SỰ NHÚT NHÁT - NHỮNG THÀNH TỰU LẪY LỪNG TRONG TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI - PIERRE DACO

SỰ NHÚT NHÁT

NHỮNG THÀNH TỰU LẪY LỪNG TRONG TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI - PIERRE DACO

-----o0o-----

Người ta có thể đại khái phân loại như sau: người nhút nhát thực thụ; người nhút nhát có giai đoạn; người hết sức nhút nhát; và những người mà sự nhút nhát đã triệt tiêu hoàn toàn nhân cách và hành vi cá nhân của họ.
SỰ NHÚT NHÁT - NHỮNG THÀNH TỰU LẪY LỪNG TRONG TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI - PIERRE DACO

SỰ NHÚT NHÁT LÀ GÌ?

Gần như không thể định nghĩa từ này được. Trước hết, bởi vì một người nhút nhát mang vô số yếu tố rất phức tạp, ngoài ra còn có bao nhiêu chứng nhút nhát thì có bấy nhiêu người nhút nhát…

Người ta có thể đại khái phân loại như sau: người nhút nhát thực thụ; người nhút nhát có giai đoạn; người hết sức nhút nhát; và những người mà sự nhút nhát đã triệt tiêu hoàn toàn nhân cách và hành vi cá nhân của họ.

Thêm vào đó, sẽ được ghép thêm các tình huống ghê sợ. (Thế người đó có bị nhút nhát một cách thái quá trước một người khác giới, trước uy quyền không? Nếu bởi uy quyền, thì dưới hình thức nào? Tôn giáo? Xã hội? Nghệ thuật? – Người đó có bị chứng nhút nhát có giai đoạn không? Hay nhút nhát đó là một nét thường xuyên của nhân cách?).

Như vậy, người ta thấy việc khám nghiệm tâm lý của một người nhút nhát phải được thực hiện một cách tỉ mỉ. Tất cả các nguyên nhân của sự nhút nhát phải được tìm kiếm một cách kiên trì và đầy đủ. Các nguyên nhân đó có phải xuất từ trong gia đình không? Xã hội? Tôn giáo? Tình dục? Thể chất

Người đó có phải bị nhút nhát vì quá xúc động hay ngược lại?

Và nếu người ta cố định nghĩa sự nhút nhát, người ta sẽ nêu ra một nét đặc trưng của tất cả những người nhút nhát: sự nhút nhát là một khuynh hướng cảm xúc hoặc xúc động, được biểu lộ trong những mối quan hệ giữa người nhút nhát và các người khác; đây là một loại bệnh chức năng được thể hiện bởi một sự không thích ứng tạm thời hay vĩnh viễn.

CÁC BIỂU HIỆN CHUNG CỦA NHỮNG NGƯỜI NHÚT NHÁT LÀ GÌ?

1. Các biểu hiện sinh lý.

– Rối loạn về bài tiết (mồ hôi nhất là ở các đầu chi, khô nước miếng, nuốt nước bọt một cách quá đáng).

– Sự trương giãn các mạch ngoại vi: nên có hiện tượng đỏ mặt (mà người nhút nhát phải khổ sở).

– Sự co các mạch ngoại vi: nên có hiện tượng tái mặt.

– Các rối loạn về lời nói và hơi thở; co thắt lồng ngực, dây thanh cứng đơ, tạo ra hiện tượng lời nói bị ngắt quãng, thiếu “hơi thở”, nói lắp, hơi thở từng hồi, biến giọng, giọng nói đôi khi khó nghe hoặc không thể hiểu được.

– Cứng cơ bắp: cử chỉ chủ động rất vụng về, do dự, vấp ngã, làm vỡ đồ vật, mất cân bằng…

– Run các ngón tay.

– Co thắt ở vùng trước tim: cảm giác “tim ngừng đập”, ngoại tâm thu.

– Sau một sự hăm dọa: kiệt sức, đổ mồ hôi, thụ động, tình trạng mệt mỏi kéo dài.

2. Các biểu hiện tâm lý.

Dĩ nhiên chúng rất nhiều, vì vậy người ta chỉ có thể nếu ra những nét chung mà thôi.

– Sự nhận xét sáng suốt, phạm vi ý thức bị giảm thiểu đáng kể. Chỉ mỗi một việc

ảnh hưởng người nhút nhát: đó là tình huống dẫn đến sự nhút nhát. Ngoài nó ra, anh ta không biết gì khác, không thấy gì khác, không để tâm vào việc gì khác. (Chằng hạn, sau bài thuyết trình, người đó quên hẳn các đoạn văn đã nói) – Phạm vi ý thức bị thu hẹp nên không thể có một phản ứng tức thì. Người nhút nhát cảm thấy bị tê liệt thật sự. Trí tuệ không hiển hiện nữa hoặc phản ứng một cách kỳ lạ. (Vì vậy mà đôi khi được xem là “ngu xuẩn” một người nhút nhát hết sức thông minh).

– Trái lại, tình huống ghê sợ lại được xem xét ở một mức độ tàn nhẫn. Mọi thứ được gắn chặt trong bộ não của người nhút nhát: các chi tiết nhỏ nhất, từng lời nói một; sự nghiền ngẫm tinh thần sẽ tiếp nối, xoay quanh như một cối xay.

– Nỗi hoảng sợ, với một áp lực nội tại và cái cảm giác nghẹt thở. Nỗi hoảng sợ này, có thể kéo theo hay không, ý muốn trốn chạy. Việc trốn chạy này chỉ tạm thời (người thuyết trình rút ngắn bài diễn văn). Nó có thể được tiếp nối bởi tình trạng sững sờ và bất động. Người ta hiếm thấy một sự trốn chạy thực thụ: nhưng ý muốn đẩy lùi việc trốn chạy chỉ làm tăng thêm nỗi hoảng sợ. Mọi đường rút lui đều bị chặn đứng và người nhút nhát cảm nhận nỗi sợ hãi của một con vật bị dồn vào đường cùng (điều này có thể rất ghê gớm đối với anh ta). Mà thêm vào đó và chúng ta không được quên, lý trí và trí tuệ bị giam hãm trong một bức màn sương mù tê liệt dày đặc.

– Việc từ chối đương đầu một tình huống mà người nhút nhát biết trước như một tình huống ghê sợ (Từ chối tham dự một cuộc hội họp – từ chối tham dự một bữa tiệc – từ chối bước chân vào một nhà hát – từ chối đi vào một rạp chiếu bóng trong giờ giải lao – từ chối hẹn hò trong một quán cà phê – làm cách nào đó để đến buổi hẹn sau người kia để khỏi phải gọi nước uống…).

– Nỗi hoảng sợ được đoán trước này đôi khi tạo ra những cảm giác thể chất rất khó chịu: cảm mạo giả tạo do giãn nở mạch, đau bụng do co thắt vùng thượng vị, đau tim do co thắt vùng trước tim.

Như vậy, sự nhút nhát như một thân cây mà trên có thể ghép thêm vô số cành. Rất thường là: sự phạm tội, tự trừng phạt và đồng tính (tiềm tàng hay thực thụ). Chúng ta sẽ xem xét các chi tiết ở những đoạn sau.

Trường hợp của Paul Y.

Paul Y cao lớn, gầy gò quá mức, nhún nhường. Anh ta nói lắp vì nhút nhát và hổ thẹn.

Trong buổi tiếp xúc đầu tiên, anh ta tiết lộ điều làm cho anh ta đau khổ ngoài tánh nhút nhát kia: nỗi ám ảnh tội lỗi đối với người mẹ mình, đã chết rồi. Paul đã hai mươi bảy tuổi và còn độc thân. (Người ta nghiệm thấy điều đó).

– Nỗi ám ảnh tội lỗi đó khởi phát từ lúc nào vậy? Lúc mẹ tôi chết, hay vào khoảng đó…

– Anh được mẹ anh nuôi dạy có phải không?

– … Làm sao ông biết được?

– Thế bố anh chết lúc anh mấy tuổi?

– Lúc tôi bảy tuổi.

– Không có anh hay…

– Có chứ, ồ tôi có một người chị. (Paul trở nên sôi động hẳn lên). Tôi… tôi sẽ nói cho ông biết ngay. (Anh ta rút khăn tay ra và lau mặt)… Xin ông thứ lỗi.

– Nhưng về chuyện gì?

– Ờ… (anh ta mỉm cười một cách ngu ngơ, mặc dù những công việc làm của anh ta biểu lộ một trí thông minh tuyệt vời)

– Chị anh lớn hơn anh có phải không

– Phải, lớn hơn tôi sáu tuổi.

– Thế mẹ anh là người như thế nào?

Cuộc tiếp xúc vẫn tiếp diễn. Sau khi bố chết, bà mẹ nói với người con gái:

– Con lớn hơn em con. Con đã mười hai tuổi và là một thiếu nữ rồi. Con luôn phải giúp mẹ trông nom thằng Paul, thằng bé đáng yêu. (Mặc dù “thằng bé đáng yêu” đó là một thằng nhỏ to xác và khỏe mạnh, có thể trấn áp tất cả bọn trẻ nghịch ngợm trong vùng).

Và người chị răm rắp tuân theo lời nói đó dù cho cô ta không mấy thương đứa em của mình. Tại sao thế?

– Bởi vì tôi được mẹ tôi nuông chiều, bởi vì mẹ tôi luôn muốn có một thằng con trai… ồ… mẹ tôi cũng thương chị tôi nữa, nhưng vẫn có một sự khác biệt rất lớn.

– Và vì anh là… đứa con út.

– Họ không nói “thằng út”, họ gọi là “thằng nhỏ”. (Paul cười khẩy và một cơn giận dữ làm cho anh ta đỏ mặt) – “thằng nhỏ”!… tôi không biết đã nghe cái từ này bao nhiêu lần rồi, vì thế thật là mẹ kiếp! Cho đến mức tôi muốn đập vỡ cái tường bằng đôi tay tôi.

– Và người chị anh… trong lúc “chăm sóc” cho anh… đã trả thù anh.

– Đúng vậy. Chị ấy không phải là người che chở mà chính là một con ruồi hết sức khó chịu.

Và câu chuyện của một đời người được phơi bày. Bà mẹ của Paul? Một người quyết đoán, xét nét, hay hờn dỗi. Và thêm vào đó “nuông chiều” đứa con trai, làm tất cả mọi thứ cho nó, ca ngợi nó trước mọi người, ngay cả trước mặt chị nó. Càng ngày người chị đó cảm thấy càng bị sa sút và trả thù nguyên nhân của sự chiếm đoạt không ngừng đó: đến lượt Paul, càng ngày anh ta càng thấy mình bị “hạn chế” trong cái tuổi trai tráng. Bởi vì chị ta “chăm sóc” cho nó nên đã báo cáo tất cả các hành vi của Paul. Tất nhiên là chẳng bao lâu sau anh ta cảm thấy như bị nghẹt thở vậy…

– Thưa ông, tôi không còn tự do làm bất cứ điều gì nữa. Không người này thì đến người kia… ý tôi muốn nói đến mẹ tôi. Tôi cảm thấy mình lố bịch, dị hợm để có thể bày tỏ được… Một hôm, quá điên tiết tôi đã đánh cho chị tôi một trận…

Chị ta không nói gì cả nhưng lại méc lại với mẹ tôi.

– Rồi sao?

– Mẹ tôi khóc. Và sau đó là cả một tấn thảm kịch. Vì tôi mà bà đã làm đủ mọi thứ, mang nhiều nỗi khổ và tôi cũng đã đáp lại bà như thế đó! Tình trạng đó kéo dài suốt một tháng. Một tháng trách móc ròng rã, giận hờn (ông biết không “không, tao không hôn mày nữa, tao không tha thứ cho mày,…”).

– Ông thấy đấy, chị tôi đã chiến thắng và còn làm tới nữa chứ. Trong khi

đó, tôi càng cảm thấy mình ngu ngơ hơn nữa…

– Anh không bao giờ nghĩ đến việc bỏ nhà à?

– Không, mặc dù tôi rất muốn lắm… Tôi cảm thấy mình quá trơ trọi, quá kém cỏi để một mình đối mặt với một tình huống mà đối với tôi là hết sức tuyệt vời… Tôi bất động, không ngừng tự trách mình là một thằng hèn, một thằng khiếp nhược. Tôi là “thằng nhỏ”! Ngay cả bà chị tôi, đôi khi gọi tôi như kêu mấy con gà: “em ơi, em ơi, em ơi”. Đến lúc đó tôi muốn giết chị ta quá chừng. Và tất cả các cơn giận dữ mà tôi phải đè nén… Tôi trở nên nhút nhát một cách quái dị. Tôi không còn dám ngước mặt nhìn bất cứ ai khác. Tại bàn ăn, bên này là chị tôi, còn bên kia là mẹ tôi luôn nhìn tôi tiếp thức ăn cho tôi cho đến mức cắt thịt ra cho tôi… đem nước uống cho tôi. Và lúc đó, sẽ là vô ích nếu nói ra bất cứ điều gì…

– Và không có ai nói cho bà ta biết hay sao?

– Ông thử nghĩ xem? Nói cái gì bây giờ? Bởi vì bà ta tốt một cách quá

đáng, bởi vì bà ta làm tất cả mọi thứ vì tôi, vì tôi mà bà ta có thể bán cả quần áo của mình! Vì vậy, tôi không được nói bất cứ tiếng nào chống lại bà ta! Chúa ơi!…

– Tôi hiểu rồi.

– Khi có một người lạ đến thì tôi bước vào. Ánh mắt chiêm ngưỡng của bà mẹ nhìn “thằng nhỏ” như người ta nhìn một vật gì quý hiếm, đẹp nhất, thông minh nhất; và dường như mẹ tôi muốn nói “chính tôi đã tạo ra sản phẩm này đấy, với tất cả những thiếu thốn…”. Tôi là vật mà người ta đang nhìn và tôi nói “Xin chào ông, chào bà”. Tôi là đứa mà trên bàn ăn, mẹ tôi nói trước mặt mấy người khác “Con hãy ngồi cho ngay lại, con hãy ngồi cho tử tế coi”. Con đã ăn đủ chưa? Các vị biết không, “thằng nhỏ” nó quá nhút nhát”. (Paul nắm hai bàn tay lại). Trời ơi không biết sao mấy chuyện đó làm cho tôi khổ đến thế… với tất cả những thành ý nhất trên đời!… Nhưng vào thời điểm đó, tôi chưa hiểu rõ cho lắm. Đương nhiên là tôi có phản kháng lại, nhưng bất cứ hành động nào để chống đối lại mẹ tôi, đều bị tiêu tan ngay tức thì, bởi vì mẹ tôi làm tất cả vì tôi! Chống đối mẹ tôi trong nội tâm tôi, là một hành vi thật là quái quỷ làm cho tôi nghẹn ngào và buộc tôi phải phục tùng hơn nữa.

Như thế, người ta đã thấy rõ câu chuyện… Một sự nhút nhát mãnh liệt đã hình thành. Nhiều cuộc chống đối kinh hồn vây quanh, nhưng liền bị đè nén lại. Và liên tục như thế, không ngừng nghỉ.

Thế Paul có yêu mẹ anh ta không? Hay thù ghét bà ta? Chắc ở đây có hai phản ứng xảy ra cùng một lúc, dù có ý thức hay không, tự đối nghịch với nhau, làm sinh sôi nỗi lo âu, sự hối hận và mệt nhọc. Tuy vậy vẫn có thể có một lối thoát: sự hận thù đối với người chị. Tại sao thế? Bởi vì nếu bà mẹ là người không được đụng đến, nếu bà mẹ là người mà các định luật đạo đức cấm không cho đụng tới, thì người chị, trái lại là người không bị cấm kỵ. Về mặt nào đó, là điều may khi Paul đã lợi dụng được cơ hội này. Đó là một cái van xả hơi để cho Paul trút bỏ hết các vụ chống đối mẹ mình: đó là những giấc mơ trong giấc ngủ. Mỗi đêm anh ta nằm mơ: mơ đến các cuộc cãi vã dữ dội với mẹ mình. Anh ta không ngừng trách móc bà ta, không cần giữ ý tứ mà ngay ngày hôm sau làm cho anh phải xấu hổ!

Tất cả những chuyện này đi theo cùng Paul cho đến năm anh hai mươi tuổi. Nhút nhát quá đáng, hoang mang, run rẩy trước bất cứ một tình huống mới nào, “thằng nhỏ” nhìn thấy mẹ mình qua đời. Anh chàng cảm thấy vừa nhẹ nhõm vừa hối hận, cũng đương nhiên thôi.

Nhẹ nhõm bởi vì sự mất mát này sẽ cho anh sự tự do mà trước đây anh ta chưa hề biết, mà sự nhút nhát của mình đã ngăn chặn anh ta lại, không cho anh ta được hưởng thụ nó, bởi vì anh ta không tài nào khai thác nó được.

Hối hận, bởi vì anh tự xem mình như là “một con quái vật ghê tởm” khi cảm thấy nhẹ nhõm. Và một thảm kịch mới lại khởi phát nơi Paul, thêm vào một cái sẵn có: người chị anh ta bỏ anh ta để đi lấy chồng. Nhưng dù cho Paul có thù ghét chị mình đến đâu đi nữa thì anh ta cũng đã quen thói dựa dẫm vào chị ta rồi!

Như thế Paul đã hai mươi tuổi, một mình không một chỗ dựa và cũng không có các lời phê bình đánh giá nào nữa. Giờ đây anh ta chìm trong sự nhút nhát, bất lực, cô đơn với cảm thức dữ dội về mình là một chàng thanh niên không ra gì, ngu xuẩn, không thể làm được bất cứ điều gì, bị hối hận ám ảnh.

Vì có một ít tiền, anh ta hăng say theo học ngành quảng cáo. Vì hai lý do: có một nghề nghiệp tự do để tránh tối đa sự giao tiếp với các người khác (vì nhút nhát); và để quên đi cái tình trạng nội tâm luôn hoảng sợ và hối hận. Anh ta cứ lặp đi lặp lại không ngừng “Tôi không có phiền muộn, tôi thật bỉ ổi”. Vả lại có rất nhiều người nói “Mẹ anh là một người thật tốt! Bà đã cho anh tất cả, điều mà người ta không thường thấy…à! Anh thật có diễm phúc?”

Và trước những câu nói đó, Paul luôn tự nhủ “Mình thật bỉ ổi mình là một con quái vật vong ân!”. Và vài năm trôi qua trên lớp dung nham âm ỉ đó… Paul gặt hái được vài mảnh bằng và bắt đầu đi gõ vào vài cánh cửa. Nhưng chúng ta đừng quên rằng Paul là một người nhút nhát thực thụ và hay bị ám ảnh. Anh ta rất dễ bị kích thích, gầy gò và bị loét dạ dày. (Vả lại quân đội đã cho anh ta miễn dịch vì thiếu sức khỏe). Anh ta có đủ khả năng để thực hiện các dự án và cho thấy trí thông minh của mình, nhưng chỉ bằng thư từ thôi! Và cũng chỉ bằng thư từ mà thôi.

Bởi vì một khi anh đối mặt với một người khác thì mọi thứ đều sụp đổ hết. Sự tê liệt nội tại chiếm lĩnh với tất cả các triệu chứng của sự nhút nhát nghiêm trọng. Các vụ kinh doanh thất bại, hết vụ này đến vụ khác. Và với mỗi vụ kinh doanh mới có thể có, Paul biết trước chắc chắn thế nào mình cũng sẽ thất bại.

Như vậy đây là một vòng luẩn quẩn của thất bại và tội lỗi.

Bây giờ chúng ta hãy dừng lại ở ngay thời đoạn này của Paul, nơi hiện giờ anh là:

1– Sự co cụm lại trước một hành động có thể, bằng những hành vi kết ghép của bà mẹ và chị – ý muốn của bà mẹ để giữ “thằng nhỏ” càng lâu càng tốt.

2– Cảm tưởng bất lực càng ngày càng mạnh hơn.

3– Sự chống đối cảm tưởng bất lực đó.

4– Dồn nén sự phản kháng chống lại người mẹ, dưới danh nghĩa cấm kỵ.

5– Trút bỏ những cơn xúc động dữ dội, thường xuyên mà chỉ có mỗi một lối thoát: sự thù ghét người chị trong nội tâm. Chúng ta phải ghi nhận là nỗi thù ghét này không được thể hiện ra bên ngoài bởi vì sự hiện diện đáng sợ của bà mẹ.

6– Cảm tưởng phải thu mình lại suốt đời, xuất hiện và phát triển tính nhút nhát. Là điều rất quan trọng khi nhận ra rằng những cảm xúc này là thường xuyên và kéo dài, hết phút này qua phút khác trong suốt hơn mười năm liền. Và điều tồi tệ xảy đến là tình trạng kiệt sức xuất hiện.

7– Cái chết của bà mẹ, sự ra đi của người chị. Paul được thả vào trong rừng, không một khí giới trong tay.

8– Nỗi ám ảnh lo sợ (cộng thêm sự mệt mỏi) giữa hai phản ứng sau đây: sự nhẹ nhõm khi được “tự do” và sự xấu hổ khi cảm nhận được sự nhẹ nhõm kia.

9– Tiếp tục nỗi ám ảnh lo sợ, lại làm tăng thêm sự nhút nhát và kiệt sức.

10– Không khả năng thích ứng với bất cứ một hành động tự nhiên nào trong xã hội.

11– Những thất bại liên tiếp, hết cái này củng cố cho cái khác.

12– Tin chắc mình bị thất bại.

13– Sự trơ lỳ toàn diện, cảm thức tội lỗi, nỗi ám ảnh kiệt sức…

Khi xem xét trường hợp này của Paul (mà đáng tiếc thay nó lại thường xảy ra) chúng ta nhận thấy rằng sự nhút nhát cơ bản của anh ta là sự nhút nhát mắc phải, có nghĩa là bị kích động và nuôi dưỡng bởi nhiều yếu tố tâm lý được dồn gộp lại và tái hiện không ngừng.

KHI NÀO SỰ NHÚT NHÁT THỂ HIỆN THƯỜNG XUYÊN HƠN HẾT?

Khi con người đó, ngay từ lúc ấu thơ, có một cách sống không bình thường và kéo dài trong các giao tiếp xã hội.

Trường hợp thông thường.

– Trẻ nít được nuông chiều quá mức bởi những cha mẹ “tưởng đã làm đúng”; các bậc cha mẹ này luôn quyết định thay cho con.

– Trẻ nít nản chí bởi một không khí quá cằn cỗi, mà trong đó tính nhạy cảm không được tự do phát triển (trường hợp một đứa trẻ mồ côi được một người lớn tuổi nuôi dưỡng)

– Trẻ nít bị thất vọng do sự thiếu vắng tình thương.

– Trẻ nít bị thất vọng do thiếu vắng sự thông cảm (thí dụ một đứa trẻ “quá duy tâm” với bố mẹ “duy vật”.

– Trẻ nít bị hạ thấp bởi một hay cả hai bố mẹ uy quyền, không muốn chấp nhận một ý chí khác hơn họ.

– Trẻ nít mà người cha cho mình là siêu–thông minh và luôn biểu lộ tính này.

Cũng có những người nhút nhát “được xác định”: “… Tôi trở nên nhút nhát bởi vì tôi bị lé mắt…”

– “Tôi trở nên nhút nhát bởi vì tôi có cảm tưởng mọi người cứ nhìn vào cái mũi của tôi, mà tôi nghĩ nó quá dài…”

– “… Tôi trở nên nhút nhát bởi vì tôi nhỏ con…”

– “… Tôi trở nên nhút nhát bởi vì tôi có tóc hung…” (con gái)

– “… Tôi trở nên nhút nhát bởi vì tôi quá lớn con…” (con gái)

– “… Trong lớp người ta luôn chế nhạo giọng nói của tôi… cô giáo làm tôi mất thể diện trước mặt các bạn đang cười ha hả…”

– “… Phải chi tôi giàu và tôi có một chiếc Mercedes 300 SL, tôi xin thề với các bạn là tôi không còn nhút nhát nữa…”

Trong các trường hợp trên, sự nhút nhát được chính các đương sự tiết lộ. Nhưng các nguyên nhân đó… có phải đúng là nguyên nhân không? KHÔNG!

Đó là những người nhút nhát thực thụ nhưng họ lại “tìm một thủ phạm”. Và khuyết điểm mà họ tìm thấy dường như chứng minh được sự nhút nhát này. Chúng ta nên biết rằng một người bình thường sẽ hoàn toàn dửng dưng với cái mũi, hình dáng con người hay màu tóc.

Những gì chúng ta có thể nói được, là sự nhút nhát cơ bản (mà chúng ta phải tìm ở đâu đó) được củng cố bởi một khuyết điểm về thể chất, bởi vì chủ thể đó cứ nghĩ người ta chỉ thấy có khuyết điểm đó thôi.

CÁC TÍNH NHÚT NHÁT ĐỐI VỚI Ở MỘT VÀI CÁ NHÂN

Chẳng hạn như có rất nhiều người trở nên nhút nhát trước một bộ đồng phục (nhất là cảnh sát). Tại sao thế? Bởi vì bộ đồng phục đó tượng trưng cho một rào cản, một điều không thể tranh cãi, để có thể thông cảm được. Bộ đồng phục mà Người Kia đang mặc tạo cho người đối thoại một cảm tưởng bất lực và hụt hẫng. Vì thế mới có cảm giác nhún nhường trước Người Cảnh sát, hoặc sự lạnh lùng, thô lỗ, khiêu khích (mà đây là những thứ bù trừ).

Chúng ta cũng thấy tình trạng nhút nhát nơi các người ngu ngốc. Tại sao? Bởi vì đối với người thông minh, sự ngu ngốc cũng là biểu tượng của vật cản, một bức tường. Sự ngu ngốc ngăn cản sự giao tiếp. Người thông minh không thể nào sử dụng ngôn ngữ của người ngu ngốc để làm cho hiểu được mình. Như thế người thông minh và nhút nhát sợ bị chế giễu (nhục nhã và hụt hẫng) mà không có khả năng trả lời được.

Như vậy, về cơ bản, luôn có những hiện tượng hụt hẫng và tự ti.

Như thế nét đặc trưng của tính nhút nhát là phải biểu lộ ra trước những người khác, trước đồng loại.

Rất hiếm khi người ta thấy một người nhút nhát lên cơn lúc ở nhà (trừ phi tiên đoán được một hành động làm anh ta hoảng sợ; thí dụ một diễn giả phải nói chuyện vào lúc chiều và trong suốt ngày đó anh ta luôn cảm thấy sợ sệt)

Nhưng khi người nhút nhát chỉ có một mình, không có tình huống ghê sợ ngay trước mắt, mọi thứ đều hoàn hảo, anh ta phản ứng một cách tự nhiên.

Và nếu người ta muốn tìm sự sợ hãi chính của người nhút nhát, người ta sẽ thấy nỗi lo sợ sự chế giễu hoặc thái độ không thông cảm.

Thí dụ: Một nhạc sĩ dương cầm đó sẽ lên cơn nhút nhát nếu anh ta phải biểu diễn trước một người không phải là nhạc sĩ, có thể mỉa mai anh ta bởi vì người không biết nhạc đó cảm thấy mình thua kém và sẽ phản ứng lại bằng cách hạ thấp người kia xuống (hay mỉa mai).

Thí dụ khác: một người nào đó cảm thấy rất nhút nhát trước thuộc cấp của mình. Tại sao? Vẫn là do lo sợ bị mỉa mai. Trường hợp này thường hay xảy ra khi các thuộc cấp được tập họp lại. Chẳng hạn một trưởng phòng trước một đám công nhân. Chuyện gì sẽ xảy ra? Đám công nhân đó đại diện cho một khối thống nhất nhưng vẫn cảm thấy thua kém người trưởng phòng. Nếu người trưởng phòng không sử dụng ngôn ngữ của công nhân, sự thua kém kia của đám công nhân này sẽ khởi phát sự mỉa mai (tiềm tàng hoặc tích cực). Một sự mỉa mai mà người trưởng phòng sẽ cảm thấy bất lực, bởi vì như:

– Sợ học vấn cao và vì thế không thể sử dụng cùng chung vũ khí.

– Sợ khi phải nói chuyện quá đúng ngữ pháp mà điều này sẽ làm tăng thêm sự mỉa mai của các công nhân.

Nếu người trưởng phòng quá nhút nhát thì ông ta sẽ ra sao?

Hoặc ông ta phải trân người lại, hoặc ông ta cố vuốt ve những công nhân đó, hoặc để cho sự phẫn nộ của ông ta bùng nổ, hoặc đưa ra các hình phạt. Tất cả những phản ứng này đều bất thường.

-----o0o-----

 Trích “Những Thành Tựu Lẫy Lừng Trong Tâm Lý Học Hiện Đại”

Tác giả: Pierre Daco
Người dịch: Võ Liên Phương
Nhà xuất bản Lao động

 

Bài viết liên quan