NHỮNG NGHỆ SĨ IKIGAI - IKIGAI: ĐI TÌM LÝ DO THỨC DẬY MỖI SÁNG - HÉCTOR GARCÍA & FRANCESC MIRRALES

NHỮNG NGHỆ SĨ IKIGAI

IKIGAI – ĐI TÌM LÝ DO THỨC DẬY MỖI SÁNG

HÉCTOR GARCÍA & FRANCESC MIRRALES

Quốc Đại dịch

-----o0o-----

Tuy nhiên, không chỉ những người siêu trăm tuổi mới nắm giữ bí quyết trường thọ. Có rất nhiều người cao tuổi, dù chưa được ghi tên vào Sách Kỷ lục Guinness, đã đem đến cho chúng ta nguồn cảm hứng cũng như những ý tưởng để mang lại năng lượng và ý nghĩa cho cuộc sống của mình.
NHỮNG NGHỆ SĨ IKIGAI - IKIGAI: ĐI TÌM LÝ DO THỨC DẬY MỖI SÁNG - HÉCTOR GARCÍA & FRANCESC MIRRALES

Tuy nhiên, không chỉ những người siêu trăm tuổi mới nắm giữ bí quyết trường thọ. Có rất nhiều người cao tuổi, dù chưa được ghi tên vào Sách Kỷ lục Guinness, đã đem đến cho chúng ta nguồn cảm hứng cũng như những ý tưởng để mang lại năng lượng và ý nghĩa cho cuộc sống của mình.

Chẳng hạn như các nghệ sĩ, những người tiếp tục đốt cháy ngọn đuốc ikigai của mình thay vì chấp nhận nghỉ hưu, sở hữu sức mạnh này.

Mọi loại hình thái nghệ thuật đều là một ikigai có thể mang lại hạnh phúc và mục đích cho mỗi ngày của chúng ta. Việc thưởng thức hoặc tạo ra cái đẹp vốn hoàn toàn miễn phí, và là điều bất kỳ ai cũng có thể làm được.

Hokusai là một nghệ nhân người Nhật, làm tranh khắc gỗ theo phong cách ukiyo-e và sống đến 88 tuổi, từ giữa thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19, Trong ấn bản đầu tiên của cuốn sách One Hundred Views of Mount Fuji (Một trăm quang cảnh của núi Phú Sĩ), ông viết rằng:

Tất cả những gì tôi tạo ra trước tuổi 70 đều không đáng nhắc đến. Kỳ thực tới năm 73 tuổi, tôi mới phần nào hiểu được cấu trúc của tự nhiên, của cỏ và động vật, của cây cối và chim chóc, của cá và côn trùng; do đó, đến năm 80 tuổi, tôi sẽ còn tiến bộ hơn nữa; đến năm 90 tuổi, tôi hy vọng lĩnh hội được sự huyền bí của vạn vật; đến năm 100 tuổi, tôi có thể đạt tới trình độ vi diệu; và khi tôi 110 tuổi, tất cả những gì tôi làm, mọi giao điểm và đường kẻ, sẽ đều tràn đầy sức sống.

Trong những trang tiếp theo đây, chúng tôi đã thu thập những câu nói truyền cảm hứng nhất từ các nghệ sĩ được Camille Sweeney phỏng vấn cho tờ New York Times.

Nam diễn viên Christopher Plummer, vẫn hoạt động nghệ thuật ở tuổi 86, tiết lộ một khát vọng bí mật của nhiều người yêu nghiệp diễn xuất: “Chúng tôi muốn gục chết trên sân khấu. Chết như thế mới ấn tượng.”

Osamu Tezuka, cha đẻ của thể loại truyện tranh Nhật Bản hiện đại, cũng có chung cảm giác này. Trước khi qua đời vào năm 1989, những lời trăn trối của ông trong lúc vẽ cuốn truyện tranh cuối cùng là: “Làm ơn, hãy để cho tôi làm việc!”

Trong một lần tản bộ ở Paris, nhà làm phim 86 tuổi Frederick Wiseman tuyên bố rằng ông thích làm việc, đó là lý do vì sao ông làm việc với cường độ cao như vậy. “Mọi người thường ca thán về những cơn đau nhức và khổ sở của họ cùng tất cả những thứ khác, nhưng bạn bè của tôi hoặc là đã chết hoặc vẫn đang làm việc”, ông nói.

Carmen Herrera, vị họa sĩ vừa bước sang tuổi 100, bán bức tranh đầu tiên ở tuổi 89. Giờ đây, các tác phẩm của bà có mặt trong bộ sưu tập thường trực của phòng trưng bày nghệ thuật Tate Modern và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại. Khi được hỏi rằng bà suy nghĩ gì về tương lai của mình, Carmen Herrera trả lời, “Tôi luôn luôn chờ đợi hoàn thành tác phẩm tiếp theo. Nghe có vẻ ngớ ngẩn, tôi biết. Chỉ là tôi sống theo từng ngày.”

Về phần mình, nhà tự nhiên học Edward D. Wilson khẳng định rằng, “Tôi cảm thấy mình đủ kinh nghiệm để tham gia cùng những người đang giải quyết các câu hỏi lớn. Khoảng mười năm trước, khi bắt đầu tìm đọc và suy nghĩ rộng hơn về những câu hỏi như chúng ta là gì, chúng ta đến từ đâu và chúng ta đang đi về đâu, tôi ngạc nhiên khi thấy các câu trả lời ít ỏi tới mức nào.”

Không bao giờ ngừng học hỏi

"Bạn có thể trở nên già yếu và lọm khọm. Bạn có thể nằm thao thức mỗi đêm lắng nghe nhịp đập hỗn độn của huyết quản, bạn có thể nhớ nhung tình yêu duy nhất của đời mình, bạn có thể chứng kiến thế giới xung quanh bị tàn phá dưới tay những kẻ điên khùng và xấu xa, hoặc biết rằng danh dự của bạn bị lũ ti tiện chà đạp xuống cống rãnh. Vậy chỉ còn lại duy nhất một thứ - đó là học hỏi. Học hỏi vì sao thế giới xoay vần và điều gì xoay vần thế giới. Đó là điều duy nhất giúp tâm trí không bao giờ mỏi mệt, không bao giờ bị cô lập, không bao giờ bị tra tấn, không bao giờ sợ hãi hoặc ngờ vực, và không bao giờ phải hối tiếc

- T. H. White, The Once and Future King

(Vị vua một thời và mai sau)

Ellsworth Kelly, một họa sĩ qua đời năm 2015 ở tuổi 92, quả quyết với chúng tôi rằng quan niệm con người mất dần năng lực vì tuổi tác, phần nào đó, là chuyện hoang đường, bởi lẽ chúng ta phát triển năng lực quan sát mạnh mẽ và thấu suốt hơn theo thời gian. “Khi về già, bạn sẽ nhìn thấy nhiều hơn... Mỗi ngày, tôi lại nhìn thấy những điều mới mẻ. Đó là lí do vì sao tôi lại có thêm những bức họa mới.”

Ở tuổi 86, kiến trúc sư Frank Gehry cho biết rằng một số tòa nhà có thể phải mất tới bảy năm “từ khi bạn được thuê thiết kế đến khi bạn xây dựng xong một thực tế đòi hỏi thái độ kiên nhẫn đối với sự trôi đi của thời gian. Tuy nhiên, vị kiến trúc sư của Bảo tàng Guggenheim Bilbao này biết cách sống trong khoảnh khắc hiện tại. “Bạn đang sống trong hiện tại. Bạn không lùi bước. Tôi cho rằng nếu bạn kết nối với hiện tại, mở to mắt và lắng tai nghe, đọc báo chí, quan sát những gì đang diễn ra, không ngừng tò mò về mọi thứ, tự khắc bạn sẽ sống trong hiện tại của mình.”

Sự trường thọ tại Nhật Bản

Do có hệ thống đăng ký hộ tịch phát triển, nước Mỹ đã có thêm rất nhiều trường hợp tuổi thọ cao nhất thế giới được xác nhận. Tuy nhiên, có rất nhiều người trên trăm tuổi hiện sinh sống ở những ngôi làng hẻo lánh tại các quốc gia khác. Cuộc sống thôn quê thanh bình dường như là đặc điểm chung của những người đã sống qua một thế kỷ. Không có gì phải bàn cãi, Nhật Bản là một cường quốc trường thọ với tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh, điều chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết, cùng hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện mà ở đó mọi người đi khám thường xuyên để ngăn ngừa bệnh tật, sự trường thọ tại Nhật Bản còn gắn liền với nền văn hóa của đất nước này. Ý thức cộng đồng, cùng thực tế rằng người Nhật luôn nỗ lực duy trì sự năng động cho tới tận cuối đời chính là những yếu tố cốt lõi trong bí quyết sống lâu của họ. Nếu muốn giữ cho mình bận rộn kể cả khi không cần phải làm việc, bạn phải có một ikigai trước mắt, một mục đích dẫn dắt bạn trong suốt cuộc đời và thúc đẩy bạn tạo ra những điều tốt đẹp và có ích cho cộng đồng cũng như cho chính bạn.

-----o0o-----

Trích: “Ikigai – Đi Tìm Lý Do Thức Dậy Mỗi Sáng”

Tác giả: Héctor García & Francesc Mirrales

Việt dịch: Quốc Đại

NXB Công Thương, 2022

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan