NHẬN THỨC TÂM HỒN VÀ TÂM LINH - NỀN TẢNG TÂM LINH CỦA GIÁO DỤC - RUDOLF STEINER

NHẬN THỨC TÂM HỒN VÀ TÂM LINH

NỀN TẢNG TÂM LINH CỦA GIÁO DỤC - RUDOLF STEINER

–––––o0o–––––

Trong lĩnh vực tri thức, tâm linh mang tính thụ động, không phải chủ động. Ngày nay, vì nhiều yếu tố khác nhau, chúng ta không thể bắt chước quá trình yoga đó và cũng không thể làm như vậy. Mục tiêu của những người tập yoga là gì? Đó là trải nghiệm cách quá trình suy nghĩ được kết nối với quá trình hô hấp. Hơi thở, theo nhận thức của họ, cho phép họ trải nghiệm bản chất của mình.
NHẬN THỨC TÂM HỒN VÀ TÂM LINH - NỀN TẢNG TÂM LINH CỦA GIÁO DỤC - RUDOLF STEINER

(Bài giảng thứ hai, Ngày 17 tháng 8 năm 1922)

Tôi được biết một số điều tôi nhắc đến trong ngày hôm qua rất khó hiểu, cụ thể là việc tôi sử dụng các thuật ngữ “tâm linh" và “nhận thức tâm linh". Do đó, hôm nay, thay vì những gì dự dịnh, tôi sẽ nói về “tâm linh" (Geist trong tiếng Đức) và "đời sống tâm linh" (Spirituelks Lebed trong tiếng Đức). Việc này sẽ đưa chúng ta đi khá xa khỏi chủ đề giảng dạy và giáo dục, nhưng từ những gì tôi nghe được, có vẻ như chúng ta sẽ hiểu rõ nhau hơn trong những ngày tới nếu tôi giải thích khái niệm về tâm linh, tâm hồn và cơ thể. Trong những ngày tới, tôi sẽ tìm cơ hội để nói về những gì tôi định nói ngày hôm nay. Và giờ, một bài giảng như của ngày hôm nay sẽ buộc tôi phải diễn đạt một cách lí thuyết về các ý tưởng và khái niệm. Tôi mong nhận được sự đồng ý của các bạn cho điều này. Trong những ngày tiếp theo, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn và tôi sẽ không làm phiền các bạn bằng những ý tưởng và khái niệm mà cố gắng làm các bạn hài lòng với những thực tế cụ thể.

Từ tâm linh theo quan điểm hiện tại của tôi và quan điểm chung, thường bị hiểu lầm sâu sắc. Khi từ tâm linh được sử dụng, mọi người cho rằng nó giống như từ trí thức (intellect) hay từ tâm trí (mind) trong tiếng Anh. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là một cái gì đó rất khác. Một mặt, ý nghĩa của từ tâm linh theo của tôi không được nhầm lẫn với cách thức mà một số giáo phái và phong trào thần bí, cuồng tín hay mê tín dị đoan sử dụng từ tâm linh. Mặt khác, nó hoàn toàn khác với ý nghĩa của từ trí thức hay tâm trí. Chúng ta cần phải hiểu một cách trực tiếp, cụ thể và thực tế những gì đang diễn ra ở trẻ nhỏ cho đến thời điểm trẻ thay răng. Hoạt động này không thể nhận thức trực tiếp, nhưng lại được biểu hiện trong bản chất của trẻ em, do đó chúng ta có thể nói rằng đây chính là tâm hồn và tâm linh.

Quan sát những biểu hiện của cuộc sống trong một đứa trẻ giúp chúng ta tiếp xúc trực tiếp nhất với tâm linh và tâm hồn. Ở trẻ em, như tôi đã nói ngày hôm qua, các lực lượng tâm linh và cốt lõi tâm hồn tham gia vào việc hình thành bộ não và định hình toàn bộ cơ thể. Những gì chúng ta thấy là biểu hiện của cuộc sống trong một đứa trẻ, chúng ta nhận thức được điều này bằng các giác quan. Nhưng chính tâm hồn và tâm linh hoạt động sau tấm màn che là những thứ có thể cảm nhận được bằng cảm giác. Vì vậy, chúng ta có thể thấy rõ tâm hồn và tâm linh ở đây chứ không phải là nơi nào khác trong cuộc sống, trừ phi chúng ta đã hoàn thiện quá trình phát triển tâm hồn bên trong. Vì vậy, chúng ta phải nói rằng, tâm linh thực sự không được biết đến với nhận thức thông thường. Tâm hồn có thể biểu hiện trong nhận thức thông thường, nhưng chúng ta phải cảm nhận bằng tri giác.

Nếu có thể sử dụng một hình ảnh để chỉ ra ý nghĩa của điều này (không phải để giải thích), tôi sẽ nói rằng, khi nói, lời nói của chúng ta xuất phát từ tổ hợp từ, là những âm thanh được hình thành từ các phụ âm và nguyên âm. Hãy quan sát khác biệt giữa phụ âm và nguyên âm trong lời nói. Phụ âm mang đến cho âm thanh góc cạnh, biến nó thành phụ âm vô thanh hoặc phụ âm hữu thanh, tùy theo cách chúng ta hình thành âm đó bằng cơ quan nào, bằng môi hay bằng răng. Nguyên âm được hình thành theo một cách rất khác. Chúng phát ra khi dẫn luồng hơi thở đi qua các cơ quan phát âm theo cách nhất định. Với các nguyên âm, chúng ta không tạo đường viên bao quanh mà tạo ra cốt lõi của âm thanh. Nguyên âm cung cấp cốt lõi hoặc nội dung và phụ âm tạo khuôn và chạm khắc phần lõi được cung cấp bởi các nguyên âm.

Và giờ, bằng cách sử dụng từ tâm linh và tâm hồn theo nghĩa đang nói đến ở đây, chúng ta có thể nói rằng tâm linh là phụ âm của lời nói và tâm hồn là nguyên âm. Khi trẻ em bắt đầu nói âm “ah" (a), trẻ thể hiện sự ngạc nhiên, lạ lùng, sửng sốt - và đây là một hiện tượng tâm hồn. Hiện tượng tâm hồn này hiện diện trực tiếp với chúng ta, tuôn trào trong âm “ah". Khi trẻ em nói âm "eh" (e), trẻ thể hiện một chút phẫn nộ của tâm hồn và thu mình lại để phản ứng với điều gì đó. Nếu sự kì diệu được thể hiện bởi âm “ah", thì sự phẫn nộ được thể hiện bởi âm “eh". Nguyên âm biểu lộ hiện tượng tâm hồn.

Phụ âm thường bao quanh và định hình nguyên âm. Khi trẻ em nói “mama" (mẹ) (âm đôi), trẻ cho thấy nhu cầu tìm đến mẹ để được giúp đỡ. Nguyên âm "ah" thể hiện cảm giác của đứa trẻ đối với người mẹ. Phụ âm “m" cho biết đứa trẻ muốn người mẹ làm gì. "Mama" chứa đựng toàn bộ mối quan hệ giữa mẹ và con, cả về tâm linh và tâm hồn. Vì vậy, chúng ta nghe thấy ngôn ngữ được nói ra, nghe được ý nghĩa của nó, nhưng không nhận ra tâm linh và tâm hồn được ẩn giấu trong ngôn ngữ như thế nào. Đúng vậy, đôi khi chúng ta nhận thức được điều này trong lời nói, nhưng không nhận thấy nó trong toàn bộ con người. Chúng ta chỉ thấy hình dạng bên ngoài của một người, nhưng bên trong còn có tâm hồn và tâm linh, như được ẩn giấu trong lời nói. Nhưng chúng ta không còn nhận thấy điều này nữa.

Tuy nhiên, trong quá khứ, con người từng chú ý đến điều này. Ngày xưa chúng ta không nói rằng "Khởi sự từ tâm" (vốn quá trừu tượng), mà nói là “Khởi sự từ ngôn". Chúng ta vẫn có cảm giác sống động về cách tâm linh được truyền tải qua từng lời nói. Chính tâm linh này và bản chất của nó là hàm ý của tôi khi sử dụng từ tâm linh. Nó không được thể hiện bởi trí thức hay bởi những gì chúng ta gọi là tâm trí. Tâm trí và tâm linh khác biệt với nhau. Chúng khác nhau như kiểu con người thật của tôi khác với hình ảnh phản chiếu của tôi trong gương. Khi nhìn vào bản thân trong gương, tôi thấy một hình ảnh phản chiếu của mình. Hình ảnh phản chiếu này di chuyển chính xác như những gì tôi làm và trông giống tôi, nhưng không phải là tôi. Nó khác với tôi bởi vì nó là một hình ảnh, trong khi tôi là một thực tế.

Tâm linh là thực tế của những gì được ẩn giấu sâu bên trong. Trí thức chỉ chứa đựng một hình ảnh của tâm linh. Tâm trí là một hình ảnh phản chiếu của tâm linh. Tâm trí có thể biểu hiện hoạt động của tâm linh và có thể thực hiện các chuyển động của tâm linh, nhưng tâm trí mang tính thụ động. Nếu ai đó đánh tôi, tâm trí có thể phản ánh điều đó. Tâm trí không thể tự mình thực hiện hành động đó. Tâm linh là hoạt động, luôn làm việc, luôn sáng tạo. Tâm linh là bản chất của khả năng sản xuất - sự sinh sản. Tâm trí, giống như trí thức, là bản sao, hay hình ảnh phản chiếu và mang tính thụ động - nằm ở bên trong cho phép người lớn chúng ta hiểu được thế giới. Nếu trí thức, hay tâm trí, mang tính chủ động, chúng ta sẽ không thể hiểu được thế giới. Tâm trí phải thụ động để thế giới có thể được thấu hiểu thông qua nó. Nếu mang tính chủ động, tâm trí sẽ liên tục thay đổi và xâm lấn thế giới. Tâm trí là hình ảnh thụ động của tâm linh. Do đó, chúng ta đi từ hình ảnh phản chiếu đến con người thật khi tìm kiếm thực tế. Tương tự như vậy, khi tìm kiếm thực tế của tâm linh và tâm hồn, chúng ta phải di chuyển từ tính phi sản xuất và thụ động tới tính sản xuất và chủ động.

Con người đã cố gắng làm điều này trong mọi thời kì phát triển của nhân loại. Và hôm nay, tôi muốn giới thiệu với các bạn một phương pháp nghiên cứu để chúng ta có thể thống nhất về ý nghĩa của tâm linh và tâm hồn trong những gì tôi đề cập. Thông thường, với tư cách là người trưởng thành, chúng ta chỉ cảm nhận được tâm linh trong những hình ảnh phản chiếu của tâm linh như trí thức, tâm trí hay lí trí. Chúng ta chỉ thấy tâm hồn trong những biểu hiện. Chúng ta gần gũi với tâm hồn hơn với tâm linh, nhưng không cảm nhận được toàn bộ hoạt động bên trong của tâm hồn. Chúng ta cảm nhận được các biểu hiện của tâm hồn và cảm nhận tâm linh chỉ như một hình ảnh phản chiếu. Hình ảnh phản chiếu không nắm giữ bất kì thực tế nào, nhưng chúng ta nhận thức được các biểu hiện của tâm hồn. Cảm giác của chúng ta - trải nghiệm về việc thích muốn và đam mê - thuộc về và không thích, về tâm hồn. Nhưng chúng ta không cảm nhận được bản chất của tâm hồn bên trong chúng ta.

Tâm hồn ở đâu? Có lẽ tôi có thể chỉ ra bản chất của tâm hồn nếu tôi phân biệt được trải nghiệm của chúng ta và các sự kiện xảy ra bên trong để chúng ta có thể trải nghiệm. Khi bước đi trên nền đất mềm, chúng ta sẽ lưu lại dấu chân ở đó. Bây giờ giả sử một người khác đến và phát hiện ra những dấu chân này. Liệu ông ấy có nói rằng các lực lượng định hình trái đất đã tạo ra dấu chân này? Không ai có thể nói vậy. Thay vào đó, bất cứ ai cũng sẽ nói: “Ai đó đã đi qua đây".

Những người theo chủ nghĩa duy vật cho rằng họ thấy những dấu chân này ở trong não, cũng giống như trái đất lưu lại dấu chân sau khi tôi bước qua. Nhưng họ sẽ nói rằng trong não có các lực lượng tạo ra dấu chân. Điều này không đúng. Tâm hồn mới là chủ thể tạo ra những dấu chân này, giống như tôi tạo ra chúng trên mặt đất. Và vì có những dấu vết đó mà tôi có thể cảm nhận được tâm hồn, tôi cảm nhận được một cảm giác trong tâm hồn. Lúc đầu, tâm hồn bị giấu đi, nhưng vẫn để lại dấu vết trong cơ thể tôi. Nếu tôi tạo ra một vết lõm thật sâu, hành động đó sẽ khiến tôi bị đau. Có lẽ tôi không lập tức thấy được những gì tôi đã tạo ra, vì nó xảy ra ở phía sau tôi. Nhưng ngay cả khi không nhìn thấy, tôi vẫn trải qua nỗi đau. Tương tự như vậy, tâm hồn để lại một dấu vết trong cơ thể tôi, trong khi vẫn còn ẩn giấu. Tôi cảm nhận được niềm đam mê, sự cảm thông... Tôi nhận thức được ấn tượng về hoạt động của tâm hồn thông qua biểu hiện của nó.

Do đó, với tâm linh, chúng ta có một hình ảnh; với tâm hồn, chúng ta có một biểu hiện. Chúng ta gần gũi với tâm hồn hơn, nhưng xin hãy nhớ rằng chúng ta phải tìm hiểu tâm linh hoặc tâm hồn kĩ lưỡng hơn tâm trí, trí thức hay lí trí. Điều này có thể giúp chúng ta hiểu được tâm linh và tâm hồn. Và để cho khái niệm về tâm linh và tâm hồn thậm chí còn rõ ràng hơn, tôi xin được nói đến một khía cạnh lịch sử. Và xin đừng hiểu lầm tôi ngày hôm nay, như vẫn thường xảy ra. Tôi chỉ muốn làm sáng tỏ, không có ý định duy trì điều đó, để tiếp cận tâm linh và tâm hồn, chúng ta phải làm như người xưa đã làm. Phương pháp tiếp cận tâm linh và tâm hồn hiện tại sẽ dễ hiểu hơn nếu chúng ta tìm hiểu một chút về lịch sử.

Để hiểu được tâm linh trong thế kỉ XX, chúng ta không thể làm như cách người xưa đã làm hàng trăm hay hàng ngàn năm trước ở Ấn Độ cổ đại. Chúng ta cũng không thể làm như những gì được thực hiện trước sự kiện Bí ẩn trên đồi Golgotha. Chúng ta sống trong sự phát triển của Kitô giáo, nhưng để hiểu tâm linh và tâm hồn chúng ta phải xem lại con đường dẫn đến tâm linh và tâm hồn khác nhau như thế nào giữa những người tâm linh và những người trí thức đơn thuần.

Ngày nay, theo ý thức chung của thời đại, chúng ta sẽ làm gì khi muốn rõ ràng hơn về bản thân? Chúng ta suy ngẫm bằng cách sử dụng trí thức của chúng ta. Và chúng ta sẽ làm gì khi muốn rõ ràng hơn về tự nhiên? Chúng ta thử nghiệm và sử dụng trí thức của chúng ta để hiểu rõ các thử nghiệm của mình. Hoạt động trí thức tồn tại khắp mọi nơi. Trong thời cổ đại, con người đã cố gắng tiếp cận tâm linh và tâm hồn theo một cách rất khác.

Tôi sẽ đưa ra hai ví dụ từ rất nhiều ví dụ có thể trích dẫn. Ví dụ, ở phương Đông cổ đại, nhiều người cố gắng tiếp cận tâm linh và tâm hồn thông qua phương pháp yoga. Chúng ta chỉ biết đến những phương pháp yoga dựa trên thuyết duy ngã độc tôn của con người, vốn tìm kiếm sức mạnh ở thế giới bên ngoài. Ngày nay, những phương pháp yoga cổ xưa được con người sử dụng để tiếp cận tâm linh lại chỉ có thể được phát hiện thông qua khoa học tâm linh, chứ không phải khoa học thông thường. Những phương pháp đó dựa trên cảm giác bản năng rằng con người không thể biết về tâm linh thông qua hình ảnh phản chiếu hay suy nghĩ. Họ phải làm điều gì đó có thể thể hiện hoạt động của tâm linh trong chính bản thân họ thay vì những hình ảnh phản chiếu đơn thuần. Ngay cả khi họ chỉ là những người quan sát đơn thuần, hoàn toàn đứng bên ngoài thế giới, thì việc đó không thể mang lại bất kì thay đổi nào dễ thấy bên trong. Người tập yoga tìm kiếm một quá trình thực tế hơn rất nhiều trong chính bản thân họ khi muốn nghiên cứu về tâm linh.

Với kiến thức về sinh lí học hiện đại, giả sử chúng ta đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta sử dụng trí thức? Sẽ có sự kiện diễn ra trong hệ thần kinh và não bộ của chúng ta, cũng như ở các bộ phận khác của cơ thể có kết nối với bộ não thông qua hệ thần kinh. Nhưng sự kiện này không bao giờ có thể xảy ra nếu các quá trình của bộ não không tồn tại hoạt động hộ hấp. Liên tục, từ lúc cất tiếng khóc chào đời cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, chúng ta hít vào, nín thở rồi thở ra. Khi chúng ta hít vào, hơi thở di chuyển đến toàn bộ cơ thể của chúng ta. Lực đẩy của hơi thở di chuyển qua tủy sống vào não. Chúng ta không chỉ hít thở bằng phổi, mà còn bằng bộ não. Điều này có nghĩa là bộ não liên tục chuyển động. Khi chúng ta hít vào, nín thở và sau đó thở ra, hơi thở hoạt động và cuồn cuộn bên trong bộ não. Điều này diễn ra liên tục, nhưng ngày nay chúng ta không nhận thức được nữa.

Người tập yoga nói rằng những sự kiện như thế phải trở nên có ý thức. Do đó, người tập yoga không hít thở vô thức theo cách thông thường, họ hít thở theo những cách khác thường. Họ hít vào một cách khác biệt, nín thở một cách khác biệt và thở ra một cách khác biệt. Thông qua phương pháp này, họ đã ý thức được quá trình hô hấp. Và họ trải nghiệm với đầy đủ nhận thức về điều gì đó diễn ra một cách vô thức với chúng ta, bởi vì họ đã nhận thức được và trải nghiệm nó. Do đó, người tập yoga có thể trải nghiệm cách hơi thở kết hợp với quá trình vật chất trong bộ não đằng sau hoạt động tư duy và trí thức. Họ nhìn vào liên kết giữa tư duy và hít thở và trải nghiệm cách suy nghĩ (mà đối với chúng ta là một điều trừu tượng) thâm nhập toàn bộ cơ thể, trên từng hơi thở.

Do đó, suy nghĩ không chỉ giới hạn ở não, phổi hay trái tim, suy nghĩ lan tỏa đến từng ngón tay của con người. Từ trải nghiệm thực tế về hơi thở rung lên qua từng ngón tay, người tập yoga biết được cách tâm linh hối hả ngược xuôi trong cơ thể thông qua phương tiện hít thở. "Và Chúa truyền hơi thở sống cho con người và con người có tâm hồn". Chúa không chỉ hít thở mà còn hít thở liên tục ở bất cứ nơi nào có hoạt động hộ hấp. Và trong quá trình hô hấp - không phải trong quá trình trí thức chúng ta có tâm hồn. Chúng ta trải nghiệm sự hiện hữu của chính chúng ta khi cảm thấy suy nghĩ chạy khắp cơ thể trên từng hơi thở. Tâm linh không còn tách rời như một điều gì đó mang tính trí thức và trừu tượng, do đó tâm linh có thể được cảm nhận khắp cơ thể. Bản chất của con người có thể được cảm nhận như một sáng tạo của thần linh, với tâm linh chủ động.

Trong lĩnh vực tri thức, tâm linh mang tính thụ động, không phải chủ động. Ngày nay, vì nhiều yếu tố khác nhau, chúng ta không thể bắt chước quá trình yoga đó và cũng không thể làm như vậy. Mục tiêu của những người tập yoga là gì? Đó là trải nghiệm cách quá trình suy nghĩ được kết nối với quá trình hô hấp. Hơi thở, theo nhận thức của họ, cho phép họ trải nghiệm bản chất của mình. Người tập yoga kết hợp suy nghĩ với bản chất con người như một tổng thể sâu sắc hơn chúng ta ngày nay. Nhưng tiến bộ của con người dựa trên thực tế là chúng ta đá giải phóng tư tưởng và làm cho tư tưởng mang tính trí thức hơn nhiều so với khi yoga phát triển. Khám phá của những người vĩ đại như Copernicus, Galileo, Faraday và Darwin không bao giờ có thể xảy ra trong một hệ thống tư tưởng giống như của những người tập yoga ở Ấn Độ cổ đại. Những thành tựu như vậy đòi hỏi một kiểu suy nghĩ đã được tối giản thành hình ảnh và tri thức. Toàn bộ nền văn minh của chúng ta dựa trên thực tế rằng chúng ta khác biệt với những người đã phát triển triết học yoga.

Mọi người thường hiểu lầm mô tả của tôi về những điều này. Họ nghĩ rằng tôi muốn đưa con người trở lại với triết học yoga. Điều này chắc chắn là không đúng. Ngược lại, tôi muốn tiếp cận vấn đề như ở thời của Copernicus, Galileo và Faraday. Chúng ta phải nhận ra rằng nền văn minh phương Tây đạt được những thành tựu vĩ đại thông qua tri thức. Nhưng cảm giác của chúng ta cũng phải khác với cảm giác của người Ấn Độ cổ đại và cũng phải khác cảm giác của những người hiện đang tập yoga. Chúng ta phải tiến hành theo một cách hoàn toàn khác với người Ấn Độ cổ đại, phương pháp tiếp cận phải mang tính tâm linh hơn. Ngày nay, thực hành hít thở theo phương pháp yoga rất dễ hoặc ít nhất là có vẻ như thế. Nhưng điều này không còn là phương tiện đưa con người bước vào thế giới tâm linh. Thay vào đó, con người hiện đại trước tiên phải trải nghiệm thế giới của những biểu hiện bên ngoài (hình ảnh phản chiếu của sự vật), vốn có thể cảm nhận được bằng chủ nghĩa tri thức thuần túy. Vào một thời điểm nào đó, chúng ta phải đau khổ nhận ra rằng, chừng nào chúng ta chỉ có hoạt động tri thức và quan sát, cuộc sống của chúng ta hoàn toàn trống rống, chỉ toàn hình ảnh và xa rời thực tế.

Những gì tôi đang nói có vẻ không quan trọng, nhưng lại rất có ý nghĩa về mặt trải nghiệm bên trong. Một khi chúng ta trải nghiệm được rằng tất cả tư duy trí thức là không thực tế, chỉ là một hình ảnh đơn thuần, thì chúng ta trải nghiệm trong tâm hồn mình một điều gì đó giống như cơ thể trải nghiệm cảm giác choáng váng, sự choáng váng mà chúng ta trải nghiệm trong tâm hồn có liên quan đến thực tế. Trên thực tế, tri thức không bắt đầu khi bạn có thế nói: “Tôi tư duy, do đó tôi có thể suy nghĩ về mọi thứ". Thay vào đó, tri thức bắt đầu khi bạn có thể nói: “Mặc dù tôi nghĩ về mọi thứ với tư duy hình ảnh, tôi chỉ là một sinh vật yếu đuối, bất lực". Người tập yoga tìm kiếm bản chất con người họ trong từng hơi thở. Ngày nay, chúng ta đánh mất bản chất con người mình và trở nên yếu đuối, mờ nhạt thông qua hoạt động tri thức. Chúng ta có thể nói: “Tôi không vào được bên trong cơ thể qua quá trình hô hấp như những người tập yoga đã làm. Tôi phải di chuyển ra bên ngoài - nhìn ngắm mọi bông hoa, mọi loài vật và con người - và sống trong môi trường bên ngoài".

Trong cuốn sách How to Know Higher Worlds (Để hiểu thế giới tối cao), tôi đã mô tả cách để làm điều này - cách để không chỉ thấy cỏ cây bên ngoài bằng cách tham gia vào tất cả quá trình, để suy nghĩ thoát ra khỏi bản chất hình ảnh và tham gia vào cuộc sống của thế giới bên ngoài. Hoặc chúng ta có thể đắm chìm vào một cái cây, cho đến khi cảm thấy lực hấp dẫn đi xuống qua rễ cây vào lòng đất và các lực lượng hình thành đang đâm chồi nảy lộc ở bên trên. Chúng ta tham gia vào việc đơm hoa kết trái của một cái cây, đắm chìm vào thế giới bên ngoài. Vì thế chúng ta được thế giới bên ngoài tiếp nhận. Chúng ta như bừng tỉnh khỏi một cơn mê. Và giờ đây chúng ta không còn có những suy nghĩ trừu tượng, mà là những tưởng tượng. Chúng ta có được hình ảnh, nhưng một quan điểm vật chất sẽ không công nhận những hình ảnh đó là tri thức. Tri thức, như người ta vẫn nói, liên quan đến các khái niệm trừu tượng và logic. Điều này đúng - nhưng bằng cách nào, nếu thế giới không được thấu hiểu thông qua các khái niệm trừu tượng và logic? Nếu thế giới là một tác phẩm nghệ thuật, chúng ta phải hiểu thế giới theo cách nghệ thuật, chứ không phải logic. Ở đây, logic chỉ là một phương tiện rèn luyện. Chúng ta không nên hiểu bất cứ điều gì về thế giới thông qua logic. Do đó, chúng ta phải xâm nhập vào chính các đối tượng. Trong khi yoga đi vào bên trong, chúng ta phải hướng ra bên ngoài và nỗ lực theo cách này để kết nối với mọi thứ. Vì vậy, trên thực chúng ta có thể đạt được điều tương tự, bằng một cách mang tính tâm hồn và tâm linh hơn. Bằng cách kết hợp thực tế với phát hiện của những ý tưởng trí thức đơn thuần, chúng ta có được cảm giác mới mẻ về cách tâm linh hoạt động sáng tạo trong chúng ta.

Và từ điều này, chúng ta phải bắt đầu cảm nhận được thực tế hoạt động ở trẻ em. Ở trẻ nhỏ, cái gọi là tâm trí không mang tính chủ động và sáng tạo. Thay vào đó, nguyên tắc chủ động sẽ hoạt động; chính nguyên tắc này tạo thành răng vĩnh viễn và sẽ kết thúc vào năm 7 tuổi.

Tuy nhiên, chúng ta không được kêu gọi để làm điều này. Trên thế giới, một số người có thể đạt được kiến thức cao siêu trong khi những người khác chỉ cần có phán đoán và quan sát hợp lí. Tất cả mọi thứ mà một số người có kiến thức cao siêu phát hiện ra, những người khác có thể tiếp nhận thông qua phán đoán và quan sát hợp lí. Ví dụ, không phải ai cũng có thể quan sát sự vận động của sao Kim. Những vận động này hiếm khi được nhìn thấy và các nhà thiên văn học thi thoảng có thể quan sát được chúng. Vậy điều đó có nghĩa là thật vô lí khi nói về sự vận động của sao Kim không, đơn giản chỉ vì con người không thấy được chúng? Không, vì đối tượng và phương pháp quan sát có thể được thấu hiểu. Điều đó tương tự với thế giới tâm linh. Chỉ vì thuyết duy ngã độc tôn ngày nay, con người muốn tự mình làm mọi thứ. Chúng ta có thể lập luận rằng, là giáo viên, chúng ta không thể ngay lập tức nhìn thấu được những cái vô hình. Chúng ta không thể đào tạo theo những phương pháp như vậy. Làm thế nào chúng ta có thể quản lí việc giảng dạy nếu trước hết chúng ta phải đối diện với phương pháp tiếp cận tâm linh phức tạp như vậy?

Tuy nhiên, có một cách khác để làm cho những thứ thuộc tâm linh đơm hoa kết trái và được sử dụng. Một lần nữa, tôi sẽ minh họa điều này bằng ví dụ. Hãy tưởng tượng tôi đang dạy một bé gái 9 hay 10 tuổi. Tôi muốn nói với cô bé về sự bất tử của tâm hồn con người. Nếu tôi đi vào các luận án triết học, dù rất hấp dẫn, cô bé sẽ không lĩnh hội được gì ở độ tuổi của mình. Cô bé sē không bị ảnh hưởng bởi bài giảng của tôi. Nhưng nếu tôi nói với cô bé rằng: “Con hãy xem cách con bướm chui ra khỏi vỏ kén chật hẹp của mình? Con có thể áp dụng hình ảnh đó với con người. Hãy nhìn vào cơ thể con người, nó giống như cái kén của con bướm vậy. Con bướm bay ra khỏi cái kén và theo cách tương tự, sau khi chết, linh hồn bay ra khỏi cơ thể. Chỉ khác nhau là, con bướm là hữu hình, có thể nhìn thấy được còn linh hồn là vô hình".

Khi áp dụng điều này trong thực tế, tôi thấy hai trường hợp: trường hợp thứ nhất, giáo viên mô tả hình ảnh này cho trẻ em, trẻ không hiểu. Giáo viên nói về một hình ảnh đầy quyến rũ, nhưng không chạm đến được tâm hồn, đối tượng thực sự bị bỏ qua. Trường hợp thứ hai, một giáo viên khác mô tả bức tranh này, có lẽ là bằng những từ ngữ tương tự và đứa trẻ có một cái nhìn sâu sắc khi toàn bộ hình ảnh chạm tới tâm hồn.

Đâu là điểm khác biệt? Giáo viên đầu tiên rất thông minh. Và một người thực sự thông minh sẽ không coi nhộng và bướm là hình ảnh hợp lí tượng trưng cho sự bất tử của con người. Trong khi đó, trẻ em rất ngây thơ. Giáo viên này sẽ tạo ra một hình ảnh trí thức theo suy nghĩ của mình cho một đứa trẻ ngốc nghếch. Kết quả là giáo viên không được thấu hiểu. Bạn có thể tin vào điều đó.

Giờ một giáo viên khác tin vào hình ảnh này, tin rằng thế giới thiêng liêng đã đưa hình ảnh này vào tự nhiên để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về sự bất tử. Hình ảnh đó không phải là thứ chúng ta phát minh ra, mà là chúng ta phát hiện ra. Bản thân Chúa đã vẽ ra hình ảnh này trong tự nhiên. Nếu giáo viên tin vào hình ảnh này thì học trò sẽ tin theo. Trẻ em nhận được mọi thứ cần thiết, đơn giản vì giáo viên đó không nghĩ rằng, tôi thông minh, đứa trẻ ngốc nghếch. Thay vào đó, giáo viên đó nghĩ sự ra đời của dứa trẻ là sự xuất hiện của tâm linh trong thế giới này. Trẻ em thông minh. Tâm linh của đứa trẻ vẫn chưa thức tỉnh và nếu chúng ta không thể đánh thức tâm linh đó, chúng ta là những kẻ ngu ngốc, chứ không phải trẻ em.

Một khi chúng ta có suy nghĩ rằng trẻ em sở hữu trí thông minh tiềm ẩn và rằng chúng ta đã thể hiện sự ngu ngốc của mình và một khi chúng ta nhận ra rằng nhiệm vụ của chúng ta là trở nên thông minh bằng cách học hỏi từ trẻ em, chúng ta có thể tạo ra ấn tượng thực sự với cách giảng dạy của chúng ta.

Trong trường hợp đầu tiên, chúng ta có một giáo viên nghĩ mình là người thông minh, một ví dụ về cách hoạt động của trí thức. Trong trường hợp thứ hai, chúng ta thấy được cách tâm linh hoạt động, chúng ta thấy một điều gì đó thuộc tâm linh, hoạt động ở bên trong và vươn tới bản chất của sự vật. Giáo viên này có thể gây ấn tượng sâu sắc với trẻ em, thậm chí không cần khả năng nhìn thấu được cái vô hình của tâm linh. Tâm linh vẫn hoạt động ở đó. Bạn làm việc với tâm linh chủ động khi bạn tin vào hình ảnh của riêng mình. Nếu bạn không tin vào hình ảnh của mình mà tạo ra một hình ảnh chỉ thông qua trí thông minh và tri thức, bạn vẫn ở bên ngoài thực tế với trí thức và tâm trí của bạn, chỉ với một hình ảnh phản chiếu qua gương. Hình ảnh phản chiếu không hoạt động, chúng mang tính thụ động. Tâm linh có khả năng sản xuất và sáng tạo. Và điều quan trọng là trở nên sáng tạo và thành thạo trong việc sáng tạo nếu chúng ta muốn chủ động trong tâm linh.

Do đó, thông qua hoạt động của tâm hồn và bằng cách hoạt động theo trí tưởng tượng, chúng ta tiếp cận và dần bước vào thế giới tâm linh. Tuy nhiên, chúng ta cần trải nghiệm tầm quan trọng của trí thức trước, sau đó chúng ta mới bước vào thế giới tâm linh.

Đây là kết luận cho ngày hôm nay. Ngày mai tôi sẽ mô tả một cách khác để bước vào thế giới tâm linh và sau đó tiếp tục với chủ để của chúng ta. Yêu cầu của ngày hôm qua đã làm cho việc giải thích các khái niệm này một cách chính xác hơn là điều cần thiết. Tôi hi vọng các bạn sẽ chấp nhận điều này để có một hiểu biết đúng đắn. Chẳng mấy chốc, sau khi tôi đã giải thích một phương pháp khác - tu khổ hạnh, trái ngược với yoga - chúng ta sẽ kết thúc trò tiêu khiển nghiệt ngã này để có thể đi vào phương pháp giáo dục thực sự.

–––––o0o–––––

Trích “Nền Tảng Tâm Linh Của Giáo Dục”

Tác giả: Rudolf Steiner

Nguyễn Hồng dịch

Nhà Xuất Bản Tri Thức

Ảnh: Rudolf Steiner

Bài viết liên quan