PHƯƠNG PHÁP CHUYỂN HÓA MẶC CẢM THÀNH NĂNG LƯỢNG TÂM THỨC THĂNG HOA

Mặc cảm có hai loại xuất phát từ hai nguồn: một là nguồn cá nhân, thường xuất phát từ một kinh nghiệm đau thương hay tủi nhục. Kinh nghiệm đó nửa bàng bạc trong ý thức nửa ẩn hiện trong tiềm thức; do đó được gọi là mặc cảm của bản thân hay của vô thức cá nhân. Nguồn xuất phát thứ hai là từ vô thức tập thể, thông qua những hình ảnh sơ cổ và trường tồn gọi là mẫu tượng...
PHƯƠNG PHÁP CHUYỂN HÓA MẶC CẢM THÀNH NĂNG LƯỢNG TÂM THỨC THĂNG HOA

PHƯƠNG PHÁP CHUYỂN HÓA MẶC CẢM THÀNH NĂNG LƯỢNG TÂM THỨC THĂNG HOA

-Lưu Hồng Khanh

-----o0o-----

"Tiến sĩ Lưu Hồng Khanh sinh ngày 11 tháng 7 năm 1932 tại Hà Tĩnh. Ông du học và nghiên cứu về Thần học, Triết học, Xã hội học tại các Đại học München và Marburg thuộc Cộng Hòa Liên Ban Đức. Ông nhận bằng Tiến sĩ Triết học tại Đại học Marburg năm 1978. Ông tham gia giảng dạy ở phân khoa Triết học tại Đại học Hamburg và Frankfurt nước Đức. Đồng thời ông cũng tham gia giảng dạy và hướng dẫn nhiều buổi thuyết trình, thảo luận trong các lĩnh vực Triết học, Tâm lý, Tâm linh, Giáo dục... Cho nhiều tầng lớp ở Châu Âu".

-----***-----

Mặc Cảm Là Gì, Từ Đâu Tới, Cấu Trúc Ra Sao, Có Những Phân Loại Nào, Tác Động Như Thế Nào?

Với “trắc nghiệm liên tưởng” dựa trên một số “từ kích động”, ví dụ như từ cha, mẹ, tiền bạc, tình yêu, sự nghiệp, quyền thế, danh dự, ly hôn, chết… C.G. Jung đã nhận ra nơi những người làm thử trắc nghiệm một số “phản ứng với nhiều xúc động” đó cho thấy một “tình trạng nội tâm xáo trộn”, và tình trạng xáo trộn này là hệ quả của một số “ý nghĩa nặng cảm xúc”. Và theo C.G. Jung, đó là định nghĩa của mặc cảm: “Tụ kết một số ý nghĩa nặng cảm xúc”.

Ta hãy hình dung một hoàn cảnh cụ thể của bản thân, như khi ta bị người yêu từ bỏ, bạn bè lừa gạt, hàng xóm  cáo gian, đồng nghiệp chê bai, thượng cấp xét xử bất công, nhà cửa bị đốt cháy,  ruộng đất bị cướp sạch, tương lai với hai bàn tay trắng, ngày mai không công ăn việc làm, viễn ảnh một cuộc sống vô vọng ,bản thân là cả một thất bại... Hoặc, Những hoàn cảnh như khi ta cứu được một em bé chết đuối, cứu được một cô gái bị hãm hiếp, hay giãi bày được cho một nạn nhân bị xử oan...Có lẽ như thế ta dễ nhận thấy hơn những cảm xúc khổ cực, chán nản, bực tức, căm thù, hoặc vui mừng, hiên ngang, danh dự... dâng trào lên trong tim ta, lên  đầy cổ họng, diễn ra nơi giọng nói,  tiếng khóc, tiếng cười, đôi môi bặm lại, đôi mắt đẫm lệ  hoặc rạng ngời chói sáng....

Những “phản ứng đầy xúc động” như thế diễn tả một “tâm trạng xáo trộn” -  hoặc vì vui mừng hiên ngang, hoặc vì bực tức tủi nhục - và “tâm trạng xáo trộn” này là hệ quả của “một số ý nghĩ mang nặng cảm xúc”, vừa khó hiểu vừa vượt quá sức kiểm soát của ta, chúng xâm nhập và chiếm đoạt ý thức, ý chí và tình cảm (ta lưu ý: “mặc cảm” theo nguyên từ Hán Việt là “cảm xúc đen tối”, khó hiểu, quyền nhiệm).

C.G. Jung định nghĩa thêm: “mặc cảm” là “những phần bản vị con người bị tách lìa ra”, là “những thực tại tâm lý tuột ra khỏi tầm kiểm soát của ý thức” (GW 6, 988), là “những vầng sáng chói lọi của ý thức” (Bewusstseinslumionsitten). Frieda Fordham, một học trò trực tiếp của C.G. Jung, nói: Mặc cảm là như “những vùng nam châm tâm lý” tụ kết ý nghĩ, cảm xúc, tâm tình. Đấy là “những vùng nam châm tâm lý” nghĩa là không phải chỉ có hai chiều, mà là đa phương, kể cả những chiều siêu cá nhân (trans-personal) trong nghĩa liên vị, vượt cá thể và siêu tâm linh.

Theo các định nghĩa của C.G. Jung, thì mặc cảm trong cấu trúc gồm hai yếu tố: “yếu tố hạt nhân” - như là một “nội kết” (nodalpoint) - tức yếu tố mang ý nghĩa, thường ta không ý thức mà cũng không điều khiển được; và thứ hai là “yếu tố phần ngoài”, tức một số liên tưởng phát xuất một phần từ hoàn cảnh cá nhân, một phần từ môi trường văn hóa xã hội (GW9/2, 51).

Mặc cảm có hai loại xuất phát từ hai nguồn: một là nguồn cá nhân, thường xuất phát từ một kinh nghiệm đau thương hay tủi nhục. Kinh nghiệm đó nửa bàng bạc trong ý thức nửa ẩn hiện trong tiềm thức; do đó được gọi là mặc cảm của bản thân hay của vô thức cá nhân. Nguồn xuất phát thứ hai là từ vô thức tập thể, thông qua những hình ảnh sơ cổ và trường tồn gọi là mẫu tượng (archetypes) được lưu truyền trong các truyền thống văn hóa và tôn giáo của loài người.

Sự phân chia trên đây dĩ nhiên chỉ có tính chất sư phạm cho dễ nhận định, còn trong thực tế thì không hề có những mặc cảm đứng độc lập một mình như những hải đảo. Nhiều thứ và nhiều loại mặc cảm được đan kết, phối hợp và tham chiếu với nhau: giữa các nguồn phát xuất là cá nhân và tập thể, cũng như giữa các loại mặc cảm như tâm trạng và thái độ, bản năng sinh tồn, tương quan liên lạc, tiến trình phát triển…

Để minh họa sự hình thành, phối hợp và tham chiếu giữa các mặc cảm với nhau, nhất là giữa hai tầng cấu trúc là “yếu tố hạt nhân” và “yếu tố phần ngoài”, người ta lấy ví dụ hình ảnh “người cha”: một Thượng Đế theo văn hóa Trung Hoa, Brahma theo văn hóa Ấn Độ, Zeus theo văn hóa Hy Lạp, Jehova-Đấng Hằng hữu Tự hữu theo mạc khải Do Thái… Hình ảnh “người cha” đó dâng trào lên từ các miền vô thức của loài người và tụ kết như “yếu tố hạt nhân” (dĩ nhiên với tính cách tương tự: analogous); và ta có thể nói đến một “mặc cảm người cha” khi thực tại của hình ảnh người cha nói trên xáp chạm với tâm trạng hiện thời của bản thân một cá nhân con người, đưa đến một “cảm xúc cao độ” hoặc về tính tuyệt đối, hoặc về tình yêu đầy thương xót và lân mẫn của Đức Chúa Trời luôn thành tín và rộng lượng tha thứ. Một khi được “tụ kết” (konstelliert: constellated) lại như thế, mặc cảm mang một sinh lực vượt hẳn khả năng suy nghĩ, cảm xúc và nhận thức bình thường của con người, và mặc cảm tồn tại trong ý thức như một “thực tại sinh động xa lạ” (“belebtes corpus alienum”).

Do đó C.G. Jung nói: “Ngày nay ai nấy đều biết, mọi người đều có mặc cảm, nhưng sự kiện mặc cảm chiếm đoạt con người là điều ít người biết”, mặc dầu chính đó là vấn đề cơ bản cần phải nắm vững, để đừng quá tự hào hoặc quá tự tin về ý thức được đề cao là tuyệt đối của con người, và để từ đó có thể rộng mở ý thức của con người ra những thực tại lớn lao hơn nữa.

Giải Mở Và Phát Huy Mặc cảm

Đứng trước mặc cảm, con người có thể có bốn thái độ sau đây: vô ý thức, đồng nhất với mặc cảm, phóng chiếu mặc cảm lên kẻ khác, giáp mặt với mặc cảm. Chỉ có thái độ sau cùng này mới là thái độ có khả năng giải mở và phát huy mặc cảm.

Giáp với mặc cảm là trước hết ý thức ta có mặc cảm và biết được mặc cảm đó từ đâu tới và mang những nội dung gì. Bước đi thứ nhất này đôi khi cũng đưa lại phần nào giải quyết; giống như sợi dây thừng, trong bóng đêm người ta mới nhìn lầm thành con rắn; nhưng trong ánh sáng ban ngày, người ta sẽ thấy rõ, sẽ phân biệt và sẽ không còn sợ hãi một sợi dây bất động. Nhưng bình thường chỉ ý thức mà thôi vẫn chưa đủ để có thể làm chủ được mặc cảm, nghĩa là để giải mở và phát huy mặc cảm. Bởi – như đã được định nghĩa – mặc cảm là “kết tụ những ý nghĩ mang nặng cảm xúc”, và nếu đó là những cảm xúc đau thương tủi nhục, thì sự ý thức mà thôi vẫn còn sẽ bất lực để giải mở mặc cảm. Những “năng lượng tâm thức” bị dồn nén và đầy chất nổ của mặc cảm cần phải được giải tỏa, dâng cao, “thăng hoa” (Freud: sublimation), “chuyển hóa” (C.G. Jung: transformation).

Bước đi này là một tâm trạng thông cảm, thịnh tình, âu yếm (empathy) đối với những vết thương của tâm thức, những xúc phạm, bất công, nhục mạ mà tâm thức phải gánh chịu. Cần có cảm tình và cần nói chuyện với mặc cảm, với vết thương tâm thức như với một người bạn. Vả lại mặc cảm một cách nào đó cũng thật là những nhân vật mang những tính tình riêng biệt của chúng. Cuộc đối thoại này rất cần thiết, không thể không thực hiện. Và không ai khác có thể làm thay thế cho chính mình. Điều này đòi hỏi chút ít óc châm biếm và trí óc sáng tạo, và rồi ta sẽ rất bất ngờ về kết quả tích cực của nó.

Bước đi tiếp theo – bước quan trọng và quyết liệt trong tiến trình trưởng thành con người – đó là bước “thăng hoa” hay “chuyển hóa” các vết thương, các mặc cảm của bản thân.

Những vết thương, những mặc cảm đau thương tủi nhục, nếu bao lâu chúng không được giải mở thì bấy lâu chúng vẫn nằm chôn vùi dưới những tầng sâu của vô thức, nhưng chúng vẫn không ngừng hoạt động, giống như những đợt sóng ngầm hay những núi lửa đang ầm ỉ trong lòng đất, chờ lúc thuận tiện sẽ trào dâng lên, nổ tung ra, lôi cuốn tất cả theo mình.

Có những phương pháp và những kỹ thuật tâm lý giúp nhìn biết các vết thương của mặc cảm, đưa chúng lên vùng ý thức, tiếp nhận chúng trong thân tình âu yếm, đặt chúng vào những tầng tâm thức cao, dày sâu, rộng mà ta gọi là “siêu cá nhân” (trans-personal). Khoa Tâm lý Chuyên sâu sử dụng những phương pháp và những kỹ thuật tâm lý như phân tâm, giải mã chiêm mộng, chủ động tưởng tượng (active imagination), thực hiện các nghệ thuật tạo hình. Các truyền thống văn hóa và tôn giáo của nhân loại đều có những phương thức sinh hoạt tâm lý và tâm linh – tuy trực tiếp và chủ đích tập trung vào tư tưởng, nghệ thuật và tinh thần- nhưng đã đem lại những kết quả lớn lao về mặc dưỡng sinh và trị liệu tâm lý. Những phương thức sinh hoạt tâm lý và tâm linh đó đã góp phần vào việc “thăng hoa” và “chuyển hóa” những mặc cảm, đồng thời đón nhận những “năng lượng tâm thức và tâm linh” hàm chứa trong các mặc cảm – nhất là các mặc cảm phát xuất từ vô thức tập thể với những mẫu tượng đầy năng lượng sáng tạo của chủng loại con người – để phát triển đến thành toàn tâm thức và Tự ngã của con người.

-----o0o-----

Trích: Tâm Lý Học Chuyên Sâu – Ý Thức và Những Tầng Sâu Vô Thức

Tác giả: Lưu Hồng Khanh

Nhà Xuất Bản Hồng Đức, 2017

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan