NIỀM ĐAM MÊ VÀ SỰ SÁNG TẠO - VIRENDER KAPOOR - PQ - CHỈ SỐ ĐAM MÊ

NIỀM ĐAM MÊ VÀ SỰ SÁNG TẠO

VIRENDER KAPOOR - PQ - CHỈ SỐ ĐAM MÊ

–––––o0o–––––

Điều thôi thúc các thiên tài, hay nói đúng hơn là điều truyền cảm hứng cho họ làm việc không phải là những ý tưởng mới mẻ mà là niềm đam mê của họ đối với ý nghĩ những gì đã có sẵn không bao giờ là đủ cả.
NIỀM ĐAM MÊ VÀ SỰ SÁNG TẠO - VIRENDER KAPOOR - PQ - CHỈ SỐ ĐAM MÊ

NIỀM ĐAM MÊ VÀ SỰ SÁNG TẠO

VIRENDER KAPOOR - PQ - CHỈ SỐ ĐAM MÊ

–––––o0o–––––

0 Niềm đam mê và sự sáng tạo

Giữa niềm đam mê và khả năng sáng tạo có mối liên hệ trực tiếp. Những người sáng tạo trong một lĩnh vực nào đó đều rất yêu thích và thực sự đam mê công việc. Nhà văn sáng tạo yêu thích cảm giác viết, nhà soạn nhạc yêu âm nhạc, họa sĩ say mê tranh và hội họa. Trên thực tế, khả năng sáng tạo đòi hỏi niềm đam mê ở một mức độ nhất định.

Trong chương này, chúng ta sẽ nhìn nhận về sự sáng tạo và sự đổi mới ở một tầm rộng lớn hơn. Để làm mới mẻ công việc hàng ngày ở văn phòng, bạn cũng phải chú tâm, bỏ nhiều công sức và thực sự đam mê nghề của mình. Trước tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu về khả năng sáng tạo.

Sáng tạo là gì?

Theo nghĩa từ điển, sáng tạo chính là: “Tạo ra, hình thành nên, đem đến sự tồn tại, làm xuất hiện lần đầu.” Hiểu theo cách đơn giản, sáng tạo chính là khả năng làm ra thứ gì đó. Định nghĩa trong từ điển có phần hơi cứng nhắc, tôi cho rằng nếu bạn làm điều gì đó khác lệ thường thì có thể coi đó là một hành động sáng tạo. Vì vậy, khả năng sáng tạo không phải là đặc quyền của nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà soạn nhạc hay nhà thơ. Hiểu theo nghĩa rộng, tất cả chúng ta đều sáng tạo và tất cả chúng ta đều có khả năng sáng tạo. Chúng ta bộc lộ khả năng sáng tạo cả trong nhịp sống thường nhật. Thậm chí việc làm món trứng ốp lết theo cách khác biệt cũng là một hoạt động sáng tạo.

Cách bạn sắp xếp tủ áo, bố trí các chậu cây trong vườn, xếp đặt nước hoa trên giá để mỹ phẩm hay pha chế Cocktail - tất cả đều được coi là hoạt động sáng tạo. Nhiều người mê mẩn công việc làm vườn, sắp xếp phòng ốc hay nấu ăn. Họ dồn hết tâm trí vào những công việc đó và bộc lộ khả năng sáng tạo lẫn tư duy mới mẻ. Bởi vậy, giữa khả năng sáng tạo, lòng nhiệt tình, tư duy mới mẻ và thái độ toàn tâm toàn ý có mối liên hệ trực tiếp. Những người có niềm đam mê đều sáng tạo, những người có khả năng sáng tạo thì đam mê thứ họ sáng tạo ra. Trên thực tế, nếu không có đam mê, loài người thậm chí còn không biết chạy đua là gì.

Tầm nhìn lớn rộng hơn

Khi bạn làm điều gì đó theo cách khác với lệ thường - tức là bạn sáng tạo - bạn đang thực hiện cùng lúc rất nhiều công việc khác nhau. Bạn đang vận dụng trí tưởng tượng, nghiền ngẫm ý tưởng, thử nghiệm, suy nghĩ theo lối mới, tư duy linh hoạt, ứng biến và hơn hết, bạn đang khám phá. Vậy còn việc làm món trứng ốp lết thì sao? Muốn nghĩ ra cách làm lạ thường nhất, bạn cũng phải vận dụng tất cả các hoạt động trên.

Khi bạn giải quyết một vấn đề, bạn cũng đang sáng tạo. Trên thực tế, các nhà quản lý hầu như lúc nào cũng đều cố gắng tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề khác. Người có thể nghĩ ra một giải pháp chưa từng được nhắc đến trong các tài liệu hoặc chưa từng được truyền dạy ở trường học chính là người có tư duy mới mẻ. Nếu có một người đang bừng bừng cơn giận xông thẳng vào căn phòng có ba người đang ngồi, chuỗi phản ứng sau đây có thể xảy ra.

Một người trong phòng bộc lộ vẻ giận dữ không kém, bắt đầu mắng mỏ lại người vừa bước vào, một người khác rất sợ hãi và im lặng vì không biết làm gì. Người thứ ba trong phòng từ tốn nói chuyện với anh chàng mới vào, lắng nghe anh ta rồi cho anh ta lời khuyên có tình có lý, khiến cho anh ta bình tĩnh lại, bước ra khỏi phòng với vẻ thoải mái.

Hành động của người thứ ba chính là dạng thức sáng tạo cao nhất. Anh ta đã sáng tạo ra một tình huống và một giải pháp nhằm làm thỏa mãn anh chàng đang ngùn ngụt lửa giận kia. Khả năng sáng tạo vượt lên trên tri thức. Cách ứng dụng tri thức chính là sự sáng tạo. Theo đó bạn mang đến cho tri thức một hình hài, một ý nghĩa nào đó. Bởi vậy, sáng tạo đồng nghĩa với tưởng tượng và hành động. Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức.

- Sáng tạo chính là cuộc nổi loạn lớn nhất trong lịch sử nhân loại. – Osho

Một người sáng tạo chắc chắn là một người khác biệt và để làm được điều đó, anh ta phải từ bỏ các phản xạ có điều kiện. Người tự thỏa mãn hiếm khi sáng tạo được, bởi họ chỉ bước theo con đường có sẵn, đó cũng là lý do người ta coi sự sáng tạo chính là một “cuộc nổi loạn”. Tất cả những người sáng tạo đều rất dũng cảm.

Không phải E = mc2

Hiểu theo nghĩa rộng, sáng tạo không có nghĩa là làm ra thứ gì đó hoàn toàn mới mẻ. Miễn sao bạn tạo ra sự khác biệt là đủ. Một bà mẹ sinh ra vài đứa con, trông bọn trẻ đều có những nét tương đồng nhưng chúng không hoàn toàn giống nhau. Bọn trẻ có khung cấu trúc cơ thể giống nhau nhưng mỗi đứa một vẻ.

Cũng tương tự như thế, những người sáng tạo chỉ cần dùng trí tưởng tượng của họ vượt ra vốn tri thức thông thường - những điều hầu như chúng ta đã biết cả.

Chúng ta dùng cụm từ “đại triết gia” khi nhắc đến Khổng Tử, Socrates hay Aristotle. Họ là những người nghĩ lớn, nói và làm những điều khác biệt. Họ cũng vô cùng dũng cảm khi trình bày các học thuyết, triết lý của mình mà không lấp liếm che giấu - đó chính là lý do cho đến ngày nay những lời dạy của họ vẫn được trân trọng. Osho xây dựng triết lý khác hẳn mọi người, ông dám nói những điều người khác không dám và ông dũng cảm bày tỏ suy nghĩ của mình.

- Điều thôi thúc các thiên tài, hay nói đúng hơn là điều truyền cảm hứng cho họ làm việc không phải là những ý tưởng mới mẻ mà là niềm đam mê của họ đối với ý nghĩ những gì đã có sẵn không bao giờ là đủ cả.

- Engene Delacroix (1798-1863), họa sĩ người Pháp

Việc tạo ra biến thể cũng chính là sáng tạo, trên thực tế, đây là cấp độ đầu tiên của sáng tạo. Khi bạn nhận một nhiệm vụ mới từ người tiền nhiệm và tạo ra những thay đổi tích cực ở công ty bạn đang sáng tạo ở một cấp độ cao hơn. Bạn đã tạo ra một môi trường mới cho công ty. Và những người làm nên sự thay đổi tích cực ở môi trường làm việc chắc chắn rất yêu thích công việc, nói cách khác, họ đam mê công việc của mình.

–––––o0o–––––

Trích: “Pq - Chỉ Số Đam Mê”

Tác giả: Virender Kapoor

Người dịch: Mai Hương

Nhà Xuất Bản Lao Động - Xã Hội

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan