NĂNG LỰC TRI GIÁC - NGHỆ THUẬT SỐNG TỰ TIN - BRYAN ROBINSON, PH. D.

NĂNG LỰC TRI GIÁC

NGHỆ THUẬT SỐNG TỰ TIN - BRYAN ROBINSON, PH. D.

-----o0o-----

Con người không bị chi phối bởi bản thân sự vật, mà bởi chính nhận thức của họ về chúng.

_Epictetus_

Những ảo tưởng của tri giác

Đã có lần tôi ở lại châu Á ba tuần lễ và đắm mình trong nền văn hóa phương Đông – các nghi thức tâm linh, những cảnh sắc và thanh âm đầy mê hoặc, những mùi vị mới lạ của nền ẩm thực phong phú. Ngay cả khi đã trở về Hoa Kỳ, tôi gần như vẫn còn đắm chìm trong nền văn hóa ấy. Thế rồi không lâu sau, khi ghé qua phòng làm việc của một đồng nghệp, tôi để ý thấy có một cuốn sách trên bàn làm việc của cô ấy. Tôi liếc qua phân nửa tựa đề của cuốn sách và trong đầu tôi hiện lên từ “Tea-Ching”(1).

Vẫn còn hân hoan từ chuyến đi châu Á, tôi chỉ vào cuốn sách và xuýt xoa:

  • Ồ! Thì ra cô cũng có hứng thú với nền văn hóa Á Đông! Cô ấy tròn mắt nhìn tôi rồi nói:
  • Không, tôi chưa hề đặt chân đến châu Á và cũng chưa có ý định đến đó.

Tôi đưa mắt nhìn kỹ lại cuốn sách và tự cười mình khi nhận ra tựa đề của cuốn sách thật ra là: “Teaching in the Elementary Schools”, tức “Giảng dạy ở bậc Tiểu học”. Những ý kiến chủ quan của tôi về châu Á đã khiến tôi vội vã đưa ra kết luận rằng cô đồng nghiệp cũng quan tâm đến văn hóa Á Đông. Đó là một ảo giác, chứ không có thực. Ảo giác này phát sinh bởi những trải nghiệm của tôi về châu Á. Nó khiến tôi hình dung về thực tại theo một lối nhất định, che lấp đi sự thật khách quan của vấn đề. Câu chuyện nhỏ này là một ví dụ về cuộc sống thường nhật của chúng ta. Ta thường đem những nhận định trong quá khứ vào hoàn cảnh mới, để rồi dùng nó sàng lọc các trải nghiệm mới và tạo ra ảo giác trong hiện tại.

Nếu bạn cho rằng mình không thể thể hiện bản thân tốt tại buổi phỏng vấn xin việc (vì nghĩ rằng mình thua sút những người khác), thì bạn sẽ chẳng thể làm tốt được đâu. Nếu bạn nghĩ rằng mình là người kém cỏi, bạn sẽ biến những trải nghiệm của mình theo lối suy nghĩ ấy và cố gắng tìm những chứng cứ tương thích với nó. Những tình huống đi ngược lại với niềm tin ấy...
NĂNG LỰC TRI GIÁC - NGHỆ THUẬT SỐNG TỰ TIN - BRYAN ROBINSON, PH. D.

Một trong những sự thật phổ biến là nhận thức của ta về thế giới này, bao gồm cả nhận thức về chính bản thân ta, thường chưa đúng với thực tế. Bí quyết về “Năng lực tri giác” cho rằng trạng thái thực tại mà chúng ta đang cảm nhận được, bao gồm cả những nhận thức về chính bản thân ta, thật ra là không có thật mà chỉ là thực tế chủ quan do chính trí óc ta tạo nên. Theo nhà tâm lý học Kurt Lewin, nếu bạn tin rằng mình là người thiếu năng lực, khó ưa hay xấu xí, thì dù mọi người xung quanh không suy nghĩ như thế về bạn, ấn tượng của bạn về bản thân: “Tôi là một người không xứng đáng” vẫn là một sự thật trong tâm trí bạn. Ảo giác này sẽ ảnh hưởng nhiều đến cách hành xử của bạn, như thể nó là một sự thật khách quan. Nhiều học thuyết cho rằng cách ứng xử của chúng ta thường không dựa trên thực tế khách quan mà dựa trên cảm nhận chủ quan của ta. Eckhart Tolle đã xem bản ngã như một ảo giác về “cái Tôi” của con người. Còn Albert Einstein(2) thì gọi đó là “ảo giác quang học của ý thức”.

Để chứng minh cho việc trí óc định hình các trải nghiệm mới, các nhà khoa học tại trường Đại học Cambridge đã tiến hành một cuộc thí nghiệm với những chú mèo con mới sinh bằng cách giới hạn tầm nhìn của chúng ở những mặt phẳng ngang. Do vậy, khi trưởng thành, các chú mèo này chỉ có khả năng nhận diện những mặt phẳng ngang chứ không thể nhận diện được mặt phẳng đứng. Chúng có thể phóng lên trên mặt bàn, nhưng lại đâm sầm vào các chân bàn. Rõ ràng, mặt phẳng đứng không hề tồn tại trong não bộ của các chú mèo này bởi chúng chưa từng được nhìn thấy khi còn nhỏ. Mục đích của cuộc nghiên cứu này nhằm chỉ ra rằng chính sự giới hạn về tầm nhìn khi còn nhỏ nên những gì mà các chú mèo nhìn thấy trong hiện tại chỉ là ảo giác.

Khi đề cập đến lòng tự tin, nghiên cứu này đã chứng minh: quan niệm cho rằng sự kiểm soát, cơn nóng giận, sự phán xét hay những phần khác trong mỗi người chính là bản chất của họ chỉ là ảo tưởng của tri giác. Cách chúng ta cảm nhận thế giới xung quanh sẽ quyết định quan điểm của ta trong đời sống tinh thần. Từ những năm tháng đầu đời cho đến mãi về sau, sự tự tin, hay thiếu tự tin, được hình thành từ những lời mà ta nghe thấy và qua thái độ, cảm xúc, hành động của cha mẹ và những người trưởng thành khác. Suốt thời thơ ấu, não bộ của ta sẽ ghi lại những ký ức và mang chúng theo cho đến mãi về sau. Những ký ức này - tốt hay xấu - đều sẽ góp phần tạo nên nhận định của ta, thâm nhập vào mỗi tình huống trong hiện tại đồng thời định hình cách ta cảm nhận về bản thân, về mọi người và hoàn cảnh xung quanh. Nói cách khác, chúng ta cứ mãi tìm kiếm những mặt phẳng ngang bởi đó là những gì ta thấy được trong thời thơ ấu.

Hãy xét trường hợp của Glenda, người đã mang nặng ảo tưởng tri giác về mình trong suốt nhiều năm. Glenda vẫn nhớ rất rõ cảm giác của mình khi vào năm lên bảy, một người dì đã nắm chặt vai cô, nhìn thẳng vào mắt cô và gieo vào đầu cô ý nghĩ: “Con đừng bao giờ mặc màu đỏ nhé, vì tóc con đỏ rồi mà! Mái tóc đỏ này khiến con trông giống như chiếc xe cứu hỏa vậy”. Ảo giác này đã chế ngự suy nghĩ và cách hành xử của Glenda trong suốt bốn mươi năm và khiến cô chẳng bao giờ đụng đến những bộ quần áo màu đỏ. Glenda đã cố gò ép suy nghĩ, cảm xúc và cách hành xử của mình theo quan điểm của người dì. Ngay cả khi đã ở tuổi bốn mươi bảy, khi đã hiểu ra rằng không phải ai cũng có cùng quan điểm như người dì của mình nhưng Glenda vẫn cảm thấy không thoải mái khi mặc màu đỏ. Ảo tưởng tri giác từ thời thơ ấu vẫn còn lấn át lòng tự tin của cô, ngay cả khi cô đã trưởng thành.

Vào năm học lớp bảy, Stephanie mang sổ liên lạc được xếp loại A của mình về nhà, cha mẹ cô đã hỏi: “Này con, sao con không đạt loại A+ nhỉ?”. Khi Stephanie giành giải thưởng trong một cuộc thi viết văn và đem khoe với cha mình thì ông bảo: “Chắc là chẳng có nhiều bài dự thi nên họ mới trao giải cho con đấy”. Stephanie kể rằng ngay cả khi bước vào độ tuổi bốn mươi, cô vẫn sống với cảm giác cần phải chứng minh điều gì đó. Cô đã sống với ảo giác rằng mình chưa đủ giỏi.

Joe là một nạn nhân khác của tình trạng ảo giác về bản thân, và nó đã gần như hủy hoại cuộc sống của anh. Mỗi buổi sáng của Joe đều bắt đầu bằng tiếng gọi của người cha: “Mau lê cái thân lười nhác của mày ra khỏi giường đi!”. Câu nói ấy xuyên thẳng vào đầu óc non nớt của Joe, khiến anh tin rằng mình là kẻ lười nhác và chẳng có tí giá trị gì. Anh đã dành phần lớn thời gian của mình để làm việc đến kiệt sức. Anh đã cố gắng chứng minh giá trị bản thân và lòng tự tin bằng cách làm việc không ngừng nghỉ. Chính điều này đã gần như giết chết anh. “Tôi là người vô tích sự” là thông điệp của ảo giác mà anh luôn mang nặng trong lòng. Nó thôi thúc anh nỗ lực hết mình để gặt hái thành công cho đến khi anh cảm thấy mình có giá trị, nhưng anh chẳng bao giờ cảm nhận được điều đó dù vốn dĩ anh đã là người tài ba.

Bạn hãy thử bài trắc nghiệm sau đây: Hãy yêu cầu một người nào đó dành ra một phút để quan sát văn phòng của bạn hay bất cứ căn phòng nào mà bạn đang có mặt. Yêu cầu người bạn đó nhẩm trong đầu càng nhiều vật có màu xanh dương càng tốt. Có thể là thảm, giấy dán tường, bìa của những cuốn sách trên kệ, màn cửa hay ghế xô-pha. Sau một phút, hãy yêu cầu người bạn ấy nhắm mắt lại và kể ra những vật dụng màu vàng mà người ấy nhớ được. Hầu hết mọi người đều không thể nhớ được những vật màu vàng bởi họ chỉ tập trung vào vật màu xanh dương. Người bạn ấy có thể sẽ nhìn bạn với ánh mắt đầy ngạc nhiên, tự hỏi liệu có phải bạn đang muốn khoe việc bàn ghế vừa được đánh véc-ni lại hay không và nói: “Tôi chẳng thấy vật nào màu vàng cả bởi anh chỉ bảo tôi tìm màu xanh dương thôi mà”. Tuy nhiên, nếu bạn yêu cầu người bạn ấy tìm màu vàng thì hẳn người ấy đã thấy những vật màu vàng. Có thể căn phòng của bạn có rất ít vật màu vàng nhưng người ấy vẫn tìm ra bởi họ sẽ loại bỏ tất cả những thứ khác để chỉ tập trung vào những vật có màu vàng.

Mục đích của bài trắc nghiệm này là nhằm chứng minh cách chúng ta thu thập chứng cứ để ủng hộ cho niềm tin vốn có về bản thân mình từ khi ta còn nhỏ. Đa số cảm nhận của ta về bản thân và về những người xung quanh đơn thuần chỉ là những ảo giác. Khi ta bảo với các em nhỏ rằng chúng sẽ chẳng bao giờ trở thành người tốt hay đạt được thành công như mong đợi, ta đã tạo nên trong lòng các em viễn ảnh tiêu cực về bản thân, rằng các em thua kém, không xứng đáng hoặc không có giá trị. Những nhận định này sẽ chi phối cuộc sống của trẻ khi trẻ tưởng thành. Đôi khi, chúng ta vô tình đi quá xa khi cố gắng thu thập những chứng cứ trong hiện tại sao cho tương thích với những hình ảnh trong đầu mình nhằm củng cố niềm tin cố hữu nào đấy.

Nếu bạn cho rằng mình không thể thể hiện bản thân tốt tại buổi phỏng vấn xin việc (vì nghĩ rằng mình thua sút những người khác), thì bạn sẽ chẳng thể làm tốt được đâu. Nếu bạn nghĩ rằng mình là người kém cỏi, bạn sẽ biến những trải nghiệm của mình theo lối suy nghĩ ấy và cố gắng tìm những chứng cứ tương thích với nó. Những tình huống đi ngược lại với niềm tin ấy đều bị bạn phớt lờ đi, lảng tránh hoặc từ chối tiếp thu nó như một phần của trải nghiệm tri giác.

Cứ như thế, bạn tiếp tục tìm kiếm sự kém cỏi của mình, bất chấp thực tế là mỗi ngày bạn đều nhận được những phản hồi hết sức tích cực giúp bạn xây dựng lòng tự tin. Những lời khen ngợi lướt ra khỏi đầu bạn. Bạn tự nhủ rằng những thành công của mình chỉ là do may mắn, còn những thất bại là bằng chứng thuyết phục cho sự kém cỏi của bản thân.

-----o0o-----

Trích “Nghệ Thuật Sống Tự Tin”

Tác giả: Bryan Robinson, Ph. D.

Người dịch: Thanh Thảo – An Bình

Nhà Xuất Bản Trẻ

0eb477b4-2995-4ea9-936b-67bb60c51f7a_78fcb8f0cdb74d7dbeb27f31ed78e2dd_master

Bài viết liên quan