chiếu qua khe lọt vào căn phòng tối, anh ta sẽ có thể phán đoán ra tia sáng đó là gì, bởi nó chiếu thẳng, khi gặp phải bất cứ vật cố định nào chắn đường và chia cắt không khí, nó sẽ bị phân cách, nhưng ánh sáng vẫn giữ ổn định ở đó, không hề bị dao động hay thu nhỏ. Khả năng lí giải cũng nên chiếu rọi và phân bố như vậy, nó không nên tràn đầy mà nên là dàn trải, nó không nên gây ra xung đột gay gắt khi gặp phải chướng ngại vật, đồng thời cũng không nên thu mình mà phải chiếu sáng ổn định lên những thứ đón nhận nó. Vì nếu một vật thể không đón nhận nó thì sẽ không có được ánh sáng.

LỜI VÀNG Ý NGỌC

Bất kể hoàn cảnh thay đổi thế nào, người có thể thích nghi được mới chính là kẻ mạnh.

Thông qua quan sát ánh mặt trời, Marcus Aurelius phát hiện ra đặc tính của nó, chính là cho dù bị vật thể nào đó chắn đường thì nó vẫn giữ nguyên đặc tính của mình. Từ đó liên hệ đến cuộc sống hiện thực, giả sử chúng ta cũng gặp phải hoàn cảnh không như ý giống ánh mặt trời, thì liệu ta có nhanh chóng thích nghi được như vậy không?

Từ góc độ sinh học, khả năng thích nghi vô cùng quan trọng. Ngay từ khi các sinh vật mới ra đời đã phải học cách thích nghi với môi trường. Ví dụ như một con hươu vì sinh tồn mà buộc phải học cách tìm kiếm thức ăn từ môi trường xung quanh, đồng thời phải dựa vào khả năng của mình để trốn tránh sự truy bắt của những kẻ ăn thịt. Nếu không thích nghi được với môi trường thì rất có thể sẽ bị đào thải. Xã hội mà con người sinh sống cũng giống như môi trường tự nhiên, cũng tuân theo quy tắc "Chỉ có kẻ thích nghi mới tồn tại được". Có câu chuyện kể rằng: Hai người cùng vào chơi trong rừng sâu, bỗng một con hổ từ đâu xuất hiện, một người nói "Thôi chết rồi, chúng ta chạy đâu cho thoát”. Người kia lại nói "Không sao đâu, chỉ cần tôi chạy nhanh hơn anh một chút là được". Quả vậy, có những lúc chỉ cần nhanh hơn người khác một chút là bạn có thể thành công.

Người dẫn chương trình nổi tiếng của Trung Quốc - Lư Khưu Lộ vì thời đại học là sinh viên giỏi của khoa Triết học trường đại học Phúc Đàn, nhưng lúc này, tiền đồ phát triển của sinh viên khoa Triết lại rất hạn hẹp. Vì thế mà sau khi đến Thâm Quyến, bà liền bắt đầu làm nghề kế toán. Sau này có cơ hội đến Hồng Kông, bà lại bắt đầu biên tập tin tức buổi tối cho đài truyền hình, sau đó làm chương trình Thời sự ở đài truyền hình Phượng Hoàng. Thời bấy giờ, đài truyền hình Phượng Hoàng rất ít phóng viên, Lư Khưu Lộ Vi lại không biết tiếng Quảng. Nhưng nhờ chịu khó học hỏi mà bà đã nhanh chóng thông thuộc ngôn ngữ này, trở thành phóng viên nổi tiếng toàn quốc trong thời gian rất ngắn. Bạn thử nghĩ xem, cả Trung Quốc có biết bao nhiêu là phóng viên, mỗi năm lại có thêm biết bao nhiều sinh viên mới ra trường vào nghề cạnh tranh, tại sao Lư Khưu Lò Vi lại có thể nổi lên được trong giới như vậy? Đó là bởi vì bà có khả năng thích nghi với môi trường rất mạnh, cho dù đi đâu cũng có thể nhanh chóng điều chỉnh trạng thái của mình. Giả sử việc học hành hay sự nghiệp của chúng ta có biến cố thì cũng hãy cố gắng nâng cao khả năng thích nghi của mình, học cách bình tĩnh, suy nghĩ kĩ trước khi làm bất cứ việc gì.

Làm thế nào để nâng cao khả năng thích nghi với môi trường xã hội

Tiếp xúc nhiều với môi trường à Học cách tự điều chỉnh mình à Biết tìm sự giúp đỡ

Tiếp xúc nhiều với môi trường: Người sợ tiếp xúc với môi trường xã hội, trước tiên phải phá vỡ được chướng ngại tâm lí và chủ động tiếp xúc với xã hội. Ví dụ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đi gặp gỡ bạn bè... Theo nghiên cứu khoa học, người có khuynh hướng tự khép kín có thể cải thiện cảm xúc chán ghét và lo lắng, đồng thời nâng cao khả năng xã giao nhờ việc tích cực giao tiếp với bạn bè.

Học cách tự điều chỉnh mình: Trong quá trình tiếp xúc với môi trường xã hội, chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều tình huống khiến ta thấy mâu thuẫn. Khi đó, khả năng thay đổi môi trường là rất khó, vì vậy chỉ có thể điều chỉnh bản thân mình mà thôi. Cố gắng khiến cho tình thế phát triển theo hướng có lợi cho mình, ví dụ như tăng thêm thời gian học tập, tiếp xúc nhiều hơn với những người đã giúp đỡ mình... Làm vậy có thể giúp chúng ta thoát khỏi tình cảnh bất lợi.

Biết tìm sự giúp đỡ: Những người có tính cách cô lập có một đặc điểm chung, đó là khi gặp khó khăn thường không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác. Năng lực của một người là có hạn, muốn thoát khỏi tình cảnh khó khăn thì phải được người khác hỗ trợ. Do đó, lúc bình thường ta nên bồi dưỡng các mối quan hệ xã hội, tham gia nhiều các hoạt động giao tế. Tình bạn là sự tương hỗ, không cho đi thì khó có thể nhận lại được?

Bài học quan trọng

Nâng cao khả năng thích nghi không phải chuyện có thể làm được trong một thời gian ngắn, nếu chúng ta thiếu năng lực ở phương diện này thì cần có ý thức rèn luyện, bồi dưỡng cho mình. Học theo những người biết cách đối nhân xử thế cũng là một cách hay.

---o0o---

Ảnh: nguồn Internet

 

Bài viết liên quan