CHỮA LÀNH BẰNG TÂM THỨC - NEWTON KONDAVETI - SỰ NẢY SINH BỆNH TẬT

CHỮA LÀNH BẰNG TÂM THỨC - NEWTON KONDAVETI

SỰ NẢY SINH BỆNH TẬT

–––––o0o–––––

Thuở ban sơ, khi những linh hồn mới bắt đầu thâm nhập vào địa cầu với hình hài con người, họ còn mới mẻ với mọi thứ. Họ không biết những quy luật chi phối thế giới vật chất; họ không biết cách duy trì hình thể vật lý. Nó giống như trải nghiệm của đứa trẻ học cách xây lâu đài cát lần đầu tiên trong đời vậy. Đứa trẻ sẽ không biết cách làm cho bức tường đứng vững, hay cách ngăn tòa lâu đài khỏi bể vụn. Vậy nên nó cứ cố gắng, hết lần này đến lần khác, để xây tòa lâu đài và giữ cho tường thành đứng vững, cho đến khi nó biết cách làm đúng.

 

Do đó, việc duy trì hình thể vật lý trở thành sự lưu tâm hàng đầu của linh hồn khi họ mới bắt đầu cuộc sống. Cùng lúc đó, sự kết nối với ngôi nhà thực sự của họ - quê hương tâm linh của họ – vẫn còn rất gần với bề mặt cơ thể. Họ ý thức hơn về bản chất phiêu lưu, vui thú khi khám phá và học hỏi những gì mà họ đến địa cầu này để học. Họ có thể giao tiếp và thu nhận thông tin từ tất cả các yếu tố trong môi trường xung quanh. Sự nhận thức này cũng cho phép họ hoàn toàn thoải mái khi phải quay về vương quốc tâm linh, và có lẽ họ vui mừng vì điều đó - giống như đứa trẻ mất kiên nhẫn khi xây mãi lâu đài cát mà không được, nên nó sẵn sàng để nghỉ ngơi.

 

Cái chết, vì lẽ ấy, là quy luật tự nhiên phải được nhận biết, chấp nhận, và được tôn trọng vì vai trò quan trọng của nó trong sự tiếp diễn của cuộc sống. Mọi chuyến du ngoạn đến trần gian đều cực kỳ khó khăn và cái chết được xem là cánh cửa đến nơi nghỉ dưỡng. Nó cần được chấp nhận không phải với thái độ bất lực như ngày hôm nay mà với sự hiểu biết nó là bước đi hợp lý tiếp theo để giữ cho quá trình tiến hóa được tiếp tục. Quay trở lại nguồn cội giúp linh hồn được tái sinh và trẻ lại, cho họ cơ hội nhìn lại những trải nghiệm ở trần thế một cách tổng quan.

 

Dần dần, khi họ đã thông thạo hơn về những kỹ năng cơ bản, việc giữ cho cơ thể trái đất này sống sót, khi sự tự tin họ đang có dần tăng lên, thì phạm vi mà con người quan tâm đến cũng bắt đầu rộng ra. Con người bắt đầu để ý và thưởng thức sự đa dạng, sức sống và vẻ huy hoàng của thế giới vật chất. Cuộc thám hiểm “đấu trường vừa học vừa chơi” này bắt đầu làm họ hứng thú. Khả năng tiếp nhận thông tin qua năm cơ quan thụ cảm và xử lý bắt đầu phát triển, vì nó là điều cần thiết để phù hợp với môi trường. Họ càng khám phá thì càng có nhiều lĩnh vực trải nghiệm mới được mở ra, yêu cầu họ phải tập trung nhiều hơn thì mới học hỏi được trải nghiệm đó.

 

Thế nên, sự nhận biết về quê hương đích thực dần rút vào mặt sau của ý thức. Những hành động phức tạp con người tham gia vào đã lấy đi nhiều sự chú ý của họ. Kết quả của quá trình này là họ trở nên ngày càng xa cách với cội nguồn của mình, mất đi ý nghĩa hợp nhất với tạo hóa mà họ từng cảm thấy. Mọi thứ xung quanh họ hiện ra như một thử thách, và sự cô lập bắt đầu chui vào trong tiềm thức. Họ cảm thấy cô đơn và nhỏ bé trước những phần còn lại của tạo hóa.

 

Giống như đứa trẻ mải mê chơi mà quên mất mọi thứ xung quanh, nó giật mình sợ hãi khi nhận ra trời đã tối. Nó đói khát, mệt lử, cảm thấy bị đe dọa và bất an - nó cảm thấy trơ trọi. Tôi nhớ chuyện này từng xảy ra vài lần hồi còn bé. Tôi đang chơi ở chỗ rất gần nhà - công viên hay sân chơi mà tôi thường xuyên lui tới thì giật mình nhận ra trời đã tối và mọi người xung quanh đã về hết rồi. Tôi đã phải tự vượt qua nỗi lo lắng về sự an toàn và khả năng tìm được đường về nhà, có một lần sợ đến nỗi bật khóc. Tôi cũng nhớ cái cảm giác cực kỳ ngốc nghếch nhưng biết ơn khi cuối cùng cũng về đến nhà.

 

Tôi cho rằng, đây cũng chính là con đường chung mà chúng ta đi để được trở về nhà!

 

Do bận tâm đến các hoạt động ở phương diện vật chất này, con người không tránh khỏi việc đánh mất ký ức mình là ai, mình từ đâu đến và tại sao mình lại ở đây. Ở trên trái đất, trong khi tập trung chủ yếu vào việc bổ sung thêm sự thông thạo và kiến thức chuyên sâu, đáng nhẽ con người vẫn phải giữ được mối liên kết giữa bản thân và linh hồn - tâm thức cao cả của mình. Tuy nhiên mọi chuyện đã không diễn ra như vậy. Mỗi bước phát triển trong thế giới vật chất lại khiến con người lùi ra xa khỏi nhận thức tỉnh táo về nguồn cội của mình.

 

Con người quên mất mục đích sơ khởi và ý định của linh hồn. Sự nhận biết bản thân giảm đi và trở nên bó buộc trong ranh giới cơ thể vật lý của mình. Sự hợp nhất với tạo hóa hoàn toàn biến mất khỏi nhận thức sáng suốt của họ. Con người bắt đầu tin rằng mình dễ bị tổn thương và không nơi nương tựa, mình phải bảo vệ bản thân chống lại những người khác, chống lại sức mạnh áp đảo của tự nhiên. Họ bắt đầu cảm thấy cái chết là sự trục xuất khỏi cuộc sống, khỏi vinh quang tối hậu mà tự nhiên đã cho họ, họ sẽ phải mất đi cuộc sống.

 

Sợ hãi – triệu chứng của sự thiếu hiểu biết - đã sinh ra trong trái tim con người. Họ không cảm thấy thoải mái với thế giới và với vị trí tương quan của họ trong thế giới. Bệnh tật là thứ được khắc sâu vào cuộc đời họ. Đau yếu, giống như sợ hãi, là một trạng thái sinh ra bởi sự thiếu hiểu biết về bản sắc thật sự của con người.

 

*Tóm Tắt:

 

  • Thuở ban sơ, khi những linh hồn mới bắt đầu thâm nhập vào địa cầu, họ không biết cách duy trì hình thể vật lý.
  • Tồn tại trong cơ thể là sự lưu tâm hàng đầu của linh hồn khi họ mới bắt đầu cuộc sống.
  • Cái chết là quy luật tự nhiên phải được nhận biết, chấp nhận, và được tôn trong vì vai trò quan trọng của nó trong sự tiếp diễn của cuộc sống.
  • Nó được chấp nhận, không phải với thái độ bất lực mà với sự hiểu biết nó là bước đi hợp lý tiếp theo để giữ cho quá trình tiến hóa được tiếp tục.
  • Do bận tâm đến các hoạt động ở phương diện vật chất, con người không tránh khỏi việc đánh mất ký ức mình là ai, mình từ đâu đến và tại sao mình lại ở đây.
  • Sự nhận biết bản thân giảm đi và bó buộc trong ranh giới cơ thể vật lý của mình.
  • Con người bắt đầu tin rằng họ dễ bị tổn thương và không nơi nương tựa.
  • Sợ hãi - triệu chứng của sự thiếu hiểu biết - đã sinh ra trong trái tim con người.
  • Đau yếu, giống như sợ hãi, là một trạng thái sinh ra bởi sự thiếu hiểu biết về bản sắc thật sự của con người.

–––––o0o–––––

Trích “Chữa Lành Bằng Tâm Thức”

Tác giả: Newton Kondaveti

Người dịch: Lê Thuỳ Giang

Nhà Xuất Bản Hồng Đức.

 

Thuở ban sơ, khi những linh hồn mới bắt đầu thâm nhập vào địa cầu với hình hài con người, họ còn mới mẻ với mọi thứ. Họ không biết những quy luật chi phối thế giới vật chất; họ không biết cách duy trì hình thể vật lý.
CHỮA LÀNH BẰNG TÂM THỨC - NEWTON KONDAVETI - SỰ NẢY SINH BỆNH TẬT

Bài viết liên quan