PHẢI THÀNH THẬT: THEO ĐUỔI NHỮNG GÌ ĐÚNG ĐẮN MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN - INAMORI KAZUO - NGHĨ THIỆN: ĐỂ CUỘC ĐỜI VÀ CÔNG VIỆC VIÊN MÃN

PHẢI THÀNH THẬT: THEO ĐUỔI NHỮNG GÌ ĐÚNG ĐẮN MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN

INAMORI KAZUO -  NGHĨ THIỆN: ĐỂ CUỘC ĐỜI VÀ CÔNG VIỆC VIÊN MÃN

-----o0o-----

Phải luôn bước đi trên con đường đúng đắn, trút hết lòng thành để làm việc. Không được có cách sống thỏa hiệp, chiều lòng người khác hay cho rằng “miễn sao sống tồn tại qua ngày là được”.
PHẢI THÀNH THẬT: THEO ĐUỔI NHỮNG GÌ ĐÚNG ĐẮN MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN - INAMORI KAZUO - NGHĨ THIỆN: ĐỂ CUỘC ĐỜI VÀ CÔNG VIỆC VIÊN MÃN

Chân thực

Phải luôn bước đi trên con đường đúng đắn, trút hết lòng thành để làm việc.

Không được có cách sống thỏa hiệp, chiều lòng người khác hay cho rằng “miễn sao sống tồn tại qua ngày là được”.

Sống chân thực với bản thân dù có gặp bất kỳ trở ngại nào

Mỗi khi mắc kẹt, giậm chân tại chỗ, con người vẫn có thể làm điều xấu với suy nghĩ “chỉ nhiêu đây thôi chắc không sao” dù lương tâm biết chắc chắn điều đó không tốt. Trường hợp tệ hơn, còn sẵn sàng gật gù “kết quả tốt thì sao cũng được” để thuyết phục bản thân và rồi tay nhúng chàm.

Nhưng chúng ta phải luôn bước đi trên con đường đúng đắn, trút hết lòng thành. Không được có cách sống thỏa hiệp, chiều lòng người khác hay cho rằng “miễn sao sống tồn tại qua ngày là được”. Tôi cho rằng, dù có phải đối mặt với cục diện thế nào đi nữa, phải luôn có cách sống chân thực, cách nghĩ đúng đắn, xuyên suốt trên con đường chính đạo.

Điều này khiến tôi nhớ lại một sự việc xảy ra trong công ty tôi từng làm trước khi sáng lập Kyocera. Tôi tốt nghiệp đại học, vào làm công ty, như tôi đã trình bày, tôi đã thành công trong việc tìm ra bí quyết chế tạo vật liệu cách nhiệt tần số cao gọi là forsterite (vật liệu chịu lửa). Ban Phát triển do tôi đứng đầu trở nên độc lập, còn tôi tạo dựng được vị trí thực chất trong công ty dù chỉ mới năm thứ 2 vào làm.

Từ bé, tôi vốn đã phản đối những gì bất chính, trái với lương tâm. Tôi có lòng chính nghĩa, không tha thứ cho những gì không đàng hoàng. Vì vậy, tôi luôn yêu cầu, đòi hỏi sự đúng đắn, ít nhất là trong ban của mình, và muốn công ty là nơi có thể tìm được lẽ sống.

Công ty lúc ấy vốn là hãng sản xuất lão làng về chế tạo chất cách điện dùng cho đường dây điện nhưng sau chiến tranh, tình hình xấu đi, thường xuyên xảy ra các cuộc đối đầu về lao động.

Do đó, tình trạng thua lỗ kéo dài, đãi ngộ kém đi, trong thời gian làm việc thì chẳng ai chịu làm cật lực, nhưng lại làm ngoài giờ không cần thiết để kiếm tiền phụ trội. Điều đó diễn ra như cơm bữa. Nhưng tôi đã đề nghị cấm làm ngoài giờ vì nghĩ chi phí nhân công cao ảnh hưởng lên phí sản xuất.

Thế là những người đang làm việc ở đó vô cùng bất mãn. Mọi người phàn nàn, khiếu nại, cho rằng những công ty khác đều làm ngoài giờ thong thả, làm cho có mà vẫn có tiền, còn công ty mình cả ngày bắt làm cật lực rồi còn không có tiền làm thêm. Với những thành viên ở một nơi làm việc như thế, tôi nói: “Bây giờ, mọi người vất vả nhưng nếu không làm thêm, giảm chi phí sản xuất thì chúng ta có năng lực cạnh tranh, chắc chắn tương lai sẽ có nhiều đơn đặt hàng đến mức mọi người phát ngán, lúc đó sẽ phải làm ngoài giờ nhiều đến mức mọi người chẳng tha thiết chuyện đó. Mọi người hãy cố gắng đến lúc đó”.

Trong số đó cũng có người có tâm nên ủng hộ tôi nhưng có người nghĩ “có phải cấp quản lý đầu mà chơi xấu nhân viên với ba cái yêu cầu khắt khe còn hơn lãnh đạo" nên rốt cuộc tội bị đưa lên thẩm vấn ở liên đoàn lao động. Tức bị luận tội ở “tòa án nhân dân”.

Tôi còn nhớ mình bị bắt đứng trên mấy cái hộp gỗ đựng chất cách điện chất cao, bên cạnh cái ao ngay khi bước vào hành lang công ty. “Mấy cái tên bày trò quấy rối này đè đầu cưỡi cổ người lao động yếu ớt như chúng ta chỉ để nịnh bợ công ty. Chính vì có mấy tên thế này mà người lao động chúng ta phải gặp bao phiền phức. Người như hắn phải nghỉ làm”. Trước những lời như vậy, các ủy viên liên đoàn đứng quanh đống hộp gỗ đã đồng loạt sỉ nhục tôi như một kẻ tồi tệ. Nhưng tôi thẳng thắn phản bác như thế này: “Quý vị ủy viên liên đoàn định đuổi việc tôi, những người cho rằng tôi có vấn đề lại là những người hoàn toàn không làm việc gì dù tôi đã nhiều lần trình bày tình trạng của công ty. Nếu giữ những người như vậy, chắc chắn công ty sẽ sụp đổ. Lời nói của những người bình thản làm những việc khiến công ty sẽ sụp đổ là đúng đắn sao? Hay những lời nói chính đạo của tôi mới là đúng đắn? Đó là đánh giá của quý vị. Nếu đã nói vậy mà quý vị vẫn yêu cầu tôi nghỉ việc thì tôi sẽ vui mừng nghỉ việc cho quý vị xem”.

Tôi đã từng trút hết ruột gan thuyết phục như vậy. Lòng chính nghĩa trong tôi đã buộc tôi phải nói vậy, dù bản thân có rơi vào tình trạng bất lợi đi nữa, tôi vẫn quyết chí đi theo chính đạo.

Có lần, vì tôi nói những lời quá nghiêm khắc mà những người làm công ở đó không chỉ mắng nhiếc mà còn bỏ tiền thuê một nhóm người tấn công tôi vào ban đêm. Vết thương lần ấy vẫn còn để lại sẹo trên mặt tôi cho đến giờ. Có lẽ, với bọn họ, chỉ cần xử tôi để từ hôm sau tôi không đến công ty nữa là được nhưng sáng hôm sau, tôi vẫn đi làm với vết thương đang băng bó chằng chịt. Bọn họ bất ngờ, kể từ đó những trò tệ hại như vậy không còn nữa.

Tôi tin rằng mình đang làm những việc đúng đắn. Đồng thời, cũng có cảm giác cô độc, và vô cùng trăn trở rằng “tại sao mình làm đúng mà mọi người không hiểu mình? Không, không những không hiểu mà còn bị ghét bỏ”.

Nửa đêm, khi xong việc, tôi ngồi một mình bên con sông nhỏ chảy ngang ký túc xá, vừa khóc vừa nghĩ về quê nhà, rồi hát bài “Quê hương”. Chuyện đó chẳng mấy chốc nổi tiếng trong ký túc xá, mỗi lần như vậy là mọi người lại nói “Inamori nó lại ngồi khóc bên sông”. Tôi đã vừa hát vừa chiến đấu với sự cô độc để rèn luyện ý chí của mình.

Lúc ấy, tôi còn thường tự hỏi tự trả lời. “Mình định nói những lời đúng đắn nhưng vì vậy mối quan hệ trong cơ quan trở nên xấu đi, cấp dưới bất mãn ra mặt. Để có thể sống tốt trong xã hội, liệu có nên, có đúng khi chấp nhận bẻ cong tín niệm của mình để chiều lòng mọi người một chút?”

Nhưng suy nghĩ thế nào đi nữa, tôi vẫn thấy không thể. “Có thể cấp dưới ghét mình nhưng nhất định phải khẳng định việc gì đúng là đúng” - Cuối cùng tôi kết luận như vậy, lại thấy dũng cảm hơn, bình tâm trở lại rồi quay về ký túc xá.

Tôi chỉ một lòng nỗ lực đi trên con đường mình tin rằng đúng đắn. Có nhiều cấp trên, bậc đàn anh, các đàn em và cấp dưới đã bị thuyết phục bởi thái độ đó của tôi và đi theo tôi. Những người đó sau là thành viên sáng lập Kyocera, trở thành nhân tố hướng đến phát triển của công ty.

Đặt câu hỏi với chính mình “Với tư cách con người, điều gì là đúng đắn?” và đi theo con đường mà bản thân tin rằng đúng đắn. Dù biết đó là con đường không bằng phẳng nhưng cứ một lòng đi theo chính đạo. Thái độ thẳng thắn đó có thể khiến bạn bị xung quanh phản bác, khiến bạn cô độc, lạc lõng. Nhưng nếu nhìn trên quãng đường đời dài trước mắt thì chắc chắn bạn sẽ được đền đáp, sẽ có ngày đạt được thành quả. Quan trọng là bạn phải tin vào điều đó, chọn cách sống không thỏa hiệp.

-----o0o-----

Trích: “Nghĩ Thiện: Để Cuộc Đời Và Công Việc Viên Mãn”.

Tác giả: Inamori Kazuo.

Việt dịch: Nguyễn Đỗ An Nhiên.

Nhà Xuất Bản Trẻ – 2021.

Ảnh nguồn: Internet

Bài viết liên quan