PHẬT TÁNH LÀ TÂM TỪ - Nguyễn Thế Đăng

PHẬT TÁNH LÀ TÂM TỪ

Nguyễn Thế Đăng

-------o0o-------

Có phải cái đẹp của thế gian là do tâm từ mà có? Chính tâm từ tạo thành cái đẹp của thiên nhiên, con người và thế giới.
PHẬT TÁNH LÀ TÂM TỪ - Nguyễn Thế Đăng

PHẬT TÁNH LÀ TÂM TỪ

Nguyễn Thế Đăng

-------o0o-------

Thành Phật là thành tựu đức đại từ đại bi do đã khai mở hoàn toàn Phật tánh:

“Vì xưa kia, trong tám mươi ức kiếp, ta giữ giới trong sạch, ít muốn biết đủ, thành tựu oai nghi, khéo tu vô lượng pháp tạng của chư Phật. Thưở ấy ta cũng quyết định rằng mình có Phật tánh, nhờ đó nên nay ta được thành Phật, có đức đại từ đại bi” (phẩm Như Lai Tánh, phẩm Tà Chánh, Kinh Đại Bát Niết Bàn).

“Tất cả chúng sanh quyết định sẽ được đại từ đại bi, do đây nên nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Đại từ đại bi gọi là Phật tánh, Phật tánh gọi là Như Lai” (phẩm Bồ tát Sư Tử Hống).

Bồ tát thì tu cả Bốn tâm vô lượng:

“Thiện nam tử! Đại Bồ tát trụ ở Sơ địa gọi là đại từ. Vì sao thế? Kẻ xấu ác cùng cực gọi là nhất xiển đề. Bồ tát trụ ở Sơ địa lúc tu Đại từ thì với nhất xiển đề tâm không có sai biệt, chẳng thấy lỗi của họ, nên chẳng sanh sân. Vì nghĩa ấy nên được gọi là đại từ. Thiện nam tử! Vì trừ những điều không lợi ích cho chúng sanh, đây gọi là đại từ.

Muốn cho chúng sanh vô lượng lợi lạc, đây gọi là đại bi.

Với các chúng sanh tâm sanh hoan hỷ, đây là đại hỷ.

Không ôm giữ cái gì, đây gọi là đại xả. Nếu chẳng thấy cái tôi, tướng các pháp, thân mình, thấy tất cả pháp bình đẳng không có hai, đấy gọi là đại xả. Tự bỏ cái vui của mình mà đem cho người khác, đây gọi là đại xả.

Thiện nam tử! Chỉ bốn tâm vô lượng có thể làm cho Bồ tát tăng trưởng đầy đủ Sáu ba la mật, còn các hạnh khác không thể làm được.

Thiện nam tử! Đại Bồ tát trước được bốn tâm vô lượng thế gian, rồi sau mới phát tâm Bồ đề vô thượng, sau đó mới được tâm vô lượng xuất thế gian. Thiện nam tử! Nhân tâm vô lượng thế gian mà được tâm vô lượng xuất thế gian, do vì nghĩa ấy nên gọi là đại vô lượng”. (phẩm Phạm Hạnh).

Bồ tát ở Sơ Hoan Hỷ địa lần đầu tiên tương ưng và thể nhập Pháp thân Phật tánh và Bốn tâm vô lượng Từ Bi Hỷ Xả cũng hòa nhập với Pháp thân Phật tánh để thành “tâm vô lượng xuất thế gian”. Từ đây, càng mở rộng bốn tâm vô lượng thì càng “dứt trừ được các phiền não” (phẩm Phạm Hạnh), và càng dứt trừ vô minh phiền não thì Pháp thân Phật tánh càng hiển lộ. Bốn tâm vô lượng khiến Bồ tát thể nhập sâu hơn vào Pháp thân Phật tánh vì chúng làm “tăng trưởng đầy đủ Sáu ba la mật, còn các hạnh khác không thể làm được”.

Đặc biệt phẩm Phạm Hạnh dành để nói nhiều về tâm Từ, và cách tu tập về tâm từ.

“Thiện nam tử! Thiện căn của tất cả Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát, chư Phật đều lấy tâm từ làm căn bản.

Thiện nam tử! Đại Bồ tát tu tập tâm từ có thể sanh vô lượng thiện căn như vậy. Đó là: quán bất tịnh, quán hơi thở ra vào, vô thường, bốn niệm xứ, bảy phương tiện, ba quán xứ, mười hai nhân duyên, vô ngã. Pháp noãn, pháp đảnh, pháp nhẫn, pháp thế đệ nhất, Kiến đạo, Tu đạo, Bốn chánh cần, Bốn như ý, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần, Tám thánh đạo phần, Bốn thiền, Bốn vô lượng tâm, Tám giải thoát, Tám thắng xứ, Mười nhất thiết nhập, Ba tam muội Không, Vô tướng, Vô nguyện, Vô tranh tam muội, Tha tâm trí, các thần thông, trí biết bản tế, trí Thanh Văn, trí Duyên Giác, trí Phật.

Thiện nam tử! Những pháp như vậy đều lấy tâm từ làm căn bản. Vì nghĩa ấy nên từ là chân thật chẳng phải là hư vọng.

Nếu có người hỏi cái gì là căn bản của tất cả pháp lành? Nên đáp: Chính là tâm từ.

Thiện nam tử! Người có thể thực hành pháp lành gọi là thật tư duy, người thật tư duy gọi là có tâm từ. Tâm từ chính là Như Lai.

Thiện nam tử! Tâm từ tức là Đại thừa, Đại thừa tức là tâm từ, tâm từ tức là Như Lai.

Thiện nam tử! Tâm từ tức là đạo Bồ đề, đạo Bồ đề tức là tâm từ, tâm từ tức là Như Lai.

Thiện nam tử! Tâm từ có thể vì tất cả chúng sanh mà làm cha mẹ, cha mẹ là tâm từ, tâm từ chính là Như Lai.

Thiện nam tử! Tâm từ là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật. Cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật chính là tâm từ. Nên biết tâm từ chính là Như Lai.

Thiện nam tử! Tâm từ chính là Phật tánh của chúng sanh. Phật tánh này từ lâu bị phiền não che đậy khiến chúng sanh không thể nhìn thấy. Phật tánh tức là tâm từ, tâm từ chính là Như Lai” (phẩm Phạm Hạnh).

Như vậy, tu hành tâm từ là tu hành Phật tánh, và tu hành Phật tánh là tu hành tâm từ. Cụ thể tâm từ dứt trừ vô minh phiền não để hiển lộ Phật tánh, và Phật tánh tức là tâm từ.

Chúng ta trích một ít đoạn về thực hành tâm từ khi bố thí:

“Thiện nam tử! Lúc làm việc bố thí, Bồ tát đối với chúng sanh, lòng từ bình đẳng, tưởng như con mình. Lại lúc làm bố thí, đối với chúng sanh Bồ tát khởi lòng bi mẫn như cha mẹ chăm sóc đứa con đang đau ốm. Lúc làm bố thí, lòng Bồ tát vui mừng như thấy con được khỏi bệnh. Sau khi bố thí, lòng Bồ tát buông xả như cha mẹ thấy con đã lớn có thể tự sanh sống.

Đại Bồ tát này ở trong tâm từ, lúc bố thí thức ăn thường nguyện như vầy: Nay những thức ăn của tôi đều cho tất cả chúng sanh cùng hưởng. Do nhân duyên này khiến cho các chúng sanh được thức ăn đại trí huệ, chuyên cần tinh tấn hướng đến Đại thừa vô thượng. Nguyện các chúng sanh được món ăn hoan hỷ của pháp, chẳng cầu món ăn ái nhiễm. Nguyện các chúng sanh đều được món ăn Bát nhã ba la mật, đều được nắm giữ đầy đủ các thiện căn vô ngại tăng trưởng. Nguyện các chúng sanh ngộ hiểu Không tướng, đắc thân vô ngại giống như hư không. Nguyện các chúng sanh thường làm người lãnh thọ, thương xót tất cả mà làm ruộng phước cho mọi loài”.

Trong khi bố thí thức ăn, nghĩ đến tất cả chúng sanh, đó là tâm từ bi. Từ bi ấy không rời trí huệ Bát nhã soi thấy Không tướng. Chỉ trong một việc bố thí, Bồ tát có đủ từ bi và trí huệ. Và làm như vậy, nghĩa là “ở trong tâm từ” mà làm, thì Bồ tát dần đi sâu vào từ bi và trí huệ, tức là nền tảng Phật tánh.

“Thiện nam tử! Đại Bồ tát ở trong tâm từ, lúc bố thí thức uống nên nguyện như vầy: Nay những thức uống tôi bố thí đều cho tất cả chúng sanh cùng hưởng. Do nhân duyên này khiến cho các chúng sanh đến sông Đại thừa, uống nước Tám vị mau vượt trên con đường vô thượng Bồ đề, lìa khỏi sự khô khát của Thanh Văn, Duyên Giác mà khát ngưỡng cầu Phật thừa vô thượng, dứt khát phiền não mà khát ngưỡng pháp vị. Lìa niệm ưa sanh tử mà ưa thích Đại Niết bàn Đại thừa, đầy đủ pháp thân, đắc các tam muội, nhập vào biển lớn trí huệ sâu xa. Nguyện các chúng sanh được vị cam lồ, vị Bồ đề xuất thế, tịch tĩnh lìa dục. Nguyện các chúng sanh đầy đủ vô lượng trăm ngàn pháp vị. Đủ pháp vị rồi được thấy Phật tánh. Thấy Phật tánh rồi có thể rưới mưa pháp. Rưới mưa pháp rồi, Phật tánh trùm khắp như hư không.

Lại khiến cho vô lượng chúng sanh khác được một pháp vị là vị Đại thừa, chẳng phải vị của các Thanh Văn, Bích Chi Phật. Nguyện các chúng sanh chỉ cầu pháp vị, là vị vô ngại của Phật pháp hành hoạt, chẳng cầu những vị khác.

Thiện nam tử! Đại Bồ tát lúc bố thí thức uống phải nên phát những nguyện kiên cố như vậy”.

Bồ tát luôn luôn ở trong tâm từ, tức là ở trong Phật tánh mà làm các ba la mật như bố thí, trì giới, kham nhẫn… cho đến những việc hàng ngày như đi đứng, ngủ nghỉ, ăn uống, nghĩ suy… Tất cả mọi hoạt động thân, khẩu, ý của Bồ tát đều phát xuất từ nền tảng tâm từ hay Phật tánh, tiến hành trong tâm từ hay Phật tánh, và kết thúc bằng cách hòa tan vào nền tảng tâm từ hay Phật tánh. Tin, hạnh, nguyện của Bồ tát đều từ tâm từ hay Phật tánh và trở lại hòa tan vào cội nguồn tâm từ Phật tánh.

Như thế mọi hành động của Bồ tát, bên ngoài là giúp đỡ cho chúng sanh, bên trong là mở rộng thêm cái thấy Phật tánh vốn có ở nơi mình.

Tâm từ kết hợp với Trí huệ ba la mật, Trí hệ soi thấu tánh Không, được gọi là tâm từ vô duyên hay tâm từ đệ nhất nghĩa.

“Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là đại Bồ tát tu hành Đại Niết bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ ba?

Thiện nam tử! Đại Bồ tát tu Đại Niết bàn buông xả tâm từ mà đạt tâm từ. Khi ấy đạt tâm từ không do nhân duyên.

Thế nào là buông xả tâm từ và đạt được tâm từ? Thiện nam tử! Từ gọi là thế đế. Đại Bồ tát buông xả tâm từ thế đế, được tâm từ Đệ nhất nghĩa. Tâm từ đệ nhất nghĩa chẳng phải do nhân duyên.

Lại nữa, thế nào là buông xả tâm từ và đạt được tâm từ? Tâm từ nếu có thể buông xả thì gọi là tâm từ phàm phu. Còn tâm từ đạt được ấy thì gọi là tâm từ vô duyên của Bồ tát, đạt được tâm từ lân mẫn, đạt được tâm từ Như Lai, tâm từ Thế Tôn, tâm từ không có nhân duyên.

Đạt được tâm từ vô duyên của Bồ tát thì chẳng thấy tâm từ của mình, chẳng thấy tâm từ của người, chẳng thấy người giữ giới, chẳng thấy người phá giới. Dầu tự thấy lòng bi nhưng chẳng thấy chúng sanh. Dầu có thọ khổ nhưng chẳng thấy người thọ. Vì sao thế? Vì tu hành Không chân thật đệ nhất nghĩa. Đó gọi là Bồ tát tu Đại Niết bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ ba” (phẩm Quang Minh Biến Chiếu).

Tâm từ do nhân duyên, do hình tướng là tâm từ thế gian. Tâm từ không có nhân duyên không có hình tướng, nghĩa là hợp nhất với tánh Không là tâm từ xuất thế gian, tâm từ vô duyên, tâm từ đệ nhất nghĩa của chư Bồ tát và chư Phật. Tâm từ này là Phật tánh tánh Không, không có chủ thể và đối tượng, không khởi từ đâu không chấm dứt ở đâu, không thể xả vì không thể lấy, không có trung tâm và biên bờ, không có chúng sanh, người giữ giới hay người phá giới. Không ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả là tâm từ vô duyên, cũng chính là tánh Không, cũng chính là Phật tánh Đại Niết bàn.

Cho nên tu tâm từ người ta có thể xóa bỏ chấp ngã, chấp pháp, cái tôi và cái của tôi, tướng mình, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thế giới… để xóa bỏ tất cả sanh tử do phân biệt hư vọng và đạt vào Phật tánh vốn sẵn, thường trực hiện tiền.

 

Tâm đại từ, đại bi là hai đức của và trong Phật tánh. Thế nên tu từ bi khiến cho Bồ tát đạt đến Phật tánh, đạt đến nhất tử địa hay cực ái nhất tử địa, tức là địa thương yêu tất cả chúng sanh như con một.

“Thiện nam tử! Đại từ, đại bi gọi là Phật tánh. Vì sao thế? Vì đại từ đại bi thường theo Bồ tát như bóng theo hình. Tất cả chúng sanh nhất định sẽ đạt được đại từ đại bi, nên nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Đại từ đại bi gọi là Phật tánh. Phật tánh tức là Như Lai.

Địa Nhất tử (con một) gọi là Phật tánh. Vì sao thế? Vì nhờ nhân duyên là địa này, Bồ tát đạt được tâm bình đẳng với tất cả chúng sanh. Vì tất cả chúng sanh nhất định đạt đến địa Nhất tử, nên nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Địa Nhất tử tức là Phật tánh. Phật tánh tức là Như Lai” (phẩm Bồ Tát Sư Tử Hống).

Đức từ của Bồ tát không thể nghĩ bàn, vì vượt lên tất cả cho đến địa vị Phật:

“Thiện nam tử! Nếu từ là có, là không, là chẳng phải có chẳng phải không thì tâm từ như vậy là chỗ các Thanh Văn, Bích Chi Phật không thể nghĩ bàn.

Thiện nam tử! Nếu từ không thể nghĩ bàn, Pháp không thể nghĩ bàn, Phật tánh không thể nghĩ bàn, Như Lai cũng không thể nghĩ bàn”. (phẩm Thánh Hạnh).

Thế nên, niệm tâm từ là cảnh giới Phật:

“Chư Phật Thế Tôn không có ái niệm như vậy, bình đẳng xem tất cả chúng sanh như La Hầu La. Từ niệm bình đẳng như vậy chính là cảnh giới trí huệ của chư Phật” (phẩm Thuần Đà).

Sau đó Đức Phật kể vài câu chuyện về sức mạnh hay năng lực của tâm từ, được gọi là những thần thông.

“Thiện nam tử! Ví như có người trông thấy từ xa sư tử, cọp, beo, chó sói, quỹ la sát… tự nhiên sanh sợ hãi, hoặc đi đêm trông thấy gốc cây cũng sanh sợ hãi.

Những người ấy tự nhiên sanh sợ hãi. Cũng thế những chúng sanh như vậy khi gặp người tu tâm từ tự nhiên được vui thích. Vì nghĩa ấy nên chỗ tu tâm từ của Bồ tát là tư duy chân thật, chẳng phải không có lợi ích.

Thiện nam tử! Ta nói tâm từ này có vô lượng môn, đó là những thần thông.

Thiện nam tử! Như Đề Bà Đạt Đa xúi giục vua A Xà Thế muốn làm hại Như Lai. Lúc ấy ta vào thành lớn Vương Xá lần lượt khất thực.Vua A Xà Thế liền thả voi say Hộ Tài để hại ta và các đệ tử. Voi say ấy đạp chết nhiều người. Voi ấy ngửi thấy mùi máu lại càng thêm cuồng say chạy thẳng đến. Các đệ tử chưa lìa dục đều sợ hãi bỏ chạy, chỉ trừ A Nan. Lúc đó nhân dân trong thành Vương Xá đồng thời kêu khóc, “Ôi, hôm nay đức Như Lai chết mất! Vì sao bậc Chánh Giác lại nhanh chóng tan hoại?” Lúc ấy Đề Bà tâm sanh vui mừng, “Sa môn Cồ Đàm chết đi là rất tốt, kế của ta rất hay, ta sẽ được toại nguyện”.

Thiện nam tử! Lúc bấy giờ ta vì muốn hàng phục voi say Hộ Tài bèn nhập Từ tam muội, xòe tay chỉ voi. Tức thời nơi năm ngón tay hiện ra năm sư tử. Voi ấy thấy vậy hoảng sợ, đại tiểu tiện tại chỗ, nằm phục xuống kính lễ chân ta.

Thiện nam tử! Khi ấy năm đầu ngón tay của ta thật không có sư tử, đó là do sức thiện căn tu tâm từ khiến voi say được điều phục”.

Tâm từ có sức mạnh, năng lực điều phục được voi say hung dữ, khiến Đức Phật vượt qua được những trở ngại, những chống đối, làm hại.

“Lại nữa, thiện nam tử! Khi ta muốn nhập Niết bàn, bèn đi đến thành Câu Thi Na. Giữa đường có năm trăm lực sĩ đang sửa sang dọn đường sá. Có một tảng đá lớn giữa đường, họ muốn khiêng vất đi nhưng hết sức mà chẳng làm nổi. Bấy giờ ta thương xót bèn khởi tâm từ. Các lực sĩ liền thấy ta lấy ngón chân cái hất tảng đá lên hư không rồi lấy tay hứng, đặt trong bàn tay phải. Ta thổi cho thành bụi, rồi hợp lại thành tảng đá khiến các lực sĩ hết kiêu mạn. Ta bèn giảng cho họ, nói các pháp yếu khiến họ đều phát tâm Vô thượng Bồ đề.

Thiện nam tử! Lúc ấy Như Lai thật chẳng dùng ngón chân hất hòn đá lên, thổi tan thành bụi, rồi hợp lại như cũ. Thiện nam tử! Nên biết rằng đó chính là sức thiện căn của tâm từ làm cho các lực sĩ thấy như vậy”.

Nếu tâm từ có năng lực như thế thì phải chăng nước chảy, mây trôi, cây mọc… đều là năng lực của tâm từ?

Năng lực của tâm từ biến những nghịch cảnh, những chống đối làm hại thành thuận cảnh, thành những biểu hiện của Pháp:

“Thiện nam tử! Xứ Nam Thiên Trúc này có một thành lớn tên là Thủ Ba La. Trong thành đó có một trưởng giả tên Lưu Chí, dẫn dắt sự tu hành của đại chúng. Ôngnày đã trồng những thiện căn ở vô lượng Phật quá khứ. Nhân dân trong thành tin theo tà đạo, phụng sự phái Ni Kiền. Ta muốn độ trưởng giả Lưu Chí, nên từ thành Vương Xá đến Thủ Ba La. Phái Ni Kiền nghe ta sắp đến thành thì bàn với nhau: Sa môn Cù Đàm nếu đến thành này, nhân dân chắc sẽ bỏ chúng ta không còn cung cấp, chúng ta lấy gì sanh sống.

Bàn xong, chúng Ni Kiền phân ra, loan báo với người trong thành: Sa môn Cù Đàm sắp đến, nhưng Sa môn ấy lìa bỏ cha mẹ lang thang các nơi, ông đến đâu thì làm cho xứ ấy mất mùa đói khát, nhân dân bị bệnh dịch không thể cứu chữa. Cù Đàm là hạng không nhà, dắt theo toàn những quỷ thần La Sát hung ác, những kẻ không gia đình mới làm đệ tử. Giáo thuyết của ông toàn là hư không. Ông ta đến chỗ nào thì xứ đó không được an vui.
Nhân dân trong thành nghe những lời ấy sợ hãi quá lễ lạy dưới chân các Ni Kiền, thưa rằng: Đại sư! Nay chúng tôi phải tính toán thế nào?
Các Ni Kiền đáp: Sa môn Cù Đàm có tính ưa cây rừng, suối chảy, nước trong. Các người nên ra ngoài thành, chỗ nào có rừng suối thì đốn hết cây cối, đem phân dơ đổ vào giếng, ao, khe, suối. Hãy đóng chặt cửa thành, võ trang canh phòng. Ông ấy đến thì đừng cho vào, đừng cho ai gặp, các ngươi sẽ được an ổn. Chúng ta cũng làm các pháp thuật để cho ông Cù Đàm phải rút lui.
Nhân dân trong thành liền làm theo, đốn hết cây cối, làm dơ đục các dòng suối, võ trang phòng vệ.
Thiện nam tử! Khi ta đến ngoài thành, chẳng thấy rừng cây, chỉ thấy trên mặt thành võ trang phòng bị chặt chẽ, ta liền thương xót hướng tâm từ đến đó. Những cây cối mọc lên như cũ mà có phần tươi tốt hơn. Nước trong sông, ao, giếng, suối trở nên trong sạch, tràn đầy như lưu ly, lại sanh ra nhiều thứ hoa đẹp thơm lan tràn mặt đất. Vách thành biến thành lưu ly trong suốt xanh biếc. Nhân dân trong thành đều được thấy ta và đại chúng. Cửa thành tự mở rộng, không ai ngăn lại được. Các thứ binh khí đều hóa thành những loại hoa đẹp.

Lúc ấy trưởng giả Lưu Chí dẫn đầu, nhân dân trong thành tập hợp đến chỗ ta. Ta liền vì mọi người nói các pháp yếu khiến hết thảy đều phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Thiện nam tử! Khi ấy ta thật chẳng hóa ra rừng cây, cũng chẳng làm cho nước trong sạch đầy tràn, cũng chẳng biến thành đó thành lưu ly trong suốt xanh biếc để cho nhân dân kia thấy rõ được ta và đại chúng, cũng chẳng mở cửa thành, biến vũ khí làm cành hoa.

Thiện nam tử! Nên biết những sự việc ấy đều do sức căn lành của tâm từ, khiến cho nhân dân thành Thủ Ba La thấy những sự việc như vậy”.

Kinh còn nói tiếp những sự kiện khác về năng lực của tâm từ. Nhưng chỉ qua ba việc này, chúng ta cũng thấy “công đức của tâm từ không thể nghĩ bàn”.

Đó là năng lực chuyển hóa của tâm từ. Nó có thể biến hoàn cảnh thù địch thành hoàn cảnh thân thiện, biến cái xấu ác thành cái thiện lành, và biến cảnh vật xấu dơ thành đẹp đẽ, trong sạch, thành thường lạc ngã tịnh.

Có phải cái đẹp của thế gian là do tâm từ mà có? Chính tâm từ tạo thành cái đẹp của thiên nhiên, con người và thế giới.

-------o0o-------

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan