RỘNG LƯỢNG LÀ MỘT HÀNH ĐỘNG TỰ NHIÊN - ĐƠN GIẢN HƠN TA NGHĨ – SYLVIA BOORSTEIN

RỘNG LƯỢNG LÀ MỘT HÀNH ĐỘNG TỰ NHIÊN

ĐƠN GIẢN HƠN TA NGHĨ – SYLVIA BOORSTEIN

–––––o0o–––––

Nhưng bạn không cần phải có con hoặc cháu mới có thể hiểu được việc ấy. Chân lý về không có một cái tôi riêng biệt này tự nó sẽ hiển lộ khi tâm ta được an tĩnh. Tôi thấy rõ điều ấy những khi có một tai họa nào đó xảy ra. Một chiếc phi cơ chở đầy hành khách rớt trên sông Potomac, những người qua đường liều mình nhảy xuống dòng sông đông đá lạnh cóng để cứu người khác –...
RỘNG LƯỢNG LÀ MỘT HÀNH ĐỘNG TỰ NHIÊN - ĐƠN GIẢN HƠN TA NGHĨ – SYLVIA BOORSTEIN

Tôi cảm thấy rất thán phục mỗi khi được chứng kiến những hành động nhân ái hoàn toàn không vị kỷ. Chúng là những ví dụ cụ thể nhất cho ý niệm về vô ngã của đức Phật. Lẽ dĩ nhiên, thân ta, nói về mặt vật lý, là tách biệt với những thân thể khác, nó vào ra thế giới này ở những thời điểm khác nhau và không gian khác nhau. Nhưng cái bản chất tâm thức có mặt trong những thân ấy thì chỉ là một mà thôi. Ý thức được việc ấy, các nỗi sợ hãi của ta sẽ tan biến và thái độ chia sẻ sẽ là một hành động hoàn toàn tự nhiên.

Một người đàn bà trẻ hơn tôi nhiều đang thay y phục cạnh tôi trong phòng thay đồ của một nhà tập thể dục. Chúng tôi đang bàn về những ích lợi của việc tập thể dục đều đặn, giữ cho thân thể được thon và khỏe. Cô ta nói thêm: “Em mới vừa bị mổ vài tháng trước và bác sĩ của em rất ngạc nhiên về sự phục hồi sức khỏe nhanh chóng của em”.

“Cô bị mổ gì?”, tôi hỏi.

“Em cho đứa em gái một cái thận của mình. Nó bị bệnh tiểu đường và cần phải thay thận”.

Cô nói bằng một giọng hết sức bình thường như là cô nói: “Em có một chiếc xe đạp không dùng đến…”. Đối với cô ta, chuyện ấy hoàn toàn như không có gì là đặc biệt. Một chuyện cần làm phải làm, thế thôi.

Tôi đã có nhiều năm đặc biệt suy nghĩ về một câu chuyện của Đức Phật. Trong một tiền kiếp của ngài, đức Phật đi trên một con đường núi, chợt ngài nghe có tiếng khóc phía bên dưới vực thẳm vọng lên. Nhìn xuống dưới vực sâu, ngài thấy đang có một bầy cọp con đang bị đói khát, và một cọp mẹ quá yếu đuối không còn đủ sức để nuôi chúng. Đức Phật tương lai không chút do dự, tự lao mình xuống vực thẳm để hiến thân nuôi bầy cọp con đói khát.

Câu chuyện ấy được kể để làm ví dụ về sự bố thí. Nhưng nó làm cho tôi hơi lo, vì tôi không thể nào tưởng tượng được một thái độ vô ngã tự nhiên đến vậy!

Nhưng bây giờ thì tôi đã có thể. Tôi có năm đứa cháu. Đối với chúng, tôi không hề có một chút do dự nào về hành động lao xuống vực thẳm. Và tôi cũng sẽ không hãnh diện về việc ấy, vì thật ra đó chẳng có gì là to tát cả. Tôi không thể không làm được. Cái to tát là bước kế tiếp, là làm sao luôn nhớ rằng bất cứ một đứa cháu nào, của bất cứ ai, cũng đều là của ta. Và đứa cháu nào của ta cũng là cháu của tất cả mọi người.

Nhưng bạn không cần phải có con hoặc cháu mới có thể hiểu được việc ấy. Chân lý về không có một cái tôi riêng biệt này tự nó sẽ hiển lộ khi tâm ta được an tĩnh. Tôi thấy rõ điều ấy những khi có một tai họa nào đó xảy ra. Một chiếc phi cơ chở đầy hành khách rớt trên sông Potomac, những người qua đường liều mình nhảy xuống dòng sông đông đá lạnh cóng để cứu người khác – không phải vì đó là những người họ biết, mà vì những người ấy đang cần sự cứu giúp. Lửa cháy trên toàn nhà World Trade Center, người ta phụ khiêng một người bạn ngồi trên xe lăn xuống sáu mươi bảy tầng thang lầu, không kể gì đến hiểm nguy của chính họ. Không một ai nghĩ: “Tôi sẽ ra tay nghĩa hiệp”, hoặc “Tôi sẽ làm chuyện nhân ái”.

Khi tâm ý ta tĩnh lặng, ta nhận thức được mỗi chúng ta đều là một phần tử của nhau. Thật ra tôi nghĩ, chữ rộng lượng cũng chưa được chính xác lắm, vì ta vẫn còn nghĩ đến có người ban cho và người thọ nhận. Khi sự chia sẻ là một việc làm tự nhiên và tự động, chúng ta gọi đó là bi.

Tôi thường nghĩ rằng, nếu tôi xem mọi người khác như là thân thuộc của tôi, điều đó sẽ trở thành một gánh nặng. Nhưng sự thật là ngược lại! Khi một người nào tôi biết làm một việc gì đó đáng ca ngợi, tôi không cảm thấy tôi cần phải làm việc ấy. Vì các vị ấy đang thay mặt cho tôi, hoặc cũng chính là tôi, đang gánh vác công việc ấy. Mẹ Theresa giúp những người khốn khổ giùm tôi, Beethoven sáng tác nhạc giùm tôi, Thánh Gandhi tranh đấu giùm tôi… và bạn cũng chính là tôi nữa.

–––––o0o–––––

Trích: "Đơn Giản Hơn Ta Nghĩ"

Tác Giả: Sylvia Boorstein

Dịch Giả: Nguyễn Duy Nhiên

NXB: Phương Đông in năm 2017

Ảnh: Nguồn Internet

 

Bài viết liên quan