SỐNG THẬT VỚI BẢN THÂN - Tiến Sĩ John Izzo

SỐNG THẬT VỚI BẢN THÂN

Tiến Sĩ John Izzo

-----o0o-----

Đi theo tiếng gọi của con tim và sống thật với bản thân cũng bao gồm những vấn đề to tát hơn. Sự nghiệp và công việc của tôi trên đời này có thể hiện con người đích thực của tôi hay không? Cuộc đời của tôi có thật sự là “con đường” của tôi hay không? Tôi có đang là con người mà tôi muốn mình trở thành hay không?
SỐNG THẬT VỚI BẢN THÂN - Tiến Sĩ John Izzo

Tiến sĩ Izzo đã chia sẻ các bài diễn thuyết trên khắp thế giới cùng với các chính trị gia, những nhà hoạt động vì môi trường, các biểu tượng của cộng đồng, những người đứng đầu tổ chức và các ngôi sao điện ảnh như Ken Blanchard, Bill Clinton, David Suzuki, Oprad Winfrey, Peter Mansbridge, Jane Fonda và Tiến sĩ Brian Little, và ông được mời diễn thuyết cho hàng tram khán giả mỗi năm.

Ông đã viết và xuất bản hơn 600 bài viết, và là tác giả của ba quyển sách bán chạy tại Mỹ: Second Innocence, Values Shift, và Awakening Corporate Soul Fast Company: CNN, Wisdom Network, Canada-AM, ABC, World News, Working Woman, Tuần báo Wall Street, Tạp chí McLean’s và Tạp chí INC đều đã đăng tải các nghiên cứu và ý kiến của John Izzo. Ông cũng là cộng tác viên thường xuyên của tờ báo Globe and Mail và Tạp chí Association management.

-----***-----

Bi kịch lớn nhất của cuộc sống là bạn dành cả đời để đi câu nhưng rồi bạn phát hiện ra rằng mục tiêu của bạn không phải là mấy con cá.

_Henry David Thoreau

Trò chuyện với vài trăm người về ý nghĩa của cuộc sống là một món quà tuyệt vời, và cũng là một thử thách đối với bản thân tôi. Những câu chuyện mà chúng tôi được nghe đều rất sâu sắc, thú vị và thường rất thấm thía. Chúng tôi không đưa ra các câu hỏi trước giờ phỏng vấn, thế nên thật thú vị khi thấy những người được phỏng vấn ngộ ra trong lúc họ đang trò chuyện, họ nhận ra những điều sâu trong tiềm thức mà họ đã biết từ trước. Có những lúc tôi cảm thấy như thể tôi đang chứng kiến những con người khôn ngoan khám phá ra bài học hạnh phúc của chính họ. Những lúc khác, tôi lại thấy rất rõ ràng rằng những chân lý mà họ đang chia sẻ với tôi chẳng có gì xa lạ đối với họ cả; họ không những đã nhận biết những điều này từ lâu mà họ còn đã chia sẻ chúng với mọi người qua một vài hình thức nào đó trong nhiều năm rồi.

Thách thức mà chúng tôi phải đối mặt chính là đi tìm mẫu số chung trong nhiều câu chuyện mà chúng tôi được nghe. Người ta miêu tả những điều giống nhau bằng những lời lẽ rất khác nhau. Điều này khiến tôi nhớ lại một trò chơi thuở ấu thơ, trong đó một dãy người lần lượt rỉ tai nhau về một bí mật, người này thì thầm truyền đạt bí mật cho người kế tiếp, cho đến khi thông điệp gốc đã bị “tam sao thất bản”. Tôi đã phải lắng nghe các từ ngữ và những câu chuyện một cách cẩn thận để rút ra được lý lẽ sáng suốt cốt lõi trong đó.

Có một câu hỏi rất rõ ràng đó là, có hay không một điều nổi bật nhất, một bài học thật sự để có được một cuộc sống hạnh phúc và mãn nguyện.

Tôi tin rằng có một bài học như thế, và đó là điều đầu tiên mà chúng ta phải khám phá về cuộc sống nếu ta muốn sống khôn ngoan.

Có một nhóm từ và ý tưởng đã xuất hiện hết lần này đến lần khác. Người ta cứ nói mãi về những thứ như “bạn phải đi theo tiếng gọi con tim”, “bạn phải sống thật với bản thân”, “bạn phải biết bạn là ai và tại sao bạn tồn tại ở đây”, và “bạn phải biết điều gì là quan trọng đối với mình”. Điều giúp tách biệt những người sống viên mãn và chết thanh thản với đa số chúng ta chính là họ liên tục tự hỏi bản thân xem họ có đang sống cuộc đời mà mình mong muốn hay không, và đi theo tiếng gọi con tim để tìm kiếm câu trả lời. Bài học đầu tiên là hãy thành thật với bản thân, là chính mình, và sống có chủ đích.

Chọn Sống Một Cuộc Sống Có Ý Thức

Nếu chúng ta muốn làm những gì mình cho là đúng đắn và sống thật với bản thân, thì trước hết ta phải chọn sống một cuộc sống có ý thức. Nhưng điều đó nghĩa là sao? Triết gia Socrates đã nói rằng một cuộc đời không được suy xét là một cuộc đời không đáng sống. Một cách diễn đạt khác là: bạn phải liên tục xem xét cuộc đời mình để đảm bảo rằng nó đi đúng hướng, nếu không thì cuối cùng bạn có thể sẽ sống cuộc đời của kẻ khác, tức là bạn sống đến cuối đời mới nhận ra rằng mình đã đi con đường không phải của mình.

Tôi đã học hỏi được từ những người này rằng thông thái nghĩa là suy ngẫm nhiều hơn, tự hỏi hết lần này đến lần khác (và thêm nhiều lần nữa) xem cuộc đời mình có đang đi đúng hướng hay không, đồng thời liên tục điều chỉnh để đến gần hơn với cuộc sống mà mình khao khát. Ngược lại với những người mà chúng tôi đã phỏng vấn, có nhiều người sống mà hoàn toàn không suy xét cuộc đời mình, họ chỉ đơn giản là trải nghiệm và hiếm khi hỏi xem phải làm gì để đến gần hơn với con đường mình muốn.

Bà Elsa, 72 tuổi, đã đúc kết về quan điểm sống một cuộc sống có suy xét và có ý thức. Khi tôi xin bà cho tôi một lời khuyên dành cho những người trẻ tuổi đang tìm kiếm hạnh phúc và mục đích sống (một yêu cầu mà tôi đã hỏi tất cả những người được phỏng vấn), bà đã nói: “Ta không thể làm được. Để nói với một người về bài học hạnh phúc thì ta phải ngồi trò chuyện với người đó, phải nhìn sâu vào mắt họ, tìm hiểu xem họ là ai, ước mơ của họ là gì. Ta nói như vậy vì bài học hạnh phúc là hãy sống thành thật với bản thân”. Mỗi người chúng ta đều có một con đường đúng đắn nhất với mình và nếu ta đi theo con đường đó, ta sẽ tìm được hạnh phúc. Câu hỏi là những người hạnh phúc đặt ra không phải là họ có đang tập trung vào những điều quan trọng hay không, mà là họ có đang tập trung vào những điều quan trọng đối với họ hay không!

Ba Vấn Đề Mấu Chốt

Nhưng chúng ta làm thế nào để sống thật với bản thân? Bài học chính là hãy sống có chủ đích, hãy kiên trì và thường xuyên đặt ra ba câu hỏi mấu chốt về cuộc sống:

1. Tôi có đang làm những điều mình cho là đúng đắn và sống thật với bản thân hay không?

2. Cuộc đời của tôi có đang tập trung vào những điều thật sự quan trọng đối với tôi hay không?

3. Tôi có đang là con người mà tôi muốn mình trở thành trong thế giới này hay không?

George, 71 tuổi, là một giáo sư vật lý đã về hưu. Ông đã dạy dỗ lớp trẻ thuộc nhiều thế hệ trong gần 40 năm, thế nên rất dễ hiểu khi tôi hỏi ông đã rút ra được điều gì về cuộc sống qua việc dạy dỗ hàng ngàn sinh viên đó. Ông trả lời rằng ông đã thấy “có một sự khác biệt rất lớn giữa những sinh viên theo đuổi và không theo đuổi đam mê của mình”. Ông nói với tôi rằng một số sinh viên đang thực hiện ước mơ của người khác, có thể là của cha mẹ họ, hoặc đơn giản là họ đang lang thang trong một lĩnh vực không phù hợp với bản chất chân thực nhất của mình. Những sinh viên này luôn phải loay hoay vật vã. Trong khi những người khác thì đang “đi theo tiếng gọi của trái tim, và thậm chí nếu không phải là những sinh viên thông minh nhất thì bằng cách nào đó, các em cũng vượt qua khó khăn. Nhiều năm sau, tôi gặp lại nhiều em trong số đó, và những ai theo đuổi ước mơ của mình vẫn tiếp tục thành công, còn số em còn lại thì có vẻ vẫn phải chật vật cả đời”. Cũng như Tiến sĩ George đã thấy được từ các sinh viên của ông, tôi cũng nhìn ra khoảng cách tương tự giữa những người mà tôi phỏng vấn. Khi bạn làm theo những gì mình cho là đúng đắn, điều đó sẽ tạo ra khác biệt một trời một vực. Hết lần này đến lần khác, tôi đã nhìn thấy quả ngọt của việc thành thật với bản thân, cũng như quả đắng có thể khiến chúng ta gục ngã khi ta không làm được điều đó.

Thường thì suy nghĩ không giống thật với “bản thân” nảy mầm từ rất sớm trong cuộc sống của chúng ta, khi mà ta so sánh bản thân mình với người khác, thay vì tự hỏi ta muốn làm gì với cuộc đời mình. Antony, một trong những người mà tôi đã phỏng vấn, là một diễn viên 86 tuổi vẫn thường xuyên làm công việc chỉ đạo và biểu diễn. Ông đã luôn đi theo con đường mà ông thấy phù hợp với mình nhất trong hơn 70 năm: diễn xuất và giúp người khác giải trí. Cho đến giờ thì bác sĩ của ông cũng nói với ông rằng “cho dù ông đang làm gì thì hãy cứ tiếp tục thực hiện điều đó bởi vì nó thật sự có hiệu quả cho sức khỏe của ông”. Antony nói với tôi “tất cả những gì tôi làm là thành thật với bản thân mình”.

Ông muốn nói rằng khi còn rất nhỏ, ông đã luôn quan sát những cậu bé học lớp trên. Mỗi năm, ông sẽ chọn một trong số họ và nghĩ “Mình muốn trở nên giống như anh ta”. Rồi một ngày kia, ông nhận ra rằng ông không phải là những cậu bé đó. Con đường dẫn đến hạnh phúc không phải là quyết định xem muốn trở nên giống ai, mà là xác định xem điều gì mới là đúng đắn nhất đối với ông. Ông khuyên, “Đừng cố gắng trở thành một ai khác. Hãy chắc rằng mình đang là chính mình”.

Nhiều năm trước, có một tạp chí đã gọi tôi là “một trong những người có nhiều khả năng nhất để trở thành Tom Peters thế hệ kế tiếp”. Tom Peters là chuyên gia kinh doanh nổi tiếng với quyển sách In Search Of Exellence. Vài năm sau bài viết đó, tôi gặp gỡ với những người gửi tôi tham gia chương trình diễn thuyết khắp nước Mỹ. Họ yêu cầu tôi cho họ biết điều gì khiến tôi đặc biệt. Tôi đã kể cho họ nghe về quyển tạp chí đó và việc tôi đã được gọi là người có nhiều khả năng nhất để trở thành Tom Peters thứ hai như thế nào! Ngay sau khi tôi nói ra điều đó thì vị CEO của công ty chuyên tổ chức các buổi hội nghị lớn nhất thế giới đã cau mày và đanh giọng: “Tôi không muốn cậu trở thành Tom Peters thứ hai; có một là đủ rồi. Tôi muốn cậu là John Izzo đầu tiên”. Tôi tin rằng ông đang cố gắng khuyên tôi điều tương tự như Tiến sĩ George đã tư vấn cho sinh viên của mình. Đây lúc nào cũng phải là câu hỏi đầu tiên: “Cuộc đời mình mà mình đang sống có thật sự phù hợp với bản thân mình hay không?” Những lời này rất bổ ích đối với tôi và dẫn tôi khám phá một cách tường tận hơn những điều giúp tôi trở nên đặc biệt và duy nhất, chứ không phải chỉ cố gắng bắt chước người khác.

Đời Bạn Có Đang Trượt Mục Tiêu Hay Không?

Khi còn trẻ, tôi đã tham gia vào trường dòng của đạo Tin Lành, học tiếng Hy Lạp và Do Thái cổ. Trong Kinh Thánh, chữ “tội lỗi” (sin) bắt nguồn từ một chữ Hy Lạp cổ trong bộ môn bắn cung. Nghĩa đen của từ đó là “trượt mục tiêu”, tức là mũi tên bắn trượt hồng tâm. Tội lỗi nặng nề nhất là trượt khỏi mục tiêu mà bạn nhắm đến cho cuộc đời của mình. Đây là lý do tại sao Wordworth, thi sĩ nổi danh người Anh, đã viết trong bài The Prelude rằng ông phải trở thành một nhà thơ “nếu không thì đó sẽ là một tội lỗi nghiêm trọng”. Theo cách này thì sống có chủ đích tức là ta tự hỏi: Cuộc đời của tôi gần hồng tâm đến mức nào?

Vấn đề sống thật với bản thân này gồm 2 mức độ. Đầu tiên ở mức độ hàng ngày, tôi có đang sống thật với tâm hồn của mình hay không? Tôi thường nói với mọi người rằng vấn đề của cuộc sống là nó diễn ra theo từng ngày! Một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa là sự tích lũy của nhiều ngày vui sống. Một điều trở nên rất rõ ràng đối với tôi khi tôi lắng nghe các câu chuyện về cuộc đời của mọi người, đó là người khôn ngoan biết một ngày tốt lành là như thế nào (một ngày tốt lành đối với họ). Ông ngoại tôi, người mà như tôi đã nói, là một trong những người già uyên bác mà tôi biết, thường nói vào mỗi cuối ngày rằng ông có được “cơn mệt mỏi lành mạnh”. Ông tương phản điều này với “cơn mệt mỏi tồi tệ”. Ông nói với tôi rằng “cơn mệt mỏi lành mạnh” xuất hiện khi con sống một cuộc đời tập trung vào những điều thật sự quan trọng đối với con. Một “cơn mệt mỏi tồi tệ” thường đến vào những lúc mà chúng ta có vẻ như đang chiến thắng, nhưng rồi ta nhận ra rằng mình không phải đang sống thật với bản thân. Đối với tôi thì yếu tố đầu tiên để hiểu được bản thân chính là tìm hiểu xem điều gì tạo nên một ngày “mệt mỏi lành mạnh” cho chúng ta.

Một trong những cách để chúng ta làm điều này là hãy nghiền ngẫm nhiều hơn. Khi ta có một ngày “mệt mỏi lành mạnh”, ta sẽ lưu ý xem ngày hôm đó có điều gì đúng đắn, những yếu tố nào đã giúp ta mãn nguyện. Khi có một ngày vất vả chán chường, ta có thể suy ngẫm về những yếu tố gây ra cảm giác “mệt mỏi tồi tệ” đó.

Khi áp dụng phương pháp đơn giản này một thời gian, tôi đã chú ý đến một vài điều như sau. Vào những ngày mệt mỏi lành mạnh, tôi gần như luôn đi ra ngoài trong một khoảng thời gian nào đó. Thậm chí chỉ 15 phút đi dạo trong công viên cũng tạo ra sự khác biệt to lớn. Vào những ngày mệt mỏi lành mạnh, tôi gần như luôn dành thời gian cho người khác, đặc biệt là cho bạn bè và gia đình. Tôi không cảm thấy công việc là một thứ nhiệm vụ; thay vào đó, tôi tập trung tạo ra sự khác biệt trong công việc của mình, và trong ngày, tôi dành một khoảng thời gian để luyện tập thể thao. Ngược lại, vào những ngày mệt mỏi tồi tệ, tôi đã tập trung vào các nhiệm vụ của mình cả ngày dài - không hề có thời gian dành cho bạn bè hay mọi người, không hề có thời gian để đọc sách hay học hỏi. Bằng cách lưu ý và nghiền ngẫm những khác biệt nho nhỏ này, tôi có thể có được nhiều ngày mệt mỏi lành mạnh hơn. Đây là một điều mà tôi đã thấy hết lần này đến lần khác nơi những người mà chúng tôi phỏng vấn: Những người hạnh phúc biết những điều gì mang lại niềm vui cho họ và luôn luôn đặt chúng vào danh sách ưu tiên.

Tôi chơi quần vợt gần như suốt cả đời mình. Khi ở trong sân quần vợt, tôi liền quên mất thời gian, mà điều này không phải là một minh họa tồi cho ý tưởng của Joseph Campbell về việc “theo đuổi niềm vui của bạn”. Vài mùa hè trước đây, tôi đã tham gia một hội trại quần vợt, và nhân viên ở đó đã cho tôi lời khuyên sau đây. Họ nói rằng đa số mọi người không hề suy ngẫm chút nào khi họ đang chơi. Nếu ghi được 1 điểm thì họ sẽ phấn khích, rồi khi bị mất 1 điểm thì họ chán nản. Đa số các tay vợt đều không thể xem xét lý do tại sao họ thắng hay tại sao họ thua. Hội trại đó đã dạy cho tôi một phương pháp đơn giản - sau mỗi điểm, hãy tự hỏi 3 vấn đề sau: Mình thắng hay thua? Tại sao mình thắng, hoặc thua? Và mình muốn thay đổi điều gì vào hiệp đấu kế tiếp, dựa vào những gì đã học được? Kỹ năng quần vợt của tôi đã tiến bộ, và cuộc đời của tôi cũng thế.

Hãy tưởng tượng xem nếu vào mỗi cuối ngày, chúng ta đều đặt ra ba câu hỏi đó: Hôm nay là một ngày mệt mỏi lành mạnh hay tồi tệ? Nếu đó là một ngày tốt đẹp, thì những yếu tố nào giúp nó tốt đẹp? Nếu nó là một ngày tồi tệ, thì điều gì đã gây ra cảm giác như thế? Và ngày mai, ta có muốn làm điều gì đó theo một cách khác hay không, dựa vào những lưu ý mà ta đã thấy hôm nay? Hãy tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu ta hỏi những vấn đề này sau mỗi tuần, sau mỗi tháng, và sau mỗi năm. Cuộc đời của ta sẽ ngày càng đến gần với “mục tiêu” của mình hơn.

Đương nhiên, đi theo tiếng gọi của con tim và sống thật với bản thân cũng bao gồm những vấn đề to tát hơn. Sự nghiệp và công việc của tôi trên đời này có thể hiện con người đích thực của tôi hay không? Cuộc đời của tôi có thật sự là “con đường” của tôi hay không? Tôi có đang là con người mà tôi muốn mình trở thành hay không?

-----o0o-----

Trích: 5 Bài Học Để Đời

Tác Giả: John Izzo

TGM Books Biên Dịch; Nhà Xuất Bản Phụ Nữ, 2018

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan