NHỮNG LẠC THÚ TẠM THỜI - KENTESTU TAKAMORI – DAIJI AKEHASHI – KENTARO ITO – ĐIỀU GÌ KHIẾN TA HIỆN HỮU TRÊN ĐỜI?

NHỮNG LẠC THÚ TẠM THỜI

KENTESTU TAKAMORI – DAIJI AKEHASHI – KENTARO ITO – ĐIỀU GÌ KHIẾN TA HIỆN HỮU TRÊN ĐỜI?

---o0o---

Lạc thú nào, dù mới mẻ đến đâu cũng không thể tránh được tình trạng mòn mỏi với việc lặp lại.
NHỮNG LẠC THÚ TẠM THỜI - KENTESTU TAKAMORI – DAIJI AKEHASHI – KENTARO ITO – ĐIỀU GÌ KHIẾN TA HIỆN HỮU TRÊN ĐỜI?

LẠC THÚ TRỞ THÀNH ĐAU KHỔ

Ngày nay, dường như ngày càng có thêm nhiều người tìm lối thoát trong những lạc thú tạm thời. Điều thưởng xảy ra là họ bị những lạc thú dìm ngập. Một dấu hiệu của điều này là sự phổ biến của từ “nghiện”, cùng với từ “say”, dùng để quy chiếu về những người có các thói quen không thể kiểm soát được, tức là những người không thể yên ổn trừ khi tự dìm ngập mình vào một lạc thú phù du nào đó.

Có bao nhiêu người trở thành con mồi cho một thứ cạm bẫy chết chóc như thế?

Chẳng hạn, theo báo cáo có 10% người Mỹ, tức là hai mươi triệu người mắc tật nghiện rượu, và con số 20 triệu vẫn là còn nhỏ so với tám mươi triệu người bị lệ thuộc bởi sự kết hợp gia đình của họ. Con số người nghiện đánh bạc cũng được ước lượng khoảng 20 triệu, ngang bằng với số người nghiện rượu. Có khoảng 30 triệu người Mỹ mắc chứng nghiện ăn uống vô độ, nếu cộng thêm cả con số những người mắc chứng mập phì thì số này lên tới 80 triệu. Nghiện tình dục khoảng 25 triệu người. Dân số  Mỹ nghiện mua sắm được ước lượng khoảng 15 triệu người, hoặc phải tính là 40 triệu người nếu gộp thêm cả những tiêu xài quá mức… Việc khám phá ra những chứng nghiện mới, những rối loạn tâm thần mới, và những thôi thúc không thể kiềm chế mới, cùng với sự có mặt khắp mọi nơi của những thứ này đã trở thành thời sự hàng ngày.”

Việc sử dụng ma túy khiến cho những con bệnh nghiện ngập ngày càng rơi vào vòng xoáy tội ác. Còn bao nhiêu người khác nữa không chịu được cảnh cô độc, để rồi trở thành con mồi cho đủ các chứng nghiện? Dường như, nghiện bất cứ thứ gì cũng là một phương tiện để xua đi sự trống rỗng nội tâm. Những hội chứng như thế là một biểu hiện của một nỗi đau khổ mà nạn nhân bắt buộc phải tìm lối thoát để có thể tiếp tục sống. Chúng không cung cấp một ý nghĩa rốt ráo nào cho cuộc sống, mà chỉ là việc tạm thời vùi đầu trong cát.

Bạn có thể phản đối, “Vậy thì sao? Người ta có thể làm bất cứ điều gì miễn là tìm được lạc thú tại bất cứ thời điểm nào. Lạc thú dù chỉ tạm thời trong khoảnh khắc đủ là lí do để tồn tại. Mặc xác mục đích sống. Tốt hơn là quên đi tất cả và chỉ vui chơi thôi.”

Nhưng chúng ta có thể thực sự sống vì những lạc thú tạm thời? Chúng ta hãy thử nhìn vào bản chất đích thực của lạc thú. Đầu tiên, là sự thỏa mãn một ham muốn. Những ham muốn của con người vô cùng đa dạng về hình thức: Ham muốn ăn ngon mặc đẹp, ham muốn một chiếc xe hoặc một người tình. Khi một ham muốn được thỏa mãn, sự bất mãn và đau khổ biến mất và cảm xúc dễ chịu là thứ chúng ta thấy vừa lòng.

Chẳng hạn, khi khát và uống một lon Coca – Cola, bạn lập tức trải nghiệm “sự dễ chịu khi hết cơn khát”. Nhưng sự bùng ra ban đầu của lạc thú đó chỉ thoáng qua. Khi hớp hết ngụm này tới ngụm khác, cơn khát của bạn dần dần được giải tỏa, và cảm thức hân hoan cũng hạ xuống theo tỉ lệ. Thứ bạn đang thực sự thưởng thức là tiến trình trong đó cơn khát giảm đi. Khi không còn cơn khát, việc tiếp tục uống Coca – Cola (hoặc bất cứ thứ nước giải khát nào khác) sẽ biến thành một trải nghiệm khá là nhức nhối. Việc này giống hệt gãi khi bị ngứa – nếu gãi quá lâu, chỗ được gãi sẽ hết cảm giác khoan khoái và thay vì thế bắt đầu thấy đau.

Nơi nào sự thỏa mãn kết thúc, nơi đó sự đau đớn bắt đầu. Hiện tượng rất quen biết này, mà các nhà kinh tế học gọi là định luật về lợi ích biên tế suy giảm được quan sát thấy trong mọi loại tình huống. Lạc thú nào, dù mới mẻ đến đâu cũng không thể tránh được tình trạng mòn mỏi với việc lặp lại. Cảm giác khoan khoái có được từ sự chiều theo ham muốn có thể đạt tới mức độ mãnh liệt, nhưng rồi cuối cùng nó cũng không thể tránh được việc tiêu biến. Đó là lí do người ta nói rằng giai đoạn đầu của đau đớn là khoái lạc, và khoái lạc sẽ hóa thành đau đớn.

 

NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐÀO THOÁT

Nhiều người nói rằng họ hạnh phúc nhất khi đắm chìm vào một hành động, khi “nhập cuộc”, bị dòng chảy của sự vật cuốn theo, và không nghĩ ngợi về bất cứ điều gì khác. Nhưng bởi vì lạc thú hay bất kỳ hoạt động tạo hứng khởi nào cũng chỉ là tạm thời, giống như sự thỏa mãn một ham muốn, một khi đã xong, một lần nữa bạn lại phải giáp mặt với thực tại u ám và tẻ nhạt.

Trong cuốc Chinh phục hạnh phúc (Conquest of Happiness), triết gia người Anh Bertrand Russeell viết: “Những lạc thú thời thượng, trong phần lớn, không phải là một nguồn mạch của hạnh phúc nền tảng, mà chỉ là một nguồn mạch của hạnh phúc nền tảng, mà chỉ là một phương tiện để đào thoát khỏi thực tại, để quên đi trong khoảnh khắc một nỗi đau đớn quá khó để đối đầu”. Khoái cảm của việc đánh mất mình trong một hoạt động như vậy là một cách để có được sự đào thoát tạm thời khỏi đau đớn. Nó giống hệt như kẻ say rượu có thể quên đi những món nợ của mình khi chìm trong hết cốc rượu này đến cốc rượu khác.

Bạn có thể nói, “Vậy thì đã sao? Cố sức truy tìm ý nghĩa của đời sống dễ làm người ta nản lòng lắm. Tại sao tôi lại không thể đắm mình trong thứ gì đó khiến tôi vui thích, sung sướng, cho dù tạm thời? Đối với tôi thế là đủ”. Thế nhưng, nói như thế chẳng khác nào nói, “Kẻ nào không biết trốn chạy cuộc đời là kẻ ngốc”. Bạn có định chạy trốn suốt đời không?

Một khi đã tìm ra mục đích sống, bạn không còn cần phải chạy trốn bất kỳ điều gì, ngay cả nỗi đau khổ và niềm cô đơn. Khi tìm được mục đích của đời sống, mỗi khoảnh khắc phí phạm trong những cám dỗ tạm bợ đều sẽ làm bạn tiếc nuối.

 

ĐÍCH ĐẾN CÓ QUAN TRỌNG KHÔNG?

Bạn có thể nói rằng, chính cái tiến trình tìm kiếm mang lại niềm vui và ý nghĩa trong đời sống và đối với nhiều người, đây là một tin tưởng nền tảng.

Chúng ta thán phục những người có năng lực và cam kết để toàn tâm toàn ý hiến dâng đời mình cho một mục đích. Điều này đặc biệt đúng trong một thời đại của sự vỡ mộng khi nhiều người cảm thấy rằng đời mình chẳng dẫn về đâu và họ không thể thoát khỏi vòng xoáy bất lực này.

Dẫu đã dấn bước vào một công cuộc mà bạn cảm thấy sẽ mang lại cho đời bạn một ý nghĩa, liệu bạn có thể chắc chắn rằng nó sẽ bền vững?

Charles Darwin, người tận tụy cả đời để khai triển thuyết tiến hóa, lại cảm thấy không đạt được hạnh phúc từ thành quả mang tính lịch sử của mình. Ông than phiền là đã trở nên “một cỗ máy để từ những sưu tập công phu về các sự kiện rút ra các định luật tổng quát”.

Đôi khi, ngay cả lạc thú theo đuổi con đường đã chọn cuối cùng cũng hóa thành khô khốc, đắng chát. “Tôi hạnh phúc khi đi theo con đường mình đang đi; nó dẫn đến đâu chẳng quan trọng”. Một số người có thể hài lòng với quan điểm này. Nhưng lối nhìn ấy có cái gì thiếu sót chăng? Nhà xã hội học Pháp Émile Durkheim vạch ra trong tác phẩm khảo về Tự tử (Suicide), rằng nếu không có một mục tiêu có thể đạt tới được, hành trình chỉ là lạc thú chừng nào chúng ta còn mù lòa với sự vô dụng của nó.

Ngày mai, và ngày mốt, và ngày kế nữa, lần lượt theo nhau đổ xuống dưới chân dốc dài dằng dặc của thời gian – và theo lời của triết gia Pháp thế kỉ 17 là Blaise Pascal, “màn cuối là bi thảm dù toàn bộ phần còn lại của vở kịch có hạnh phúc ra sao”. Cuộc đời đẹp nhất cũng không là ngoại lệ. Kết thúc của nó – cái chết – là một kết luận được định trước.

Sau khi đã ném một cái nhìn minh xác về nơi từ đó chúng ta sẽ đến, làm sao ai có thể tuyên xưng rằng một cuộc đời tìm kiếm bất tận, hoặc hành vi đơn giản bước đi không một mục tiêu, lại có thể mang lại lạc thú trường cửu?

 

---o0o---

Trích “Điều gì khiến ta hiện hữu trên đời?”

Tác giả: Kentetsu Takamori – Daiji Akehashi – Kentaro Ito

Người dịch: Nguyễn Tiến Văn

NXB Hồng Đức, 2015

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan