NHỮNG ĐIỀU BẤT KHẢ: PHẦN KẾT - TRÍCH “ĐIỀU BẤT KHẢ - GIỚI HẠN CỦA KHOA HỌC VÀ KHOA HỌC CỦA GIỚI HẠN” - JONH D. BARROW

NHỮNG ĐIỀU BẤT KHẢ: PHẦN KẾT

John D. Barrow

-----o0o-----

Trải qua hàng nghìn năm, những phát kiến về điều bất khả trong ngôn ngữ và nghệ thuật đã tạo cho trí tuệ con người một môi trường ảo đầy phấn khích để thực hiện ước vọng kết hợp và hợp lý hóa. Các nhà triết học đã đánh vật với việc dung hòa ý niệm giữa một bên là Đấng thiêng liêng có thể làm được mọi việc và bên kia là những đòi hỏi thiết yếu trong luận lý học và...
NHỮNG ĐIỀU BẤT KHẢ: PHẦN KẾT - TRÍCH “ĐIỀU BẤT KHẢ - GIỚI HẠN CỦA KHOA HỌC VÀ KHOA HỌC CỦA GIỚI HẠN” - JONH D. BARROW

Jonh D. Barrow là nhà vũ trụ học người Anh. Năm 1977, ông nhận bằng Tiến sĩ về Vật lý Vũ Trụ rồi làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học California – Berkeley, Hoa Kỳ. Ông là tác giả trên 400 bài báo khoa học và khoảng 30 đầu sách, nói chung về các chủ đề khoa học và nói riêng về: Lý Thuyết Dây, các Lý Thuyết Vạn Vật, Nguồn Gốc Vũ Trụ, Vật Lý Học Phần Tử… Ông đã được trao một số giải thưởng và huy chương khoa học. Năm 2006, ông được trao Giải Templeton cho “Tiến bộ trong Nghiên cứu hoặc Phát kiến về những Thực thể Tâm linh” qua những tác phẩm về “mối tương quan giữa cuộc sống và vũ trụ, và bản chất của tri thức con người…”

-------***-------

“Mọi thứ điều được xem là điều khả dĩ trừ

điều bất khả trong bản tính tự nhiên của sự vật”.

_ Luật Dân Sự Califonia

Phân Định Rõ Ràng

“Con người không phải là hình tròn với một tâm

duy nhất, mà là hình bầu dục với hai tâm.

Các sự kiện là một tâm; các ý tưởng là tâm kia”.

_Victor Hugo, Les Misérables

-------***-------

Các nhà bình luận khoa học (không có tính khoa học lắm) thường giật nảy mình với ý tưởng cho rằng có những thứ không thể nào đạt tới hoặc không thể nào hình dung được. Một số người thấy ý tưởng này đi ngược lại ý chí tìm tòi của con người, như thể giương cờ trắng trước những lực lượng của sự dốt nát. Một số người khác sợ rằng việc thảo luận về điều bất khả rơi vào tay người chống lại khoa học, đưa ra những mối nghi ngờ đáng lẽ không nên nói ra trong khi công chúng vẫn tin rằng khoa học sẽ thành công mãi mãi. Cuối cùng, có những người vớ ngay lấy bất kỳ thảo luận nào về điều bất khả hầu chứng minh cho nỗi nghi ngờ của họ về tiến bộ công nghệ kém suy xét, tàn phá môi trường và giẫm đạp lên chân giá trị nhân loại: cái không ngừng nghỉ luôn chạy theo cái không bền vững.

Nếu quyển sách này đem đến cho người đọc điều gì đó thì tác giả mong điều ấy là: Bạn nên tin rằng ý tưởng về điều bất khả còn tinh tế hơn là những giả định ngây thơ về chân trời vô tận của khoa học, hoặc hơn là những hy vọng sùng đạo rằng các nhà nghiên cứu sẽ hoang mang. Các giới hạn xảy ra khắp nơi. Khoa học hiện diện chỉ vì có những giới hạn đối với những gì Thiên Nhiên cho phép. Các định luật của Thiên Nhiên và các “hằng số” không đổi của Thiên Nhiên xác định những ranh giới giúp phân biệt Vũ Trụ của chúng ta với nhiều thế giới mà con người không thể hiểu được và là nơi mà mọi việc đều là khả dĩ. Trong những thế giới tưởng tượng ấy với mọi thứ đều là điều khả dĩ vô hạn thì làm gì có tính phức hợp mà cũng chẳng lấy đâu ra sự sống. Những thế giới ấy không hàm chứa những bộ óc có trí tưởng tượng. Việc con người có thể nghĩ ra những điều khả bất khả theo luận lý học cũng như theo thực tế là một sự phản ánh của ý thức tự suy ngẫm mà cho đến giờ là độc đáo so với các chủng loài chung sống cùng con người trên hành tinh này. Những điều bất khả giúp những sự phức hợp có ý thức ấy tồn tại.

Trải qua hàng nghìn năm, những phát kiến về điều bất khả trong ngôn ngữ và nghệ thuật đã tạo cho trí tuệ con người một môi trường ảo đầy phấn khích để thực hiện ước vọng kết hợp và hợp lý hóa. Các nhà triết học đã đánh vật với việc dung hòa ý niệm giữa một bên là Đấng thiêng liêng có thể làm được mọi việc và bên kia là những đòi hỏi thiết yếu trong luận lý học và trong các định luật của Thiên Nhiên.

Chúng ta thấy bằng cách nào mà nhiều cảm nghĩ như thế đã gieo mầm cho những phát triển sâu xa trong cách thức con người nghĩ về Vũ Trụ. Những hình ảnh nghệ thuật về điều bất khả đã giúp thấu hiểu cách làm việc của trí tuệ. Giống như mọi ngành nghệ thuật, điều này đã tạo ra những thực tế đối chọn an toàn cho trí tuệ con người khám phá.  Từ những câu chuyện truyền tụng kiểu trêu ngươi về nghịch lý ngữ văn và luận lý học mà con người đã phát hiện ra bản chất của luận lý học và toán học. Ta đã thấy rằng các cấu trúc luận lý học ấy – vốn có đủ tính phức hợp để phát biểu những chân lý về chính bản thân chúng – không thể được nắm bắt hoàn toàn trong những danh sách tiên đoán được của quy luật và tiên đề. Ta đã thấy rằng trong những danh sách tiên đoán được của quy luật và tiên đề, không thể nào nắm bắt hoàn toàn các cấu trúc luận lý học – những cấu trúc có đủ tính phức hợp để phát biểu những chân lý về chính bản thân chúng.

Con người đã tiến bộ đáng kể trong mọi năng lực. Tiến bộ này thể hiện rõ nét nhất trong những vật dụng quanh ta do công nghệ tạo ra. Ở đây, trí khôn của con người đã phát hiện kho tàng của những điều khả dĩ. Khó mà tưởng tượng rằng sẽ có ngày kho tàng ấy cạn kiệt. Quả là dễ dàng khi giả định tiến bộ này sẽ không ngừng nghỉ; dễ dàng mà thấy bản chất của thực tế là tổng số của những gì khả dĩ về mặt kỹ thuật; dễ dàng mà xem các biên giới luôn là những gì không liên quan và đang lùi xa. Chúng ta đã tìm hiểu một số cách thức trong đó ván cờ khoa học có thể đến hồi tàn cuộc; đã thấy một số sự trùng hợp kỳ lạ phải xảy ra nếu tiềm năng con người vẫn sánh được với cái tinh tế của Thiên Nhiên; và xác nhận vị thế con người trên nấc thang tiến bộ nhằm định nghĩa tiềm năng chi phối những sự vật lớn hơn, nhỏ hơn và phức hợp hơn chính con người.

Những giới hạn liên quan đến điều bất khả hóa ra giúp xác định Vũ Trụ một cách rõ ràng hơn là danh mục những điều khả dĩ. Trên nhiều bình diện khác nhau, con người có thể tìm ra rằng tính phức hợp ngày càng cao cuối cùng sẽ dẫn đến tình huống không chỉ là bị giới hạn, mà còn là tự giới hạn. Qua năm lần bảy lượt, sự phát triển những lý thuyết chặt chẽ nhất đã đi theo tiến trình ấy: các lý đã thuyết thành công đến nỗi người ta tin rằng chúng có thể lý giải mọi thứ. Các nhà bình luận bắt đầu hướng đến lý giải cho tất cả luận đề mà lý thuyết có thể bao trùm. Ý niệm “Lý thuyết Vạn vật” đôi lúc nổi lên. Nhưng có điều gì đấy bỗng dưng xảy ra. Lý thuyết tiên đoán rằng nó không thể tiên đoán: nó bảo ta rằng có những lý thuyết khoa học chặt chẽ dường như mang tính chất tự kiểm điểm ấy.

Chúng ta đã xét qua một số giới hạn trong công cuộc tìm tòi của con người để thông hiểu Vũ Trụ của mình. Có những giới hạn thuộc về con người, phát xuất từ chính bản tính tự nhiên của nhân loại và di sản tiến hóa mà tất cả chúng ta điều chia sẻ. Có những giới hạn về công nghệ, xảy ra do bản tính sinh học của con người. Tầm vóc và sức mạnh thể chất con người bị hạn chế, cùng với bản tính có chừng mực mà môi trường thân thiện với sự sống, bắt buộc con người phải tìm tòi tiến bộ công nghệ:  để tạo ra phương tiện nhân tạo thăm dò các thái cực của kích thước, của tính phức hợp và của nhiệt độ có thể tạo ra trong thế giới quanh ta.

Trong tất cả công cuộc tìm tòi này, con người đã va phải những giới hạn không lường trước về những gì mình làm được. Việc thông tin quá tốn kém, phải mất nhiều thời giờ và năng lượng. Nhưng quan trọng nhất, có những giới hạn kiên cố trong việc lượng định và truy cập thông tin. Con người bị bao vây bởi nhiều luận đề theo thực tiễn, quá phức tạp nên bộ não con người không thể đơn phương giải quyết, mà ngay cả những máy điện toán mạnh nhất mà Thiên Nhiên tạo điều kiện vẫn không thể giải được. Những luận đề này là bất khả trị. Nhiều luận đề nghe ra đơn giản, nhưng muốn giải đáp thì cần thêm không gian và thời gian mà toàn bộ Vũ Trụ cho phép.

Những giới hạn này là những biên giới do thực tiễn, do phí tổn và do thời gian định đoạt. Một số giới hạn chỉ là những ngoại suy từ kinh nghiệm thường ngày. Người ta có thể từng bước đẩy lùi những giới hạn này trong tương lai dài hạn. Nhưng hẳn người ta đã thấy rằng có những giới hạn không lường trước xác định tầm mức cơ bản hơn của điều bất khả. Càng đi ra xa khỏi địa hạt của kinh nghiệm thường ngày trong việc tìm kiếm kiến thức về Vũ Trụ thì người ta càng cảm thấy ngạc nhiên về những giới hạn đã va phải.

-----o0o-----

Trích “Điều Bất Khả - Giới Hạn Của Khoa Học và Khoa Học Của Giới Hạn”

Tác giả: Jonh D. Barrow

Dịch giả và Hiệu đính: Diệp Minh Tâm - Chu Trung Can (hiệu đính)

NXB: Tri Thức, Năm 2012

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan