NĂNG SUẤT SÁNG TẠO – SỨC MẠNH CỦA SỐ LƯỢNG VÀ TỐC ĐỘ - TRÍCH: SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ SÁNG TẠO – TONY BUZAN

Trong những hoạt động động não thông thường, trung bình mỗi người nghĩ ra 7-10 ý tưởng sáng tạo, và trong hai ngày, trung bình một nhóm sẽ nghĩ ra được 120 ý tưởng. Nếu bạn tự đặt cho mình mục tiêu nghĩ ra 20 – 40 ý tưởng sáng tạo và cả nhóm đưa ra 200 – 400 ý tưởng sáng tạo thì bạn sẽ thôi thúc bộ não sản sinh ra nhiều ý tưởng hơn so với bình thường. Càng nhiều ý tưởng, bạn...
NĂNG SUẤT SÁNG TẠO – SỨC MẠNH CỦA SỐ LƯỢNG VÀ TỐC ĐỘ - TRÍCH: SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ SÁNG TẠO – TONY BUZAN

NĂNG SUẤT SÁNG TẠO – SỨC MẠNH CỦA SỐ LƯỢNG VÀ TỐC ĐỘ

SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ SÁNG TẠO – TONY BUZAN

–––––o0o–––––

Khả năng tư duy sáng tạo thể hiện qua số lượng ý tưởng và tốc độ sản sinh ra chúng. Giữ cho dòng mạch ý tưởng liên tục tuôn tràn là một trong những mục tiêu chính yếu của những người tư duy sáng tạo và những bậc vĩ nhân.

Nhưng nếu chúng ta bắt đầu tăng tốc tư duy và đưa ra nhiều ý tưởng mới, liệu chất lượng mỗi ý tưởng sẽ giảm sút, vẫn như cũ hay tăng lên?

Thật ngạc nhiên là khi số lượng và tốc độ tăng thì chất lượng của những ý tưởng sáng tạo này cũng gia tăng!

Nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những điển hình xuất sắc về khả năng tư duy sáng tạo, và phân tích xem quá trình này diễn ra ở họ như thế nào. Khối lượng và năng suất công việc của những nhà tư tưởng vĩ đại ấy thật đáng kinh ngạc!

Marie Curie – Bà là nhà khoa học đạt đến hai giải Nobel ở hai lĩnh vực khác nhau là vật lý và hóa học. Công trình nghiên cứu của bà bao gồm hiện tượng từ tính, đặc tính của các chất phóng xạ và phát triển những ứng dụng của tia X trong y khoa, Đồng thời, bà còn chia tách được hai nguyên tố hóa học mới là radium (Ra) và polonium (Po).

Leonardo da Vinci – Ông đã đưa ra không biết bao nhiêu ý tưởng vĩ đại ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau mà cho đến nay chưa ai có thể thống kê hết.

Charles Darwin – “Cha đẻ” của thuyết Tiến hóa không chỉ viết một quyển sách dày hơn 1.000 trang về chủ đề này, mà ông còn viết 119 công trình khoa học, sách và tuyển tập chuyên đề khác nhau.

Thomas Edison – là người sỡ hữu 1.093 bằng sáng chế, một kỷ lục thế giới về số bằng sách chế cá nhân được đăng ký. Ông cũng có bộ sưu tập hơn 3.500 quyển sổ tay ghi chép các công trình nghiên cứu và ý tưởng của ông.

Albert Einstein – bên cạnh thuyết tương đối, Einstein còn công bố hơn 240 công trình nghiên cứu khoa học khác.

Sigmund Freud – đã viết và công bố hơn 330 công trình nghiên cứu về tâm lý học.

Goethe – một học giả uyên bác và là đại thi hào người Đức. Ông đã sáng tác nhiều đến nổi người ta ước tình ông đã sử dụng hơn 50.000 từ khác nhau trong tất cả các tác phẩm của mình.

Garry Kasparov – kỳ thủ vĩ đại nhất trong lịch sử. Anh có thể chơi, phân tích, ghi nhớ và bình luận đầy sáng tạo về hàng nghìn ván cờ hay của thế giới.

Mozart – trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông đã kịp sáng tác hơn 600 tác phẩm âm nhạc, trong đó bao gồm 40 bản nhạc giao hưởng.

Pablo Picasso – là một trong những nhà sáng tạo bật nhất của thế kỷ 20, ông đã sáng tác hơn 20.000 tác phẩm nghệ thuật.

Rembrandt – tham gia vào nhiều lĩnh vực, trong đó có cả kinh doanh; ông đã vẽ trên 650 bức tranh và hơn 2.000 bức họa chì.

William Shakespeare – đại văn hào người Anh này đã viết hơn 154 thi khúc, 37 vở kịch bất hủ trong khoảng thời gian chưa đến 20 năm.

Danh sách trên đã đánh tan những ngộ nhận rằng thiên tài chỉ sản sinh ra một vài ý tưởng xuất chúng và sau đó thì không còn ý tưởng nào nổi bật nữa. Nhưng thực tế đã chững minh điều ngược lại: họ sở hữu kho ý tưởng khổng lồ và không ngừng gia tăng hiệu năng sáng tạo của mình theo thời gian; qua đó, năng lượng sáng tạo của họ ngày một lớn mạnh.

Vậy, những thiên tài lúc nào cũng đưa ra hết ý tưởng hoàn hảo này đến ý tưởng hoàn hảo khác? Dĩ nhiên là không! Rất nhiều ý tưởng của họ không thật sự xuất chúng. Thế nhưng chính từ những điều “không xuất chúng” ấy, sự xuất chúng bắt đầu hiển lộ.

Những thiên tài sáng tạo vĩ đại luôn đảm bảo rằng chất lượng ý tưởng sẽ dần được cải thiện thời gian. Họ tạo điều kiện cho quá trình tương tác giữa bán cầu não trái và phải để đồng bộ hóa tư duy, cộng hưởng sức mạnh của mỗi bên. Đây là điểm nổi bật ở những người “biết sử dụng cái đầu”!

Nếu bạn muốn trở thành thiên tài, hãy học theo Leonardo. Trong quyển sổ tay của mình, Leonardo thỏa sức vẽ nguệch ngoạc, ghi lại những suy nghĩ bất chợt của ông và từ đó những ý tưởng thiên tài bắt đầu xuất hiện.

Thomas Edison, “môn đệ” xuất chúng của Leonardo, cũng có phương pháp tư duy tương tự. Edison xem sáng tạo là một công việc/ trò chơi đòi hỏi phải có niềm đam mê, sự tử tế, trung thực, vui vẻ và chăm chỉ. Theo ông, để là một thiên tài sáng tạo, người ta cần 1% cảm hứng và 99% mồ hôi nưới mắt”. Ông không hề nói suông, bản thân ông luôn thực hành những điều mình tuyên bố. Edison đã thực hiện hơn 9.000 thí nghiệm mới phát minh ra chiếc bóng đèn dây tóc, và hơn 50.000 thí nghiệm khác trước khi phát minh ra pin.

Một ví dụ khác thể hiện sự toàn tâm toàn ý cho việc sáng tạo ý tưởng, bất chấp chuyện gì xảy ra, có thể được tìm thấy ở phòng thí nghiệm của ông ở New Jersey (nay là Công viên Lịch sử Quốc gia Thomas Edison). Khi dạo bước quanh bảo tàng, bạn sẽ thấy một dãy hàng trăm chiếc loa máy hát đĩa được làm từ đủ loại chất liệu với hình dáng và kích thước đa dạng. Trông chúng giống như là bộ sưu tập của người ngoài hành tinh với đủ hình dạng từ tròn đến vuông, tứ giác, dạng bè, dạng ngắn, cao, ốm, thẳng, cong, và nếu xét về tính thẩm mỹ thì có cả các kiểu xấu đẹp khác nhau.

Edison đã loại bỏ hầu hết những mẫu này. Song, chúng vẫn hiện diện nới đây như là lời tán dương cho sự tận tụy, không ngừng thử nghiệm, mạo hiểm và thử sai của ông cho đến khi tìm được giải pháp lý tưởng. Thái độ đối với “thất bại” của ông cũng rất đáng để tất cả chúng ta học tập. Chẳng hạn như, khi được hỏi vì sao ông vẫn không ngừng khác phá loại dây tóc bóng đèn có tuổi thọ cao hơn cho dù đã thất bại cả nghìn lần, người thư ký của Edison cho biết ông không bao giờ nghĩ đó là thất bại, mà ông cho rằng mình đã phát hiện ra hàng nghìn chất liệu khiến cho sản phẩm cuối cùng không hoạt động tốt như mong muốn. Và trên hành trình không ngừng khám phá ấy, việc ông tìm ra cách thức/ sản phẩm hoàn hảo là điều khó… tránh khỏi!

Đãi cát tìm vàng

Quá trình sáng tạo ý tưởng cũng giống như việc đãi cát tìm vàng vậy. Những hạt kim loại vàng thì rất ít trong khi các hạt cát, sỏi thì nhiều vô số kể dưới lòng sông. Trong “dòng sông” trí tuệ cũng vậy!

Sỏi, đã hay cát tượng trung cho những ý tưởng sẵn có. Để tìm ra vàng (những ý tưởng vĩ đại hay một giải pháp sáng tạo), bạn cần sàng lọc tất cả các hạt (ý tưởng) trong “dòng sông” trí tuệ để tìm thấy những mẩu vàng thực sự giá trị.

Những thiên tài sáng tạo hiểu được điều này, và do đó họ không ngần ngại tạo ra hàng trăm ý tưởng, sàng lọc chúng và tìm ra những gì thật sự xuất chúng. Tiến sĩ Dean Keith Simonton đã thực hiện nghiên cứu trên 2.036 nhà khoa học sáng tạo và đã khám phá ra một điều hết sức bất ngờ nhưng có thể hiểu được: những nhà khoa học được trọng vọng nhất không chỉ có nhiều công trình vĩ đại hơn người khác, mà họ cũng có nhiều công trình nghiên cứu tệ hại hơn người khác nữa!

Nói cách khác, những người vĩ đại đã sáng tạo nhiều hơn, rồi sau đó chọn lọc ra những gì tinh túy nhất.

Giờ đây bạn đã biết được bí mật của Năng suất Sáng tạo: hãy tạo ra càng nhiều ý tưởng và càng nhanh càng tốt, bạn sẽ nâng cao được cả số lượng và sức mạnh của tư duy sáng tạo mà bản thân đang sở hữu.

Rèn Luyện Trí Tuệ Sáng Tạo

1. Đẩy nhanh tốc độ tư duy

Hầu hết mọi người đều tư duy với tốc độ “trung bình”, trong khi đây thật sự là giới hạn thấp nhất mà ai cũng có thể đạt được. Khi đã biết điều này và tập trung vào tốc độ tư duy, bạn sẽ cảm thấy tốc độ sáng tạo của bản thân ngày một gia tăng.

2. Hãy Nhớ - Khả năng sáng tạo của bạn là vô tận!

Bạn còn nhớ bài tập “Vui” ở chương 3 không? Cũng tương tự như vậy, bạn có thấy khả năng vô tận của bản thân trong việc nghĩ ra cái cớ để không đọc mấy quyển tạp chí hay quyển sách bạn đã chọn, hoặc để không hoàn thành những công việc khác?

Hãy hồi tưởng lại thời gian qua, và ghi nhận tất cả những điều bạn đã thực hiện mà bạn cho là sáng tạo. Càng nhận thức sâu sắc năng lực sáng tạo của bản thân, bộ não càng dễ dàng đưa ra những ý tưởng/ giải pháp mới mẻ.

3. Nhanh chóng nhận ra mối tương quan giữ các vấn đề

Ở trang 102 và 103, bạn sẽ tìm thấy một số từ được sắp xếp không theo một trình tự nào. Trò chơi này yêu cầu bạn chọn ngẫu nhiên một từ và nhận ra mối liên hệ giữa nó và các từ còn lại.

Với từng cặp từ, hãy tìm ra ít nhất 5 điểm tương đồng giữa chúng – ý tưởng càng táo bạo càng tốt. Nếu bạn có thể tìm thấy 10 điểm tương đồng giữa hai từ, bạn đã hoàn thành rất tốt trò chơi. Nếu tìm thấy 15 điểm tương đồng, bạn nằm trong 1% người chơi có thành tích cao nhất. Còn nếu tìm ra hơn 20 điểm, bạn chính là thiên tài trong lĩnh vực này.

(Hãy xem thêm chương 8 để hiểu rõ hơn về bộ não và chức năng liên kết các dữ kiện của nó.)

4. Gia tăng vốn từ vựng

Hãy bổ sung vốn từ vựng của mình bằng cách học một từ mới mỗi ngày; và sau một năm bạn sẽ có thêm 365 từ mới, nghĩa là trong bộ não sẽ có thêm 365 trung tâm liên kết mới không chỉ phối hợp gia tăng số lượng mà còn đẩy nhanh tốc độ sản sinh ý tưởng.

5. Sáng tạo cùng các hình khối cơ bản

Hãy xem lại phần Rèn luyện Trí Tuệ Sáng Tạo ở chương 4 và thử thực hiện lại bài tập ở trang 68, nhưng lần này hãy tự đặt ra giới hạn thời gian. Thực hiện mỗi tuần hoặc mỗi tháng một lần, đảm bảo thời gian hoàn thành bài tập sẽ giảm dần qua mỗi lần. Bài tập này vô cùng hữu ích để rèn luyện “cơ bắp” thần kinh sáng tạo của bạn.

6. Tự động não

Khi động não, cứ để cho ý tưởng mặc sức tuôn trào. Hãy tạo ra càng nhiều ý tưởng càng tốt và càng nhanh càng tốt, chưa cần quan tâm đến việc ý tưởng này có tốt hay không, có thực tiễn hay không cho đến khi đã hoàn thành quá trình động não.

Liên tục điều chỉnh và tự phản biện khi đưa ra ý tưởng là thói quen rất phổ biến, song thỉnh thoảng làm mất động lực, triệt tiêu tính sáng tạo trong một số trường hợp!

7. Động não theo nhóm

Quy trình cũng tương tự như trên, ngoại trừ việc bạn cần đảm bảo mọi người đều thoải mái chia sẻ ý tưởng, dù là những ý tưởng lạ lùng.

Nếu có ai trong nhóm bắt đầu bình luận, chỉ trích một ý tưởng nào đó, bạn có thể ngay lập tức can thiệp: “Đây là một nhận xét hay, nhưng hãy để dành cho bước tiếp theo nhé. Bây giờ, chúng ta quay trở lại bước sảnh sinh ý tưởng”.

8. Lùi một bước, tiến ba bước!

Hồi tưởng lại những nơi đã giúp bạn bùng nổ ý tưởng sáng tạo, giải pháp cho mọi vấn đề, và làm sống lại những ký ức tuyệt vời.

Thư giãn và dành cho mình khoảng không gian riêng tư.

Để khơi thông dòng thác ý tưởng sáng tạo, hãy luôn cho bản thân cơ hội được sống “chậm” lại. Khi đó, cơ thể bạn được nghỉ ngơi thư giãn, còn bộ não thì tăng tốc tư duy, xử lý công việc thay cho bạn.

9. Luôn mang theo sổ tay

Hãy luôn mang theo sổ tay để bất kể khi nào ý tưởng xuất hiện, bạn cũng có thể nhanh chóng ghi lại (xem thêm chương 3). Khi có sổ tay bên người, bộ não của bạn sẽ sản sinh ra nhiều ý tưởng sáng tạo hơn; cũng giống như lúc nào có bánh kẹo bên mình thì bạn sẽ thấy thèm ăn hơn vậy!

10. Đặt mục tiêu cho bản thân

Trong những hoạt động động não thông thường, trung bình mỗi người nghĩ ra 7-10 ý tưởng sáng tạo, và trong hai ngày, trung bình một nhóm sẽ nghĩ ra được 120 ý tưởng.

Nếu bạn tự đặt cho mình mục tiêu nghĩ ra 20 – 40 ý tưởng sáng tạo và cả nhóm đưa ra 200 – 400 ý tưởng sáng tạo thì bạn sẽ thôi thúc bộ não sản sinh ra nhiều ý tưởng hơn so với bình thường. Càng nhiều ý tưởng, bạn sẽ càng có nhiều khả năng đãi được “vàng”!

–––––o0o–––––

Trích: Sức Mạnh Của Trí Tuệ Sáng Tạo

Tác Giả: Tony Buzan

Biên tập: Nguyễn Thị Liên

NXB: Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh in năm 2018

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan